Tư tưởng về Nhà nước pháp quyền được nhà tư tưởng, chính trị, pháp lý như John Locke (1632 - 1704), Montesquieu (1698 - 1755), J.J.Rút-xô (1712 – 1778), T. Jepphecxơn (1743 – 1826, tác giả của Tuyên ngôn độc lập Mỹ năm 1776)… sáng lập, kế thừa và phát triển như một thế giới quan pháp lý mới, góp phần phát triển các tư tưởng về nhà nước pháp quyền, làm cơ sở lý luận xây dựng nhà nước tư sản cho đến ngày nay.
Trong không khí toàn đảng, toàn quân, toàn dân phấn đấu thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, hướng tới bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài viết quan trọng, sâu sắc, truyền cảm với luận cứ khoa học, thực tiễn vững chắc, nhất là từ thực tiễn cách mạng Việt Nam: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”; trong đó khẳng định xây dựng nhà nước pháp quyền thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam.
Tư tưởng về Nhà nước pháp quyền được nhà tư tưởng, chính trị, pháp lý như John Locke (1632 - 1704), Montesquieu (1698 - 1755), J.J.Rút-xô (1712 – 1778), T. Jepphecxơn (1743 – 1826, tác giả của Tuyên ngôn độc lập Mỹ năm 1776)… sáng lập, kế thừa và phát triển như một thế giới quan pháp lý mới, góp phần phát triển các tư tưởng về nhà nước pháp quyền, làm cơ sở lý luận xây dựng nhà nước tư sản cho đến ngày nay. So với nhà nước phong kiến cát cứ “ngàn năm trung cổ”, đây là những tư tưởng tiến bộ của nhân loại trong lịch sử hình thành và phát triển của nhà nước tư sản khi đó.
Trên cơ sở thế giới quan khoa học và lập trường tư tưởng cách mạng, chủ nghĩa Mác – Lênin chỉ rõ, nhà nước là một hiện tượng lịch sử - xã hội, có quá trình ra đời, hình thành và phát triển gắn liền với xã hội phân chia giai cấp và đấu tranh giai cấp. Nhà nước mang bản chất giai cấp, là bộ máy bạo lực của giai cấp thống trị, nhằm duy trì trật tự xã hội và điều hòa lợi ích trong xã hội theo trật tự mà giai cấp thống trị hướng đến. Vì vậy: “Nhà nước là một bộ máy dùng để duy trì sự thống trị của một giai cấp này đối với giai cấp khác”(1), “Ở khắp nơi, chức năng xã hội là cơ sở của sự thống trị chính trị; và sự thống trị chính trị cũng chỉ kéo dài chừng nào nó còn thực hiện chức năng xã hội đó của nó”(2).
Trong nhà nước XHCN, nhà nước là một công cụ, phương tiện, đồng thời, là một biểu hiện tập trung trình độ dân chủ của nhân dân lao động. Dân chủ trong xã hội XHCN chính là nhân dân tham gia vào mọi công việc của nhà nước. Toàn bộ việc quản lý nhà nước từ dưới lên phải do bản thân quần chúng tổ chức, quần chúng thực sự tham gia vào từng bước của cuộc sống và đóng vai trò tích cực trong việc quản lý.
Vì thế, V.I.Lênin trong quá trình lãnh đạo xây dựng Nhà nước Nga Xô viết đã yêu cầu phải xây dựng bộ máy nhà nước gọn nhẹ, tinh giản, tổ chức khoa học, hoạt động hiệu quả và tiết kiệm theo nguyên tắc “thà ít mà tốt”, nghĩa là coi trọng chất lượng, không chạy đua theo số lượng; cán bộ, công chức phải có năng lực, bản lĩnh chính trị vững vàng; phải phấn đấu đạt “chất lượng kiểu mẫu thật sự”.
Trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn đề Nhà nước giữ một vị trí đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp xây dựng, củng cố một nhà nước của dân, do dân, vì dân. Người nhấn mạnh: “Nước ta là một nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân vì dân là chủ”(3); “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân là chủ”(4). Toàn bộ quyền lực nhà nước đều bắt nguồn từ nhân dân, do nhân dân, nhằm phụng sự lợi ích của nhân dân. Bộ máy nhà nước được thiết lập là bộ máy thừa hành ý chí, nguyện vọng của nhân dân; đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước không thể là “các ông quan cách mạng” mà là “công bộc của nhân dân”.
Là nhà nước của dân, do chính nhân dân lập ra thông qua chế độ bầu cử dân chủ. Bầu cử dân chủ là phương thức thành lập bộ máy nhà nước đã được xác lập trong nền chính trị hiện đại, đảm bảo tính chính đáng của chính quyền khi tiếp nhận sự uỷ quyền quyền lực từ nhân dân. Người quan niệm, pháp luật không phải là để trừng trị con người mà là công cụ bảo vệ, thực hiện lợi ích của con người. Tư tưởng pháp quyền trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước của Người thấm đượm tình thương yêu nhân dân, chăm lo cho ấm no, hạnh phúc của nhân dân, lòng nhân ái, nghĩa đồng bào theo đạo lý truyền thống quý báu của dân tộc. Tư tưởng này mang đậm tính dân tộc và giá trị dân chủ sâu sắc và triệt để.
Sau Cách mạng Tháng 8/1945, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời. Đó là một nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; “Cách mạng Tháng Tám đã lật đổ nền quân chủ mấy mươi thế kỷ, đã đánh tan xiềng xích thực dân gần một trăm năm, đã đưa chính quyền lại cho nhân dân, đã xây dựng nền tảng cho nước Việt Nam dân chủ cộng hoà độc lập, tự do, hạnh phúc. Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử nước nhà”(5).
