Phát biểu thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) chiều 26/10, Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ phấn khởi khi cảm nhận những chỉ đạo của Trung ương, đặc biệt là kết quả Hội nghị Trung ương 10 vừa qua đã được hưởng ứng, triển khai và ngấm ngay vào từng đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trong tổ, cũng như các ĐBQH nói chung. Những ý kiến phát biểu rất tâm huyết, trách nhiệm, quán triệt những vấn đề chung của nghị quyết, đối với những vấn đề quan trọng của đất nước. Các ĐBQH cũng rất chia sẻ, đồng cảm, đóng góp nhiều ý kiến quan tâm chung.
Phát triển KTXH đi vào bền vững, thực chất
"Về KTXH, nhìn lại năm 2024, chúng ta đã nỗ lực rất lớn, nếu nhìn cả nhiệm kỳ thì đây có lẽ là năm phát triển nhất, thành tựu cao nhất, là năm nước rút của nhiệm kỳ Đại hội XIII. Còn nếu nhìn dài hơn một chút, trong 40 năm đổi mới thì có thể mạnh dạn nói đây là năm có những kỳ tích, thắng lợi rất vĩ đại. 40 năm trước, đất nước chúng ta vô cùng khó khăn, là nước nghèo nàn, lạc hậu, trải qua chiến tranh, bị bao vây, cấm vận... Cho đến bây giờ, vị thế đất nước chúng ta như đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng đánh giá, chúng ta có quyền tự hào, nhân dân tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng.
Quá trình phát triển có lúc này lúc khác, nhưng tổng thể đà phát triển chung rất vĩ đại, vị thế của đất nước, đời sống của nhân dân, tích luỹ của đất nước, KTXH nhiều mặt phát triển, giữ vững chủ quyền quốc gia. Chúng ta cũng mới đánh giá, kiểm điểm 55 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ. Điều cuối cùng, mong ước của Bác cũng đã thực hiện được: "Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới", Tổng Bí thư đánh giá.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, lời căn dặn của Bác rất ngắn gọn và rõ ràng, chúng ra đã làm được những điều đó. Nếu nghèo khổ thì độc lập không ý nghĩa gì, mục tiêu của chủ nghĩa xã hội là thoả mãn nhu cầu ngày càng cao của người dân thì chúng ta đã đáp ứng được. Trước đây, chúng ta mong muốn cuộc sống ấm no thì bây giờ là ăn sạch, ăn ngon; đã qua thời kỳ mặc ấm, bây giờ phải thời trang, mặc đẹp. Như vậy để thấy rõ bước phát triển của đất nước về KTXH. Quy mô nền kinh tế Việt Nam hiện nay khoảng 450 tỷ USD, xếp hạng top 40 của thế giới...
Tổng Bí thư cho rằng, vấn đề hiện tại của chúng ta là làm sao KTXH phát triển đi vào bền vững, thành quả đến tận tay người dân, phải nâng cao được mức sống cụ thể của người dân, bộ mặt xã hội thay đổi. Tăng trưởng, dự trữ ngoại tệ như thế, nhưng vì sao chưa đưa được những nguồn lực ấy vào sản xuất kinh doanh? Nếu đưa được vào nữa thì rất hay, mới phát triển được bền vững. Năng suất lao động chúng ta chưa cao, so với khu vực còn thấp. Phải đi vào những chỉ tiêu rất cụ thể, sản xuất trong nước cũng phải phát triển, nền tảng công nghiệp phải đáp ứng được yêu cầu, những ngành cơ bản, cốt lõi của nền kinh tế phải được phát triển...
"Yêu cầu của chúng ta là phải phát triển bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường. Người dân mong muốn cuộc sống ấm no, chỉ số hạnh phúc, quan hệ xã hội và môi trường tốt. Chăm lo đời sống người dân phát triển toàn diện, hài hoà, cân bằng. Chúng ta muốn phát triển với tốc độ ổn định, tầm nhìn đến năm 2045 thì phải trở về những mục tiêu phát triển bền vững, thực chất, không để xảy ra những điều bất ngờ", Tổng Bí thư nêu rõ.
Khắc phục tình trạng lãng phí, vươn mình hướng đến nhiều điều tốt đẹp hơn
Về vấn đề chống lãng phí, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết rất bức xúc và có nhiều người bức xúc về tình trạng lãng phí hiện nay: "Những vấn đề nhìn thấy được, có những mảnh đất vàng, ra bao nhiêu tiền nhưng tại sao đứng yên, chục năm rồi vẫn thấy cỏ mọc ở đấy? Vậy phải có ai đứng ra chịu trách nhiệm. Nhà nước cấp như thế nào để lãng phí thế này? Doanh nghiệp hay ai được cấp, tại sao không làm? Nếu không làm thì Nhà nước thu lại theo quy định. Nếu bảo "tôi đang làm nhưng vướng", thì vướng chỗ nào phải tháo gỡ chỗ đó. Vụ án kết thúc rồi, người vi phạm đưa ra xử lý rồi thì cũng phải có xử lý, vì đây là tài sản của Nhà nước, tiền của của nhân dân. Làm sao đừng để dân bức xúc. Cái này tỉnh làm, hay Trung ương, hay bộ, ngành nào làm, phải có địa chỉ. Nếu của Nhà nước cũng phải có cơ quan đứng ra".
