Tham dự hội thảo có Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an, thành viên tham gia Kế hoạch phản gián CM12; các đồng chí: Phạm Thành Ngại, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cà Mau; Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau; lãnh đạo Quân khu 9; lãnh đạo các Cục nghiệp vụ Bộ Công an, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các đồng chí cán bộ Công an lão thành đã trực tiếp tham gia Kế hoạch phản gián CM12.
Về phía Học viện Chính trị CAND có đồng chí Trung tướng, PGS.TS, NGƯT Phan Xuân Tuy, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Học viện dự và phát biểu tham luận tại Hội thảo.
Cách đây tròn 40 năm, vào ngày 9/9/1984, được sự phối hợp của các lực lượng vũ trang, sự ủng hộ, giúp đỡ của các cơ quan đoàn thể và nhân dân tỉnh Cà Mau, lực lượng An ninh đã thực hiện thành công trận đánh cuối cùng tại Hòn Đá Bạc, kết thúc và giành chiến thắng trọn vẹn Kế hoạch phản gián CM12. Thắng lợi Kế hoạch phản gián CM12 đã đập tan tổ chức phản cách mạng do Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh cầm đầu, thực hiện âm mưu thâm độc của phản động quốc tế trong việc bao vây cấm vận và thực hiện “kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt” đối với nước ta. Thắng lợi CM12 còn làm thất bại hoạt động cấu kết trong - ngoài, bẻ gẫy hướng tấn công vũ trang của phản động quốc tế nhằm gây mất ổn định chính trị và lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Hội thảo nhằm đánh giá ý nghĩa, nguyên nhân thắng lợi; khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, Nhà nước, của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) trong Kế hoạch phản gián CM12. Từ đó, đúc kết, rút ra những kinh nghiệm lịch sử vận dụng và phát huy vào sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc hiện nay. Hội thảo nhận được 60 tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, lãnh đạo, CBCS trong và ngoài lực lượng CAND.
Kế hoạch phản gián CM12 thực chất một chiến dịch phản gián có quy mô lớn cả về thời gian, không gian và lực lượng tham gia. Qua 4 năm đấu tranh, bằng mưu trí, sáng tạo, với sách lược và sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình, vận dụng bài bản, hiệu quả lý luận nghiệp vụ an ninh, nâng tầm nghệ thuật “tương kế tựu kế”, lực lượng An ninh đã đón bắt 18 chuyến xâm nhập (trong đó có 17 chuyến đón bắt thành công bằng “trò chơi nghiệp vụ”), bắt 2 đối tượng cầm đầu là Mai Văn Hạnh và Trần Văn Bá, 146 gián điệp biệt kích, thu giữ khoảng 1.500 súng các loại, hơn 2 triệu viên đạn với tổng cộng khoảng 130 tấn vũ khí, 2 tàu vận tải, 14 tấn tiền giả.
Chiến công của Kế hoạch phản gián CM12 đã góp phần làm thất bại âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch nhằm gây mất ổn định chính trị, hòng lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đồng thời, mở ra các hướng tấn công, bóc gỡ triệt phá nhiều tổ chức phản động và các đầu mối gián điệp cài lại ở trong nước... Sau 40 năm nhìn lại, khẳng định, thắng lợi Kế hoạch phản gián CM12 là chiến thắng của sự vận dụng sáng tạo, kiên trì đường lối cách mạng của Đảng đoàn và lãnh đạo Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), là minh chứng về sự chủ động bố trí thế trận an ninh nhân dân. Đồng thời, khẳng định sức mạnh đoàn kết thống nhất, hiệp đồng tác chiến giữa lực lượng CAND với QĐND, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể địa phương và quần chúng nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Đây cũng là thắng lợi của trí tuệ và bản lĩnh chính trị, với khả năng dự báo chính xác tình hình, nghệ thuật chỉ huy, chỉ đạo, chủ động triển khai có hiệu quả các kế hoạch chiến đấu của lực lượng CAND. Thành tích, chiến công của lực lượng CAND trong thực hiện thắng lợi Kế hoạch CM12 có ý nghĩa vô cùng to lớn mang tầm chiến lược không chỉ về mặt nghiệp vụ, mà còn có giá trị lịch sử rất quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, là một trong những chiến công điển hình, một mốc son chói lọi, tô đậm truyền thống anh hùng, vẻ vang của CAND Việt Nam.