Kể từ đó, tiếp thu, kế thừa những tư tưởng tiến bộ của nhân loại về mô hình nhà nước, quá trình nhận thức tư duy lý luận của Đảng qua các nhiệm kỳ đại hội, nhất là thời kỳ đổi mới, từ Đại hội VI đến Đại hội XIII, không ngừng được phát triển và hoàn thiện. Những quan điểm, đường lối đó được Nhà nước cụ thể hóa trong các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013.
Quá trình xây dựng và phát triển của Nhà nước trong mỗi giai đoạn lịch sử có những thay đổi về mô hình bộ máy, tuy nhiên, xuyên suốt mạch phát triển ấy đều dựa trên cơ sở nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng của Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân.
Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (1-1994), lần đầu tiên, Đảng ta đã chính thức sử dụng thuật ngữ “Nhà nước pháp quyền Việt Nam”: Xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (sửa đổi, bổ sung 2011), Đảng ta khẳng định một trong những đặc trưng của chế độ là “xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”, chỉ rõ: “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Quyền lực Nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nhà nước ban hành pháp luật; tổ chức, quản lý xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa”.
Quan điểm này được Hiến pháp 2013 tiếp tục ghi nhận, đồng thời chỉ rõ: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”.
Làm sâu sắc những tư tưởng này, trong bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Xã hội XHCN là xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con người, khác hẳn về chất so với các xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm, do đó cần và có điều kiện để xây dựng và đồng thuận xã hội thay vì đối lập, đối kháng xã hội.
Trong chế độ chính trị XHCN, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích, mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Mô hình chính trị và cơ chế vận hành tổng quát là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ. Dân chủ là bản chất của chế độ XHCN, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng CNXH; xây dựng nền dân chủ XHCN, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của các mạng Việt Nam.
Chúng ta chủ trương không ngừng phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của dân, do nhân dân và vì nhân dân trên cơ sở liên minh giữa công nhân, nông dân và trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Nhà nước đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời là người tổ chức thực hiện đường lối của Đảng; có cơ chế để nhân dân thực hiện quyền làm chủ trực tiếp và dân chủ đại diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tham gia quản lý xã hội.
Chúng ta nhận thức rằng, nhà nước pháp quyền XHCN về bản chất khác với nhà nước pháp quyền tư sản là ở chỗ: Pháp quyền dưới chế độ tư bản chủ nghĩa về thực chất là công cụ bảo vệ và phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản, còn pháp quyền dưới chế độ XHCN là công cụ thể hiện và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm và bảo vệ lợi ích của đại đa số nhân dân.
Thông qua thực thi pháp luật Nhà nước bảo đảm các điều kiện để nhân dân là chủ thể của quyền lực chính trị, thực hiện chuyên chính với mọi hành động xâm hại lợi ích của Tổ quốc và nhân dân. Đồng thời, chúng ta xác định: Đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn sức mạnh và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp cách mạng Việt Nam, không ngừng thúc đẩy sự bình đẳng và đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo.
Trong quá trình đổi mới đất nước, Đảng ta luôn coi trọng đổi mới hệ thống chính trị mà trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN. Thực tiễn qua 35 năm đổi mới, tư duy lý luận của Đảng về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN ngày càng đầy đủ và phát triển hơn, tạo cơ sở vững chắc cho việc xây dựng một nhà nước trong sạch, vững mạnh, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trên con đường đi lên CNXH.
Trong bài viết, Tổng Bí thư làm sâu sắc những quan điểm đã được thể hiện nhất quán trong các văn kiện của Đảng, vừa có những phát triển mới, vừa chỉ rõ vị trí, tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN hiện nay. Đây là vấn đề lý luận và thực tiễn hết sức mới mẻ, chưa có trong tiền lệ của cách mạng XHCN trên thế giới cũng như ở Việt Nam.
Vì vậy, tư tưởng trong bài viết là những chỉ dẫn để tổ chức thực hiện trong thực tiễn, đòi hỏi phải có sự nhận thức lý luận khoa học, cách mạng, phát huy cao độ thái độ, trách nhiệm chính trị và hành động cách mạng đúng đắn, giữ vững định hướng XHCN trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN.
Đồng thời, là cơ sở phòng ngừa những tư tưởng chủ quan, nóng vội, áp dụng một cách máy móc các mô hình nhà nước pháp quyền của các nước khác vào Việt Nam; đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận đường lối, quan điểm của Đảng về Nhà nước pháp quyền XHCN và thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam.
Bài viết của Tổng Bí thư có ý nghĩa hết sức to lớn, làm sâu sắc, truyền cảm hứng, tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN thật sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, nhất là trong thời điểm mỗi người dân đang nô nức thực hiện quyền làm chủ của mình bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp; góp phần tạo sự đồng thuận, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, đưa đất nước vào giai đoạn phát triển mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Trung tướng, PGS. TS Trần Vi Dân - Giám đốc Học viện Chính trị CAND
--------------------
(1) V.L.Lênin: Toàn tập, t.39, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr.84.
(2) C.Mác và Ph.Ănghen: Toàn tập, t.20, Nxb Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 1994, tr.253.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, H,2000, tr.515.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2000, tr.449.
(5) Hồ Chí Minh: Tuyển tập, Tập 2, Nxb Sự Thật, H,1980, tr.463.