Nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội

I. Mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội

1. Nhận thức về mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội

Thực hành dân chủ là việc triển khai trên thực tế (làm) những điều đã nói (lý luận) về dân chủ. Nói cách khác, thực hành dân chủ chính là cơ chế, chính sách, những quy định, nguyên tắc... để bảo đảm cho mọi người dân thực hiện quyền làm chủ của mình.

Tăng cường pháp chế là tăng cường quản lý mọi hoạt động của xã hội. Không để một lĩnh vực nào thiếu sự điều chỉnh của pháp luật hoặc không được pháp luật điều chỉnh tới.

Bảo đảm kỷ cương xã hội là thực hiện những phép tắc nhà nước duy trì trật tự của xã hội.

(1) Tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội bao gồm những nội dung cơ bản sau:

- Xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nước ta là nước dân chủ.

      Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.

      Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.

      Công cuộc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.

      Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.

      Chính quyền từ xã đến Chính phủ do dân cử ra.

      Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.

      Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”[1].

- Dân chủ tập trung là cơ chế, nguyên tắc cơ bản trong tổ chức, sinh hoạt của hệ thống chính trị. Người chỉ rõ để có dân chủ thật sự thì “tư tưởng phải được tự do”. Tự do tư tưởng là “đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý”, “Khi tìm ra chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý”. “Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân tức là phục tùng chân lý”[2]. Kỷ luật, pháp luật phải được xây dựng và thực thi bằng phương thức dân chủ.

- Dân chủ thống nhất hữu cơ với chuyên chính. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân, chuyên chính là cái khóa để đề phòng kẻ phá hoại, nếu hòm không có khóa, nhà không có cửa thì sẽ mất cắp hết. Cho nên cửa phải có khóa. Thế dân chủ cũng phải có chuyên chính để giữ lấy dân chủ”[3]. Người cũng chỉ rõ: “muốn dân chủ thực sự phải chuyên chính thực sự, vì không chuyên chính thực sự, bọn thù địch sẽ làm hại dân chủ của nhân dân”[4].

- Nhân dân là chủ, có quyền làm chủ thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân, phải tuân theo pháp luật.

(2) Sự phát triển nhận thức về thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội

Cương lĩnh năm 1991 đã xác định xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là xã hội do nhân dân lao động làm chủ. Cương lĩnh cũng chỉ rõ: “Thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, giữ nghiêm kỷ cương xã hội, chuyên chính với mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân”[5]; “Dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương, phải được thể chế hóa bằng pháp luật và được pháp luật bảo đảm. Nhà nước định ra các đạo luật nhằm xác định các quyền công dân và quyền con người, quyền đi đôi với nghĩa vụ và trách nhiệm”[6].

Đến Đại hội IX (2001), Đảng ta xác định: “Phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững kỷ luật, kỷ cương, tăng cường pháp chế, quản lý xã hội bằng pháp luật, tuyên truyền, giáo dục toàn dân, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật”[7].

Cương lĩnh năm 2011 xác định: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm”[8]. Cương lĩnh cũng chỉ rõ: “Nhà nước ban hành pháp luật; tổ chức, quản lý xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa”[9].

Đến Đại hội XII (2016), Đảng ta xác định: “Phát huy dân chủ phải đi liền với tăng cường pháp chế, đề cao trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ luật, kỷ cương và đề cao đạo đức xã hội”[10].

Như vậy, nhận thức về thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội ngày càng rõ hơn. Tuy nhiên, đến nay văn kiện Đảng chưa chính thức nêu thành một mối quan hệ lớn cần nhận thức đúng và giải quyết tốt. Nội hàm của nó chưa được xác định rõ.

2. Tình hình giải quyết mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội

- Hệ thống thể chế, nhất là hệ thống pháp luật được xây dựng ngày càng đầy đủ, hoàn thiện. Trong gần 35 năm đổi mới, nước ta đã 2 lần lập hiến (ban hành Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013), 3 lần sửa đổi Hiến pháp (năm 1988, 1989 sửa đổi Hiến pháp năm 1980, năm 2001 sửa đổi Hiến pháp năm 1992). Số luật, pháp lệnh được ban hành gấp 8 lần so với số luật, pháp lệnh được ban hành trong 41 năm trước đổi mới. Với hệ thống thể chế, nhất là thể chế pháp luật ngày càng đầy đủ, hoàn thiện, người dân có điều kiện thực hành dân chủ tốt hơn.

- Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW về xây dựng và thực hiện chuyên chế dân chủ ở cơ sở, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã , phường, thị trấn. Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân ngày càng được nâng lên. Quyền làm chủ của nhân dân theo phương châm “Dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra” được thực hiện tốt hơn.

- Thực hành dân chủ ngày càng tốt hơn. Dân chủ trong lĩnh vực kinh tế được mở rộng. Các chủ thể kinh tế được tự do sản xuất, kinh doanh tất cả những gì pháp luật không cấm, được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất, kinh doanh. Đây là thành tựu lớn nhất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển nền kinh tế. Dân chủ trong lĩnh vực chính trị được thực hiện tốt hơn và có những bước tiến nổi bật. Các tổ chức trong hệ thống chính trị đã và đang tiếp tục được đổi mới về tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động. Các hình thức thực hiện dân chủ (dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp) ngày càng được coi trọng. Dân chủ trong lĩnh vực văn hóa và xã hội có những kết quả quan trọng; đặc biệt, dân chủ trong hoạt động lý luận khoa học đã có bước tiến, tạo điều kiện cho các nhà khoa học tranh luận, thảo luận và phát huy năng lực sáng tạo của mình, đóng góp tích cực vào việc xây dựng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

- Thực hiện cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính có nhiều chuyển biến.

- Công tác đối thoại, tiếp công dân, đơn khiếu nại, tố cáo và những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của người dân, doanh nghiệp được tăng cường hơn trước.

- Hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đạt kết quả bước đầu.

- Giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Bên cạnh những thành tựu đạt đươc, việc giải quyết mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội còn nhiều hạn chế, bất cập.

- Hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, vẫn có tình trạng chồng chéo. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật vi phạm Hiến pháp. Chỉ tính năm 2017 có tới hơn 5.600 văn bản trái luật được ban hành.

- Tình trạng vi phạm quyền làm chủ của nhân dân vẫn diễn ra ở nhiều nơi, thậm chí có nơi còn nghiêm trọng, kéo dài, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

- Tình trạng dân chủ cực đoan, tự do tùy tiện, chống pháp luật, vi phạm kỷ cương, phép nước. Ý thức pháp luật của người dân vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Vẫn còn tình trạng “phép vua thua lệ làng”, “lách luật”.

- Dân chủ trong Đảng chưa được thực hiện đầy đủ, vẫn còn tình trạng dân chủ hình thức. Tình trạng vi phạm việc thực hiện chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách còn xảy ra ở một số nơi. Quyền hạn và chế độ trách nhiệm của người đứng đầu và của tổ chức đảng, chính quyền chưa được quy định rõ ràng, thực hiện chưa nghiêm.

II. Nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội

Các quan điểm sai trái, thù địch về mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội rất nhiều, nổi lên là những quan điểm sau:

1. Về thực hành dân chủ

Họ cho rằng “chừng nào ở Việt Nam chỉ có độc nhất một đảng lãnh đạo thì chừng đó không thể nói tới một nền dân chủ chân chính được”; “ở Việt Nam muốn có dân chủ thực sự thì phải hội nhập vào xu thế đa đảng như nước ngoài họ đã từng làm”; “Muốn thực sự có dân chủ cho người dân và phát triển xã hội phải thực hiện đa nguyên, đa đảng”. Không ít người lớn tiếng chỉ trích dân chủ của Việt Nam là “nửa vời”, “chưa mở ra đã khép lại”, cho rằng cách làm của ta là “non gan”, “yếu bóng vía”, không dám mở bung dân chủ hết cỡ, không dám thực hiện dân chủ công khai, không giới hạn.

