Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến, dưới sự chủ trì của Đại tướng, GS.TS Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an; GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trung tướng, TS Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an.
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu điều hành tại hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Cách đây 75 năm, lực lượng CAND vinh dự và tự hào nhận được Sáu điều dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Tư cách người Công an cách mạng”, trong thư của Người gửi đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an Khu XII, đó là:
“Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.
Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ.
Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.
Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.
Đối với công việc, phải tận tụy.
Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”.
Sáu điều trên là những chỉ dẫn hết sức thiêng liêng, quý báu, toàn diện của của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phẩm chất, đạo đức, bản lĩnh, thái độ, năng lực, tác phong, nghiệp vụ cần phải có của người Công an cách mạng Việt Nam để thực hiện xuất sắc bổn phận, trọng trách cao cả được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc Hội thảo
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị, các đại biểu tham dự Hội thảo tập trung phân tích, đánh giá, thảo luận, làm sáng tỏ những giá trị lý luận và thực tiễn, tính khoa học và cách mạng, nhân văn trong Sáu điều dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với lực lượng CAND hiện nay; nội dung tư tưởng Sáu điều dạy của Bác, mối liên hệ và ý nghĩa sâu sắc đối với công tác xây dựng lực lượng CAND nói riêng và đối với cán bộ, đảng viên nói chung; phân tích làm rõ sự phát triển những nội hàm mới của Sáu điều Bác dạy. Đồng thời, đánh giá kết quả học tập và thực hiện Sáu điều dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Công an các đơn vị, địa phương, làm rõ những hạn chế và thiếu sót; đề xuất phương hướng, giải pháp để tiếp tục học tập và thực hiện Sáu điều Bác dạy…
|
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trình bày đề dẫn Hội thảo.
|
|
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng điều hành tham luận tại Hội thảo.
|
|
GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh điều hành tham luận tại Hội thảo. |
Với tham luận "Sáu điều dạy của Bác, 51 chữ vàng", nhà báo Hà Đăng, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân khẳng định, Sáu điều dạy của Bác, từ sâu thẳm trái tim con người, là phẩm chất đạo đức cách mạng cao quý, không chỉ riêng cho CAND, mà cho cả các lực lượng vũ trang nhân dân nói chung, và rộng ra, là cho tất cả các tổ chức, các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân đông đảo. Sáu điều dạy ấy có giá trị không phải nhất thời và chỉ giới hạn trong một số đối tượng nhất định, mà là cho lâu dài, cho tất cả mọi người dân.
"Về chủ đề chính của Hội thảo khoa học cấp quốc gia này, tôi xin bày tỏ sự tâm đắc của mình về sự lựa chọn khéo léo và chuẩn mực của lãnh đạo Bộ Công an khi coi Sáu điều dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là di sản tinh thần vô giá của lực lượng CAND", nhà báo Hà Đăng chia sẻ và cho rằng, di sản tinh thần vô giá ấy khi đi vào cuộc sống, đã tác động tích cực, không chỉ đến chính trị, tư tưởng, đạo đức mà còn đến cả hành động, phong cách và lối sống của CAND. Cũng có nghĩa, từ sức mạnh tinh thần đã từng bước chuyển hóa thành sức mạnh vật chất. Dù rất khiêm nhường, lực lượng CAND vẫn có thể tự hào về những bước tiến đã đạt được trong 75 năm thực hiện Sáu điều dạy của Bác Hồ với tư cách người Công an cách mệnh.
Đề cập tới bối cảnh chung của thời điểm ra đời Sáu điều Bác Hồ dạy CAND, đồng thời tiếp cận ở góc độ giá trị văn hoá, đồng chí Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân, nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đánh giá, 75 năm qua, Sáu điều Bác Hồ dạy CAND vẫn vẹn nguyên giá trị đối với việc xây dựng lực lượng Công an trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Đã có nhiều phong trào thi đua; đã xuất hiện hàng vạn điển hình tập thể, cá nhân thể hiện ý chí tu dưỡng, rèn luyện vượt qua mọi khó khăn, thử thách nghiệt ngã do đặc thù công tác và điều kiện thiên tai; dũng cảm, mưu trí, sáng tạo trong công tác và chiến đấu.
