Hoàn thiện khung pháp lý về dữ liệu
Dự thảo Luật Dữ liệu gồm 7 chương, 67 điều quy định về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu; ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; trung tâm dữ liệu quốc gia; sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu; quản lý nhà nước về dữ liệu; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu.
Dự thảo Luật Dữ liệu quy định những nội dung cơ bản cần tuân thủ trong quá trình xử lý dữ liệu đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân; các nguyên tắc trong quản trị, xác định và quản lý rủi ro phát sinh trong xử lý dữ liệu. Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu trong quản lý, phát triển các ứng dụng công nghệ cao trong xử lý dữ liệu đang là xu thế phát triển trên thế giới hiện nay, dự thảo luật đã bổ sung các nguyên tắc, quy định cần tuân thủ đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thực hiện.
Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể về dữ liệu được thu thập, cập nhật, đồng bộ về cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; hoạt động xử lý, quản trị, chia sẻ dữ liệu liên quan đến cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; mối quan hệ giữa cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cổng dịch vụ công quốc gia và cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin khác…; quy định về hoạt động của trung tâm dữ liệu quốc gia và việc đăng ký, cấp tài nguyên hạ tầng; nâng cấp, bảo trì, sửa chữa hạ tầng, thiết bị đặt tại trung tâm dữ liệu quốc gia; bảo đảm nguồn lực hoạt động xây dựng, phát triển của trung tâm dữ liệu quốc gia; nền tảng chia sẻ, điều phối dữ liệu...
Sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu cũng là một trong những nội dung đáng chú ý tại dự thảo Luật Dữ liệu. Theo đó, dự thảo luật quy định về các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu và quản lý đối với tổ chức cung cấp sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu, gồm: Dịch vụ xác thực điện tử đối với dữ liệu không gắn với chủ thể danh tính điện tử; sản phẩm, dịch vụ phân tích và tổng hợp dữ liệu; sản phẩm, dịch vụ trung gian dữ liệu; sàn giao dịch dữ liệu…; quy định rõ các nội dung quản lý nhà nước về dữ liệu và trách nhiệm của cơ quan có liên quan. Theo đó, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về dữ liệu. Bộ Công an là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý nhà nước về dữ liệu. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Công an thực hiện quản lý nhà nước về dữ liệu trong lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công.
Bốn mục đích trong xây dựng Luật Dữ liệu
Theo Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an - đơn vị được giao chủ trì tham mưu xây dựng dự án Luật Dữ liệu, việc xây dựng Luật Dữ liệu nhằm 4 mục đích. Cụ thể, Luật Dữ liệu được xây dựng tạo sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, điều chỉnh toàn diện về hoạt động xử lý, quản trị, điều phối dữ liệu; xác định rõ công tác quản lý nhà nước về dữ liệu. Quy định cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia gồm các dữ liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu khác sẽ là trụ cột dữ liệu chính để tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ số, thúc đẩy kinh tế số và hình thành xã hội số; hình thành các hệ thống dữ liệu tin cậy, ổn định phục vụ nhà nước và doanh nghiệp, người dân; triển khai các giải pháp kết nối để chia sẻ, sử dụng lại và phát triển các mô hình, ứng dụng phân tích dữ liệu chuyên sâu để tạo ra nhiều giá trị mới, sản phẩm dịch vụ mới và động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn chuyển đổi số của nước ta.
Đồng thời, việc xây dựng Luật Dữ liệu phục vụ phát triển Chính phủ số và cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính. Cung cấp hạ tầng phục vụ xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia và tích hợp đồng bộ, liên thông giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia giúp phát triển Chính phủ số, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tăng cường minh bạch, gia tăng sự hài lòng của người dân với hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước; hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành, hoạch định chính sách của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trên nền tảng dữ liệu số. Quy định rõ trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng, phát triển, ứng dụng dữ liệu, bảo đảm kịp thời, thống nhất, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Xây dựng Luật Dữ liệu còn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy hình thành thị trường dữ liệu, hỗ trợ phát triển sản phẩm dịch vụ dựa trên dữ liệu, các giao dịch thương mại trên môi trường số được thường xuyên, liên tục, an toàn và minh bạch hơn. Đồng thời, hình thành và từng bước mở rộng kho dữ liệu tổng hợp, kho dữ liệu mở để người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng phục vụ sáng tạo, triển khai các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh mới góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số và xây dựng xã hội số.
Xây dựng Luật Dữ liệu sẽ phát triển trung tâm dữ liệu quốc gia. Trung tâm dữ liệu quốc gia khi đưa vào triển khai hoạt động sẽ là tiền đề để thúc đẩy quá trình phát triển và đẩy mạnh khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; góp phần thực hiện mục tiêu nâng tầm chiến lược phát triển kinh tế số của Việt Nam theo kịp các quốc gia trên thế giới, bảo đảm điều kiện cho Việt Nam phát triển và hòa nhập với nền kinh tế số của thế giới.
Nguồn Báo CAND