Những chiến sỹ Công an trong “tâm bão” Bạch Mai

Đã chục hôm nay, cứ khoảng 20h30 khi hết ca trực tối và từ chốt kiểm soát trở về nơi nghỉ (khu cách ly nhà 9 tầng bệnh viện Bạch Mai) thì Thượng uý Phạm Xuân Thanh, Đội CSGT Công an quận Đống Đa, Hà Nội lại rút điện thoại ra gọi Facetime cho gia đình. 

“Con nhớ bố lắm, bố nhanh về mua quà cho con nha”, tiếng con gái 3 tuổi rưỡi bi bô trong máy, rồi hình ảnh hai cậu con trai song sinh 6 tháng tuổi vừa no sữa khiến anh yên tâm hơn, vơi bớt nỗi nhớ nhà. “Chống dịch như chống giặc”, ai cũng phải hy sinh hạnh phúc riêng tư của mình một chút thì công cuộc đẩy lùi COVID-19 mới nhanh giành thắng lợi...

“Nhập viện”, bám chốt ngăn COVID-19

Thượng uý Thanh được phân công làm nhiệm vụ ở cổng bệnh viện Bạch Mai từ ngày 24-3, khi nơi đây xuất hiện “ổ dịch”. Anh chính thức “nhập viện”, mang đồ đạc đến ăn ngủ tại chỗ, làm việc theo 3 ca/ngày. Dù nhà ở ngay khu Kim Liên, chẳng xa bệnh viện Bạch Mai là bao nhưng anh không về, bởi công việc bám chốt đảm bảo an ninh, trật tự (ANTT), rà soát người ra vào nguy cơ lây nhiễm cao nên cách ly gia đình lúc này là điều rất cần thiết. 

Cán bộ Công an quận Đống Đa, Công an phường Phương Mai làm nhiệm vụ kiểm soát, bảo vệ an ninh, trật tự trước cổng chính bệnh viện Bạch Mai

 “Vợ một nách 3 con vất vả, may là có ông bà nội giúp đỡ nên mình mới có thể toàn tâm toàn ý với nhiệm vụ. Xong 14 ngày ở đây mình còn tự cách ly ở đơn vị 14 ngày thì mới dám trở về...”, anh chia sẻ. Thương vợ, nhớ con là vậy nhưng anh cũng chỉ tranh thủ trò chuyện một chút rồi chìm vào giấc ngủ để nghỉ ngơi cho lại sức, 4h sáng hôm sau thức dậy bắt đầu một ca trực mới.

“Gần một tuần rồi em không về nhà, bữa cơm nào mẹ cũng gọi điện hỏi thăm sức khoẻ, dặn dò em cẩn thận, nhớ đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên vì mình đang ở tâm dịch” - Trung uý Nguyễn Quang Nam, cán bộ Công an phường Phương Mai kể. Dù không thường trực tại bệnh viện như Thượng uý Phạm Xuân Thanh nhưng hết ca trực thì Nam lại trở về tự cách ly tại đơn vị, cũng là để giữ gìn cho gia đình khỏi nguy cơ lây nhiễm. 

Từ ngày 29-3, khi Công an Quận Đống Đa chủ trì, phối hợp bệnh viện Bạch Mai và Công an phường Phương Mai thiết lập lối đi riêng (nằm trong đường đi nội bộ của khuôn viên bệnh viện) dành cho những bệnh nhân chạy thận nhân tạo thì anh cùng đồng đội thay phiên nhau cắm chốt. Lối đi này nhằm đảm bảo cho hơn 500 bệnh nhân chạy thận ở 24 tỉnh, thành có thể ra vào bệnh viện điều trị hằng ngày, chia làm 4 khung giờ khác nhau: 6h30, 10h30, 14h30 và 18h30.