Họ còn cho rằng: cách mạng Việt Nam, nhất là cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là “nồi da nấu thịt”, là “tàn bạo”, là vi phạm luật nhân đạo, luật nhân quyền; “Nhà nước Việt Nam ngày nay vẫn hạn chế nghiêm ngặt các quyền chính trị của công dân, đặc biệt là quyền thay đổi chính phủ”; “Chính phủ cộng sản Việt Nam không cho người dân được hưởng các quyền tự do cơ bản nhất”; “Một chính quyền tàn bạo và đàn áp có hệ thống các quyền tự do ngôn luận, lập hội và nhóm họp ôn hòa, thường xuyên trấn áp những người chất vấn các việc làm của nhà nước hay đòi hỏi các pháp dân chủ khác”; Nhà nước Việt Nam hạn chế nghiêm ngặt “các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí”; “Đàn áp những người bất đồng chính kiến”, bắt bớ, xét xử, bỏ tù tràn lan các blogger”; “Ở Việt Nam không có tự do tín ngưỡng, tôn giáo”; “Đồng bào các dân tộc thiểu số bị ngược đãi, phân biệt đối xử” v.v..

2. Về tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội

Họ cho rằng Hiến pháp Việt Nam là không chính danh, luật pháp Việt Nam có nhiều điểm sai trái, nhiều quy định “mơ hồ”, như phê phán Bộ Luật hình sự năm 1999, Luật An ninh mạng, kích động nhân dân biểu tình khi Quốc hội đang thực hiện về Luật An ninh mạng, Luật các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; v.v..

III. Luận cứ phê phán các quan điểm sai trái, thù địch về mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội

Chúng tôi xin nêu những luận cứ chủ yếu phê phán một số quan điểm sai trái, thù địch về mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội.

1. Luận cứ phê phán quan điểm “Muốn Việt Nam thực sự dân chủ và phát triển cần thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”

- Việt Nam hiện nay không cần thiết phải thực hiện đa nguyên chính trị đa đảng đối lập.

Sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam là sự lựa chọn tất yếu của lịch sử. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời chấm dứt cuộc khủng hoảng dài về tổ chức và đường lối của cách mạng Việt Nam. Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thành lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đảng đã lãnh đạo nhân dân đánh thắng mọi âm mưu, kế hoạch xâm lược của thực dân Pháp với đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, buộc chúng phải ký Hiệp định Giơ - ne - vơ (năm 1954), chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Đảng đã lãnh đạo nhân dân tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thu non sông về một mối vào ngày 30/4/1975. Đảng khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới (từ 1986 đến nay) đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Thực tế đã khẳng định: Ở Việt Nam, không có lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

- Dân chủ, phát triển không đồng nghĩa với đa nguyên, đa đảng và đa nguyên, đa đảng không đồng nghĩa với sẽ có dân chủ và phát triển.

Dân chủ là phạm trù lịch sử, xuất hiện khi nhà nước xuất hiện và mỗi nền dân chủ gắn với một nhà nước nhất định, được pháp luật quy định, tùy thuộc vào sự phát triển kinh tế, văn hóa trong từng giai đoạn. Mỗi nước có những đặc thù về trình độ phát triển về kinh tế, chính trị, lịch sử, văn hóa khác nhau, do đó có nền dân chủ khác nhau. Chính những điều kiện đó quy định dân chủ không phải là do cơ chế đa nguyên, đa đảng hay một đảng. Không phải có nhiều đảng thì dân chủ hơn, ít đảng thì ít dân chủ hơn.

- Về thực tiễn, các nước thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, nhưng việc thực hành dân chủ còn rất nhiều khuyết tật, người dân không được thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình.

- Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta luôn đề cao thực hành dân chủ. Dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta ngày càng tốt hơn. Đất nước tiếp tục phát triển. Không có chuyện đa nguyên chính trị, đa đảng mới thực hiện được dân chủ, đất nước mới phát triển. Nhân dân ta không chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập.

