An ninh quốc gia là một khái niệm quan trọng trong chính trị học, một vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với từng quốc gia, một lĩnh vực không thể thiếu trong chính sách của từng địa phương, từng tổ chức kinh tế, từng đảng phái chính trị, từng thể chế chính trị khu vực và quốc tế. An ninh quốc gia chỉ trạng thái quốc gia không bị đe dọa và nguy hiểm. Nhưng về mặt logic, nói đến an ninh quốc gia phải luôn xác định rõ không bị đe dọa từ phía nào, từ đâu, tính chất và mức độ ra sao, thời gian và quy mô như thế nào. Trong từng giai đoạn nhất định, do ở vào không gian địa chính trị, môi trường chiến lược và tương quan lực lượng khác nhau nên tình trạng an ninh của quốc gia lục địa và quốc gia đại dương cũng khác nhau. Trên một bình diện khác, sự tồn tại của một số nước phải đối mặt với mối đe dọa quân sự nhiều hơn, một số nước khác phải đối mặt với mối đe dọa kinh tế bên ngoài nhiều hơn. Lại có những quốc gia phải đối mặt với mối đe dọa của biến đổi khí hậu môi trường mạnh hơn, nhiều hơn.
Cùng với sự thay đổi của thời gian, mức độ đe dọa và nguy hiểm đối với hòa bình, ổn định của một nước nào đó chẳng những có sự khác nhau về hệ số, tần số mà ngay cả nguồn gốc sự đe dọa cũng luôn thay đổi. Chính sự khác biệt của các nguồn gốc vốn đã tồn tại với các nguồn gốc mới phát sinh ảnh hưởng đến an ninh đã dẫn đến hai khái niệm an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống. An ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống, dù xét trên bình diện nào, cũng chỉ là sự khu biệt tương đối. Khi nghiên cứu, bàn luận về vấn đề an ninh truyền thống, người ta thường đề cập những vấn đề mà hàng nghìn năm nay vẫn luôn ám ảnh ít nhiều đến sự an nguy, sinh tồn của một quốc gia, dân tộc.
Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, toàn cầu hóa kinh tế được đẩy mạnh, việc tranh giành nguồn tài nguyên và thị trường ngày càng ác liệt. Tổng lượng hàng hóa và tốc độ lưu thông tiền tệ gia tăng mạnh. Mối quan hệ căng thẳng giữa con người và thiên nhiên đã xảy ra từ trước, nay càng tăng lên rõ rệt do nhiều nước dốc sức khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên phục vụ cho tăng trưởng ồ ạt. Những mâu thuẫn dân tộc, tôn giáo bị kìm hãm, dồn nén trong thời kỳ hai cực trước đây nay đã bung ra, nổi lên ở khắp nơi. Hiện nay, tiến trình đa cực hóa, toàn cầu hóa kinh tế và thông tin hóa xã hội phát triển như vũ bão. Các khái niệm mới, chủ nghĩa mới, đảng phái mới, lực lượng chính trị mới liên tục nảy sinh, vận động, đan cài với nhau tạo ra những tác động đa chiều khó lường. Tình hình đó cho thấy một thế giới hiện tại đang vận động mạnh mẽ với tất cả các quan hệ đa chiều phức hợp chưa từng thấy. Từ chính trong sự vận động hết sức phức tạp ấy, có thể nhận diện tình hình quốc tế hiện nay với ba xu thế mới:
Một là, những mối đe dọa mới, thách thức mới về an ninh không ngừng tăng nhanh.
Hai là, sự trỗi dậy của các thế lực kinh tế - chính trị mới.
Ba là, sức mạnh tác động của truyền thông vào đời sống xã hội nói chung và đối với an ninh nói nghiêng ngày càng gia tăng.
Trên cơ sở nhận thức sâu sắc tình hình quốc tế, đặc điểm của thời đại và những vấn đề thực tiễn nóng bỏng đang đặt ra, Đảng, Nhà nước ta đã xác định rõ chiến lược, đối sách bảo đảm an ninh quốc gia. Văn kiện Đại hội XI của Đảng đã chỉ rõ: “Chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống”. Đây là quan điểm cơ bản, phương hướng chủ yếu để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quyết tâm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ vững anh ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của đất nước trong tình hình mới.
Từ góc độ tiếp cận đó, Ban biên soạn TỦ SÁCH PHỤC VỤ LÃNH ĐẠO tổ chức biên soạn cuốn sách “An ninh quốc gia - Những vấn đề lý luận và thực tiễn” được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật in xong và nộp lưu chiểu Quý IV năm 2013, với dung lượng 378 trang. Nội dung cuốn sách được cấu trúc thành 4 phần:
Phần 1: An ninh quốc gia - Những vấn đề lý luận.
Phần 2: An ninh quốc gia, an ninh khu vực, an ninh toàn cầu.
Phần 3: An ninh châu Á - Thái Bình Dương và Việt Nam.
Phần 4: Chiến lược an ninh của các nước lớn trên thế giới.
Những vấn đề trình bày trong cuốn sách đã cung cấp những thông tin khoa học cơ bản về an ninh quốc gia trên hai mặt lý luận và thực tiễn, trên các lĩnh vực an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống, trong đó chú trọng mối quan hệ giữa an ninh quốc gia, an ninh khu vực, an ninh toàn cầu mà điểm nhấn cơ bản là an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương và tác động của các cường quốc đến Việt Nam.
Cán bộ, giảng viên, học viên và đông đảo bạn đọc có thể tham khảo cuốn sách “An ninh quốc gia - Những vấn đề lý luận và thực tiễn” tại Phòng đọc Tổng hợp - Thư viện Học viện Chính trị Công an nhân dân.
Trung tâm Lưu trữ và Thư viện - CLB Truyền thông