46 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Rạng rỡ Việt Nam

46 năm đã trôi qua, sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam đã giành thêm nhiều thành tựu to lớn, nhưng Chiến thắng 30/4/1975 vẫn là một mốc son sáng chói, là niềm tự hào, kiêu hãnh của mỗi người dân Việt Nam. Chiến thắng đó sẽ mãi là động lực thúc đẩy toàn Đảng, toàn dân ta vượt qua mọi trở ngại, tiếp tục đưa dân tộc Việt Nam đến những thắng lợi huy hoàng.

          * Chiến thắng để có hòa bình
          Trải qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã phải chinh chiến với rất nhiều kẻ thù xâm lăng. Mỗi khi đất nước lâm nguy, tinh thần yêu nước nồng nàn, chí căm thù giặc và lòng tự tôn dân tộc sâu sắc lại được hun đúc, trở thành sức mạnh vô địch để chiến thắng mọi kẻ thù. Lòng yêu nước nồng nàn cũng chính là sợi dây gắn kết mọi tâm hồn Việt từ Bắc chí Nam, từ miền núi đến đồng bằng, từ nông thôn đến thành thị, người Kinh hay đồng bào dân tộc thiểu số, chung sức, đồng lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo nên sức mạnh đánh bại kẻ thù.
          Cách đây 46 năm, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Ðảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh, mà trực tiếp là Bộ Tư lệnh Chiến dịch, quân và dân ta mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 bắt đầu từ ngày 4/3/1975 bằng ba đòn chiến lược: Chiến dịch Tây Nguyên mở đầu bằng trận đột phá đánh chiếm Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây Nguyên; Chiến dịch giải phóng Huế-Ðà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn-Gia Ðịnh. Ðặc biệt, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh - chiến dịch quyết chiến chiến lược lịch sử, bằng sức mạnh "thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng", sau hơn bốn ngày đêm chiến đấu, quân và dân ta đã giành thắng lợi vang dội. Sáng 30/4/1975, quân ta mở đợt tiến quân thần tốc vào sào huyệt cuối cùng của chính quyền Sài Gòn. 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ giải phóng tung bay trước tòa nhà chính của Dinh Ðộc Lập, kết thúc 21 năm trường kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Miền Nam hoàn toàn được giải phóng, đất nước hoàn toàn thống nhất.
          Độc lập, tự do, thống nhất là quy luật phát triển và tồn tại của dân tộc Việt Nam. Đại thắng mùa Xuân 1975 là kết quả của cả chặng đường dài chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh của mọi người Việt Nam yêu nước; của khối đại đoàn kết 54 dân tộc trên toàn cõi Việt Nam dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam, phản ánh quy luật phát triển và tồn tại ấy.
          Việt Nam đã chịu nhiều đau thương, mất mát do chiến tranh gây ra. Việt Nam thấu hiểu giá trị của hòa bình và ổn định cho xây dựng và phát triển đất nước. Chúng ta không quên nhưng sẵn sàng gác lại quá khứ để hướng tới tương lai. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nêu rõ “Vì trải qua nhiều chiến tranh nên chúng ta mới thấy sự cần thiết phải có hòa bình. Chúng ta phải để các quốc gia thấy được rằng chiến tranh chỉ thiệt cho đôi bên. Việt Nam không muốn chiến tranh, không để chiến tranh xảy ra nhưng Việt Nam cũng không sợ chiến tranh. Chúng ta cần hòa bình nhưng không sợ chiến tranh”.

 

