Xây dựng chế định tố tụng tư pháp lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá

Sáng 27/3, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Tòa án nhân dân (TAND) tối cao. Dự buổi làm việc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Theo báo cáo, số lượng các vụ án, vụ việc Tòa án các cấp giải quyết thời gian qua tăng bình quân 6%/năm với tính chất ngày càng phức tạp, nhưng chất lượng xét xử và giải quyết các vụ án, vụ việc có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ các bản án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan được hạn chế ở mức thấp, dưới 1,5%. Riêng năm 2022, số lượng các loại vụ việc thụ lý tăng hơn 29.900 vụ so với năm trước đó, nhưng cũng đã giải quyết đạt gần 89%. Trung bình hàng năm, TAND tối cao và TAND cấp cao phải giải quyết gần 15.000 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, nhưng có sự chuyển biến tích cực.

1-1.jpg -0
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với lãnh đạo Toà án nhân dân tối cao và các đại biểu dự buổi làm việc. Ảnh: TTXVN.

Đến nay, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã thông qua, ban hành 63 án lệ và đã có 1.437 bản án, quyết định của các Tòa án viện dẫn, áp dụng án lệ. Theo Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình, việc ngành Tòa án áp dụng hệ thống công nghệ thông tin vào mô hình xét xử trực tuyến tiết kiệm cho Nhà nước một nguồn kinh phí ngân sách lớn, được dư luận đồng tình, đánh giá cao.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu rõ, trong thành tích chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đạt được thời gian qua, có sự đóng góp rất quan trọng của ngành Tòa án.

Đề cập đến bối cảnh tình hình thế giới và trong nước thời gian tới còn diễn biến phức tạp, nhiều khó khăn, Chủ tịch nước đề nghị cấp ủy và lãnh đạo Tòa án các cấp tiếp tục quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Nghị quyết của Trung ương; nhất là Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, sát với tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị. Trọng tâm là đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.

Chủ tịch nước nhấn mạnh đến yêu cầu xây dựng chế định tố tụng tư pháp lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá; bảo đảm tố tụng tư pháp dân chủ, công bằng, văn minh, pháp quyền, hiện đại, nghiêm minh, dễ tiếp cận, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Chủ tịch nước lưu ý TAND tối cao cần coi trọng nâng cao chất lượng xét xử các vụ án, bảo đảm nghiêm minh, khách quan, công bằng, đúng pháp luật, kịp thời, nhất là những vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo và các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia; đấu tranh với các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án, đảm bảo đúng pháp luật, chặt chẽ, rõ ràng, khả thi; chú trọng việc thu hồi tài sản do phạm tội mà có, nhất là tài sản của Nhà nước... Tập trung nghiên cứu để có giải pháp khắc phục bằng được các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, nhất là tình trạng thẩm phán nể nang, ngại va chạm khi giải quyết các vụ án hành chính.

Chủ tịch nước nêu rõ: Mỗi phán quyết, quyết định của Tòa án liên quan đến sinh mạng chính trị và thậm chí là sinh mạng con người, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân, vì thế không được để xảy ra oan, giảm tối đa tình trạng sai hoặc với yêu cầu cao là không được để xảy ra sai; phải góp phần giữ nghiêm kỷ cương, phép nước, tạo môi trường xã hội, môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ nhân dân, bảo vệ chế độ. “Mỗi vụ án, vụ việc đưa ra xét xử, không chỉ xử lý nghiêm theo đúng pháp luật mà còn phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm của Đảng, giá trị đạo đức nhân văn của dân tộc ta”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch nước đặt yêu cầu cần tuyên truyền, giải thích rõ ràng về nội dung vụ án, về áp dụng pháp luật trong vụ án, về tính chất, mức độ của hành vi vi phạm trong bối cảnh, con người cụ thể để nhân dân hiểu đúng các quyết định của Tòa án. Trên cơ sở đó giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành luật pháp cho nhân dân.

Chủ tịch nước cũng yêu cầu tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tòa án, nhất là đội ngũ thẩm phán có đạo đức cách mạng trong sáng, có bản lĩnh, tính chiến đấu cao, có lương tâm, tấm lòng nhân ái, có phương pháp công tác khoa học, sâu sát, thận trọng, tinh thông pháp luật, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển của khoa học - công nghệ. Phải thấm nhuần sâu sắc và thực hiện cho được lời dạy của Bác Hồ đối với ngành Tòa án là “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”; phải “gần dân, học dân, hiểu dân và giúp dân”.

Bên cạnh đó, kiên quyết đấu tranh, xử lý, loại bỏ những cán bộ trong ngành vi phạm pháp luật, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, triệt để ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ cho hoạt động của Tòa án; tập trung nguồn lực để hoàn thành việc xây dựng Tòa án điện tử vào năm 2025, nâng cao năng lực quản trị Tòa án trên nền tảng số; cung cấp cho nhân dân các dịch vụ tư pháp tiện ích, công khai minh bạch trong hoạt động của Tòa án. “Dù khoa học - công nghệ có phát triển đến đâu thì cũng không thể thay thế được bản lĩnh, khối óc, trái tim của người thẩm phán, hội thẩm nhân dân trong quá trình xét xử, bởi đối tượng xét xử của Tòa án là con người”, Chủ tịch nước nói.

 

Nguồn Báo CAND

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website