Năm 2023, năm hành động, quyết định thành bại của Đề án 06

Đề án 06 của Chính phủ phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã bước sang năm thứ 2. Năm 2023 được Chính phủ thống nhất cao là năm của hành động, quyết định sự thành bại của Đề án 06.

Ngay từ những ngày đầu năm mới, lãnh đạo, chỉ huy và CBCS tại Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư làm việc không quản đêm, ngày, xuyên Tết; bảo đảm cho hoạt động của trung tâm cũng như thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của năm mới với yêu cầu kết nối và hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đi đến các nước trên thế giới, mọi người cũng đều nói về câu chuyện chuyển đổi số. Muốn chuyển đổi số thành công, cùng với nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thì người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải thật sự “chuyển đổi” về tư duy. Tư duy đúng thì hành động đúng và chuyển đổi số mới thành công. Năm 2023 là năm dữ liệu, số hóa, kết nối dữ liệu và thực hiện đồng bộ, hiệu quả các tiện ích, dịch vụ, thủ tục hành chính liên thông, trên môi trường số ở tất cả các cấp độ, lĩnh vực.

Cũng ngay trong những ngày đầu năm 2023, một thông tin rất quan trọng được người đứng đầu Chính phủ đưa ra và chỉ đạo quyết liệt, đó chính là phải sớm xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia. Đây là trung tâm lõi, cái gốc, nền tảng quan trọng của sự phát triển quốc gia, kinh tế số, xã hội số, công dân số, Chính phủ số trong thời đại toàn cầu hóa, công nghiệp 4.0.

Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu chỉ đạo yêu cầu các thành viên tổ công tác thực hiện Đề án 06 phải hành động, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ ngày từ những ngày đầu tháng 1 năm mới 2023.

Trung tâm dữ liệu quốc gia được Thủ tướng Chính phủ ấn định đặt tại Bộ Công an bởi nhiều lý do. Đó chính là kinh nghiệm, trình độ, khả năng trong đáp ứng đầy đủ các yêu cầu vận hành, quản lý của Bộ Công an đối với “câu chuyện” chuyển đổi số, dữ liệu quốc gia về dân cư và dữ liệu quốc gia. Việc đặt Trung tâm dữ liệu quốc gia tại Bộ Công an không có nghĩa Trung tâm này là của Bộ Công an hay quá trình xây dựng nên trung tâm là công việc, nhiệm vụ riêng của ngành Công an, mà đó là nhiệm vụ, trách nhiệm chung của tất cả các bộ, ngành, địa phương.

Bộ Công an thay mặt Chính phủ quản lý, điều hành, thực hiện các chức năng điều phối, kết nối, phát triển dữ liệu…phục vụ cho sự phát triển nhanh chóng, bền vững, thông minh của nền kinh tế - xã hội từ môi trường số, dữ liệu điện tử. Những chỉ đạo của Thủ tướng đối với câu chuyện chuyển đổi số, xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia đủ để thấy rằng sự quan tâm đặc biệt của người đứng đầu Chính phủ cũng như vị trí, vai trò của Đề án 06 đặt ra trong năm 2023 quan trọng như thế nào. Và muốn làm được điều đó, các bộ, ngành, địa phương phải bắt tay vào hành động với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra rõ ràng ngay từ những ngày đầu năm mới.

Ngay trong buổi làm việc đầu tiên tháng 1/2023 của tổ công tác, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác thực hiện Đề án 06 của Chính phủ đã truyền đi những thông điệp rõ ràng, quyết liệt đối với từng thành viên của tổ công tác cũng như các bộ, ngành, địa phương. Để tăng tính kết nối, sức mạnh và trách nhiệm, hiệu quả trong thực hiện năm hành động của Đề án 06, Tổ công tác đã bổ sung thành viên tham gia.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, đơn vị phải có quyết tâm chính trị cao nhất mới hoàn thành các yêu cầu nhiệm vụ được giao trong năm hành động của Đề án 2023.