 

2. Luận cứ phê phán các quan điểm cho rằng Việt Nam vi phạm quyền con người, quyền công dân, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền tự do báo chí

- Về vấn đề nhân quyền:

+ Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân dân Việt Nam sống trong vòng nô lệ của chế độ thực dân, phong kiến. Chỉ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, nhân dân Việt Nam mới trở thành người chủ đất nước, mới có được quyền con người, trong đó quyền cơ bản nhất là được sống trong một nước độc lập, tự do, được làm chủ xã hội mới. Ngay trong Tuyên ngôn độc lập đọc tại Quảng trường Ba Đình vào ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.

 + Trong các văn kiện Đảng, trong các bản Hiến pháp (1946, 1959, 1980, 1992, 2013), các quyền con người ngày càng được bổ sung, hoàn thiện. Cương lĩnh năm 2011 khẳng định: “Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; chăm lo hạnh phúc, sự phát triển tự do của mỗi người. Quyền và nghĩa vụ công dân do Hiến pháp và pháp luật quy định”[11].

Thể chế hóa Cương lĩnh năm 2011, Hiến pháp năm 2013 dành cả Chương III với 36 điều quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. So với các bản Hiến pháp trước, Hiến pháp năm 2013 đã có những sửa đổi, bổ sung và phát triển quan trọng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Nhiều văn bản pháp luật khác đều có những quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

+ Trên thực tế, quyền con người và quyền công dân được thực hiện ngày càng tốt hơn.

Về vấn đề tôn giáo:

+ Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày 3/9/1945, chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ: “Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào tôn giáo và đồng bào lương giáo để dễ thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: Tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết”[12]. Ngày 14/6/1955, Điều 1 trong Sắc lệnh của Chính phủ cũng khẳng định: Chính phủ bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và tự do thờ cúng của nhân dân. Không ai được xâm phạm quyền tự do đó. Mọi người Việt Nam đều có quyền tự do theo một tôn giáo hoặc không theo một tôn giáo nào.

+ Các văn kiện của Đảng và pháp luật của Nhà nước đều ghi nhận quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam xác định “tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta”[13]. Cương lĩnh năm 2011 xác định: “Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân theo quy định của pháp luật”[14]. Vấn đề tự do tín ngưỡng, tôn giáo được ghi vào Hiến pháp, đạo luật cơ bản của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hiến pháp năm 2013 quy định:  Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh về tôn giáo. Quốc hội ban hành Luật Tôn giáo đều quy định rõ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân.

+ Trên thực tế, Đảng và Nhà nước tạo điều kiện giúp các tôn giáo hoạt động bình thường theo pháp luật. Tín đồ, chức sắc các tôn giáo nhìn chung đã thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết tôn giáo được củng cố, tăng cường. Các giá trị đạo đức tôn giáo tốt đẹp được tôn trọng, phát huy trong đời sống. Bảo đảm các tôn giáo hoạt động theo đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Về vấn đề dân tộc:

+ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Giarai hay Êđê, Xơđăng hay Bana và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ có nhau, no đói giúp nhau.

+ Đảng và Nhà nước ta luôn quán triệt và thực hiện chính sách dân tộc một cách nhất quán. Cương lĩnh năm 1991 xác định: Các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ. Đến Cương lĩnh năm 2011, Đảng ta xác định: Các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển. Hiến pháp năm 2013 quy định: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi sự kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước.

+ Đảng, Nhà nước đã có rất nhiều cơ chế chính sách, chương trình mục tiêu ưu tiên phát triển vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tạo nên nhiều chuyển biến rõ nét. Kết cấu hạ tầng phát triển tương đối đồng bộ. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Giảm nghèo thu được kết quả đáng ghi nhận. Bản sắc văn hóa ngôn ngữ các dân tộc được phát triển mạnh mẽ. Hệ thống chính trị vùng có đông đồng bào dân tôc được củng cố. Tỷ lệ đại biểu người dân tộc thiểu số trong các cơ quan dân cử được bảo đảm. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở vùng dân tộc thiểu số được giữ vững. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên rõ rệt.

Về tự do ngôn luận, tự do báo chí

+ Nhận thức rõ vấn đề tự do báo chí.

