Hàng không tiếp tục siết chặt quy trình phòng, chống dịch COVID-19

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành công điện về tăng cường thực hiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Liên quan đến hàng không, nội dung công điện cũng nêu rõ, vẫn tiếp tục có các chuyến bay chở nhà ngoại giao, chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao và thân nhân nhập cảnh Việt Nam và chở lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài phục vụ việc thực hiện mục tiêu kép, phục hồi kinh tế; các chuyến bay đến Việt Nam phải bảo đảm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Điều này cho thấy, sẽ không có chuyện dừng toàn bộ các chuyến bay sau khi Việt Nam có thêm ca nhiễm COVID-19 từ cộng đồng. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, mọi quy trình sẽ được siết chặt hơn nữa…

Chỉ cấp phép bay sau khi được phê duyệt tiếp nhận cách ly

Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam khẳng định: “Kế hoạch tổ chức 33 chuyến bay quốc tế mỗi tuần theo phương thức trả phí trọn gói nằm trong văn bản Cục Hàng không Việt Nam gửi Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) để nghiên cứu, tổng hợp báo cáo Thủ tướng hoặc Ban chỉ đạo”.

Chỉ khi được chấp thuận về chủ trương mới triển khai các bước tiếp theo. Đặc biệt, các chuyến bay trong kế hoạch này chỉ được cấp phép bay sau khi có ý kiến đồng ý/phê duyệt của các cơ quan liên quan tại địa phương có chuyến bay hạ cánh hoặc địa phương tiếp nhận cách ly. Thực tế, tất cả mới dừng ở dự kiến trên cơ sở tổng hợp nhu cầu cũng như năng lực cách ly.

Ông Cường chia sẻ thêm, về cơ sở để đưa ra con số 33 chuyến bay này, ngay từ ban đầu, chúng ta đã chủ trương mở các chuyến bay thường lệ chở khách quốc tế từ 6 thị trường về Việt Nam, gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Lào và Campuchia, thực hiện từ 15-9. Đây đều là những nơi kiểm soát dịch bệnh tốt, đặc biệt là Đài Loan.

Để thực hiện được yêu cầu của Chính phủ, có rất nhiều yêu cầu cụ thể được đưa ra, đảm bảo việc phòng dịch ở mức cao nhất, trong đó có việc yêu cầu hành khách phải có xét nghiệm âm tính trước khi về nước.

Hãng hàng không phải gửi danh sách hành khách trước 24 giờ trước khi thực hiện chuyến bay để thông báo cho các cơ quan có liên quan đến phòng chống dịch ở địa phương, nơi có cảng hàng không đón chuyến bay để chuẩn bị người, trang thiết bị, phương tiện vật tư để thực hiện lấy mẫu xét nghiệm, phân loại hành khách đưa vào khách sạn được chỉ định. Các quy trình thông thường khác về phòng chống dịch trên tàu bay cũng phải được tuân thủ, bao gồm đo thân nhiệt, đeo khẩu trang…

Để tổ chức các chuyến bay thương mại đưa công dân Việt Nam có nhu cầu bức thiết về nước trên cơ sở tự trả chi phí cách ly tại các khách sạn được chỉ định, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ GTVT tổ chức họp và thống nhất việc cần phải xây dựng một kế hoạch dài hơi báo cáo Chính phủ, Ban chỉ đạo để có thể chuẩn bị các điều kiện, phù hợp với năng lực cách ly.

Cuộc họp đã thống nhất ngoài 12 chuyến mỗi tuần dự định tổ chức từ trước, tại 3 cảng hàng không/địa phương chưa tiếp nhận chuyến bay giải cứu (Phú Quốc, Phù Cát, Thọ Xuân), có năng lực tiếp nhận cách ly lớn sẵn sàng đón chuyến bay, mỗi ngày có 1 chuyến bay từ một trong ba quốc gia/vùng lãnh thổ tới mỗi điểm. Như vậy, tổng số chuyến bay hàng tuần từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan về 7 điểm tại Việt Nam là 33 chuyến bay/tuần.

