Lợi ích quốc gia - dân tộc là vấn đề tối hệ trọng của mỗi quốc gia trong hoạch định, thực thi chiến lược, chính sách phát triển, bảo vệ đất nước và hợp tác quốc tế. Ngày nay, lợi ích giữa các quốc gia ngày càng đan xen trên cơ sở vừa hợp tác, vừa cạnh tranh quyết liệt trong cục diện thế giới mới với các xu thế lớn là toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; hòa bình, hợp tác và phát triển, song cũng chứa đựng bất ổn, xung đột dưới nhiều hình thức, phức tạp. Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia đã công khai quan điểm về lợi ích quốc gia - dân tộc (1).
Ở nước ta, nhận thức về lợi ích quốc gia - dân tộc được hình thành trong tiến trình lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc với sự ra đời của Nhà nước Văn Lang. Nhà nước đầu tiên, dù còn sơ khai song đã tạo tiền đề cho sự ra đời, phát triển loại hình cộng đồng mới, đó là “cộng đồng bộ tộc mang tính dân tộc”, “cộng đồng quốc gia”. Quá trình chống ngoại xâm cùng với những thành tựu về kinh tế, văn hóa - xã hội đạt được dưới sự quản lý, điều hành của nhà nước qua các thời kỳ là cơ sở vững chắc cho sự tồn tại và phát triển trường tồn của đất nước, kết tinh những truyền thống tiêu biểu cho ý thức chủ quyền, ý chí, sức sống và sức mạnh đoàn kết quật cường của dân tộc.
Kế thừa truyền thống quý báu của dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư tưởng xuyên suốt “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” - đỉnh cao của sự vận động, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta đã nhiều lần nhấn mạnh: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” (2). Trong các tác phẩm, bài nói chuyện của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần đề cập đến vấn đề “lợi ích” và nhất quán quan điểm lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, của Đảng, của nhân dân là thống nhất: “… lợi ích của nhân dân tức là lợi ích của Đảng và phải đặt lợi ích của nhân dân và của Đảng lên trên hết, trước hết”(3); “... lợi ích của Đảng tức là lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc”(4).
Trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định con đường cơ bản của cách mạng Việt Nam là: “tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Dưới ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng cùng với tinh thần “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân là yếu tố hàng đầu quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.
Đất nước hòa bình, thống nhất, trong bối cảnh và nhiệm vụ cách mạng mới, lợi ích quốc gia - dân tộc được xác định trên cơ sở giải quyết hai nhiệm vụ chiến lược là: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, Đảng xác định 06 đặc trưng, 07 phương hướng cơ bản xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; đến năm 2011 bổ sung, phát triển thành 08 đặc trưng, 08 định hướng lớn đã thể hiện khái quát bản chất xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng, đó là xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới. Tổng kết chặng đường 30 năm đổi mới đất nước, Đảng ta đã rút ra 05 bài học kinh nghiệm, trong đó, chỉ rõ: “đổi mới phải luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân…”; “phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết”(5). Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn nhiệm vụ: “Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng cùng có lợi…”(6).
Có thể thấy rằng, trong mọi giai đoạn cách mạng Việt Nam, lợi ích quốc gia - dân tộc luôn là vấn đề cốt lõi và xuyên suốt chi phối việc hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta. Những thành tựu, cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của Việt Nam đạt được như ngày nay đã chứng minh sự lãnh đạo của Đảng đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết là hoàn toàn đúng đắn, sáng suốt. Lợi ích quốc gia - dân tộc được xác định, bảo vệ đã làm thỏa mãn nguyện vọng, khát khao cháy bỏng của người dân Việt Nam trước những vấn đề sống còn của quốc gia; phù hợp với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, các chuẩn mực chung của cộng đồng quốc tế, tích cực góp phần kiến tạo, thúc đẩy hòa bình khu vực và thế giới.