Tự do báo chí luôn luôn trong khuôn khổ pháp luật. Tự do báo chí sẽ góp phần vào sự phát triển xã hội, chống lại cái xấu xa, tội lỗi. Tự do báo chí cũng tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Tự do báo chí phải dựa trên nền tảng một xã hội dân chủ.

Trong chủ nghĩa tư bản, báo chí hoạt động trong môi trường pháp luật phục vụ giai cấp tư sản chứ không phải vì quyền lợi của nhân dân lao động.

+ Trên phương diện pháp lý, tất cả các bản Hiến pháp của nước ta từ trước đến nay (1946, 1959, 1980, 1992, 2013) đều có những quy định về tự do ngôn luận, tự do báo chí.

Điều 10, Hiến pháp năm 1946 quy định: Công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp. Các bản Hiến pháp sau đó đã phát triển quy định này. Điều 25, Hiến pháp năm 2013 quy định: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.

+ Nhà nước ta đã ban hành Luật Báo chí năm 1989 và đã được sửa đổi, bổ sung vào năm 1999, 2016.

Luật Báo chí của Việt Nam được sửa đổi vào năm 2016 có 61 điều, trong đó có 4 điều quy định rõ về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của công dân.

Điều 18. Quyền tự do báo chí của công dân

1. Sáng tạo tác phẩm báo chí.

2. Cung cấp thông tin cho báo chí.

3. Phản hồi thông tin trên báo chí.

4. Tiếp cận thông tin báo chí.

5. Liên kết với cơ quan báo chí thực hiện các sản phẩm báo chí.

6. In, phát hành báo in.

Điều 11. Quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân

1. Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới.

2. Tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

3. Góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác.

Điều 12. Trách nhiệm của cơ quan báo chí đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân

1. Đăng, phát kiến nghị, phê bình, tin, bài, ảnh và tác phẩm báo chí khác của công dân phù hợp với tôn chỉ, mục đích và không có nội dung quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 và 10 Điều 9 của Luật này; trong trường hợp không đăng, phải trả lời và nêu rõ lý do khi có yêu cầu.

2. Trả lời hoặc yêu cầu tổ chức, người có thẩm quyền trả lời bằng văn bản hoặc trả lời trên báo chí về kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến.

Điều 13. Trách nhiệm của Nhà nước đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân

1. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình.

2. Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân.

3. Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng.

+ Trên thực tế, báo chí đã thật sự là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn và công cụ quan trọng bảo vệ lợi ích và quyền tự do của các tầng lớp nhân dân. Mọi người dân đều có quyền đề đạt nguyện vọng, phát biểu và đóng góp ý kiến trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Số lượng báo, ấn phẩm báo chí ngày càng tăng về số lượng, phong phú về ấn phẩm

3. Luận cứ phê phán quan điểm cho rằng “Hiến pháp Việt Nam là không chính danh”

- Nước ta đã ban hành các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992, 2013 và 3 lần sửa đổi Hiến pháp (năm 1988, 1989 sửa đổi Hiến pháp năm 1980, năm 2001 sửa đổi Hiến pháp năm 1992). Tất cả các bản Hiến pháp (kể cả các bản sửa đổi) được tiến hành chặt chẽ, khoa học dưới sự lãnh đạo của Đảng; bảo đảm sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà quản lý, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân và các cơ quan tổ chức.

Về quy trình làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp, Điều 120, Hiến pháp năm 2013 quy định:

1. Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp. Quốc hội quyết định việc làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.

2. Quốc hội thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp. Thành phần, số lượng thành viên, nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban dự thảo Hiến pháp do Quốc hội quyết định theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

3. Ủy ban dự thảo Hiến pháp soạn thảo, tổ chức lấy ý kiến Nhân dân trình Quốc hội dự thảo Hiến pháp.