Siết chặt các quy định, lấp “lỗ hổng” cách ly tổ bay

Liên quan đến việc cách ly các thành viên tổ bay, Cục trưởng Cục Y tế GTVT Phạm Tùng Lâm cho biết, theo quy định hiện hành, phi công trên các chuyến bay chở khách từ các nước về Việt Nam, khi về đến Việt Nam, thực hiện cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định cùng với toàn bộ các thành viên tổ bay và hành khách trên chuyến bay.

Nếu phi công, các thành viên tổ bay còn lại và tất cả hành khách có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 thì phi công được phép rời khỏi khu cách ly và tiếp tục thực hiện cách ly y tế tại nhà, nơi cư trú theo hướng dẫn của Bộ Y tế cho đến khi thực hiện nhiệm vụ quốc tế tiếp theo (yêu cầu thực hiện xét nghiệm 24h trước chuyến bay quốc tế tiếp theo).

Nếu có hành khách hoặc thành viên tổ bay dương tính với SARS-CoV-2 khi xét nghiệm lần 1, thực hiện cách ly tập trung 14 ngày đối với phi công và tất cả thành viên còn lại của tổ bay. Nếu xét nghiệm lần 2 có kết quả dương tính, thực hiện cách ly tập trung 14 ngày đối với phi công và tất cả thành viên còn lại của tổ bay kể từ ngày có kết quả xét nghiệm lần 2.

Đối với các thành viên còn lại của tổ bay (tiếp viên, nhân viên kỹ thuật, mặt đất, điều phối bay) trên các chuyến bay chở khách từ các nước về Việt Nam, khi về đến Việt Nam, thực hiện cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định cùng với toàn bộ các thành viên tổ bay và hành khách trên chuyến bay.

Nếu tất cả hành khách và các thành viên tổ bay có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 thì tiếp tục lấy mẫu lần 2 với các thành viên tổ bay (xét nghiệm lần 2 sau ít nhất 72 giờ kể từ lần lấy mẫu lần 1). Nếu các thành viên của tổ bay có kết quả xét nghiệm lần 2 âm tính thì các thành viên còn lại của tổ bay được phép rời khỏi khu cách ly và tiếp tục thực hiện cách ly y tế tại nhà, nơi cư trú theo hướng dẫn của Bộ Y tế cho đến khi thực hiện nhiệm vụ quốc tế tiếp theo (yêu cầu thực hiện xét nghiệm 24h trước chuyến bay quốc tế tiếp theo).

Nếu có hành khách hoặc thành viên tổ bay dương tính với SARS-CoV-2 khi xét nghiệm lần 1, thực hiện cách ly tập trung 14 ngày đối với tất cả thành viên còn lại của tổ bay theo quy định. Nếu xét nghiệm lần 2 có kết quả dương tính, thực hiện cách ly y tế tập trung 14 ngày đối với tất cả thành viên còn lại của tổ bay kể từ ngày có kết quả xét nghiệm lần 2. Tổ bay được cách ly tại các khu cách ly tập trung do UBND các tỉnh, thành phố có các cảng hàng không, chỉ định hoặc lựa chọn cơ sở cách ly (địa điểm có thể là khách sạn, cơ sở lưu trú) gần sân bay, biệt lập với các cơ sở khác. Cơ sở cách ly được chỉ định chỉ phục vụ cách ly tổ bay.

Cũng theo ông Lâm, tại khu cách ly tập trung, theo Quyết định 878 của Bộ Y tế, UBND tỉnh, thành phố có trách nhiệm kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện cách ly, cưỡng chế cách ly. 

Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 của tỉnh, thành phố có trách nhiệm huy động nguồn lực (Công an, Y tế) để thực hiện cách ly phòng chống dịch COVID-19; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện cách ly, cưỡng chế cách ly nếu người được cách ly không tuân thủ quy định cách ly y tế. Sau khi về cách ly tại nhà, UBND xã, phường, thị trấn nơi có người được cách ly chỉ đạo, tổ chức, giám sát chặt chẽ việc thực hiện cách ly.

 

Đặng Nhật

Nguồn Báo CAND

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website