Đạt tới tầm vóc, chức vụ như ông, mấy ai có thể khiêm nhường, thẳng thắn đến như vậy? Và đó chính là phần đầu để mệnh đề sau, ông nói tới sự chung sức, đồng lòng, sự đoàn kết, nhất trí của Đảng, của dân...
Hơn 4 năm trước, tại Hội nghị cán bộ toàn quốc tổng kết công tác tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025, diễn ra ở Hà Nội ngày 19/11/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu những lời từ gan ruột của mình: “Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì, đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi phải hổ thẹn vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, mang tai, mang tiếng, mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay, ta có thể tự hào rằng: Ta đã sống có ích, đã mang tất cả đời ta, tất cả sức ta hiến dâng cho sự nghiệp cao quý nhất trên đời: Vì vinh quang của Tổ quốc, của Đảng, vì hạnh phúc của Nhân dân, của con người”…
Những lời tâm huyết ấy của người lãnh đạo cao nhất của Đảng, ánh mắt và thần thái ấy của ông khi phát biểu khiến những người có mặt tại hội nghị cũng như quốc dân đồng bào đều trào dâng niềm xúc động, trân trọng ông; không ít người tự đặt câu hỏi, cá nhân mình đã – đang – và sẽ làm gì để có ích với cộng đồng, với Tổ quốc và không sống hoài, sống phí, không phải hổ thẹn?
Nghề báo giúp tôi được quen biết nhiều người, nhiều giới. Và trong số họ, khi nói về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (từ khi ông còn là Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản giữa những năm 1990) đều bày tỏ sự kính trọng, quý mến một nhân cách, một con người tử tế và luôn sống vì lý tưởng và sự nghiệp cách mạng cao cả, trọn đời phấn đấu, phụng sự Tổ quốc. Trong một lần gặp gỡ Đại tá Nguyễn Văn Tiệc, người từng có thời gian là sĩ quan cận vệ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi nghe anh kể lại: “Bác Trọng sinh hoạt đơn giản lắm nhưng cũng có việc rất cầu kỳ, như tủ sách của bác, thì phải do chính bác sắp xếp chứ dứt khoát không nhờ ai”. Một người lính Cảnh vệ khác là ông Vũ Thiết đã nghỉ hưu nhiều năm nhưng vẫn được vào thăm và hầu chuyện Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong lần gặp mới đây tại một đám giỗ, anh vui vẻ nâng ly với tôi rồi cáo lui sớm. Anh bảo: “Chiều nay anh có lịch cắt tóc cho bác Trọng. Anh hưu lâu rồi nhưng bác vẫn tín nhiệm anh, nên hằng tháng anh vẫn đều đặn vào cắt tóc cho bác, được trò chuyện với bác. Bác lúc nào cũng trăn trở với việc nước, lo lắng để chăm lo cuộc sống của người dân”...
Đó là tâm sự của những người lính Cảnh vệ rất gần gũi với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Với các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua nhiều thời kỳ cũng đều bày tỏ sự kính trọng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trong bài viết “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân”, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước khẳng định: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một trí tuệ lớn, tài năng lớn của cách mạng Việt Nam, nhà tư tưởng, nhà văn hóa, ngọn cờ lý luận của Đảng, người học trò xuất sắc không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, sống trọn cuộc đời vì nước, vì dân”.
Năm 2018, trong bối cảnh đặc biệt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Đảng phân công, Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước. Trong lời phát biểu nhậm chức, ông đã khiêm nhường – một sự khiêm nhường của kẻ sĩ và người Cộng sản chân chính, bày tỏ những lo lắng, trăn trở của mình: “Chắc có đại biểu muốn biết, tâm trạng của tôi lúc này thế nào. Tôi xin thưa thật rằng, tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng là vì được Quốc hội, được Nhân dân tin cậy, yêu mến giao nhiệm vụ. Lo là làm thế nào để hoàn thành được thật tốt trách nhiệm của mình. Đây là tâm tư, suy nghĩ thật lòng của tôi, cũng giống như tâm trạng của tôi cách đây hơn 12 năm, khi tôi được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội khoá XI. Tôi nhớ hôm đó là vào ngày 26/6/2006, hồi 16 giờ, Quốc hội bầu tôi giữ chức Chủ tịch Quốc hội. Lúc ấy tôi cũng vừa mừng, vừa lo, phần lo là nhiều hơn, vì tôi chưa từng làm Chủ tịch Quốc hội bao giờ, chưa quen với công việc của Quốc hội (lúc bấy giờ tôi đang làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, giữ chức Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, phụ trách công tác lý luận của Đảng). Tôi lo không biết có hoàn thành được nhiệm vụ không”.
Nỗi lo của ông chính là sự tự kiểm điểm nghiêm túc với nhiệm vụ, sứ mệnh cao cả mà quốc dân, đồng bào đặt niềm tin nơi ông. Ông đã thẳng thắn nói rõ những trăn trở của mình với 3 lý do là: mặc dù cơ đồ đất nước chưa bao giờ được như ngày nay nhưng cũng đang đứng trước muôn vàn thách thức; là trọng trách vừa giữ chức vụ Tổng Bí thư, vừa giữ chức vụ Chủ tịch nước, công việc rất nhiều. Và lý do thứ 3 của ông, rất thẳng thắn, khiêm nhường và cầu thị: “Trình độ, năng lực, sự hiểu biết của tôi có hạn, tuổi tác lại đã lớn. Bác Hồ đã từng nói, khi người ta tuổi tác càng cao thì sức khoẻ càng thấp; điều đó cũng không có gì lạ”.
Đạt tới tầm vóc, chức vụ như ông, mấy ai có thể khiêm nhường, thẳng thắn đến như vậy? Và đó chính là phần đầu để mệnh đề sau, ông nói tới sự chung sức, đồng lòng, sự đoàn kết, nhất trí của Đảng, của dân: “Vì vậy, tôi rất mong được các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các vị đại biểu Quốc hội, cử tri và đồng bào cảm thông, chia sẻ, hết lòng giúp đỡ, tạo điều kiện; các cơ quan liên quan như Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội, các cơ quan tư pháp, các cơ quan, ban, ngành và các địa phương phối hợp chặt chẽ, đoàn kết thống nhất cao, giúp cho tôi có thể hoàn thành được nhiệm vụ. Riêng về phần cá nhân, tôi sẽ cố gắng hết sức mình, nỗ lực phấn đấu để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ mà Hiến pháp, pháp luật đã quy định và Đảng, Nhà nước, Nhân dân đã giao phó”.
Tròn 81 mùa Xuân trong cuộc đời của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã luôn tâm niệm, thực hiện những điều đó và ông đã mang tất cả cuộc đời ông, tất cả sức ông hiến dâng cho sự nghiệp cao quý nhất trên đời: Vì vinh quang của Tổ quốc, của Đảng, vì hạnh phúc của Nhân dân, của con người.
Giờ đây, ông đã nhắm mắt xuôi tay để đi gặp Bác Hồ. Ở nơi THẾ GIỚI NGƯỜI HIỀN, chắc chắn Bác sẽ nói với ông: “Đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, sứ mệnh cao cả của một người Cộng sản chân chính!”.
(Hà Nội, đêm 19/7/2024)
Trần Duy Hiển