   * Hình mẫu trong mở cửa, hội nhập và phát triển
          Đất nước thanh bình 46 năm qua cho thấy: con đường mà dân tộc Việt Nam đã đi và đang đi là hết sức đúng đắn. Sự lựa chọn con đường cách mạng của nhân dân Việt Nam phù hợp với quy luật phát triển của xã hội. Không còn chiến tranh, đói nghèo bị đẩy lùi, nhiều thành tựu về quyền con người được thế giới ghi nhận.
          Từ một nước nghèo và lạc hậu, phải khắc phục hậu quả của chiến tranh, bị cấm vận trong nhiều năm, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã vượt mọi khó khăn và trở ngại, tự lực phát triển để trở thành một trong những nước đã thực hiện thành công trước thời hạn nhiều Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, trở thành một nước đang phát triển. Nếu như năm 1985 bình quân thu nhập đầu người mới đạt 159 USD/năm, thì đến năm 2020 đạt khoảng 2.750 USD/năm. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 2016-2020 ước đạt khoảng 5,9% và thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực, thế giới. Sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực hiện chính sách an sinh xã hội, phổ cập giáo dục có những tiến bộ rõ rệt. Để bảo đảm cho mọi người Việt Nam được thụ hưởng đầy đủ quyền con người, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó nổi lên là các quyền về chính trị, dân sự. Đơn cử, Quốc hội khóa XIV thông qua nhiều văn bản luật mới, đồng thời sửa đổi và ban hành mới nhiều văn bản luật. Các luật này đều tuân thủ nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phù hợp quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng và bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân… trong đó nổi lên là Luật Báo chí; Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo; Luật Tiếp cận thông tin; Luật An ninh mạng…
          Việt Nam không chỉ trở thành hình mẫu trong mở cửa, hội nhập và phát triển kinh tế-xã hội mà còn là điểm đến an toàn, hấp dẫn đối với thế giới trên mọi lĩnh vực. Ngay cả trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn được xem là “đất lành” cho dòng vốn FDI chất lượng cao. Tính đến 20/03/2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào nước ta tăng mạnh, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước, điển hình như Hòa kỳ tăng 205,5%; Nhật Bản tăng 147,7%; Hàn Quốc tăng 67,1%. 
          Đại dịch COVID-19 xảy ra tác động lớn đến đời sống kinh tế-xã hội toàn thế giới. Trước sự nguy nan của đất nước, sự an toàn của người dân, phát huy tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi làng xã là một pháo đài” trong kháng chiến, Việt Nam đã chủ động, bình tĩnh nhưng quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống đại dịch rất hiệu quả.

          * Năng động, trách nhiệm trong các vấn đề toàn cầu
          Kiên trì thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, trong những năm qua, vị thế của Việt Nam đã không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế.
          Hoạt động đối ngoại đa phương của Việt Nam đã chuyển mạnh từ “tham gia tích cực” lên "chủ động đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương". Điều này thể hiện qua việc Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào các cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc (LHQ), như: Hội đồng Bảo an (2008-2009 và 2020-2021); Hội đồng Kinh tế-Xã hội (1998-2000 và 2016-2018), Hội đồng Nhân quyền (2014-2016), Hội đồng Chấp hành UNESCO (2015-2019), Ủy ban Luật pháp quốc tế (2017-2021); Ủy ban Luật thương mại quốc tế (2019-2025)...
          Đặc biệt, năm 2020, Việt Nam đảm nhận vai trò kép, vừa là Chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), vừa là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ. Vai trò của Việt Nam là Chủ tịch ASEAN năm 2020 được Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi đánh giá là “mẫu mực” bởi Việt Nam đã thể hiện tầm lãnh đạo mạnh mẽ trong việc dẫn dắt khu vực gắn kết và chủ động thích ứng với các thách thức mới, trước hết là dẫn dắt ASEAN ứng phó với COVID-19 bất ngờ xuất hiện. Trên cương vị Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, Việt Nam được đánh giá đã thể hiện vai trò chủ động, cân bằng và đầy trách nhiệm, mà mới nhất là việc chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy để Đại hội đồng LHQ thông qua Nghị quyết thành lập Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh vào ngày 27/12 hằng năm.
          Gần đây nhất, khi cùng một thời điểm Việt Nam tham gia và chủ trì nhiều sự kiện quan trọng. Đó là việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên thảo luận mở tại HĐBA LHQ (19/4/2021) và phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Khí hậu cùng với hơn 40 nhà lãnh đạo quốc tế (23/4) và Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN (23 và 24/4/2021). Ở mỗi sự kiện quan trọng này, Việt Nam đều thể hiện vai trò tích cực chủ động, đề xuất các sáng kiến mới cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với các thách thức đang nổi lên.
          Trong bối cảnh tình hình thế giới khu vực diễn biến phức tạp, dịch bệnh hoành hành, có thể nói các sự kiện quan trọng mà các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam tham dự đã thể hiện một vai trò mới, tích cực, năng động và dẫn dắt của Việt Nam phối hợp cùng cộng đồng quốc tế giải quyết các thách thức toàn cầu…
          Với tất cả những gì đã có được trong suốt 46 năm qua, được nhân dân ghi nhận và dư luận quốc tế đánh giá cao, mỗi chúng ta có quyền tự hào và tin tưởng rằng: bằng trí tuệ, tài năng, sức sáng tạo và bản lĩnh của người Việt Nam; bằng sức mạnh của khối đại đoàn kết dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng, sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, nhân dân ta sẽ tiếp tục thu hái được những thành tựu vĩ đại hơn nữa, đưa đất nước Việt Nam phát triển ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn./.


        Theo   Phương Dung (TTXVN)

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website