Các CBCS Công an làm nhiệm vụ kiểm soát phương tiện ra vào bệnh viện, đảm bảo yêu cầu cách ly theo quy định

Hơn 17h ngày 2-4, lác đác những bệnh nhân chạy thận đã có mặt tại lối đi để chờ tới lượt. “Chú ơi để xe bên này”; “Mời cô ngồi đợi ở ghế”... Trung uý Nam cùng đồng chí dân quân tự vệ phường Phương Mai ân cần đón tiếp và hướng dẫn người dân vào khu để xe, chờ đến giờ vào viện.

Đúng 18h15, cùng với các cán bộ của khoa Thận, bệnh viện Bạch Mai, lực lượng Công an, dân quân tự vệ phối hợp hướng dẫn người bệnh xếp hàng vào bệnh viện theo quy định giãn cách 2m, thực hiện sát khuẩn tay và đeo khẩu trang do bệnh viện phát. Vào sân đón tiếp của khoa Thận thì họ còn được kiểm tra thân nhiệt. Đặc thù người bệnh chạy thận sức khoẻ yếu, nhiều bệnh nhân cao tuổi, đau đớn, đi lại khó khăn nên CBCS Công an tại chốt gác đã dùng xe đẩy của bệnh viện để hỗ trợ việc di chuyển của bệnh nhân được thuận lợi hơn.

Có bệnh nhân chạy thận xong mệt quá mà đường về còn xa, các CBCS ở đây đã nhường phần sữa, nước được ủng hộ phòng, chống dịch để chia sẻ khó khăn, tiếp sức cho người bệnh. “Các đồng chí Công an ở chốt rất nhanh nhẹn, nhiệt tình. Như sáng nay tôi cứ ấn tượng mãi hình ảnh đồng chí Thiếu uý đội mưa đẩy xe lăn cho người bệnh từ trong viện trở ra. Tôi cũng đến giúp một tay bởi đẩy xe qua đường sắt trước cổng viện hơi khó, thấy áo đồng chí ướt hết...”, anh Phạm Quang Minh, cán bộ khoa Thận bệnh viện Bạch Mai nhớ lại.

Tình nguyện cách ly 28 ngày ở ổ dịch

Bên trong bệnh viện Bạch Mai, giữa “mắt bão” COVID-19 hiện vẫn có 8 CBCS Công an quận Đống Đa (trước đây là 12 CBCS) bám trụ ở Khoa Thần kinh, làm nhiệm vụ kiểm soát, không cho người ra vào khu cách ly. “Trước khi thực hiện cách ly xã hội, lượng người mà chúng tôi phải kiểm soát mỗi ngày khá lớn, riêng người nhà bệnh nhân là hơn 500. Khi thực hiện “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, một số trường hợp định tranh thủ lúc sơ hở để vào gặp người nhà, tiếp tế đồ ăn. 

Cán bộ Công an quận Đống Đa, Công an phường Phương Mai làm nhiệm vụ tại lối đi riêng dành cho bệnh nhân chạy thận ở bệnh viện Bạch Mai

Chúng tôi phải mềm dẻo vận động, thuyết phục họ tuân thủ quy định của khu cách ly”, Thượng uý Nguyễn Toàn Thắng, cán bộ Công an phường Phương Mai cho biết. Nguyên cán bộ Đội Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc Công an quận Đống Đa, nhận quyết định về phường ngày 19-3 thì 22-3 anh đã xung phong vào viện. Cùng thời điểm với anh có Thượng uý Mai Anh Lực, Đội CSĐT tội phạm về ma tuý.

“Tôi và Lực bảo nhau, là cán bộ mới về phường thì hãy vào viện, vừa làm quen địa bàn, cũng là chia sẻ trách nhiệm với đồng chí đồng đội bởi các đồng chí khác bận rất nhiều việc, nhất là trong mùa dịch này”, Thắng nói. Nghĩ là làm, hai cán bộ trẻ vừa được tăng cường cho cơ sở đã được Ban chỉ huy Công an phường Phương Mai duyệt vào danh sách những cán bộ tình nguyện nơi “tuyến đầu” và đã xa vợ xa con làm nhiệm vụ tại bệnh viện Bạch Mai 10 ngày nay. Con trai đang học mẫu giáo nay cũng nghỉ ở nhà vì dịch bệnh, thỉnh thoảng lại hỏi mẹ “bao giờ ba Thắng được về?”.

