Giới thiệu sách: “Triết học phương Đông và phương Tây - Vấn đề và cách tiếp cận”

Việc giảng dạy và nghiên cứu lịch sử triết học ở Việt Nam đã có từ thời kỳ thuộc địa. Công việc đó được tiếp tục cả trong thời kỳ đất nước tạm thời bị chia cắt (1954 - 1975), từ những ngày đầu thành lập Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội với một đội ngũ các giáo sư, phó giáo sư và nhiều nhà khoa học có tên tuổi như Trần Đức Thảo, Trần Văn Giàu, Đặng Thai Mai… hay ở miền Nam trước 1975 với đội ngũ giáo sư có tên tuổi như Nguyễn Đăng Thục, Nguyễn Hiến Lê, Kim Định, Lê Tôn Nghiêm, Trần Thái Định…

Từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất đến nay, việc nghiên cứu lịch sử triết học ở Việt Nam được quan tâm và có bước phát triển, góp phần phát triển khoa học xã hội nói chung và triết học Việt Nam nói riêng một cách toàn diện hơn và theo hướng hiện đại; có những đóng góp nhất định vào sự phát triển tư tưởng triết học của các nước trong khu vực.

Năm 1982, Bộ môn Lịch sử triết học được thành lập tại Khoa Triết học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) càng thúc đẩy công việc giảng dạy và nghiên cứu lĩnh vực này. Bộ môn Lịch sử triết học hiện là một trong những bộ môn đóng vai trò trụ cột của Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học xã hội nhân văn với một bề dày kinh nghiệm nghiên cứu và đào tạo.

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Bộ môn Lịch sử Triết học, đồng thời tri ân cố Giáo sư Trần Đức Thảo, người khởi thảo ngành Lịch sử triết học ở Đại học Quốc gia Hà Nội, Bộ môn Lịch sử Triết học, Khoa Triết học, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản cuốn sách Triết học phương Đông và phương Tây - Vấn đề và cách tiếp cận” do PGS.TS Nguyễn Quang Hưng - Lương Gia Tĩnh và TS. Nguyễn Thanh Bình đồng chủ biên. Công trình tập hợp một số bài viết của các giáo sư, phó giáo sư về triết học phương Tây; một số vấn đề triết học phương Đông: các quan niệm của nho giáo, về thời gian, không gian; lịch sử tư tưởng Việt Nam, một số vấn triết học Việt Nam về Phật giáo, tư tưởng Hồ Chí Minh và các nhà cách mạng khác; triết học trong xã hội hiện đại, giáo dục triết học và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam hiện nay. Cuốn sách được cấu trúc thành 04 phần: Phần I. Triết học phương Tây; Phần II. Một số vấn đề triết học phương Đông; Phần III. Một số vấn đề tư tưởng triết học Việt Nam; Phần IV. Triết học trong xã hội hiện đại.

Toàn thể cán bộ, giảng viên, học viên và đông đảo bạn đọc có thể tham khảo cuốn sách Triết học phương Đông và phương Tây - Vấn đề và cách tiếp cận” tại Phòng đọc Tổng hợp - Thư viện Học viện Chính trị Công an nhân dân.

             Trung tâm Lưu trữ và Thư viện - CLB Truyền thông

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website