Ngày 13/4, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Phiên họp Chuyên đề pháp luật tháng 4/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở; đồng thời xem xét về việc trình Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5. Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành nội dung phiên họp.
Tại phiên họp, sau khi nghe Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an trình bày Tờ trình của Chính phủ; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra về Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành thảo luận, cho ý kiến về: Sự cần thiết ban hành Luật; Hồ sơ đề nghị xây dựng luật và hồ sơ dự án luật; sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; tính thống nhất trong hệ thống pháp luật của dự thảo; …Đồng thời, cho ý kiến và góp ý cụ thể đối với nhiều nội dung liên quan đến các chính sách cơ bản của dự án luật.
Cũng tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an đã có phát biểu giải trình, tiếp thu làm rõ một số nội dung trọng tâm liên quan đến dự án luật. Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở là lực lượng rất quan trọng, tham gia bảo vệ bình yên ở địa bàn cơ sở. Về các khoản chi cho lực lượng này rất tiết kiệm “Các địa phương thường nói đùa rằng, chi tiền lẻ nhưng đạt mục tiêu rất lớn” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh và cho biết, luật hoá lực lượng Công an xã không chính quy và một số lực lượng khác tại cơ sở đang là yêu cầu cấp bách.
“Một số đại biểu băn khoăn về trụ sở, chúng tôi xin trả lời là trong dự thảo quy định, lực lượng này không có trụ sở riêng mà làm việc tại trụ sở Công an xã, UBND xã hoặc các cơ sở hiện có tại xã. Về kinh phí cũng không tăng vì trước đây ngân sách các địa phương phải chi cho lực lượng Công an xã bán chuyên trách, hiện nay, Bộ Công an đã bố trí gần 60 nghìn Công an xã chính quy làm việc tại xã nên không phải chi cho Công an xã bán chuyên trách nữa. Chính vì vậy, khi hợp nhất các lực lượng hiện nay ở cơ sở thành lực lượng bảo vệ ANTT thì không tăng chi phí. Về biên chế cũng không tăng vì lực lượng này được quy định trong luật cũng đã được chọn lọc nên không tăng biên chế” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, qua thảo luận đa số ý kiến cho rằng hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở đã cơ bản bảo đảm theo các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và điều chỉnh năm 2023, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 5 và xem xét thông qua kỳ họp thứ 6.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, cũng như các dự án Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, cần chuẩn bị hết sức cẩn trọng, tỉ mỉ, công phu, kỹ lưỡng, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, bảo đảm sự đồng thuận cao của đại biểu Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, sau phiên họp, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Văn phòng Quốc hội sẽ ban hành thông báo kết luận nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Quốc phòng và An ninh, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, nhất là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, phối hợp với các cơ quan có liên quan chuẩn bị kỹ lưỡng về Tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ báo cáo Quốc hội về việc đưa vào chương trình cụ thể.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng lưu ý 6 nội dung cụ thể liên quan đến việc tiếp tục hoàn thiện Tờ trình và Báo cáo thẩm tra đối với dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Nguồn Báo CAND