Nội dung này được đề cập trong Thông báo 50 của Bộ Chính trị, kết luận tiếp tục thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Dịch vụ hành chính công có thể chuyển cho doanh nghiệp thực hiện
Theo Bộ Chính trị, các mục tiêu về sắp xếp, kiện toàn bộ máy, tổ chức cho đến năm 2021 đã cơ bản hoàn thành, giảm cấp trung gian và đầu mối; giảm cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là cấp phó và cán bộ giữ chức vụ hàm.
Bên cạnh đó, việc tinh giản biên chế cũng vượt mục tiêu đề ra, giúp tiết kiệm ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, Bộ Chính trị chỉ ra vẫn còn tình trạng sắp xếp tổ chức bộ máy chưa gắn với tinh giản biên chế theo vị trí việc làm và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thu hút nhân tài.
Chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan, tổ chức còn trùng lặp, chồng chéo. Đặc biệt, một số chủ trương mới liên quan chính sách tiền lương, thu hút, trọng dụng nhân tài chậm được cụ thể hóa. Thực tế đó khiến một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có năng lực chuyển sang khu vực tư.
Cũng theo Bộ Chính trị, vẫn còn tình trạng chậm khắc phục sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm; chưa làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm.
Do đó, Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục thực hiện có hiệu quả, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết 18 đặt ra.
Việc tổ chức bộ máy của các cơ quan trong hệ thống chính trị, nhất là mô hình tổ chức của các cơ quan Nhà nước và chính quyền địa phương, mô hình thí điểm về chính quyền đô thị hay mô hình thí điểm bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã… được Bộ Chính trị yêu cầu kịp thời sơ kết, tổng kết.
Để khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp, Bộ Chính trị chỉ đạo sớm kiện toàn tổ chức bên trong của các cơ quan, đơn vị, tổ chức theo hướng tinh gọn. Theo yêu cầu của Bộ Chính trị, những nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện thì kiên quyết chuyển cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm.
Cùng với lưu ý sửa đổi, bổ sung quy định về số lượng cấp phó trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị, Bộ Chính trị quán triệt thực hiện nghiêm việc quản lý biên chế; hoàn thiện danh mục vị trí việc làm cùng với khung năng lực, bản mô tả vị trí việc làm của hệ thống chính trị làm cơ sở xác định biên chế của từng cơ quan, đơn vị.
Nghiên cứu, ban hành chính sách trọng dụng nhân tài
Liên quan đến công tác cán bộ, Bộ Chính trị yêu cầu thể chế chủ trương của Đảng về việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Bên cạnh đó, tiếp tục phân cấp, phân quyền hợp lý. Bộ Chính trị cũng yêu cầu hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực; hoàn thành rà soát, sắp xếp chức danh, chức vụ theo phân cấp quản lý.
Đặc biệt, theo Bộ Chính trị, cần xây dựng, ban hành bảng lương chức vụ bảo đảm đồng bộ, thống nhất với danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, sửa đổi mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh.
Song song với đó là điều chỉnh hợp lý chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; quy định số lượng cán bộ, công chức cấp xã phù hợp với quy mô, dân số, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Với những người chịu tác động trực tiếp trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, Bộ Chính trị yêu cầu có cơ chế, chính sách phù hợp. Bên cạnh đó, theo Bộ Chính trị, cần nghiên cứu, ban hành chính sách ưu đãi để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài vào làm việc trong hệ thống chính trị.
Nguồn Báo Dân trí