Hiện nay, bối cảnh mới của đất nước ta trong xu thế mở cửa, hội nhập quốc tế và những chi phối, tác động mạnh mẽ của dòng chảy thời đại đặt ra cho cách mạng Việt Nam những thời cơ, thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức, nhất là những tác động tiêu cực từ việc thực thi chính sách vừa hợp tác, thỏa hiệp, vừa cạnh tranh quyết liệt; sự hình thành các cặp quan hệ chiến lược chi phối đời sống chính trị quốc tế cùng với quá trình xây dựng và điều chỉnh quan hệ quốc tế thông qua hệ thống luật pháp quốc tế; sự đan xen lợi ích kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh khiến lợi ích của mỗi lĩnh vực không thể phân định một cách rạch ròi; yêu cầu đòi hỏi cấp bách trong việc tiếp cận, bắt nhịp sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những tác động tiêu cực từ mặt trái của nó. Các yếu tố đe dọa bất ổn, như: chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa dân túy… ngày càng gia tăng; các vấn đề an ninh phi truyền thống, như: dịch bệnh, thiên tai, an ninh mạng, khủng bố… diễn biến phức tạp, tiềm ẩn yếu tố đe dọa khủng hoảng toàn diện trên phạm vi toàn cầu. Bên cạnh đó, còn có những thách thức từ chính những hạn chế, thiếu sót trong quá trình đổi mới đất nước chưa được giải quyết triệt để.
Điều đó đòi hỏi tham gia vào quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, nhận thức về lợi ích quốc gia - dân tộc phải đầy đủ, toàn diện hơn. Đó là cơ sở, tiền đề quan trọng xác lập, định hướng chủ trương, chính sách đối nội, đối ngoại phù hợp, đúng đắn để đạt được lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo đảm các điều kiện phát triển ổn định, vững mạnh của đất nước. Từ phương diện nhận thức, có thể luận giải nội hàm vấn đề lợi ích quốc gia - dân tộc như sau:
Thứ nhất, về lĩnh vực, lợi ích quốc gia - dân tộc bao gồm lợi ích về kinh tế, về chính trị, về văn hóa - xã hội, về quốc phòng - an ninh, về đối ngoại. Trong đó, lợi ích kinh tế là trung tâm tâm của mọi lợi ích được hình thành từ các quá trình kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Lợi ích chính trị gắn liền với sự ổn định, vững mạnh và sự lãnh đạo, quản lý, vận hành hiệu lực, hiệu quả của thể chế chính trị được xác lập trong Hiến pháp. Lợi ích văn hóa góp phần tạo ra những giá trị làm nền tảng tinh thần của xã hội. Lợi ích quốc phòng - an ninh, đối ngoại gắn với độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, sự ổn định chính trị và môi trường hòa bình, ổn định của đất nước là cơ sở, nền tảng để bảo vệ và phát huy, phát triển, mở rộng lợi ích kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội.
Thứ hai, về tính chất, lợi ích quốc gia - dân tộc gồm có lợi ích sống còn và lợi ích phát triển. Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa là lợi ích sống còn của quốc gia - dân tộc. Trong đó, lợi ích về độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là bất biến, vĩnh cửu. Trong điều kiện đất nước bị xâm lược, độc lập, chủ quyền quốc gia - dân tộc là lợi ích duy nhất. Các lợi ích khác chỉ được bảo đảm, phát triển sau khi đã giải quyết triệt để vấn đề độc lập, chủ quyền quốc gia - dân tộc. Lợi ích phát triển bao gồm khả năng tăng cường tiềm lực, sức mạnh quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; mở rộng đối ngoại, hợp tác quốc tế, nâng cao vị trí, uy tín, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế; phát huy truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc dân tộc...
Thứ ba, về lợi ích gắn với các chủ thể, lợi ích quốc gia - dân tộc gồm lợi ích của Đảng, Nhà nước, lợi ích của giai cấp và lợi ích của nhân dân lao động. Lợi ích của Đảng thống nhất với lợi ích của dân tộc, của Nhà nước, giai cấp và nhân dân lao động.
Thứ tư, trên phương diện tổng quát, lợi ích quốc gia - dân tộc bao gồm toàn bộ các yếu tố vật chất (lãnh thổ, điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, cơ sở hạ tầng, con người…) và yếu tố tinh thần (truyền thống, nền văn hóa, văn hiến, nền tảng tư tưởng, kiến trúc thượng tầng, ngôn ngữ…) bảo đảm cho sự phát triển ổn định, vững mạnh, trường tồn của đất nước. Theo đó, các yếu tố cốt lõi cấu thành lợi ích quốc gia - dân tộc hiện nay gồm: (1) Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. (2) Sự vững mạnh của Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; sự ổn định, giữ vững về chính trị, quốc phòng, an ninh. (3) Công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. (4) Nền văn hóa dân tộc. (5) Mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Với nhận thức như vậy, trong hoạch định và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lợi ích quốc gia - dân tộc và bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc thời gian tới, theo chúng tôi cần chú ý một số nội dung sau:
Một là, thống nhất nhận thức trong toàn Đảng, hệ thống chính trị và toàn dân về lợi ích quốc gia - dân tộc. Trong mọi hoàn cảnh, lợi ích quốc gia - dân tộc là trên hết; bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc là nguyên tắc tối cao của hoạt động đối nội, đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Lợi ích quốc gia - dân tộc không đồng nghĩa với lợi ích dân tộc vị kỷ, hẹp hòi, đi ngược lại với tinh thần quốc tế vô sản và mong muốn chung của nhân loại yêu chuông hòa bình. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ lợi ích quốc gia - dân tộc và đặt trong mối quan hệ hợp tác cùng phát triển, bảo đảm hài hòa và tôn trọng lợi ích chính đáng của các quốc gia và cộng đồng quốc tế.
