Luật Tần số vô tuyến điện giúp hoàn thiện cơ chế quản lý tài nguyên tần số

Văn phòng Chủ tịch nước chiều nay đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 4, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Giới thiệu về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết, Luật Tần số vô tuyến điện được Quốc hội khóa XII thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/7/2010 đã tạo hành lang pháp lý toàn diện, phù hợp với thông lệ quốc tế cho hoạt động quản lý lĩnh vực thông tin vô tuyến điện và tạo cơ sở pháp lý cho việc đàm phán, tham gia các hoạt động phối hợp tần số quốc tế.

Sau 12 năm thực hiện, thực tiễn quản lý đặt ra các vấn đề mới cần thiết phải có sự điều chỉnh phù hợp trong Luật và nghiên cứu để thể chế hóa được các chủ trương chính sách lớn của Đảng về phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.

Thứ trưởng Phạm Đức Long thông tin tại buổi công bố Luật Tần số vô tuyến điện

Thứ trưởng Long cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, hoàn thiện cơ chế quản lý tài nguyên tần số theo hướng minh bạch, cạnh tranh hơn, gắn việc khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả với trách nhiệm và chế tài rõ ràng tập trung vào các nhóm chính sách mới.

Luật tạo cơ chế cạnh tranh và tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn triển khai để các doanh nghiệp có đủ năng lực tham gia đầu tư kinh doanh hoạt động viễn thông bằng việc xác định rõ băng tần dành cho thông tin di động được phân bổ, cấp quyền sử dụng thông qua cơ chế đấu giá, thi tuyển. Việc đấu giá, thi tuyển dựa trên các tiêu chí mức trả tiền cấp quyền sử dụng tần số và cam kết của doanh nghiệp về phát triển mạng viễn thông. Luật bổ sung cơ chế trong trường hợp không có sự thay đổi của Nhà nước về quy hoạch băng tần thì cho phép các doanh nghiệp đã được cấp phép sử dụng tài nguyên số, sau khi hoàn thiện đủ các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và cam kết thực hiện mục tiêu phát triển hạ tầng trong chu kỳ tiếp theo được cấp lại giấy phép.

Thứ trưởng cho biết, Luật cũng quy định việc sử dụng tài nguyên tần số vô tuyến điện để điều tiết, duy trì cạnh tranh của thị trường viễn thông với việc bổ sung quy định mới về giới hạn tối đa tổng độ rộng băng tần một doanh nghiệp được cấp phép sử dụng và bổ sung quy định cho phép cấp phép quyền sử dụng tần số thông qua thi tuyển để tạo điều kiện cho doanh nghiệp mới gia nhập thị trường kinh doanh viễn thông.

Luật đã bổ sung và hoàn thiện các quy định cho phép thu hồi quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đã cấp với các doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết về đầu tư xây dựng hạ tầng viễn thông, không hoàn thành các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.

Về thực hiện xã hội hóa việc đào tạo và cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải, nghiệp dư, Luật mới cho phép các cơ sở đào tạo đáp ứng các điều kiện theo quy định của Chính phủ thực hiện việc đào tạo và cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải, nghiệp dư, Bộ TT&TT chỉ đóng vai trò quản lý, giám sát.

Để thể chế hoá đường lối chủ trương của Đảng về xây dựng, phát triển nền công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh hiện đại, lưỡng dụng, vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, Luật bổ sung quy định trong trường hợp đặc biệt, doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh được cấp trực tiếp băng tần dành cho thông tin di động để phát triển kinh tế kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nhưng phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính với ngân sách nhà nước....

Ngoài ra, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung các quy định làm rõ trách nhiệm của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân trong việc xử lý nhiễu có hại, đăng ký, phối hợp quốc tế về tần số, quỹ đạo vệ tinh; làm rõ các khoản thu từ việc sử dụng tần số vô tuyến điện mà tổ chức, cá nhân được cấp phép phải có nghĩa vụ thực hiện để phù hợp và đồng bộ với pháp luật về quản lý sử dụng tài sản công, phí, lệ phí; sửa đổi các quy định để đảm bảo việc huy động, chỉ huy sử dụng tần số phục vụ mục đích quốc phòng an ninh trong tình huống khẩn cấp, ảnh hưởng trực tiếp đến chủ quyền, an ninh quốc gia được kịp thời, hiệu quả.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023. Riêng quy định về đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 để các tổ chức đào tạo có thời gian chuyển đổi đáp ứng đầy đủ các quy định theo luật.

 

Nguồn Báo Vietnamnet

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website