Thông điệp từ Hà Nội: Thượng tôn pháp luật ở Biển Đông

 “Thượng tôn pháp luật là con đường duy nhất để giải quyết tranh chấp cũng như duy trì hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông” - đó là thông điệp toát lên từ các hội nghị thường niên quan trọng của các quốc gia ASEAN cũng như giữa ASEAN với các bên đối tác, đối thoại đang diễn ra ở Hà Nội.

Phó Thủ tướng Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định lập trường cần thượng tôn pháp luật trong vấn đề Biển Đông tại các hội nghị AMM 53 và các hội nghị liên quan

Trung Quốc liên tiếp vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông

Phát biểu khi chủ trì Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 10 trong vai trò nước Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch Hội nghị Cấp cao Đông Á, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nhấn mạnh lại lập trường nguyên tắc của ASEAN nêu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 diễn ra tháng 6-2020 và tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM-53) ngày 9-9.

Theo đó, ASEAN đề nghị các bên đề cao thượng tôn pháp luật, kiềm chế, không có các hành động gây phức tạp thêm tình hình, không quân sự hóa, giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình. Tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), đóng góp duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông và trong khu vực.

Việc các thành viên ASEAN xuyên suốt các hội nghị quan trọng nhất diễn ra trong năm 2020 đều nhấn mạnh tới vấn đề Biển Đông, xem đây như là một ưu tiên hàng đầu. Bởi tình hình vùng biển chiến lược này tiếp tục diễn biến phức tạp, căng thẳng do hàng loạt những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc gây ra. Việc Trung Quốc liên tiếp có các hành động hung hăng, gây hấn, nhằm hiện thực hóa yêu sách đòi chủ quyền phi pháp ở Biển Đông trong bối cảnh cả thế giới và khu vực đều phải đang dồn mọi nguồn lực để ứng phó với đại dịch Covid-19 đã bị dư luận rộng rãi lên án, chỉ trích là lợi dụng đại dịch để thực hiện tham vọng chủ quyền.

Trong đó, suốt từ đầu năm tới nay, bất chấp đại dịch Covid-19 (vốn xuất phát từ tâm dịch Trung Quốc), quốc gia này vẫn liên tiếp có những việc làm cả về pháp lý và thực địa hòng hiện thực hóa yêu sách đòi chủ quyền phi pháp theo cái gọi là “đường lưỡi bò” và thuyết “Tứ Sa”. Trung Quốc đã có những bước leo thang mới như thành lập những cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa" (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại cái gọi là “thành phố Tam Sa”; công bố cái gọi là danh xưng tiêu chuẩn của 25 đảo và rạn san hô cùng 55 thực thể ở Biển Đông mà phần lớn những đảo, rạn san hô và thực thể này nằm trong quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền hợp pháp của Việt Nam.

Đồng thời với đó, Trung Quốc liên tiếp tiến hành tập trận quy mô lớn; dùng sức mạnh của hải quân, hải cảnh, dân quân biển… để bắt nạt các bên khác trong khu vực ở Biển Đông. Trong đó hành động nguy hiểm bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ là cho tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá của Việt Nam… Trung Quốc cũng có những hành vi căng thẳng, gây hấn trên các vùng biển mà các nước thành viên ASEAN là Philippines, Malaysia, Indonesia tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, ví dụ như quấy rối hoạt động thăm dò dầu khí của Malaysia.

Ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN

Cùng với các quốc gia ASEAN, cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các cường quốc như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ… đã có những hành động cứng rắn và mạnh mẽ, về pháp lý cũng như thực địa, nhằm ngăn chặn hiện thực hóa tham vọng chủ quyền phi pháp ở Biển Đông của Trung Quốc. Về pháp lý, các quốc gia ASEAN như Malaysia, Philippines, Việt Nam, Indonesia… và Mỹ đã lần lượt chính thức hóa lập trường của mình, gửi công hàm lên Liên Hợp quốc để phản đối yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc.

Nội dung chung của những công hàm được xem là “bom tấn” dội vào yêu sách phi pháp của Trung Quốc, phản đối một cách hệ thống các yêu sách không phù hợp với luật pháp quốc tế của Trung Quốc (bao gồm yêu sách “đường lưỡi bò” và yêu sách “Tứ Sa”), khẳng định các yêu sách này hoàn toàn trái với quy định của UNCLOS 1982. Đồng thời những yêu sách này cũng vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của các bên liên quan ở Biển Đông.

Trên thực địa, các thành viên ASEAN cùng các quốc gia có lợi ích sống còn ở Biển Đông đã gia tăng cường độ các hành động đáp trả những hành vi hung hăng, gây hấn, quân sự hóa của Trung Quốc. Đặc biệt, Mỹ đã gia tăng mạnh mẽ các chuyến tuần tra, cuộc diễn tập với sự tham gia của nhiều biên đội tác chiến tàu sân bay để truyền đi thông điệp sức mạnh đáp trả Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, thông điệp quan trọng nhất và xuyên suốt từ trước tới nay của các bên liên quan gửi tới bất kỳ ai vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm chủ quyền hợp pháp của các nước là phải thượng tôn pháp luật ở Biển Đông.

Coi đó là giải pháp duy nhất đúng đắn để giải quyết các tranh chấp, đồng thời duy trì bền vững hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực. Tại các hội nghị AMM-53 và EAS diễn ra ở Hà Nội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã khẳng định rõ lập trường nhất quan của Việt Nam - quốc gia là Chủ tịch ASEAN năm 2020 - đề nghị các bên đề cao thượng tôn pháp luật, kiềm chế, không có các hành động gây phức tạp thêm tình hình, không quân sự hóa, giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình. Tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và sớm hoàn tất COC ở Biển Đông hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982. Đóng góp duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông và trong khu vực.

Lập trường của quốc gia Chủ tịch ASEAN năm 2020 được ghi nhận, đánh giá cao, nhất là qua đó góp phần khẳng định vai trò dẫn dắt đúng đắn của hiệp hội trong các vấn đề an ninh hệ trọng của khu vực. Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Mỹ trong khuôn khổ AMM-53 và các hội nghị liên quan ngày 10-9, Ngoại trưởng Mỹ Micheal Pompeo khuyến khích các nước ASEAN đoàn kết, thống nhất duy trì quan điểm chung về hòa bình ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông; giải quyết các tranh chấp trên cơ sở thượng tôn luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982; khẳng định ủng hộ ASEAN xây dựng cộng đồng, phát huy vai trò trung tâm trong duy trì và thúc đẩy hoà bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

 

Nguồn Báo An ninh thủ đô

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website