Đặc biệt, trong hai năm đại dịch COVID-19, nhân dân được chứng kiến những tấm gương cao đẹp của các CBCS tình nguyện đi vào tâm dịch, không sợ bị lây nhiễm hiểm nguy, bình tĩnh, sáng tạo tìm cách cứu chữa hàng nghìn bệnh nhân thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Khi bão mưa, lũ quét ập đến, lực lượng Công an lại sát cánh cùng Quân đội ngày đêm trèo đèo, lội suối tới nơi đào bới cứu người bị đất lấp vùi; sẻ cơm, nhường áo giúp dân thoát cảnh màn trời chiếu đất, nhanh chóng ổn định đời sống, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đã có hàng trăm CBCS ngã xuống trong cuộc chiến đấu với dịch bệnh, thiên tai, những hành động hung bạo, dã man của các loại tội phạm xã hội... Tổ quốc và nhân dân đời đời ghi ơn các CBCS đã hy sinh vì nghĩa lớn, để lại những tấm gương cao đẹp, có tác dụng giáo dục, cổ vũ toàn lực lượng sống và chiến đấu theo Sáu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu...
GS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài - nhân lực lại phân tích Sáu điều Bác Hồ dạy CAND dưới góc độ liên hệ logic và lịch sử với một tác phẩm ở tầm kinh điển Bác viết năm 1927 là "Đường Kách mệnh". Theo đó, Bác nói rõ tư cách của "người cách mệnh" và "Đảng cách mệnh", nổi bật nhất là phải giữ chủ nghĩa cho vững và ít lòng ham muốn về vật chất. "Đó là chính trị trong đạo đức và đạo đức trong chính trị. Cả đời Bác luôn quan tâm vấn đề đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chống "giặc nội xâm", ra sức nâng cao đạo đức cách mạng", ông đánh giá.
GS Hoàng Chí Bảo cho rằng, tầm vóc vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ở chỗ, mỗi luận điểm của Người đều có hiệu ứng rộng lớn, có sức lan toả mãi mãi. Sáu điều Bác dạy Công an, trước hết Công an là nòng cốt, nhưng suy rộng ra là cả toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Đó là sức sống, sức lan toả, hiệu ứng mãnh liệt tư tưởng Hồ Chí Minh. "Lực lượng CAND đã thực hiện Cuộc vận động có ý nghĩa: "Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ"; gần đây, phương châm tổ chức của Bộ tăng hiệu lực, hiệu quả, rất được nhân dân tán thành "Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở", hơn 11.000 xã, phường đâu đâu cũng có chiến sĩ Công an chuyên nghiệp thực hiện nhiệm vụ phục vụ nhân dân, là bạn của dân. Đây cũng chính là thực hành Sáu điều Bác dạy CAND", GS Hoàng Chí Bảo nhận định.
GS Hoàng Chí Bảo trình bày tham luận tại hội thảo.
Tham luận với chủ đề “Xây dựng phong cách, bản lĩnh người CAND theo Sáu điều Bác Hồ dạy trong tình hình hiện nay”, GS.TSKH Phan Xuân Sơn, Viện Chính trị học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Cần, kiệm, liêm, chính là 4 đức của con người. Người CAND, trước hết là con người phải có 4 đức ấy. Mặt khác, người CAND với sứ mệnh cao cả của mình, khi phải sử dụng các nguồn lực công, được dân và Nhà nước giao cho, thì càng cần phải gìn giữ, trau dồi, rèn luyện, nêu gương giữ gìn 4 đức ấy. Ngày nay, trong bối cảnh mới, nhất là khi cán bộ, chiến sĩ Công an ở vị trí lãnh đạo, cầm quyền, một quyết định có thể liên quan đến những tài sản, trang bị, nguồn tiền lớn; mỗi quyết định có thể liên quan đến không những một mà hàng triệu người dân, liên quan đến vận mệnh quốc gia… thì việc giữ gìn cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư càng phải rèn luyện công phu, nghiêm cẩn…
|
GS.TSKH Phan Xuân Sơn, Viện Chính trị học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trình bày tham luận. |
Với tham luận "Nghĩ về phẩm chất văn hoá của chiến sĩ Công an trong giao tiếp, ứng xử với nhân dân", GS.TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho rằng, lời căn dặn thứ tư của Bác Hồ "Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép" là một yêu cầu rất cao trong giao tiếp, ứng xử với nhân dân của lực lượng CAND, rất cần một tư duy, suy nghĩ để xử lý biện chứng, hài hòa giữa ANTT, đấu tranh chống phản cách mạng với thái độ thực sự "kính trọng, lễ phép" đối với nhân dân.
