Chiều ngày 10/02/2023, tại Hà Nội, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị chuyên đề về xây dựng pháp luật năm 2023 theo hình thức trực tuyến từ Hội trường Bộ Công an tới điểm cầu Công an các địa phương. Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì Hội nghị.
Các đại biểu dự Hội nghị
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hội trường Bộ Công an có đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ. Tại điểm cầu Công an các đơn vị, địa phương có đại diện lãnh đạo Công an địa phương, cán bộ làm công tác pháp chế…
Báo cáo tại Hội nghị nêu rõ, trong năm 2022, Bộ Công an đã xây dựng trình Quốc hội thông qua 01 luật, 02 nghị quyết, trình Chính phủ ban hành 07 nghị định; ban hành theo thẩm quyền 59 thông tư. Các văn bản quy phạm pháp luật về an ninh, trật tự được xây dựng, ban hành đã thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện chủ trương xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia trong lĩnh vực quản lý nhà nước về an ninh, trật tự giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Ngoài ra Bộ Công an còn tham gia xây dựng hơn 20 luật, pháp lệnh, nghị quyết, hàng trăm nghị định, thông tư khác có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân.
Về định hướng xây dựng pháp luật đến năm 2030, Báo cáo tại Hội nghị nêu rõ, năm 2023, Bộ Công an đề xuất xây dựng, ban hành các dự án: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; phối hợp với Bộ Quốc phòng soạn thảo dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp và các văn bản quy định chi tiết và biện pháp thi hành các luật này.
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp trình bày Báo cáo tại Hội nghị
Năm 2024, đề xuất xây dựng, ban hành các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và các văn bản quy định chi tiết và biện pháp thi hành các luật này.
Năm 2025, rà soát, nghiên cứu, đề xuất xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung các dự án: Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật Dẫn độ; Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân và các văn bản quy định chi tiết và biện pháp thi hành các luật này.
Từ năm 2026 đến 2030: Nghiên cứu xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung các dự án: Luật Phòng, chống khủng bố; Luật An ninh quốc gia, Luật Thi hành án hình sự; Luật Đặc xá; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; Pháp lệnh bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia và các văn bản quy định chi tiết và biện pháp thi hành các luật, pháp lệnh này.
Các đại biểu tham luận tại Hội nghị
Tham luận tại Hội nghị, các đại biểu cơ bản nhất trí với nhiệm vụ xây dựng pháp luật năm 2023 và định hướng đến năm 2030 mà Báo cáo tại Hội nghị đề ra. Đồng thời các đại biểu cũng tập trung, phân tích các nội dung như: Hoàn thiện hệ thống pháp luật trong đảm bảo trật tự an toàn, giao thông; những giải pháp trong nghiên cứu thực tiễn, lý luận góp phần xây dựng pháp luật phù hợp với thực tiễn bảo vệ an ninh, trật tự; kết quả nghiên cứu nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy…
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng ghi nhận biểu dương Công an các đơn vị, địa phương đã nỗ lực, cố gắng trong công tác xây dựng pháp luật thời gian qua. Thời gian tới, để nhiệm vụ xây dựng pháp luật đạt được hiệu quả tốt hơn nữa, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng đề nghị lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương phải nhận thức sâu rằng nhiệm vụ xây dựng pháp luật là đặc biệt quan trọng, là 1 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm có ý nghĩa “đột phá” cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Do đó, cần khẩn trương tổ chức quán triệt, phổ biến Kết luận số 19 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thực sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; Chương trình xây dựng pháp luật năm 2023 của Bộ Công an; bám sát, khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các văn bản nêu trên, trong đó có phân công cụ thể, rõ ràng trách nhiệm cho từng đơn vị, cá nhân và thời gian hoàn thành đối với từng văn bản quy phạm pháp luật; có biện pháp đôn đốc, kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp để chậm tiến độ hoặc không bảo đảm chất lượng của văn bản quy phạm pháp luật được giao chủ trì tham mưu soạn thảo hoặc tham gia ý kiến, đồng thời khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng pháp luật.
Đồng thời, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cũng đề nghị lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương cần xác định rõ nhiệm vụ xây dựng pháp luật là vì lợi ích chung của toàn thể xã hội chứ không phải vì lợi ích riêng của ngành nào, lĩnh vực nào, từ đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng pháp luật đảm bảo phù hợp với hiến pháp, khách quan, thể chế hoá đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước mang lại hiệu của cao trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và quản lý nhà nước về an ninh, trật tự.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng phát biểu tại Hội nghị
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng lưu ý, năm 2023 là năm có khối lượng công việc lớn với 13 dự án luật, 16 nghị định, 116 thông tư và 03 thông tư liên tịch, đặc biệt Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Căn cước công dân (sửa đổi) là những dự án luật lớn, vì vậy, Công an các đơn vị, địa phương cần tập trung cao độ để xây dựng nhằm kịp tiến độ hoàn thiện trình cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Ngoài ra, đối với những dự án luật và các văn bản quy phạm pháp luật đã đề xuất xây dựng từ năm 2024 đến năm 2030, đồng chí Thứ trưởng đề nghị Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị đầy đủ về mọi mặt để đảm bảo chất lượng và tiến độ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để trình ban hành, tránh tình trạng chậm, nợ văn bản quy phạm pháp luật.
Nguồn Cổng thông tin điện tử BCA