Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở...
Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do Bộ Công an chủ trì soạn thảo đang được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để trình Quốc hội tại kỳ họp sắp tới nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách Nhà nước; tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; kịp thời tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục sử dụng lực lượng Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ Công an xã tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở...
Chuyện của người trong cuộc
Vốn là Phó Công an xã, sau khi có Công an chính quy về đảm nhiệm các chức danh Công an xã, anh Nguyễn Tiến Mạnh, ở Hậu Lộc, Thanh Hoá nghỉ việc, tham gia sản xuất với gia đình nhưng vẫn muốn đóng góp công sức bảo vệ sự bình yên ở thôn xóm. Vì vậy khi biết Bộ Công an đang đề xuất sử dụng lại lực lượng Công an xã bán chuyên trách, anh Mạnh mừng lắm.
“Hằng ngày, tôi đi làm ruộng, phụ hồ, buổi tối khá nhàn rỗi. Trước kia tham gia đi tuần tra, nhưng giờ đang tạm nghỉ. Sợ nhất là bạn bè rủ rê rượu chè, hát hò rồi sinh chuyện. Vì thế, nếu được sử dụng lại tôi rất vui, dù tiền trợ cấp chẳng đáng là bao nhiêu nhưng tôi được làm việc mình yêu thích”, anh Mạnh cho biết.
Còn ông Hoàng Văn Hiếu ở quận Đống Đa, Hà Nội, người tham gia bảo vệ dân phố hơn 10 năm cũng hồ hởi không kém. “Bình thường tôi vẫn làm nhiệm vụ bảo vệ dân phố. Hàng ngày cùng các anh Công an đi tuần tra, nhắc nhở bà con không lấn chiếm lòng đường, hè phố, không bán hàng rong, gây mất TTCC. Nhưng giờ được Bộ Công an đề xuất quy định trong luật, chúng tôi cũng vui hơn vì được quan tâm hơn”.
Công an chính quy và lực lượng chức năng ở cơ sở trao đổi cơ chế phối hợp công việc
Thực hiện chủ trương đưa Công an chính quy về đảm nhiệm các chức danh Công an xã, đến nay các địa phương trong toàn quốc đã hoàn thành xong việc bố trí Công an xã chính quy tại 100% các xã, thị trấn với gần 30.000 Công an xã chính quy. Điều này làm phát sinh thực tế là số Công an xã, thị trấn bán chuyên trách đã kết thúc nhiệm vụ Công an xã, đang dôi dư và phải bố trí cho các chức danh này được tiếp tục tham gia bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn xã nơi bố trí Công an xã chính quy.
Có luật sẽ góp phần giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách
Theo số liệu của Bộ Công an, hiện nay lực lượng bảo vệ dân phố có tổng số 72.456 thành viên; lực lượng dân phòng có 543.095 đội viên; còn lực lượng Công an xã, thị trấn không phải Công an chính quy đã kết thúc nhiệm vụ công an xã và tiếp tục tham gia bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn là 126.084 người. Như vậy, số lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở sẽ là hơn 741.500 người. Mỗi thành viên được hưởng mức bồi dưỡng, hỗ trợ hằng tháng, được hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo mức do HĐND cấp tỉnh quyết định.
Vì vậy, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ sẽ sắp xếp, bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo hướng thống nhất, kiện toàn, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quan hệ công tác, giảm chi ngân sách, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Sắp xếp thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ Công an xã thành một lực lượng với tên gọi chung là lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự, được bố trí ở thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương thuộc địa bàn cấp xã; xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, có hiệu lực pháp lý cao quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Theo đề xuất của Bộ Công an, Công an xã sẽ hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ đối với lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở để khi có việc xảy ra giải quyết được ngay. Tiêu chuẩn đối với lực lượng này đảm bảo tính tự nguyện nhưng phải đáp ứng yêu cầu sức khỏe, uy tín, nhân thân theo quy định. Người tham gia lực lượng này vẫn có thể tiếp tục tham gia ở các nhiệm vụ khác ở địa phương.
Lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở có 7 nhiệm vụ chính gồm: nắm tình hình hoạt động của bị can, bị cáo, người bị kết án phạt tù đang được tại ngoại, người được hưởng án treo, các hiện tượng tụ tập, gây rối trật tự công cộng, khiếu kiện đông người… để kịp thời báo cáo với Công an, UBND cấp xã có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý; phối hợp với Công an kiểm tra hộ khẩu, nhân khẩu, tạm trú, tạm vắng, căn cước công dân, CMND hoặc giấy tờ tùy thân khác của những người đến làm ăn, sinh sống hoặc người có nghi vấn đến địa bàn; phối hợp cùng Công an, lực lượng chức năng để truy bắt người phạm tội, người đang bị truy nã, truy tìm, trốn thi hành án phạt tù đang lẩn trốn.
Dự thảo luật cũng quy định UBND cấp xã bố trí địa điểm, nơi làm việc của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, lực lượng ANTT ở cơ sở được sử dụng con dấu riêng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an; được trang bị, sử dụng công cụ hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ.
Lực lượng này cũng được trang bị hồ sơ, sổ sách và trang thiết bị, phương tiện cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ; đồng thời sử dụng trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận theo quy định của Chính phủ. Lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở có mức trợ cấp tối thiểu thường xuyên là 300.000 đồng/tháng. HĐND các tỉnh, thành phố sẽ quy định mức trợ cấp theo tình hình ngân sách từng địa phương.
Đặc biệt, theo dự thảo Luật thì việc hợp nhất này sẽ góp phần giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách. Bởi theo quy định của pháp luật về PCCC thì mỗi thôn phải quy định 1 đội dân phòng, trung bình khoảng 10 người. Nếu thành lập được hết ở các thôn thì có khoảng 1,8 triệu người.
Cùng với đó, có 72.000 người bảo vệ dân phố ở các đô thị, hơn 126.000 người là Công an xã bán chuyên trách đã hoàn thành nhiệm vụ. Như vậy, hiện có hơn 2 triệu người trong các lực lượng này. Trung bình, mỗi người được hỗ trợ 300.000 đồng/tháng thì mỗi tỉnh phải trả 10 tỷ đồng/tháng cho các lực lượng này.
Theo dự thảo luật, quy định hỗ trợ hàng tháng sau khi nhập 3 lực lượng thì mỗi thôn có 1 tổ bảo vệ ANTT từ 7-10 người, toàn quốc có hơn 180.000 thôn, tức là có khoảng 1,5 triệu người, giảm khoảng 500.000 người so với hiện nay. Với mức hỗ trợ 300.000đ/người/tháng thì sẽ giảm được 150 tỷ chi trả từ ngân sách/tháng.
Không những thế, hiện nay trên một địa bàn cấp xã cùng tồn tại các lực lượng quần chúng với tên gọi khác nhau và đều do UBND cấp xã thành lập, cùng thực hiện một nhiệm vụ nên dễ dẫn đến chồng chéo, mâu thuẫn, chồng lấn.
Việc tổ chức lại các lực lượng này thành lực lượng với tên gọi chung sẽ góp phần kiện toàn, tinh gọn bộ máy; kiện toàn lực lượng. Việc điều chỉnh thống nhất 3 lực lượng này sẽ khắc phục hạn chế, bất cập hiện nay khi người dân rất khó phân biệt tên gọi, nhiệm vụ, quyền hạn, trang phục, địa bàn, phạm vi hoạt động… của các lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Góp ý vào dự thảo luật, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, việc xây dựng Luật là cần thiết để bảo vệ quyền lợi cũng như quy định rõ trách nhiệm của những người trực tiếp tham gia trật tự ở cơ sở.
“Như hiện nay, các đồng chí bảo vệ dân phố, dân phòng khi đi tuần tra bảo vệ an ninh thôn xóm cũng rất vất vả, nguy hiểm nhưng chế độ chính sách chưa được cụ thể, nếu hi sinh chưa có quy định được công nhận liệt sỹ. Vì vậy, cần có luật để bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của họ cũng như quy định nhiệm vụ, quyền hạn họ được phép thực hiện”.
Nguồn Báo CAND