Trung tướng, PGS.TS Trần Vi Dân, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương - Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an nhấn mạnh, đất nước ta đang trong giai đoạn phát triển, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế. Các thế lực thù địch và tội phạm triệt để lợi dụng đổi mới, hội nhập để thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động chống phá. Yêu cầu và cách thức tổ chức đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia của lực lượng Công an đặt ra những nội dung mới, đòi hỏi cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện lý luận nghiệp vụ an ninh, đặc biệt là lý luận về công tác đấu tranh chuyên án. Vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu, phân tích, tổng kết Kế hoạch phản gián CM12 một cách đầy đủ, toàn diện có ý nghĩa thực tiễn và lý luận sâu sắc, nhằm nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, đấu tranh chuyên án của lực lượng CAND; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bổ sung, hoàn thiện lý luận về bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới.
Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an nhấn mạnh, thắng lợi của Kế hoạch CM12 chính là thắng lợi của trí tuệ, bản lĩnh chính trị, lòng dũng cảm và sự sáng tạo của lực lượng CAND Việt Nam; là thắng lợi của sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an, cấp ủy, chính quyền địa phương các tỉnh phía Nam; là kết quả của mối quan hệ “máu thịt” giữa lực lượng Công an với quần chúng nhân dân, của sự phối hợp hiệp đồng chặt chẽ, hiệu quả giữa lực lượng CAND với QĐND, với các ngành, các đoàn thể và tổ chức chính trị, xã hội. Thành công của Kế hoạch CM12 để lại nhiều bài học lớn ở nhiều khía cạnh khác nhau cần được tiếp tục nghiên cứu để bổ sung cho hệ thống lý luận nghiệp vụ Công an và vận dụng vào công tác đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong điều kiện hiện nay.
Phát biểu kết luận tại hội thảo, Thứ trưởng Phạm Thế Tùng nhấn mạnh, qua hội thảo đã khẳng định, thắng lợi của Kế hoạch phản gián CM12 là chiến công xuất sắc, toàn diện cả về quân sự, chính trị, an ninh; là thắng lợi của trí tuệ, bản lĩnh và sáng tạo của lực lượng CAND, có ý nghĩa to lớn, mang tầm chiến lược, không chỉ về mặt nghiệp vụ mà còn có giá trị lịch sử quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia. Trong thời gian tới, cùng với việc phát huy sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân và của cả hệ thống chính trị trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, cần thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng “thế trận lòng dân” trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc “từ sớm”, “từ xa”.
Thứ trưởng Phạm Thế Tùng yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương vận dụng và phát huy thắng lợi Kế hoạch phản gián CM12, tiếp tục bám sát và quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về an ninh quốc gia và bảo vệ an ninh quốc gia. Tập trung tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia theo quan điểm “an ninh toàn diện” và “an ninh chủ động”; không ngừng đổi mới tư duy, biện pháp công tác, bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình, chủ động xây dựng, triển khai lực lượng, phương tiện, biện pháp, phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh quốc gia từ sớm, từ xa, từ bên ngoài biên giới quốc gia. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”. Củng cố, tăng cường quan hệ phối hợp chặt chẽ với QĐND, với các bộ, ngành, với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể; làm tốt công tác dân vận, phát huy sức mạnh của toàn dân trong công tác bảo vệ ANTT. Đẩy mạnh công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế trên lĩnh vực bảo vệ ANTT, thực hiện nhất quán chủ trương vừa hợp tác, vừa đấu tranh, kiên định mục tiêu, nguyên tắc chiến lược, vận dụng linh hoạt, mềm dẻo về sách lược ngoại giao cây tre theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Đồng chí Thứ trưởng đề nghị, sau hội thảo, Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an phối hợp với các Cục nghiệp vụ Bộ Công an tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc những ý kiến của các đại biểu để tiếp tục bổ sung, chỉnh lý, hoàn thiện lý luận khoa học về thắng lợi của Kế hoạch phản gián CM12, vận dụng những giải pháp phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.