Thắng lợi của cuộc chiến chống dịch COVID-19 ở nước ta đang ngày càng được khẳng định. Trong cuộc chiến này, không chỉ hao tâm, tổn sức và có thể bị nhiễm bệnh bất kể lúc nào, nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an, cán bộ ở cơ sở, những cán bộ trong hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch bệnh còn là đối tượng bị tấn công của những người thiếu hiểu biết, coi thường pháp luật.
Đến nay, mặc dù chưa có những thống kê thật đầy đủ nhưng hàng chục vụ việc chống người thi hành công vụ liên quan đến phòng, chống COVID-19 đã được ghi nhận. Một điểm sáng là hoạt động khởi tố, điều tra, xử lý các vụ việc này được thực hiện rất kịp thời, trên tinh thần “thượng tôn pháp luật”, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người thi hành công vụ, có sức răn đe, cảnh tỉnh, phòng ngừa cao nhưng cũng đầy tính nhân văn. Qua đó, góp phần không nhỏ vào việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của những người đang hằng ngày, hằng giờ phòng, chống COVID 19.
Việc điều tra, xử lý các vụ án nêu trên chắc chắn sẽ là hình mẫu trong điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục rút gọn đã được quy định trong pháp luật tố tụng hình sự.
Có được kết quả ấy là do, ngay khi triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, vấn đề bảo vệ người thi hành công vụ đã được quan tâm kịp thời, quyết liệt, hướng dẫn, thi hành cụ thể từ các cơ quan có thẩm quyền. Đến nay, sau mỗi quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, mỗi bản án và quyết định kỷ luật hay những hình thức xử lý phù hợp khác đối với người có hành vi chống người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh, đã thực sự lan tỏa, góp phần nâng cao ý thức pháp luật của người dân.
Tuy nhiên, nếu xem xét toàn diện hơn, ngoài kết quả tích cực trong xử lý hành vi chống người thi hành công vụ liên quan tới COVID 19, từ trước đến nay, vấn đề xử lý hành vi chống người thi hành công vụ ở Việt Nam còn chưa thật thống nhất trong nhận thức, có những “điểm nghẽn” và không ít hạn chế, thiếu sót. Đó có thể là một trong những nguyên nhân quan trọng tác động lớn, ảnh hưởng tiêu cực tới tâm thế của người thi hành công vụ, dẫn đến số vụ việc chống người thi hành công vụ ở Việt Nam chưa giảm, tính chất, mức độ ngày càng nguy hiểm, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Cùng với tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người thi hành công vụ bị xâm hại, ý thức tuân thủ pháp luật của xã hội và công dân chưa được đề cao.
Từ bài học hay trong thực tiễn xử lý hành vi chống người thi hành công vụ liên quan tới COVID-19, trên cơ sở quy định của pháp luật, các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét, đánh giá, hình thành quan điểm chung trong xử lý các hành vi chống người thi hành công vụ theo hướng kiên quyết hơn. Đối với mỗi cá nhân, công dân, cơ quan, tổ chức, cần tôn trọng, thực hiện các yêu cầu, quyết định của người thi hành công vụ.
Tất nhiên, đó không phải là nhận thức và hành động một chiều vì nếu có căn cứ để cho rằng các quyết định, hành vi, yêu cầu của người thi hành công vụ chưa phù hợp, chưa đúng, cá nhân, công dân, cơ quan, tổ chức hãy thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật. Cuộc sống bình an và trật tự, kỷ cương xã hội cần bắt đầu từ những nhận thức, việc làm như vậy.
PGS.TS Trần Vi Dân