Đặc biệt, trên tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ hiệu quả, tiến độ”, Bộ trưởng Tô Lâm và các Bộ trưởng các bộ, gồm: Tài chính, Tư pháp, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn phòng Chính phủ…cùng tất cả thành viên của tổ công tác đã thống nhất cao với 106 nhiệm vụ của các bộ, ngành và 18 nhiệm vụ của các địa phương phải thực hiện trong năm 2023. Trong 106 nhiệm vụ của các bộ, ngành thì Bộ Công an tập trung triển khai 33 nhiệm vụ (chiếm 31,1%) trên tổng số nhiệm vụ cần thực hiện.

Bộ Công an cũng phát huy vai trò thường trực, đề xuất đưa báo cáo kết quả thực hiện Đề án 06 vào thảo luận tại các phiên họp thường kỳ của Chính phủ hàng tháng; tập trung đề xuất hoàn thiện về pháp lý như: tham mưu ban hành Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, xây dựng Luật CCCD sửa đổi trình Quốc hội thông qua; tiếp tục hoàn thiện ứng dụng VNeID và đẩy mạnh việc cấp tài khoản định danh điện tử cho người dân…

Ngoài Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ chủ trì 7 nhiệm vụ. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì 17 nhiệm vụ. Bộ Tài chính chủ trì 8 nhiệm vụ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì 3 nhiệm vụ. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì 3 nhiệm vụ. Bộ Tư pháp chủ trì 3 nhiệm vụ. Bộ Y tế chủ trì 5 nhiệm vụ. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì 2 nhiệm vụ. Bộ Nội vụ chủ trì 5 nhiệm vụ. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì 3 nhiệm vụ. Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ trì 3 nhiệm vụ. Bộ Giao thông Vận tải chủ trì 3 nhiệm vụ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì 2 nhiệm vụ. Tập đoàn điện lực Việt Nam tập trung thực hiện nhiệm vụ triển khai xác thực thông tin chủ thể tham gia các hợp đồng của Ngành điện và Hải quan. Ban Cơ yếu Chính phủ chủ trì 2 nhiệm vụ. Tòa án nhân dân tối cao chủ trì 4 nhiệm vụ.

Bộ Xây dựng chủ trì nhiệm vụ hoàn thiện Cơ sở dữ liệu, Hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản; kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước, giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp.

Điểm nhanh số nhiệm vụ mà các bộ, ngành phải thực hiện trong năm 2023 để thấy rằng, với vai trò là cơ quan thường trực và trách nhiệm chính trị cao nhất trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, Bộ Công an luôn chủ động hành động với tâm thế lĩnh ấn tiên phong, đi đầu thực hiện. Năm 2023 là năm của hành động, mang ý nghĩa rất quan trọng. Hơn lúc nào hết, hơn ai hết, Bộ Công an nhận thức đầy đủ, rõ ràng vai trò, ý nghĩa của năm hành động Đề án 06 và thực hiện với quyết tâm chính trị cao nhất trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Để năm hành động 2023 thực sự là hành động và hành động hiệu quả ở tất cả các bộ, ngành, địa phương cũng như từng thành viên trong Tổ công tác thực hiện Đề án 06, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổ phó Thường trực Tổ công tác thực hiện Đề án 06 của Chính phủ nhấn mạnh tới tất cả các thành viên của tổ công tác, đó là: Các bộ, ngành khẩn trương hướng dẫn ngay cho các địa phương trên toàn quốc về quy trình, quy chuẩn để xây dựng, số hóa, kết nối, thực hiện, khai thác dữ liệu...Khẩn trương thực hiện cũng như triển khai tất cả các điều kiện để phục vụ người dân "đam mê" với dịch vụ công trực tuyến, liên thông, với số hóa, chuyển đổi số.

Tất cả với chức năng, nhiệm vụ của bộ, ngành, địa phương quản lý phải tạo nên được luồng gió mới, sự thích thú, đam mê của người dân đối với dịch vụ công trực tuyến, liên thông trên môi trường số. Từng bộ, ngành, người đứng đầu ở các đơn vị phải có quyết tâm chính trị cao, chuyển đổi nhận thức, tư duy và trạng thái hành động về Đề án 06 trong giai đoạn hiện nay mới thực hiện được thành công nhiệm vụ mà bộ, ngành mình được giao thực hiện. "Con tàu chuyển đổi số" chỉ có tiến chứ không có lùi, như chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính đối với các bộ, ngành, địa phương.

 

Nguồn Báo CAND


 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website