PV: Theo đồng chí, vì sao chúng ta cần xây dựng và ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo đảm ANTT ở cơ sở?
Trung tướng Nguyễn Minh Đức: Hiện nay, Bộ Công an đã triển khai lực lượng Công an chính quy về xã. Xoay quanh lực lượng này trong công tác bảo vệ ANTT luôn cần có sự đồng hành của quần chúng nhân dân. Quần chúng nhân dân sẽ cử ra những người đại diện cho mình - những người làm nhiệm vụ bán chuyên trách như bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách và dân phòng. Đó là "cánh tay nối dài" đắc lực của lực lượng Công an chính quy, đại diện cho quần chúng nhân dân bảo vệ cho quyền lợi người dân ở cơ sở.
Theo chiều dài lịch sử, 3 lực lượng này sinh ra, lớn lên và sinh sống ngay ở các thôn, bản, làng. Họ nắm bắt được tình hình ANTT ở nơi đây. Thậm chí, họ còn nắm bắt được lai lịch của từng con người, kể cả những thành phần "bất hảo". Ban ngày họ lao động, sản xuất, buổi tối hoặc vào những ngày lễ - thời điểm tình hình ANTT phức tạp - họ đại diện cho nhân dân cùng lực lượng Công an chính quy tham gia công tác bảo đảm ANTT.
Các đối tượng vi phạm pháp luật thông thường lợi dụng 2 yếu tố để thực hiện hành vi phạm tội gồm bóng đêm và sự thiếu vắng lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở hoặc phong trào bảo vệ ANTT ở nơi đó yếu. Trong khi đó, lực lượng Công an chính quy thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT ở địa bàn nhưng mang tính hành chính, nghiệp vụ. Họ không thể căng mình 24h/24h làm nhiệm vụ mà cần phải có một lực lượng hỗ trợ. Và, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sẽ là một trong những vành đai quan trọng hỗ trợ cho lực lượng Công an chính quy bảo vệ ANTT ở địa bàn cơ sở.
Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, đặc biệt sử dụng mặt trái của ứng dụng công nghệ. Tội phạm trong các lĩnh vực về môi trường, giao thông, trật tự cũng ngày càng phức tạp. Điều này đòi hỏi lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở phải có hiểu biết pháp luật một phần về lĩnh vực họ sẽ tham gia mới đáp ứng yêu cầu. Chúng ta chỉ thực hiện được những yêu cầu này khi chúng ta ban hành Luật.
Chính vì những yêu cầu trên, chúng ta cần thiết phải ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở để lực lượng này có hành lang pháp lý thực hiện nhiệm vụ.
PV: Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở kiện toàn 3 lực lượng gồm lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng. Đồng chí đánh giá việc kiện toàn 3 lực lượng này đã phù hợp hay chưa trong khi còn có những lực lượng khác?
Trung tướng Nguyễn Minh Đức: Thực tế hiện nay, ngoài 3 lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách và đội trưởng, đội phó đội dân phòng, nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở cơ sở còn có thêm các lực lượng khác như dân quân tự vệ, những người tự nguyện trong các tổ tự quản về ANTT... Tuy nhiên, để đại diện cho quần chúng nhân dân tại cơ sở, dưới góc độ bảo đảm ANTT, 3 lực lượng này là những lực lượng cơ bản, nòng cốt. Các lực lượng này hiện cũng đang được điều chỉnh dưới các văn bản pháp luật khác nhau gồm Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2013), Pháp lệnh Công an xã năm 2008, Nghị định số 38/2006/NĐ-CP ngày 17/4/2006 về bảo vệ dân phố. Nhưng chung quy lại, đảm bảo phòng cháy chữa cháy cũng là bảo đảm về ANTT, bảo đảm ANTT ở phố phường cũng là đảm bảo ANTT. Chính vì vậy, dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở kiện toàn 3 lực lượng thành đối tượng điều chỉnh trong luật là hoàn toàn hợp lý, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn hiện nay, tạo sự thống nhất giữa Hiến pháp, các luật trong đảm bảo ANTT.
PV: Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) Quốc hội khóa XV. Đồng chí đánh giá như thế nào về vai trò của Luật đối với công tác bảo vệ ANTT khi Luật được thông qua?
Trung tướng Nguyễn Minh Đức: Rõ ràng, khi Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được ban hành, 3 lực lượng gồm Công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố và đội trưởng, đội phó đội dân phòng sẽ có địa vị pháp lý rõ ràng, cụ thể. Luật sẽ điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ cũng như cơ cấu, tổ chức lực lượng này thống nhất dưới sự chỉ huy của cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng Công an chính quy. Luật cũng sẽ quy định rõ về điều kiện, cơ sở vật chất, chính sách hỗ trợ cho lực lượng này. Trong trường hợp họ bị thương, hy sinh khi làm nhiệm vụ sẽ có chế độ chính sách theo đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Luật được ban hành cũng sẽ đặt ra trách nhiệm đối với cấp ủy chính quyền địa phương trong việc tạo điều kiện và chỉ đạo, lãnh đạo lực lượng này tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Đồng thời có quy chế phối hợp để họ tham gia vừa làm nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở cơ sở vừa đảm bảo lao động, sản xuất ở địa phương. Khi đã trở thành lực lượng được thừa nhận trong luật, Bộ Công an sẽ có trách nhiệm cùng với cấp ủy chính quyền địa phương hướng dẫn, đào tạo, đào tạo lại, tuyển dụng, tuyển chọn lực lượng này theo những tiêu chí, chỉ số nhất định đáp ứng yêu cầu về bảo vệ ANTT trong tình hình hiện nay.
Đúng như lời Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đã từng phát biểu, tất cả các hành vi vi phạm pháp luật đều xuất phát từ cơ sở. Chúng ta cần phải có một lực lượng đủ mạnh, có cơ sở pháp lý rõ ràng, cụ thể khi thực hiện nhiệm vụ để kịp thời ngăn chặn phát hiện và xử lý những hành vi này ngay cơ sở thì công tác bảo vệ ANTT của chúng ta mới có thể bền vững ngay từ đầu.
Việc kiện toàn 3 lực lượng Công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố và đội trưởng, đội phó dân phòng trong dự án Luật với mục đích tạo thành một lực lượng quan trọng, phối hợp với lực lượng Công an chính quy ở xã thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở cơ sở là hoàn toàn phù hợp với mục tiêu "Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở".
NGUYỄN HƯƠNG (Báo CAND)