Sáng 08/8/2024, tại Hà Nội, Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục liêm chính đã có buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án, Trưởng Đoàn khảo sát chủ trì buổi làm việc. Đồng chí Trung tướng, PGS.TS Phan Xuân Tuy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Chính trị CAND, thành viên Tổ Biên tập xây dựng Đề án tham gia Đoàn công tác cùng với các đồng chí thành viên Tổ biên tập xây dựng Đề án và cán bộ đơn vị chức năng thuộc Ban Nội chính Trung ương.
Toàn cảnh buổi làm việc (ảnh Anh Hưng – Tạp chí Nội chính)
Tiếp và làm việc với Đoàn công tác, về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo có các đồng chí: PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng; Nguyễn Thị Kim Chi, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng cùng các đồng chí đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đồng chí Võ Văn Dũng, Trưởng Đoàn khảo sát quán triệt mục đích, yêu cầu của buổi làm việc và thông báo một số thông tin có liên quan đến chủ trương xây dựng Đề án để báo cáo Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác giáo dục liêm chính đối với cán bộ, đảng viên. Đồng thời nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của ngành giáo dục trong giáo dục liêm chính cho học sinh, sinh viên và việc Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án lựa chọn khảo sát, làm việc trực tiếp tại Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo để làm rõ hơn thực tiễn triển kahi và nội dung báo cáo của Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gửi Ban Chỉ đạo.
Đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án, Trưởng Đoàn khảo sát phát biểu Kết luận buổi làm việc (ảnh Anh Hưng – Tạp chí Nội chính)
Tại buổi làm việc, sau khi nghe đại diện Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo trình bày tóm tắt Báo cáo chuyên đề và Báo cáo bổ sung về “Công tác giáo dục liêm chính cho học sinh, sinh viên - Thực trạng và giải pháp”, các thành viên Đoàn khảo sát đã phát biểu nêu vấn đề và đề nghị đại biểu Bộ Giáo dục và Đào tạo giải trình, làm rõ.
Phát biểu mở đầu của thành viên Đoàn khảo sát, Trung tướng, PG.TS Phan Xuân Tuy đánh giá cao việc chuẩn bị và nội dung báo cáo đã nêu bật được bối cảnh, tình hình, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện và những kết quả đạt được rất quan trọng trong công tác giáo dục liêm chính mà ngành giáo dục, đào tạo đã đạt được; đồng thời, thể hiện sự đồng thuận, thống nhất cao với những nhận xét, đánh giá cả về mặt đặt được và hạn chế, tồn tại, nguyên nhân mà báo cáo đã nêu, cũng như thống nhất với dự kiến phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới. Góp ý đối với báo cáo và đề nghị làm rõ hơn một số nội dung, Trung tướng, PGS.TS Phan Xuân Tuy đề nghị: Cách tiếp cận nên mở rộng với đánh giá việc thực hiện Chỉ thị số 10 của Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và đào tạo với việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; theo đó, việc đánh giá, tổng kết cũng cần bám sát nội dung của Chỉ thị 10 và Nghị quyết 29 và làm nổi bật nội dung công tác giáo dục liêm chính trong tổng thể công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống; việc đổi mới nội dung, chương trình; vị trí, vai trò của giáo dục liêm chính với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên cơ sở cách đặt vấn đề như vậy, đồng chí đề nghị các đại biểu làm rõ trong trường hợp Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về tăng cường việc giáo dục liêm chính thì việc thể chế hóa, cụ thể hóa và các điều kiện bảo đảm cần thiết để triển khai Chỉ thị này của ngành giáo dục, đào tạo như thế nào, nhất là vấn đề về nguồn nhân lực chất lượng cao, về cơ sở vật chất, hạ tầng; về biên chế và chế độ chính sách đối với đội ngũ nhà giáo; về cơ cấu và đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình, tài liệu, sách…để việc triển khai được hiệu quả và chủ động với những giải pháp cụ thể trong thời gian tới.
Cùng với ý kiến phát biểu của Trung tướng, PGS.TS Phan Xuân Tuy, có 05 ý kiến phát biểu nêu vấn đề của các thành viên Đoàn khảo sát. Đại biểu Bộ Giáo dục và Đào tạo có 05 ý kiến phát biểu làm rõ hơn nội dung báo cáo và giải trình các vấn đề mà thành viên Đoàn khảo sát nêu. Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi và Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã phát biểu làm rõ, phân tích sâu hơn và nêu vấn đề, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp của ngành giáo dục, đào tạo đối với việc giáo dục liêm chính. Trong đó, khẳng định về vị trí, vai trò, trách nhiệm của ngành giáo dục đối với công tác giáo dục liêm chính cho học sinh, sinh viên và những giải pháp rất cơ bản trong việc triển khai thực hiện thời gian qua và trong thời gian tới.
Đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại buổi làm việc (ảnh Anh Hưng – Tạp chí Nội chính)
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Võ Văn Dũng, Trưởng Đoàn khảo sát đánh giá cao việc chuẩn bị báo cáo phục vụ buổi làm việc của Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các ý kiến phát biểu đầy tâm huyết, thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu tại buổi làm việc. Qua buổi làm việc đã phản ánh khá đầy đủ, toàn diện những kết quả đạt được trong lãnh đạo, chỉ đạo cũng như thực hiện công tác giáo dục liêm chính trong ngành giáo dục, đặc biệt cho đối tượng học sinh, sinh viên. Nâng cao chất lượng giáo dục liêm chính, kiên trì thực hiện giáo dục liêm chính ở các cấp ngay từ đầu, trong tương lai chúng ta sẽ có lớp người mới, có kiến thức liêm chính, văn hóa liêm chính, có thể nhận diện và nói không với các hành vi tiêu cực, vi phạm liêm chính, góp phần vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Trung tướng, PGS.TS Phan Xuân Tuy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Chính trị CAND, thành viên Tổ Biên tập xây dựng Đề án phát biểu
Để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục liêm chính cho học sinh, sinh viên trong thời gian tới, đồng chí Trưởng Đoàn khảo sát đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu cơ cấu lại thời lượng, nội dung của chương trình giáo dục liêm chính phù hợp và đúng mức hơn trong chương trình chung của các cấp học; đào tạo, tuyển dụng đủ số lượng, chất lượng giáo viên, đồng thời, có cơ chế hoặc kiến nghị Đảng và Nhà nước có chính sách thù lao, khuyến khích giảng viên tham gia giảng dạy giáo dục công dân, trong đó có giáo dục liêm chính,…
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm (ảnh Anh Hưng – Tạp chí Nội chính)
Trên cơ sở kết quả khảo sát lần này, đồng chí Trưởng Đoàn khảo sát đề nghị các thành viên trong Đoàn tiếp thu các ý kiến phát biểu, các kiến nghị, đề xuất, tổng hợp, chắt lọc đưa vào nội dung các tài liệu của Đề án và quyết tâm hoàn thiện Đề án, Chỉ thị để trình, báo cáo Bộ Chính trị đúng tiến độ thời gian quy định.
Phùng Hưng