Ngày 14/6, Đoàn giám sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) tiếp tục Phiên họp giám sát chuyên đề "Việc thực hiện Nghị quyết số 99 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC giai đoạn 2020-2022", làm việc với 3 bộ, gồm: Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT); Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT); Bộ Y tế.
Góp ý vào báo cáo của các bộ, ngành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (UBTCNS) Phạm Thúy Chinh đánh giá cao báo cáo của Bộ TT&TT với nhiều số liệu thực tế, cũng như đề cập sự phối hợp hiệu quả với Bộ Công an trong nhắn tin cho người dân để nâng cao ý thức, trách nhiệm trong cao điểm về PCCC. Tuy nhiên, bà băn khoăn khi 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 99 của Quốc hội chỉ có hơn 526.000 chương trình phát thanh, hơn 587.000 chương trình truyền hình về PCCC, chưa đảm bảo sự thường xuyên, liên tục.
"Hiện mới có gần 62.000 tin, bài trên các phương tiện báo chí truyền thông, trong khi số lượng các cơ quan báo chí mà bộ đang quản lý rất lớn", Phó Chủ nhiệm UBTCNS nói và đề nghị Bộ TT&TT báo cáo thêm số liệu về số lượng tin, bài chủ động phát trên các phương tiện truyền thông, việc lựa chọn khung giờ phát tin bài về PCCC, vì điều đó cho thấy sự chủ động, có kế hoạch và chiến lược dài hơi của bộ để tuyên truyền sâu rộng về công tác PCCC.
Về báo cáo của Bộ GD&ĐT, Phó Chủ nhiệm UBTCNS Phạm Thuý Chinh cho rằng, bộ chưa hoàn thành. Nghị quyết số 99 ghi rõ, bộ phải xây dựng bộ giáo trình, tài liệu đưa vào giảng dạy trong năm học 2021 - 2022, tuy nhiên thông tư của Bộ GD&ĐT đến tận tháng 5/2022 mới được ban hành. "Như vậy, chậm so với Nghị quyết số 99 gần 2,5 năm, độ trễ rất là lớn. Bộ bây giờ mới dự kiến phối hợp với Bộ Công an xây dựng khung chương trình, tài liệu để triển khai. Tôi cho rằng đây là việc mà Bộ GD&ĐT chưa làm tròn trách nhiệm của mình" - bà nhấn mạnh.
Đồng thời, qua đi giám sát và làm việc tại các cơ sở đào tạo, đặc biệt các trường mầm non, cơ sở đào tạo bậc mầm non, tiểu học, THCS, THPT ở các địa bàn các tỉnh miền núi, vùng cao, Phó Chủ nhiệm UBTCNS không thấy bóng dáng bất cứ một thiết bị nào liên quan tới công tác PCCC. "Báo cáo có nói nhưng không có số liệu, không nắm một cách cụ thể việc phải triển khai. Tôi nghĩ, với rất nhiều nhiệm vụ được ghi trong báo cáo số 41 và 2 nhiệm vụ trong Nghị quyết số 99 thì các đồng chí cần đánh giá, báo cáo bổ sung để làm rõ thêm", đại biểu nêu.
Đồng quan điểm, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công cho rằng, Bộ GD&ĐT là một trong những bộ rất quan trọng trong lĩnh vực giáo dục ý thức, nhận thức và kỹ năng PCCC cho học sinh, sinh viên, nhà giáo. Qua đọc báo cáo cho thấy, công tác này là một hạn chế rất lớn của ngành Giáo dục, gần như thực hành trải nghiệm chưa được triển khai. Trong khi, nếu xảy ra hoả hoạn thì kỹ năng PCCC, thoát hiểm là quan trọng nhất. "Trách nhiệm của ngành Giáo dục còn rất nhiều hạn chế" - ông nhấn mạnh và nêu quan điểm, giáo dục phải đi trước một bước, tránh trường hợp khi lâm trận không có kỹ năng thì thiệt hại là rất lớn.
Cũng liên quan vấn đề này, nguyên Phó Chủ nhiệm UBQPAN Lê Việt Trường đề nghị Bộ GD&ĐT làm rõ trách nhiệm trong việc chậm ban hành thông tư. "Nội dung kiến thức, kỹ năng tích hợp lồng ghép đưa vào ngành học đáng lẽ đưa vào năm học 2021 - 2022 thì chúng ta bị chậm, các đồng nhận lỗi với Quốc hội như thế nào?", ông thẳng thắn.
Nguyên Phó Chủ nhiệm UBQPAN cũng đánh giá, bố cục báo cáo của các bộ đều chưa hợp lý, nên chăng nên chia thành hai phần, phần 1 là bộ với vai trò chủ thể thực hiện chính sách PCCC tại các cơ sở do mình quản lý, phần 2 là bộ với vai trò chức năng thực hiện công tác quản lý nhà nước về PCCC. "Báo cáo của Bộ TT&TT nhiều thông tin, tốt nhất trong 3 báo cáo, tuy nhiên người đọc vẫn khó theo dõi", ông nói và đề nghị các báo cáo cần làm rõ, từ sau khi có Nghị quyết số 99 thì công các PCCC ở các bộ thay đổi như thế nào; cần có các dự báo trong tương lai, 5-7 năm tới công tác PCCC đặt ra những điều gì với ngành mình và giải pháp như thế nào...
Nêu hạn chế trong báo cáo của Bộ Y tế là chưa có số liệu, đồng thời so với các bộ, Bộ Y tế chưa ban hành một văn bản quy phạm pháp luật nào về PCCC, Phó Chủ nhiệm UBTCNS Phạm Thuý Chinh đề nghị Bộ Y tế cần phải làm lại báo cáo, vì báo cáo quá sơ sài, không đáp ứng yêu cầu. "Trong khi bộ có số lượng lớn cơ sở y tế và các đơn vị trực thuộc, cần thiết có một quy định rõ ràng, cụ thể về PCCC và phối hợp chính quyền địa phương triển khai điều này", bà nêu quan điểm.
Kết lại nội dung thảo luận, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm UBQPAN, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát đề nghị các bộ thực hiện nghiêm túc quy định PCCC, bám sát đề cương hướng dẫn của đoàn giám sát, đồng thời làm rõ những vướng mắc liên quan đến bộ, ngành mình, từ đó đề xuất những giải pháp cụ thể...
Nguồn Báo CAND