Bảo đảm hoạt động của Quốc hội có nhiều khởi sắc và đạt chất lượng ngày càng cao

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu cần tập trung làm tốt công tác thể chế hoá, cụ thể hoá các quyết sách quan trọng được khẳng định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bảo đảm cho hoạt động của Quốc hội khoá XV có nhiều khởi sắc và đạt chất lượng ngày càng cao, đáp ứng được những yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng, và tâm tư, nguyện vọng của nhân dân trong giai đoạn mới.

Sáng 20/7, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ nhất tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. 

Sau khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc kỳ họp, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu quan trọng trước Quốc hội. 

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước,Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt hoan nghênh, chào mừng các đồng chí đại biểu, khách quý cùng đồng bào, chiến sĩ cả nước, đồng thời chúc mừng các vị đại biểu mới được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khoá XV của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Cách đây hơn 75 năm, chỉ mấy tháng sau khi giành được độc lập, trong hoàn cảnh muôn vàn khó khăn, nhân dân ta đáp lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không phân biệt giàu nghèo, dân tộc, giai cấp, tôn giáo, nam nữ, chính kiến, đã tham gia cuộc Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam mới theo nguyên tắc dân chủ, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Sự kiện trọng đại này đã đi vào lịch sử nước ta như một mốc son chói lọi, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ, mở ra một thời kỳ phát triển mới của dân tộc. Lần đầu tiên trong lịch sử, nước ta chẳng những đã trở thành một quốc gia độc lập mà còn có cơ quan Nhà nước có đầy đủ cơ sở và tư cách pháp lý đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, thay mặt nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Đây là thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo của Đảng, chính sách đại đoàn kết dân tộc và tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước pháp quyền; thể hiện tinh thần yêu nước, ý chí mãnh liệt và niềm tin tuyệt đối của nhân dân ta đối với sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trải qua hơn 75 năm, với 14 nhiệm kỳ hoạt động, Quốc hội nước ta đã luôn luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, không ngừng phát huy vai trò, vị trí là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, đóng góp to lớn và quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Nhìn một cách tổng thể, chúng ta nhận thấy, mỗi khoá Quốc hội đều để lại những dấu ấn riêng và đều hoàn thành trọng trách mà nhân dân giao phó, thực hiện đúng chức năng lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước”, Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Những thành tựu đạt được của Quốc hội nước ta trong 75 năm qua bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng - nhân tố quyết định để Quốc hội hoàn thành xuất sắc trọng trách mà nhân dân giao phó. Quốc hội các khoá đã luôn luôn nắm vững đường lối, quan điểm và các chủ trương, chính sách của Đảng để thể chế hoá thành luật pháp và vận dụng đúng đắn vào các hoạt động của Quốc hội. Đó là kết quả của sự gắn bó mật thiết giữa Quốc hội với nhân dân, nắm bắt đúng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; lắng nghe và tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị xác đáng của cử tri và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, làm cho Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Đồng thời, đó cũng là kết quả của quá trình đổi mới không ngừng về tổ chức, phương thức làm việc của Quốc hội, năng lực hoạt động của các đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội; với sự phối hợp chặt chẽ, cộng đồng trách nhiệm của Chủ tịch nước, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan hữu quan khác; sự ủng hộ, hợp tác, giúp đỡ của Quốc hội, Chính phủ và nhân dân các nước trên thế giới.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: Yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ đất nước trong giai đoạn mới theo tinh thần của Cương lĩnh chính trị, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Báo cáo chính trị cùng các văn kiện quan trọng khác mà Đại hội XIII của Đảng vừa quyết định đang đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta những nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản do thành tựu của công cuộc đổi mới 35 năm qua mang lại, đất nước ta cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức do những tác động không thuận từ bên ngoài và những hạn chế, yếu kém từ trong nước, đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa, đoàn kết thống nhất chặt chẽ hơn nữa để phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Quốc hội cần phát huy những thành tựu và kinh nghiệm của 75 năm qua, tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động để đáp ứng tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của đất nước trong giai đoạn mới. 

Muốn thế, Tổng Bí thư yêu cầu cần nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc vai trò, vị trí và trách nhiệm của Quốc hội trong hệ thống chính trị nước ta do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, để từ đó, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, thực hiện thật tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, kịp thời thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân. 

Cụ thể là, Quốc hội cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị trí của mình trong việc tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của đất nước, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng ban hành các văn bản pháp luật; sớm xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Ưu tiên xây dựng mới, bổ sung các đạo luật ở các lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt, có tính khả thi cao, tạo sự bứt phá về phát triển kinh tế - xã hội. 

Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, nhất là giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn, phát huy dân chủ, tăng tính tranh luận, phân tích sâu, làm rõ những thành tích, ưu điểm, cũng như những tồn tại, khuyết điểm, tìm ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp xác đáng, khả thi. Chú trọng giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát. 

Nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước theo hướng ngày càng chính xác, thực chất hơn, nhất là việc quyết định ngân sách nhà nước, các vấn đề về kinh tế - xã hội, tổ chức bộ máy nhà nước, các dự án công trình quan trọng quốc gia. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế, góp phần thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá của Đảng và Nhà nước.

Trước mắt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu cần tập trung làm tốt công tác thể chế hoá, cụ thể hoá các quyết sách quan trọng được khẳng định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chuẩn bị về mọi mặt, bảo đảm cho hoạt động của Quốc hội khoá XV có nhiều khởi sắc và đạt chất lượng ngày càng cao, đáp ứng được những yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng, và tâm tư, nguyện vọng của nhân dân trong giai đoạn mới. 

Muốn thế, Tổng Bí thư nhấn mạnh một vấn đề hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định là, tất cả các vị đại biểu Quốc hội khoá này cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, nâng cao trình độ về mọi mặt, gần gũi và lắng nghe ý kiến của nhân dân, thực hiện và hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà cử tri và nhân dân giao phó.

“Chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, dày dạn kinh nghiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam, kiên định con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; với sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cao của các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; các Đoàn đại biểu Quốc hội; với sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của các cơ quan trong cả hệ thống chính trị, trong bộ máy Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân; sự ủng hộ và giám sát của nhân dân; sự hợp tác và giúp đỡ của bạn bè quốc tế, Quốc hội nước ta trong thời gian tới nhất định sẽ phát huy những kết quả, kinh nghiệm và truyền thống vẻ vang của 75 năm qua, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và phương thức hoạt động, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp to lớn hơn nữa vào công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đưa đất nước từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Tổng Bí thư khẳng định.

Ngay sau đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia Trần Thanh Mẫn báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Ủy viên Hội đồng đồng Bầu cử Quốc gia, Phó Trưởng Tiểu ban Nhân sự, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV Nguyễn Thị Thanh báo cáo kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV.

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV diễn ra trong bối cảnh cả nước tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tổ chức thành công rất tốt đẹp; đặc biệt, chúng ta đang tích cực triển khai công tác phòng, chống đại dịch COVID -19, đợt dịch bùng phát lần thứ tư với diễn biến rất phức tạp và nguy hiểm ở các địa phương trong cả nước.

Kỳ họp lần này có vai trò rất quan trọng, đặt nền móng cho hoạt động của Quốc hội khóa XV, trong đó có nội dung Quốc hội sẽ tiến hành bầu, phê chuẩn kiện toàn nhân sự các chức danh lãnh đạo của các cơ quan Nhà nước; xem xét, thảo luận các báo cáo về kinh tế- xã hội và quyết định một số vấn đề quan trọng khác./.

 

Nguồn Báo Đảng CSVN

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website