Xem những clip con tự chơi ở nhà do vợ gửi, anh lại tự động viên mình hoàn thành tốt nhiệm vụ mỗi ngày, bởi việc anh làm cũng góp phần ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, cho gia đình, người thân được an toàn... Những ngày mới vào, các anh cũng ăn cơm tại nhà ăn bệnh viện, do Công ty Trường sinh đảm nhận nên khi xuất hiện ổ dịch tại đây, tâm lý cũng có phần lo lắng. Tuy nhiên hiện số cán bộ này đều đã được xét nghiệm hai lần (ngày 29-3 và 1-4), đều cho kết quả âm tính.

Đây là những CBCS xung kích, tình nguyện làm nhiệm vụ tại tâm dịch

Ở cổng chính bệnh viện Bạch Mai, việc kiểm soát người ra vào không vất vả như những ngày đầu vì người dân không còn đến bệnh viện thăm, khám (trừ bệnh nhân chạy thận hoặc cấp cứu). Tuy nhiên việc các xe ô tô chở thiết bị y tế, chở bệnh nhân hay y, bác sỹ ra vào, gửi đồ... vẫn cần phải khai báo và kiểm tra y tế một cách đầy đủ, đúng quy định. 

“Sau khi nhận được lệnh tăng cường bảo vệ, đảm bảo công tác cách ly tại bệnh viện Bạch Mai, Đại tá Võ Hồng Phương, Trưởng Công an quận đã chỉ đạo xây dựng phương án, kế hoạch, giao các đội nghiệp vụ lập danh sách CBCS tình nguyện tham gia đợt công tác phòng, chống dịch này”, Thiếu tá Nguyễn Trọng Hùng, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an quận Đống Đa cho biết. Anh cũng là một trong những đồng chí xung phong làm nhiệm vụ này dù biết trước sẽ phải xa nhà tối thiểu 28 ngày để đảm bảo an toàn cho người thân xung quanh cũng như chí, đồng đội.

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, anh luôn tâm niệm mỗi CBCS là một chiến sỹ “chống giặc”, nguyện vượt qua nỗi nhớ gia đình, khắc phục khó khăn để xông pha mặt trận chống dịch này. Hiện Công an quận Đống Đa đang tăng cường hơn 40 CBCS thay phiên gác 4 chốt (cổng chính, cổng ra vào, cổng sang bệnh viện Tai mũi họng Trung ương và lối vào của bệnh nhân chạy thận). 

Theo Trung tá Nguyễn Tiến Đạt, Phó Trưởng Công an quận Đống Đa, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Ban Chỉ huy Công an quận đã sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết công việc, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, động viên, anh em làm nhiệm vụ qua điện thoại di động. “Chúng tôi định sau 14 ngày sẽ đổi quân, cho số cán bộ ở bệnh viện về trụ sở cách ly tiếp nhưng đa số anh em xung phong tiếp tục ở lại. Họ chấp nhận cách ly hoàn toàn trong 28 ngày, hy sinh hạnh phúc riêng tư của bản thân vì mục tiêu chung”, Phó Trưởng Công an quận Đống Đa cho hay. 

Cùng với lực lượng Công an cả nước, các anh quyết tâm dồn lực để đẩy lùi đại dịch. Dù là ca kíp nào trực, CBCS cũng duy trì thường xuyên, liên tục chế độ thông tin báo cáo, đảm bảo mọi tình huống xảy ra đều được xử lý kịp thời...

 

Báo CAND

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website