Tổng Bí thư "điểm danh" những dự án rất cụ thể, như dự án chống ngập tại TP Hồ Chí Minh 10.000 tỷ, trải qua hai nhiệm kỳ, tiền Nhà nước bỏ ra rồi nhưng nhân dân TP Hồ Chí Minh vẫn ngập lụt. Nếu để thế nữa vẫn vi phạm, dù không tham ô, tham nhũng nhưng tội lãng phí. Rồi hai bệnh viện ở Hà Nam, Nhà nước bỏ tiền ra xây chục năm rồi vẫn "treo", không đưa vào sử dụng, rất lãng phí... "Kể ra nhiều lắm, ruộng đất quý thế nhưng cứ để cỏ mọc lãng phí, chả biết của ai, Nhà nước nói chia cho dân nhưng dân không còn sức lao động, chờ Nhà nước thu hồi, đền bù. Thế ở khâu nào, nếu do chính sách thì cần xem lại chính sách", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Rồi tình trạng "có tiền không tiêu được", giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng chưa được 50%, giờ còn mấy tháng tiêu được hết không? Hỏi sao không tiêu được thì bảo do vướng cái này, vướng quy định kia... Nó là cái gì, tại sao có những quy định ấy, quy định đấy là do ai? Tại sao lại để vướng thế? Khó đến đâu gỡ đến đấy. Nhà nước không làm được thì sao doanh nghiệp làm được. Hàng trăm nghìn dự án cấp cho doanh nghiệp, địa phương nhưng quá trình triển khai vướng cài này, cái kia, cứ đứng chờ nhau.
"Chính phủ vướng cái này phải trao đổi với Quốc hội, Quốc hội xem thế nào cùng gỡ vướng với Chính phủ, không thể đổ lỗi cho nhau hay chờ đợi nhau. Dân người ta nhìn thấy, người ta hỏi thì mình phải tìm cách, phải có trách nhiệm trả lời cho dân", Tổng Bí thư lưu ý. Cùng với đó, Tổng Bí thư cho rằng, cần nhìn ra thế giới tiến bộ để học tập, vươn mình, hướng đến nhiều điều tiến bộ hơn, sánh ngang với các nước phát triển...
Chống lãng phí phải quyết liệt như tham nhũng
Trước đó, góp ý vào báo cáo tình hình KTXH, ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho rằng, tinh thần phòng, chống lãng phí như tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm chưa được đề cập nhiều, nhất là phần giải pháp. Báo cáo chỉ nêu giải pháp đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, trọng tâm là hoàn thiện thể chế để kiểm soát tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; kiểm soát tài sản, thu nhập... Chủ yếu nói phòng chống tham nhũng, giải pháp liên quan lãng phí chưa được đề cập nhiều.
Trong khi bài phát biểu của Tổng Bí thư đã nêu lên những vấn đề lãng phí trong thời gian vừa qua, như lãng phí trong công tác xây dựng pháp luật; lãng phí thời gian, công sức vì thủ tục hành chính rườm rà; lãng phí cơ hội phát triển, lãng phí từ việc cán bộ né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm; lãng phí tài nguyên thiên nhiên, tài sản công; lãng phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng...
"Đồng chí Tổng Bí thư đề cập 4 nhóm giải pháp cơ bản liên quan nhận thức, hoàn thiện thể chế, xử lý vi phạm, khắc phục những nguyên nhân của lãng phí, giải pháp xây dựng văn hoá không lãng phí. Trong giải pháp chống lãng phí tới đây, nếu chỉ tập trung hoàn thiện thể chế thì tôi nghĩ chưa đầy đủ. Thực tế hiện nay trong nhiều trường hợp do tổ chức thực thi không tốt, có khi thể chế có rồi. Do đó, cần tập trung đồng đều 4 nhóm giải pháp", ông nêu quan điểm.
Cũng liên quan vấn đề chống lãng phí, ĐBQH Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) cho biết, qua nghiên cứu bài phát biểu của Tổng Bí thư, đồng chí đã chỉ ra các dạng thức của lãng phí. Tiếp xúc cử tri Hưng Yên vừa rồi, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, có thể nhìn thấy ngay những lãng phí hiện hữu chứ không cần nghiên cứu, khảo sát, mất quá nhiều thời gian, vấn đề là mình có quyết tâm làm, có cách làm tháo gỡ những lãng phí hay không.
"Chúng tôi đồng tình với 4 nhóm giải pháp mà đồng chí Tổng Bí thư nêu, mong thời gian tới đồng chí sẽ chỉ đạo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chọn đúng, trúng các vấn đề về lãng phí để chỉ đạo triển khai làm quyết liệt giống như đối với lĩnh vực tham nhũng. Chúng ta không cần làm nhiều, làm dàn trải; làm một việc, một số việc mà cảnh tỉnh cả lĩnh vực, cả vùng. Chọn đúng, trúng vấn đề mà có thể xoay chuyển cả tình hình...", nữ đại biểu khẳng định.
Nguồn Báo CAND