KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHÓA XV: PHÁT BIỂU ẤN TƯỢNG TẠI PHIÊN THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ
Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được Quốc hội thông qua gồm 5 Chương, 33 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Pháp lệnh Công an xã số 06/2008/PL-UBTVQH12 hết hiệu lực từ ngày Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có hiệu lực thi hành.
Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với đa số phiếu tán thành
Luật quy định rõ nguyên tắc tổ chức, hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Trong đó, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; dựa vào Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân. Chịu sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng, sự quản lý của UBND cấp xã; sự hướng dẫn, phân công, kiểm tra của công an cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật này. Đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự; phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của từng địa phương. Không phân biệt đối xử về giới trong lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm gồm: Sử dụng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trái quy định của Luật này hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Giả danh lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Xúc phạm, đe dọa, cản trở, chống đối lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong khi thực hiện nhiệm vụ. Sản xuất, mua bán, tàng trữ, sử dụng, chiếm giữ trái phép, làm giả, cầm cố trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Chia sẻ quan điểm sau khi Quốc hội thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đại biểu Trịnh Tú Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho rằng, việc Quốc hội thông qua luật đã trao cho lực lượng này địa vị pháp lý cụ thể nhằm thực thi hiệu quả hơn nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở.
Đại biểu Trịnh Tú Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng
Đại biểu Trịnh Tú Anh nêu thực tế, thời gian qua, việc đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở do Bộ Công an đảm nhận, có sự tham gia của lực lượng công an xã bán chuyên trách, lực lượng bảo vệ tổ dân phố, lực lượng dân phòng… đã đóng góp tích cực vào việc đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Nhiều tấm gương anh dũng đã hy sinh để bảo vệ bình yên cho Nhân dân và tất cả chúng ta đều ghi nhận sự đóng góp của các lực lượng này. Có ý kiến cho rằng, việc bảo vệ an ninh, trật tự ở ở sở là nhiệm vụ của công an xã, phường, thị trấn, tuy nhiên, theo đại biểu Trịnh Tú Anh, trong điều kiện một số nơi, một số khu vực tình hình phức tạp, địa bàn xa và rộng, nếu chỉ dựa vào lực lượng công an chính quy không thể đảm đương công việc.
Vì vậy, sự tham gia của các lực lượng như công an xã bán chuyên trách, dân phòng, bảo vệ tổ dân phố đóng vai trò rất quan trọng. Bên cạnh đó, lực lượng này còn tham gia tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước đến với Nhân dân, bởi họ là lực lượng gần dân, sát dân nhất.
Trao cho lực lượng này địa vị pháp lý cụ thể bằng việc Quốc hội thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là việc làm rất cần thiết và quan trọng. Ở khu vực Tây nguyên, trong đó có Lâm Đồng là khu vực kinh tế đang phát triển, tình hình an ninh trật tự có một vài điểm nóng như đã xảy ra vừa qua, tình hình tội phạm phức tạp như tội phạm ma túy, tín dụng đen. Vị trí, vai trò, nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được quy định cụ thể trong luật sẽ góp phần bảo vệ an ninh ngay tại cơ sở, góp phần xóa bỏ các điểm nóng về an ninh, trật tự trước khi bùng phát.
Để Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được triển khai hiệu quả, đi vào cuộc sống, đại biểu Trịnh Tú Anh cho rằng, cần quan tâm chú trọng tuyên truyền để Nhân dân biết về vị trí, vai trò, chức trách nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để có sự phối hợp tốt nhất giúp lực lượng này hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Cùng với đó, sau khi Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được Quốc hội thông qua, Bộ Công an cần nhanh chóng xây dựng bộ máy tổ chức, cơ chế hoạt động cũng như đảm bảo kinh phí cho lực lượng này tham gia tốt nhất vào đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở.
Đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông
Đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông khẳng định, việc Quốc hội thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đã đáp ứng kịp thời yêu cầu đòi hỏi cấp bách của thực tiễn về bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, với thực trạng và tình hình đã và đang diễn biến phức tạp với nhiều loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật ở cơ sở hiện nay. Đại biểu cũng đề nghị cần tính toán kỹ lưỡng, chặt chẽ, cân đối các nguồn lực, bao gồm cả tài chính, cơ sở vật chất và con người. Đảm bảo cho quá trình triển khai thực hiện luật hiệu lực và hiệu quả.
“Hiệu quả ở đây là sự bình yên về đời sống sinh hoạt, sức khỏe, tính mạng và tài sản của người dân phải được đảm bảo với nhiều cấp độ từ sớm, từ trước và từ xa”, đại biểu Dương Khắc Mai nêu quan điểm.
Đại biểu cho biết, ở khu vực Tây Nguyên, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số và còn rất nhiều khó khăn, một tỷ lệ lớn đồng chí tham gia vào lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là những người con sinh ra, lớn lên và gắn bó sâu sắc với mảnh đất này, hiểu rất rõ về con người, địa bàn, phong tục tập quán và tiếng nói của dân tộc mình nên sẽ có rất nhiều thuận lợi trong việc hỗ trợ lực lượng công an chính quy làm tốt công tác bảo đảm an ninh, trật tự. Theo đại biểu, số tiền hỗ trợ cho lực lượng này có thể không cao so với các tỉnh, thành phố khác nhưng là nguồn động viên rất to lớn và rất quan trọng, cần thiết cho cuộc sống của họ.
Việc ban hành luật không làm tăng số lượng người tham gia hoạt động và không tăng về kinh phí, bảo đảm so với thực tiễn đang chi trả hiện nay của các địa phương. Các lực lượng chính danh khi được kiện toàn lại thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đều là những đồng chí đã có uy tín và tâm huyết với công việc, đã có nhiều đóng góp và hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc.
“Các đồng chí ấy xứng đáng được Nhà nước và xã hội tôn vinh, bảo vệ và đảm bảo chế độ, chính sách phù hợp với vai trò và nhiệm vụ của mình. Đây cũng là mục tiêu quan trọng và rất nhân văn mà Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đang hướng tới. Tôi mong muốn, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ được triển khai đồng bộ, hiệu quả trên toàn quốc, tạo cơ sở pháp lý cho lực lượng này thực hiện nhiệm vụ một cách bài bản, chuyên nghiệp”, đại biểu Dương Khắc Mại nói.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Đoàn Thị Hảo – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cho rằng, Quốc hội thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là rất cần thiết, nhằm tạo cơ sở pháp lý để sắp xếp, kiện toàn thống nhất 3 lực lượng hiện đang hoạt động ở cơ sở: bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đây là lực lượng nòng cốt trong xây dựng mô hình tự quản ở cơ sở, là cánh tay nối dài đã và đang hỗ trợ hiệu quả cho công an cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cấp xã thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn xã, phường, thị trấn, đem lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho Nhân dân, đã và đang được ngân sách địa phương hỗ trợ kinh phí hoạt động.
Thời gian qua, một số vụ việc xảy ra ở cơ sở gây mất an ninh, trật tự càng cho thấy rất cần thiết phải sắp xếp tổ chức và phát huy mạnh mẽ hiệu quả hoạt động của lực lượng đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở. Đại biểu Đoàn Thị Hảo đề nghị trong thời gian tới, Chính phủ cần xây dựng đề án tổng thể, từng bước bố trí trụ sở làm việc, trang thiết bị phục vụ hoạt động cho lực lượng công an xã chính quy, ban chỉ huy quân sự xã, lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Từ đó, giúp các lực lượng này thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, giữ vững an ninh, trật tự trên từng địa bàn và trong mọi tình huống sẽ thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.
Nguồn Báo Quốc hội