"Ở đây, tôi nghĩ rằng, lời dạy của Bác Hồ không chỉ dừng lại ở nhiệm vụ, yêu cầu chính trị, mà sâu xa hơn, Bác đã chỉ ra một đòi hỏi cao về phẩm chất, giá trị văn hóa trong cán bộ, chiến sĩ CAND. Không chỉ nhằm hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao trong quan hệ với nhân dân mà CAND cần có phẩm chất, chiều sâu văn hóa trong mối quan hệ, giao tiếp, ứng xử với nhân dân. Đứng trước mâu thuẫn thường xảy ra giữa việc phải thực thi nghiêm túc pháp luật và yêu cầu kính trọng, tôn trọng, giữ tình cảm tốt đẹp với nhân dân, người Công an rất cần đến phẩm chất văn hóa cao, có khả năng "điều tiết" hợp lý, chuẩn xác, hài hòa mâu thuẫn, xung đột đó. Phải chăng, đó là sự tổng hợp nhuần nhuyễn bản lĩnh chính trị - văn hóa của người CAND", GS.TS Đinh Xuân Dũng đề cập.
Cũng tại hội thảo, Đại tá, PGS.TS Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) đã trình bày tham luận "Vận dụng Sáu điều Bác Hồ dạy lực lượng CAND" đối với lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, mà minh chứng cụ thể nhất là việc tham gia thực hiện nhiệm vụ CNCH đối với thảm hoạ động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ. Các thành viên đoàn công tác chỉ có 6 tiếng đồng hồ để chuẩn bị, tổng số phương tiện, thiết bị chuyên dụng, thiết bị y tế và đồ dùng mang theo 12,5 tấn với vô vàn khó khăn trong khi thực hiện nhiệm vụ. Thế nhưng, có lẽ những lời Bác dạy đã ngấm sâu vào máu của mỗi chiến sĩ CAND trong đoàn, các anh đã thực hiện nhiệm vụ CNCH một cách rất tự nhiên như bản năng vốn có của người lính cụ Hồ, với nhiệt huyết cao độ.
"Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ CNCH tại hiện trường sập đổ, có những ngày chúng tôi làm việc đến 3h sáng, tuy nhiên các CBCS luôn tận tuỵ, hết mình vì công việc, không nề hà việc khó, việc nguy hiểm, luôn hăng hái đi đầu, thậm chí có đồng chí còn quên ăn mà chỉ huy phải trực tiếp yêu cầu đồng chí nghỉ tay, ăn tạm bánh mì để lấy sức thực hiện nhiệm vụ lâu dài", Đại tá Nguyễn Minh Khương chia sẻ.
Đại diện cán bộ cơ sở, Đại uý Hoàng Thịnh, Công an xã Trung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên cho biết, ngay khi được tăng cường về xã, anh và đồng đội xác định đây sẽ là cơ hội để phát triển, trưởng thành, chứng tỏ bản thân, cho nên khi đặt chân đến Công an xã là bắt tay ngay vào công việc với quyết tâm cao nhất, không có tư tưởng "công tác ngắn ngày". Anh luôn tâm niệm Sáu điều dạy của Bác để phấn đấu trên tất cả phương diện; không ngừng học tập, trau dồi kiến thức.
"Với đặc thù địa bàn miền núi, cư dân đa số là dân tộc thiểu số, trình độ hiểu biêt pháp luật còn hạn chế..., thực hiện điều dạy của Bác, khi giải quyết các vụ việc tại địa bàn, bên cạnh am hiểu quy định pháp luật, chúng tôi còn tìm hiểu phong tục tập quán của đồng bào", Đại uý Hoàng Thịnh lấy ví dụ. Cùng với đó, chú trọng xây dựng thế trận an ninh nhân dân, gắn với thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc; thường xuyên thấu hiểu, chia sẻ khó khăn, vất vả, tâm tư nỗi niềm của đồng bào vùng biên; luôn tự soi, tự sửa trong thực hiện nhiệm vụ...