Hai là, chú trọng công tác tư tưởng, lý luận, tập trung làm rõ nội hàm và các yếu tố cốt lõi của lợi ích quốc gia - dân tộc trong tình hình mới làm cơ sở hoạch định đường lối, chiến lược trước mắt và lâu dài. Nhận diện và giải quyết các “điểm nóng lý luận”, nhất là lý luận về đổi mới đất nước; về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về công nghiệp hóa, hiện đại hóa; về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; về bảo vệ Tổ quốc; về phát triển văn hóa… Xác lập cơ sở khoa học giải quyết các quan hệ chiến lược: giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; giữa xây và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân.
Ba là, về đối ngoại, quán triệt quan điểm đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước. Chú trọng phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị, truyền thống với các nước láng giềng, thúc đẩy quan hệ với các đối tác lớn, đối tác quan trọng, đưa các mối quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, bền vững. Bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở thượng tôn pháp luật; linh hoạt, mềm dẻo về sách lược và giữ vững nguyên tắc chiến lược; kiên quyết, kiên trì đấu tranh không khoan nhượng để bảo vệ lợi ích độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích khác của dân tộc; tôn trọng hòa bình, lợi ích chính đáng của các bên trong giải quyết các xung đột trên cơ sở luật pháp quốc gia, luật pháp quốc tế. Quán triệt quan điểm những ai chủ trương tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam là đối tác; ngược lại, bất kể thế lực nào có âm mưu, hành động chống phá, gây tổn hại lợi ích quốc gia - dân tộc là đối tượng đấu tranh.
Ba là, về đối nội, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ nền tảng tư tưởng, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; bảo vệ nhân dân, nền văn hiến, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, xây dựng xã hội trật tự, an toàn, kỷ cương, lành mạnh. Chủ động phát hiện, ngăn ngừa các nguy cơ xung đột từ sớm; kiểm soát, hạn chế các yếu tố gây đột biến, căng thẳng, đối đầu trong quan hệ quốc tế. Tăng cường tiềm lực, sức mạnh quốc phòng, an ninh; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại làm nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Bốn là, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, trong sạch, liêm chính, hiện đại, năng động. Quyết liệt đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “tự diện biến”, “tự chuyển hóa” và các biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong nội bộ. Kiện toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân.
Năm là, đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hiện thực hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa hiện đại do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, bảo đảm bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, bảo đảm hài hòa lợi ích cá nhân, tập thể và Nhà nước; phát huy mạnh mẽ ý chí, khát vọng và sức sáng tạo của nhân dân, sức mạnh đoàn kết dân tộc, sức mạnh thời đại để phát triển đất nước nhanh, bền vững. Nâng cao năng lực “làm chủ” của nhân dân kết hợp với mở rộng dân chủ trong tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội./.
Trung tướng, PGS.TS Trần Vi Dân
Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân
(1) Trung Quốc xác định lợi ích cốt lõi trong Sách Trắng về “Phát triển hòa bình của Trung Quốc” (năm 2011) bao gồm: chủ quyền quốc gia, an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất quốc gia, chế độ chính trị quốc gia mà hiến pháp Trung Quốc xác lập và cục diện xã hội ổn định, sự đảm bảo cơ bản của kinh tế - xã hội phát triển bền vững. Mỹ đã xác định trong “Chiến lược An ninh quốc gia” (năm 2017), “nước Mỹ trên hết” với “bốn lợi ích quốc gia tối quan trọng”, đó là: (1) Bảo vệ người dân Mỹ, nước Mỹ và lối sống Mỹ; (2) Thúc đẩy sự thịnh vượng của nước Mỹ; (3) Bảo vệ hòa bình thông qua sức mạnh; (4) Gia tăng ảnh hưởng của Mỹ.
(2) Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, T.4, tr.187.
(3) Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, T.8, tr.647.
(4) Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, T.5, tr.290.
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), “Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII”, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật, tr.69.
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), “Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII”, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật, tr.153.