Giới thiệu cuốn sách: “Tranh chấp Biển Đông - Pháp lý và thực tiễn”

Biển Đông là một trong những biển lớn nhất trên thế giới, Biển Đông là nơi chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú; là con đường hàng hải quan trọng vào loại bậc nhất thế giới, là huyết mạch kinh tế - thương mại của các quốc gia trong khu vực; đồng thời là giao lộ nối liền Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, nối liền ba lục địa (châu Á - châu Âu - châu Phi) và với cả châu Đại Dương. Không chỉ là không gian có ý nghĩa địa - chính trị và địa - chiến lược, Biển Đông còn là khu vực chứa đựng nhiều lợi ích đan xen của hầu hết các quốc gia trong khu vực

Tranh chấp Biển Đông đã, đang và sẽ là một trong những tranh chấp quốc tế được coi là phức tạp, cam go, tiềm ẩn những nguy cơ khó lường. Các tranh chấp và xung đột này diễn ra với tần suất và mức độ khác nhau trải dài theo lịch sử. Tuy nhiên, số sự vụ tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây biến Biển Đông trở thành một trong những khu vực tồn tại nhiều tranh chấp phức tạp nhất thế giới

Là nước nằm ở vị trí cửa ngõ của Biển Đông, Việt Nam có bờ biển dài khoảng 3.260 km trải dài từ Bắc tới Nam. Trong số 63 tỉnh, thành phố thì hiện có 28 tỉnh, thành phố có biển, với 125 huyện ven biển, 12 huyện đảo và gần một nửa dân số sinh sống tại các tỉnh, thành ven biển. Biển Đông có vai trò vô cùng quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cả trong lịch sử, hiện tại và tương lai. Không chỉ cung cấp nguồn lợi cho cư dân ven biển, Biển Đông còn là lợi thế để Việt Nam phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn như thủy sản, dầu khí, giao thông hàng hải, đóng tàu, du lịch..., là cửa ngõ để Việt Nam giao thương với thị trường khu vực và thế giới, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay. Chủ quyền biển, đảo của Việt Nam là sự thật hiển nhiên qua quá trình cơ trú, quản lý lâu dài, liên tục của cha ông, được khẳng định trên các chứng cứ lịch sử vững chắc, soi chiếu trên cơ sở pháp lý theo Luật Biển quốc tế. Do vậy, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.

Biển Đông là tuyến phòng thủ hướng Đông của đất nước. Các đảo và quần đảo trên Biển Đông, đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là tuyến phòng thủ chiến lược, quan trọng đối với Việt Nam. Đối với vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, Việt Nam kiên trì và kiên định lập trường nhất quán giải quyết các tranh chấp Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982. Trong quá trình tìm kiếm một giải pháp cơ bản, lâu dài cho các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, các bên liên quan có nghĩa vụ kiềm chế, không có thêm hành động đơn phương gây căng thẳng, làm phức tạp tình hình, cùng nỗ lực duy trì hòa bình ổn định, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không quân sự hóa; tuân thủ nghiêm túc Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Luật Biển năm 1982 và các chuẩn mực của luật pháp quốc tế.

Đồng thời, Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình ở Biển Đông; công khai hóa, minh bạch hóa vấn đề tranh chấp Biển Đông; chủ động và kiên trì sử dụng các biện pháp ngoại giao, đặc biệt là biện pháp đàm phán để giải quyết các tranh chấp, bất đồng về vấn đề biển đông để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cũng như lợi ích đất nước.

Bên cạnh đó, Việt Nam sẵn sàng cùng các bên tiến hành hợp tác cùng phát triển ở nhứng khu vực thật sự có tranh chấp phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.

Để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên Biển Đông, chúng ta cần trang bị cho mình kiến thức pháp luật về tranh chấp quốc tế tìm hiểu về các loại tranh chấp trong Biển Đông dưới góc độ pháp lý lịch sử, diễn biến các tranh chấp trong Biển Đông; cũng như nhận diện các thông tin và luận điểm sai trái đang tồn tại.

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, là người đã tham gia các cuộc đàm phán giữa Việt Nam với Trung Quốc ngay từ đầu khi hai nước bình thường hóa quan hệ, với tư cách là Phó đoàn đàm phán Chính phủ, từng là Trưởng nhóm chuyên gia đàm phán biên giới đất liền, phân định Vịnh Bắc Bộ và các vấn đề trên biển. Ông là tác giả, chủ biên nhiều cuốn sách, công trình khoa học, bài báo về vấn đề biên giới lãnh thổ nói chung và vấn đề Biển Đông nói riêng, thu hút sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước.

 Hơn 30 năm gắn bó với công tác biên giới lãnh thổ quốc gia, Tiến sĩ Trần Công Trục đã để lại những dấu ấn quan trọng của mình trên lĩnh vực bảo vệ chủ quyền biên giới. “Sự thật là tối thượng và ta luôn phải tôn trọng nó. Nhưng sự thật đó không phải do anh tự tưởng tượng ra hoặc là lượm lặt không có chọn lọc, mà phải là một sự thật phù hợp với quy luật của cuộc sống, phù hợp với luật pháp trong nước và quốc tế và với ý chí, nguyện vọng của cả cộng đồng. Thế nên tìm ra được sự thật trong nghề này không hề dễ dàng, đòi hỏi phải có cả sự dũng cảm, kiên định của người làm nghề!” là lời tâm sự của Tiến sĩ Trần Công Trục về sự nghiệp công tác và nghiên cứu về biên giới lãnh thổ mà ông đã và đang theo đuổi.

Cuốn sách Tranh chấp Biển Đông - Pháp lý và thực tiễn” do Tiến sĩ Trần Công Trục chủ biên là một nghiên cứu chuyên khảo. Với cách trình bày khoa học mang tính logic cao, góc tiếp cận trực tiếp với vấn đề đặt ra, cuốn sách là tài liệu hữu ích đưa các thông tin pháp lý về tranh chấp trên Biển Đông tới đông đảo bạn đọc, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, thực hiện thành công chính sách, pháp luật của Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông.

Cuốn sách cũng là một đóng góp khoa học vào hệ thống nghiên cứu pháp luật quốc tế, sử dụng khoa học pháp lý vào lý giải các vấn đề trên thực tiễn và đưa ra các giải pháp pháp lý cho các vấn đề đang đặt ra. Cuốn sách “Tranh chấp Biển Đông - Pháp lý và thực tiễn” được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản năm 2022, với dung lượng 319 trang. Cuốn sách gồm 4 chương:

- Chương I. Tranh chấp quốc tế

- Chương II. Các loại tranh chấp trong Biển Đông dưới góc độ pháp lý

- Chương III. Các bất đồng, tranh chấp trong Biển Đông

- Chương IV. Nhận diện những thông tin, nhận thức và luận điểm sai trái đang tồn tại.

Cán bộ, giảng viên, học viên và đông đảo bạn đọc có thể tham khảo cuốn sách “Tranh chấp Biển Đông: Pháp lý và thực tiễn” tại Phòng đọc Tổng hợp - Thư viện Học viện Chính trị Công an nhân dân.

                         Trung tâm Lưu trữ và Thư viện - CLB Truyền thông

 

 

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website