Đồng chí Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân dự Tọa đàm về dự án Luật Phòng thủ dân sự

Sáng 28/7/2022, tại Thanh Hóa, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức Tọa đàm về dự án Luật Phòng thủ dân sự do Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm chủ trì; đồng chí Thiếu tướng, PGS.TS Phan Xuân Tuy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Chính trị CAND dự và tham luận tại tọa đàm.

Tham dự Tọa đàm, về phía Ủy ban Quốc phòng và An ninh có Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm cùng các ủy viên; đại diện lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương thuộc lĩnh vực có liên quan.

 Phát biểu khai mạc tọa đàm, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết từ tháng 7/2022, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã tổ chức nhiều đoàn khảo sát, nghiên cứu hoạt động phòng thủ dân sự ở một số tỉnh đại diện cho các vùng miền trên cả nước; kết quả cho thấy, các địa phương còn bộc lộ một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng thủ dân sự và cần được quan tâm, tháo gỡ; trong đó việc nghiên cứu, xây dựng các quy định của dự thảo Luật cần bảo đảm được quán triệt đầy đủ quan điểm của Đảng và thống nhất trong toàn bộ hệ thống pháp luật. Tọa đàm được tổ chức để có thêm cơ sở phục vụ thẩm tra sơ bộ dự án Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tọa đàm đã nhận được 14 ý kiến phát biểu tâm huyết từ các đồng chí tướng lĩnh, các nhà khoa học, cùng đại biểu các cơ quan, đơn vị trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân và các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương đã đánh giá toàn diện kết quả đạt được, những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng thủ dân sự, qua đó tập trung thảo luận về: phạm vi điều chỉnh; các loại thảm họa, sự cố và tiêu chí phân loại thảm họa, sự cố thành 4 cấp độ từ thấp đến cao; tiêu chí, cách phân loại các công trình phòng thủ dân sự; cơ quan chỉ đạo, chỉ huy; quy định các lực lượng tham gia phòng thủ dân sự; chế độ, chính sách đối với các lực lượng tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự...

Toàn cảnh toạ đàm

Phát biểu tham luận tại Tọa đàm, đồng chí Thiếu tướng, PGS.TS Phan Xuân Tuy, Giám đốc Học viện cho rằng, trong thời gian qua những thảm họa, dịch bệnh, sự cố xảy ra rất đa dạng, ở mọi lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Mặc dù một số văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành, tuy nhiên các văn bản này chỉ áp dụng cho việc phòng, chống, khắc phục thảm họa, sự cố cho từng lĩnh vực cụ thể, riêng lẻ, thiếu vắng các quy định có tính nguyên tắc ở tầm luật liên quan đến phòng, chống, khắc phục thảm họa, sự cố để áp dụng thống nhất do đó hiệu quả đạt được chưa cao, do đó việc xây dựng, triển khai dự án Luật Phòng thủ dân sự là hết sức quan trọng nhằm nâng cao năng lực về phòng thủ dân sự, góp phần làm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh hoặc sự cố, thảm họa gây ra; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước gắn với củng cố quốc phòng, an ninh trong tình hình hội nhập hiện nay.

Các đồng chí đại biểu tham dự toạ đàm

 

Văn Dũng

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website