Ngày 21/6, Bộ Công an tổ chức Hội thảo hoàn thiện pháp luật trong công tác thi hành TGTG. Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Thủ trưởng Cơ quan Thi hành án hình sự Bộ Công an chủ trì hội thảo. Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan Thi hành án hình sự Công an các tỉnh, thành phố phía Bắc.
Khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long nhấn mạnh, Luật Thi hành TGTG được Quốc hội khoá XIII, Kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 25/11/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018. Luật được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý để thống nhất tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác TGTG. Luật đã quy định nhiều nội dung quan trọng, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự; đánh dấu bước tiến mới trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung và pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự nói riêng.
Qua 6 năm triển khai thực hiện, công tác TGTG đã từng bước đi vào nền nếp, thống nhất, nghiêm ngặt, chặt chẽ, các quyền và chế độ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, góp phần phục vụ có hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt đươc, quá trình thực hiện luật đã bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập.
Do đó, đã đặt ra yêu cầu cần khẩn trương tham mưu các cấp sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành TGTG để đáp ứng yêu cầu tình hình thực tiễn hiện nay. Trên cơ sở đề nghị của Bộ Công an, ngày 3/6/2024, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao Bộ Công an tổng kết 5 năm thực hiện Luật Thi hành TGTG.
Trên cơ sở đó, chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, lập hồ sơ đề nghị xây dựng luật để sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành TGTG. “Bộ Công an tổ chức hội thảo để phát huy trí tuệ tập thể, kinh nghiệm thực tiễn nhằm đánh giá chính xác, toàn diện những kết quả đạt được, nhìn nhận đầy đủ những tồn tại, hạn chế và đề ra các giải pháp có hiệu quả trong công tác thi hành TGTG, những định hướng để sửa đổi bổ sung Luật Thi hành TGTG” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Long nhấn mạnh...
Tại hội thảo, dưới sự điều hành của Trung tướng Nguyễn Văn Phục, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý TGTG và thi hành án hình sự tại cộng đồng, các đại biểu đã nêu thực tiễn công tác TGTG tại đơn vị, địa phương; thảo luận, đánh giá về những kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế và đề xuất các giải pháp có hiệu quả trong công tác thi hành TGTG. Đồng thời, thảo luận, đề xuất những vấn đề cần sửa đổi, những quy định mới cần bổ sung vào Luật Thi hành TGTGT.
Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long đánh giá các đại biểu đã thảo luận tâm huyết, trách nhiệm, có nhiều đề xuất thiết thực; đề nghị Cục Cảnh sát Quản lý TGTG và Thi hành án hình sự tại cộng đồng và các đơn vị chức năng tập hợp, tiếp thu ý kiến để báo cáo lãnh đạo Bộ chỉ đạo công tác và phục vụ nghiên cứu, lập hồ sơ đề nghị xây dựng luật để sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành TGTG.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Long nhấn mạnh, công tác TGTG có ý nghĩa, vai trò rất quan trọng, là bộ phấn cấu thành, không thể tách rời của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, phục vụ điều tra, truy tố, xét xử, giáo dục, cải tạo người phạm tội, góp phần mang lại bình yên cho người dân. Đồng chí Thứ trưởng yêu cầu thực hiện nghiêm công tác TGTG, đặc biệt đối với công tác quản lý bị án tử hình, phải đối xử nhân văn, nhân đạo, đúng quy định pháp luật, đảm bảo quyền lợi, chế độ, chính sách đối với các đối tượng TGTG; nghiên cứu, đề xuất các quy định để sửa Luật Thi hành TGTG đảm bảo chặt chẽ, phục vụ hiệu quả công tác.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cũng giao trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị trong việc nghiên cứu, đề xuất sửa luật, góp phần kiến tạo, xây dựng nền quản trị xã hội văn minh tiên tiến, hiện đại.
Nguồn Báo CAND