Chủ nghĩa xã hội không có một mô hình lý tưởng chung mà mỗi một đất nước, một dân tộc phải xây dựng nó trên những điều kiện thực tế, truyền thống và kinh nghiệm lịch sử của mình. Hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô tan rã từ đầu thập niên 1990 nhưng những tư tưởng xã hội chủ nghĩa không phải đã bị phá sản hoàn toàn. Liệu chủ nghĩa xã hội có lại trở thành hiện thực ở nước Nga hay không? đó là điều mà các học giả ở Nga đã và đang tranh luận nhằm thúc đẩy việc hiện thực hóa nó đồng thời cũng hình thành một cơ sở lý luận mácxít để khắc phục tình trạng “đa nguyên cộng sản” ở nước Nga hiện nay.
Chủ nghĩa xã hội từ khi ra đời, từ hình thái ý thức đến hiện thực luôn là sự tranh luận bất tận của xã hội loài người. Tên gọi chủ nghĩa xã hội và thêm vào sau nó những bổ ngữ khác nhau tạo nên nhiều tên gọi khác nhau về chủ nghĩa xã hội. Đương nhiên, mỗi tên gọi như vậy có sự khác biệt giữa chúng. Trước C.Mác và Ph.Ăngghen đã có nhiều tên gọi khác nhau về chủ nghĩa xã hội. Các ông đã từng liệt kê trong mục “Chủ nghĩa xã hội phản động” trong bản "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”: chủ nghĩa xã hội phong kiến, chủ nghĩa xã hội tiểu tư sản, chủ nghĩa xã hội Đức, chủ nghĩa xã hội chân chính, chủ nghĩa xã hội bảo thủ hay chủ nghĩa xã hội tiểu tư sản,... và các ông gọi chúng là sự gán ghép thấp hèn. Sau "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" cho đến nay xuất hiện nhiều trào lưu tư tưởng khác nhau về chủ nghĩa xã hội và cùng với nó là sự xuất hiện tương ứng nhiều tên gọi khác nhau về chủ nghĩa xã hội: chủ nghĩa xã hội biến thể, chủ nghĩa xã hội dân chủ, chủ nghĩa xã hội có bờ bến, chủ nghĩa xã hội không bờ bến, chủ nghĩa xã hội lý tưởng, chủ nghĩa xã hội nhân đạo, chủ nghĩa xã hội nhân dân.
Để giúp bạn đọc có thêm tài liệu nghiên cứu, tham khảo về những vấn đề trên, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật phối hợp với Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh xuất bản cuốn sách “Những tranh luận mới của các học giả Nga về chủ nghĩa xã hội”. Những vấn đề của chủ nghĩa xã hội mới được đưa ra tranh luận trong cuốn sách này xoay quanh các chủ đề: Nguyên nhân sụp đổ của mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô trước đây; Về chủ nghĩa tư bản hiện đại; Về chủ nghĩa xã hội và nền kinh tế thị trường; Sự lựa chọn xã hội chủ nghĩa; Chủ nghĩa xã hội: cuộc tranh luận về quá khứ và tương lai; Tại sao lại là chủ nghĩa xã hội; Phải chăng chủ nghĩa Mác đã chết; Về chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI… Cuốn sách tập hợp gần 30 công trình nghiên cứu lý luận tương đối tiêu biểu trên nhiều bình diện về chủ nghĩa xã hội của các nhà khoa học Nga để bạn đọc nghiên cứu và tham khảo.
Cuốn sách với dung lượng 423 trang, được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia in phát hành năm 2013.
Cán bộ, giảng viên, học viên và đông đảo bạn đọc có thể tham khảo cuốn sách “Những tranh luận mới của các học giả Nga về chủ nghĩa xã hội” tại Phòng đọc Tổng hợp - Thư viện Học viện Chính trị Công an nhân dân.

Trung tâm Lưu trữ và Thư viện - CLB Truyền thông