Đề xuất thêm 3 lãnh đạo vào diện đối tượng cảnh vệ

Dự thảo Luật Cảnh vệ bổ sung đối tượng cảnh vệ là cá nhân giữ các chức vụ: Thường trực Ban Bí thư, Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao.

Bộ Công an vừa hoàn thành dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ để lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong 60 ngày.

Một trong những đề xuất đáng chú ý của dự thảo là bổ sung cá nhân giữ các chức vụ: Thường trực Ban Bí thư, Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao vào diện được bảo vệ.

Tại Điều 10 Luật Cảnh vệ 2017 hiện hành, nhóm đối tượng cảnh vệ gồm: Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, nguyên Tổng bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng; Ủy viên Bộ Chính trị; Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Phó chủ tịch nước, Phó chủ tịch Quốc hội, Phó thủ tướng.

Dự thảo cũng sửa đổi theo hướng thu hẹp phạm vi đối tượng cảnh vệ là sự kiện đặc biệt quan trọng. Theo đó, hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng tổ chức; đại hội đại biểu toàn quốc do tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương tổ chức; hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam có đối tượng cảnh vệ là lãnh đạo chủ chốt gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng và khách quốc tế có chức vụ tương đương sẽ được xác định là sự kiện đặc biệt quan trọng.

Ngoài ra, dự thảo luật hóa một số quyền hạn của Tư lệnh Bộ Tư lệnh và Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh Quân đội trong thực hiện công tác cảnh vệ. Để có căn cứ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng cảnh vệ thực thi nhiệm vụ, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Điều 20 về việc phát hành thẻ, phù hiệu phục vụ công tác cảnh vệ trong và nước ngoài. Trong trường hợp cần thiết có thể thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ bảo vệ đối tượng cảnh vệ khi đi công tác nước ngoài.

Dự thảo cũng đề xuất bổ sung quy định cho phép lực lượng cảnh vệ xử phạt vi phạm hành chính trong khi thi hành công vụ theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; kiểm nghiệm thức ăn, nước uống là biện pháp nghiệp vụ cảnh vệ áp dụng nhằm kịp thời phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các nguy cơ đầu độc, ngộ độc từ thức ăn, nước uống.

Theo ZING.VN

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website