Quán triệt tư duy mới của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, vì mục tiêu bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sáng ngày 18/11/2023, tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Học viện Chính trị Công an nhân dân và Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp Học viện, với chủ đề: “Phật giáo với sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.”. Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm Ngày đại đoàn kết toàn dân tộc 18/11 và chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Hội thảo nhằm mục đích: Làm rõ cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn và tầm quan trọng của Phật giáo với sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Từ kết quả cuộc Hội thảo sẽ làm căn cứ để đề xuất phương hướng, giải pháp, kiến nghị với Bộ Công an, Công an các đơn vị, địa phương, các cơ quan ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc các cấp để tiếp tục xác định, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có Phật giáo đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và vai trò nòng cốt của lực lượng Công an nhân dân trong bảo vệ an ninh trật tự, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Tham dự Hội thảo có đại biểu là lãnh đạo chủ chốt của Học viện Chính trị CAND, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, tác giả có bài viết tham luận, đại diện các đơn vị chức năng của Bộ Công an và huyện Sóc Sơn. Điều hành Hội thảo gồm: Hòa thượng, TS Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội; Hòa thượng, TS Thích Thanh Đạt, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội; Trung tướng, PGS.TS Phan Xuân Tuy, Ủy viên Hội đồng Lý luận Bộ Công an, Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân; Đại tá, TS. Trần Văn Tuấn, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân.
Hội thảo nhận được quan tâm của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia trên các lĩnh vực chuyên sâu, các chức sắc tôn giáo, tăng ni, phật tử, cán bộ thực tiễn của Công an các đơn vị, địa phương, tiếp cận chủ đề hội thảo theo nhiều phương diện khác nhau. Với 47 báo cáo khoa học theo ba nhóm vấn đề chính: (1) Vị trí, vai trò của Phật giáo trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; (2) Thực trạng ảnh hưởng của Phật giáo đối với công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. (3) Phát huy vai trò của Phật giáo trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Hai đơn vị tặng quà lưu niệm
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Hòa thượng TS Thích Thanh Đạt, Chủ tịch Hội đồng khoa học Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội khẳng định: Dựng nước và giữ nước là hằng số xuyên suốt trong tiến trình lịch sử Việt Nam. Trong trường kì lịch sử dựng nước và giữ nước, văn hóa và sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc là dòng chủ lưu, là căn cốt tinh thần đạo lý của dân tộc. Trong đó, dấu ấn của Phật giáo trên các phương diện văn hoá – xã hội, kinh tế – chính trị, theo dòng chảy lịch sử đã được khẳng định và được chứng minh cả trên phương diện thực tiễn và lý luận.
Đại đoàn kết dân tộc quyết định đến sức mạnh của Tăng đoàn. Tư tưởng, đạo đức và lối sống của văn hóa Phật giáo trở thành “chất keo” bền vững, kết dính các thành tố, các tộc người trong đại gia đình dân tộc Việt Nam, tạo nên bước nhảy về chất.
Tham luận tại Hội thảo, các ý phát biểu đã làm rõ hơn chủ đề Hội thảo trên phương diện lý luận và thực tiễn về vị trí, vai trò, sự đồng hành của Phật giáo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và vai trò, trách nhiệm nòng cốt của lực lượng CAND trong bảo vệ ANTT. Từ đó chỉ ra những biện pháp, giải pháp tiếp tục phát huy vai trò của đội ngũ tăng, ni, phật tử trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng thế trận lòng dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong giai đoạn hiện nay theo quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước ta.
Thay mặt Ban tổ chức, Trung tướng PGS.TS Phan Xuân Tuy, Ủy viên Hội đồng lý luận Bộ Công an, Giám đốc Học viện Chính trị CAND phát biểu tổng kết hội thảo đã khẳng định: Việc tổ chức Hội thảo là rât cần thiết, chủ đề Hội thảo rất quan trọng, thời gian và địa điểm tổ chức Hội thảo có nhiều ý nghĩa; công tác chuẩn bị Hội thảo chu đáo, việc báo cáo và triển khai Hội thảo theo đúng kế hoạch đã được lãnh đạo Bộ Công an và cơ quan chức năng cho ý kiến chỉ đạo; Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ thực tiễn, các nhà nghiên cứu của Giáo hội phật giáo Việt Nam, các đơn vị của Bộ Công an, cấp ủy, chính quyền địa phương. Tham luận và phát biểu trực tiếp tại Hội thảo đã phân tích, làm rõ hơn các vấn đề lý luận, thực tiễn về vị trí, vai trò của Phật giáo trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Khẳng định Phật giáo đã hòa mình cùng văn hóa dân tộc, có vị trí, vai trò quan trọng trong việc huy động các tăng ni, phật tử đồng hành cùng dân tộc, chung tay, góp sức xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ thành quả của sự nghiệp cách mạng dân tộc, kiên định theo phương châm đạo pháp, dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, chính qua sự hòa mình vào dân tộc, phát huy truyền thống yêu nước, hộ quốc, an dân, Phật giáo ngày càng có uy tín trong xã hội. Hội thảo cũng khẳng định vai trò nòng cốt của lực lượng CAND trong sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự suốt gần 80 năm qua, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của Nhân dân và đồng bào theo tôn giáo, trong đó có Phật giáo.
Hòa thượng, TS Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội phát biểu tại Hội thảo
Trung tướng, PGS. TS Phan Xuân Tuy, Giám đốc Học viện Chính trị CAND phát biểu tại Hội thảo
Hòa thượng, TS Thích Thanh Quyết, Hòa thượng, TS Thích Thanh Đạt, Trung tướng, PGS.TS Phan Xuân Tuy, Đại tá, TS. Trần Văn Tuấn đồng chủ trì Hội thảo
Các ý kiến cũng nêu ra một số thực trạng ảnh hưởng tích cực của Phật giáo đối với công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội như việc vận động sư sãi và đồng bào phật tử chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội tại địa phương; thực trạng công tác phát huy vai trò của các chức sắc phật giáo góp phần giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự ở một số địa bàn trọng điểm; thực trạng công tác tuyên truyền, công tác vận động quần chúng đối với tăng ni, phật tử trong việc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ta. Cùng với những kết quả đã đạt được, trên tinh thần thẳng thắn, nhìn thẳng vào sự thật, với trách nhiệm và mang tính xây dựng cao, các ý kiến phát biểu cũng chỉ ra một số hạn chế cần khắc phục để công tác tôn giáo nói chung, phật giáo nói riêng thật sự phát huy được vị trí, vai trò trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, cần phải tăng cường cảnh giác, đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng tôn giáo, Phật giáo xâm hại an ninh trật tự của đất nước ta. Cuộc Hội thảo hôm nay cũng mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới, nhiều hoạt động phối hợp và những nhiệm vụ cụ thể cho Học viện Chính trị CAND và Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao của mỗi bên và quy định, với những định hướng nghiên cứu, những nội dung hợp tác mà hai bên có thể triển khai thực hiện trong thời gian tới, nhất là quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII về tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Các đại biểu tham luận tại Hội thảo