4. Hiến pháp được thông qua khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định.

- Việc ban hành Hiến pháp năm 2013 rất chặt chẽ, khoa học, tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 38/2012/QH13 ngày 23/11/2012 tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Việc lấy ý kiến nhân dân đã được các cấp, các ngành triển khai đã nhận được sự tham gia nghiêm túc, tích cực, tâm huyết của đông đảo các tầng lớp nhân dân và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài, thực sự là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý dân chủ, sâu rộng trong cả hệ thống chính trị. Ngày 28/11/2013 với tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành (486/488, chiếm tỷ lệ 97,59%), Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Việc triển khai thực hiện Hiến pháp đã thu được những kết quả quan trọng. Trên cơ sở Hiến pháp năm 2013, Quốc hội đã ban hành sửa đổi nhiều luật được nhân dân đồng tình, hưởng ứng và tích cực thực hiện.

IV. Kiến nghị một số giải pháp giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội

Để giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp sau:

1. Cần đưa vào Văn kiện Đại hội XIII của Đảng mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội thành một mối quan hệ lớn cần nhận thức đúng và giải quyết tốt.

2. Tiếp tục nghiên cứu làm rõ mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội trong bối cảnh đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

3. Nâng cao nhận thức và giải quyết tốt mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, theo tinh thần Đại hội XII của Đảng: Phát huy dân chủ đi liền với tăng cường pháp chế, đề cao trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ luật, kỷ cương và đề cao đạo đức xã hội. Phê phán những biểu hiện dân chủ cực đoan, dân chủ hình thức. Xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng dân chủ làm mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và những hành vi vi phạm quyền dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân.

4. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo yêu cầu dân chủ.

- Thể chế hóa, cụ thể hóa quan điểm: “Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân tham gia ý kiến Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân, từ nêu sáng kiến, tham gia phản biện, tranh luận đến giám sát quá trình thực hiện”[15].

- Tập trung xây dựng những văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền làm chủ của nhân dân. Thể chế hóa và nâng cao chất lượng các hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013; gắn quyền với trách nhiệm, nghĩa vụ, đề cao đạo đức xã hội. Tiếp tục thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở; hoàn thiện hệ thống pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân.

- Thể chế hóa và thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, dân được hưởng”.

5. Có cơ chế bảo đảm và thực hiện tốt mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo hiến và các quy chế, quy định khác liên quan đến mối quan hệ này, như: quy chế chất vấn, giải trình; quy chế ứng cử, bầu cử có số dư; quy chế tranh cử, quy chế giám sát, phản biện xã hội, v.v..

6. Chú trọng bảo đảm tính độc lập theo pháp luật của các cơ quan tư pháp, nhất là trong hoạt động xét xử của tòa án. Thể chế hóa quan điểm “Xây dựng nền tư pháp trong sạch vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, từng bước hiện đại; bảo vệ pháp luật, công lý, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân. Phân định thẩm quyền quản lý hành chính với trách nhiệm, quyền hạn tư pháp trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp. Cụ thể hóa đầy đủ các nguyên tắc độc lập, nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị  cáo, của đương sự”[16].

7. Thực hành tốt dân chủ trong Đảng là hạt nhân để thực hành dân chủ trong xã hội. Mọi cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Tăng cường pháp chế. Xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật, bất kể người đó là ai.

8. Tiếp tục xây dựng các luận cứ khoa học, kịp thời phê phán các quan điểm sai trái, thù địch về mối quan hệ giữa thực hành dân chủ, tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội.

 

PGS.TS Nguyễn Viết Thông

Tổng thư ký HĐLLTW

 Nguồn Hội đồng lý luận Trung ương



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb.Chính trị quốc gia, HN, 2011, tr.232.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Sđd, tr.378.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Sđd, tr.457.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Sđd, tr.501.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nxb.Chính trị quốc gia, HN, 2005, tr.316.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Sđd,  tr.327.

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Sđd, tr.676.

[8], 9 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb.Chính trị quốc gia, HN, 2011, tr.84-85.

[9]

[10] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb.Chính trị quốc gia, HN, 2016, tr.170.

[11] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb.Chính trị quốc gia, 2016, tr.85

[12], 13 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb.Chính trị quốc gia, HN, 2003, tr.48, 45-46.

[13]

[14] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Sđd, tr.81.

[15] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb.Chính trị quốc gia, HN, 2016, tr.169.

[16] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr178-179.

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website