Phát biểu tổng kết Hội thảo, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, lực lượng CAND trưởng thành, lớn mạnh như ngày hôm nay, những chiến công, thành tích của lực lượng CAND đạt được trong gần 80 năm qua luôn có sự soi đường, chỉ dẫn, động viên, khích lệ, nhắc nhở của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà cốt lõi, hạt nhân chính là Sáu lời dạy về tư cách người Công an cách mạng. Lực lượng CAND luôn tự hào và biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - người thầy, người cha kính yêu đã giành cho lực lượng CAND những tình cảm quý báu, những lời dạy dỗ ân cần, sự quan tâm sâu sắc để xây dựng lực lượng CAND trở thành lực lượng vũ trang trọng yếu, tuyệt đối trung thành, tin cậy, trong sạch, vững mạnh, làm nòng cốt trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm, trật tự an toàn xã hội.
Từ các báo cáo khoa học và ý kiến phát biểu của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, lãnh đạo các ban, bộ, ngành tại Hội thảo hôm nay đã khẳng định: Sáu điều dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những nội dung cơ bản, căn cốt nhất, cũng là chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với CAND; đồng thời cũng là những nguyên tắc, phương pháp, tiêu chuẩn, đích phấn đấu, phương pháp đối nhân xử thế của người Công an. Phong trào học tập và thực hiện Sáu điều Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy CAND được phát động và thực hiện sớm, thường xuyên, liên tục, lâu bền nhất, là trung tâm, cốt lõi để phát triển nội dung trong các phong trào thi đua khác. Học tập, thực hiện tốt Sáu điều dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nghĩa vụ thiêng liêng cao cả, yêu cầu tất yếu, tự thân của mỗi người chiến sĩ CAND trong quá trình hoàn thiện bản thân để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Sáu điều dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã và đang có sức lan tỏa mạnh mẽ trong hệ thống chính trị, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa hồng vừa chuyên…
Quán triệt chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ kết quả Hội thảo hôm nay, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị, cấp ủy, lãnh đạo chỉ huy Công an các đơn vị, địa phương cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo phong trào học tập và thực hiện Sáu điều dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách quyết liệt và sát sao hơn nữa. Mỗi cán bộ, chiến phải luôn khắc ghi trong tâm thức của mình lời thề danh dự của CAND, ra sức học tập và làm theo Sáu điều dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh để luôn xứng đáng với danh dự và truyền thống của CAND Việt Nam. Gắn kết phong trào CAND học tập, thực hiện Sáu điều dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị Công an tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kỷ luật trong CAND; kiên quyết khắc phục những tồn tại, yếu kém, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên trong lực lượng Công an tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Coi việc học tập và thực hiện Sáu điều dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một giải pháp đặc biệt quan trọng để xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thống nhất ý chí và hành động trong học tập và thực hiện Sáu điều Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy CAND. Trong đó, lực lượng Công an cần tích cực tuyên truyền, vận động, khích lệ các tầng lớp nhân dân học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy vai trò của nhân dân đối với xây dựng lực lượng Công an với sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự…
Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị, ngay sau Hội thảo, Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong và ngoài CAND tổ chức nghiên cứu, làm sâu sắc hơn giá trị thời đại của Sáu điều Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy CAND, góp phần hoàn thiện lý luận xây dựng lực lượng CAND trong tình hình mới. Chú ý đề ra những kiến nghị, giải pháp đột phá để toàn lực lượng tiếp tục thi đua học tập và thực hiện tốt hơn Sáu điều dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm khắc phục những hạn chế, yếu kém trong tu dưỡng, rèn luyện, công tác, chiến đấu. Các học viện, trường CAND tiếp tục cập nhật, bổ sung vào giáo trình, tài liệu giảng dạy những nội dung mới rút ra từ Hội thảo này…
Văn Dũng