Sẽ kiểm tra toàn diện hoạt động của các mạng xã hội xuyên biên giới tại Việt Nam

Chiều 6/4, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức họp báo thường kỳ nhằm cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ, của ngành TT&TT trong 3 tháng đầu năm 2023 và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Trong 3 tháng đầu năm 2023, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 516/QĐ-BTTTT về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai “Năm dữ liệu số quốc gia” của Bộ với chủ đề của năm 2023 là “Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới”.

Theo đó, chủ yếu tập trung vào các nội dung: phát triển dữ liệu mở; phát triển cơ sở dữ liệu; phát triển, thúc đẩy sử dụng các nền tảng số sử dụng thống nhất trên toàn quốc hoặc trong phạm vi mỗi địa phương; nâng cao năng lực quản trị dữ liệu, an toàn, bảo mật dữ liệu.

Bộ TT&TT cũng đã khởi động chiến dịch hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số đang kinh doanh ở nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài nhằm mở rộng không gian hoạt động, mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Chuyển cơ quan chức năng xử lý 8 vụ việc sử dụng trạm phát sóng BTS giả phát tán tin nhắn lừa đảo -0
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm chủ trì cuộc họp báo chiều 6/4.

Đặc biệt, trong tháng 3/2023, các đơn vị chức năng của Bộ đã phát hiện và chuyển cơ quan chức năng điều tra, xử lý 8 vụ việc sử dụng trạm phát sóng BTS giả phát tán tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo, tin nhắn giả mạo... với mục đích lừa đảo người dân tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Gia Lai, Quảng Nam, Thanh Hóa.

Bộ TT&TT cũng đã yêu cầu các nhà mạng cương quyết không lùi thời hạn chuẩn hóa thuê bao. Theo đó, từ ngày 31/3, có khoảng 1,67 triệu thuê bao không trùng khớp thông tin với cơ sở dữ liệu đã bị khóa chiều gọi đi. Sau khi bị khóa một chiều, thuê bao sẽ bị khóa hai chiều trong 15 ngày tiếp theo và bị thu hồi số sau 30 ngày kể từ khi khóa hai chiều nếu không chuẩn hóa thông tin.

Về quản lý thông tin trên mạng xã hội và đấu tranh chống thông tin xấu độc trên không gian mạng, Bộ TT&TT đã phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nhiều lần tổ chức làm việc, có văn bản kiên quyết yêu cầu TikTok và các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới khác như Facebook, Youtube thực hiện việc chủ động ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm. Bộ cũng đã phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan phát triển công cụ, kỹ thuật để rà quét, phát hiện và xử lý thông tin vi phạm.

Lãnh đạo Bộ TT&TT cho biết, thời gian tới sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật, ngoại giao, truyền thông... để yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Cùng với đó, Bộ sẽ tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành nhằm kiểm tra toàn diện hoạt động của các mạng xã hội xuyên biên giới tại Việt Nam; nâng cao hiệu quả của công cụ rà quét bao gồm cả hình ảnh, video.


Nguồn Báo CAND

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website