Đề cập về việc điều chỉnh chính sách tiền lương, tại Phiên họp thứ 16, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm, việc tăng lương phải trên cơ sở thực hiện theo Kết luận của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Hội nghị đã cho ý kiến phương án điều chỉnh tiền lương, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2023. Hội nghị cũng đã thống nhất giao Bộ Chính trị hoàn thiện kết luận, chỉ đạo Ban Cán sự Đảng Chính phủ hoàn chỉnh báo cáo phương án điều chỉnh tiền lương cơ sở trình Quốc hội xem xét quyết định.
Vấn đề điều chỉnh tiền lương, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2023 cũng được đưa ra tại Phiên họp lần thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phát biểu khai mạc phiên họp 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại Phiên họp, liên quan báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022 - 2023, Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về phương án điều chỉnh tiền lương cơ sở (cho cán bộ, công chức, viên chức).
Lưu ý một nội dung mới cho ý kiến đối với vấn đề điều chỉnh lương cơ sở lần này là tiền lương với khu vực doanh nghiệp nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay, khu vực kinh tế tư nhân đã điều chỉnh tiền lương tối thiểu. Do đó, lần này, ngoài công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người có công với cách mạng, người nghỉ hưu hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội,… thì còn điều chỉnh mức lương khối doanh nghiệp Nhà nước. Cơ quan thẩm tra và các cơ quan cần cho ý kiến về vấn đề này.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp.
Cũng tại Phiên họp, đề cập báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu cho biết, cử tri và nhân dân cho rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã điều hành quyết liệt, kinh tế-xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo nhiều điểm sáng tích cực.
Tuy nhiên, cử tri, nhân dân bày tỏ sự lo lắng dù kinh tế Việt Nam đã bước sang giai đoạn phục hồi, phát triển nhưng chưa đồng đều và thực sự bền vững; học phí, các dịch vụ tăng cao trong khi tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động không tăng...
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu nhấn mạnh, cử tri kiến nghị Chính phủ sớm thực hiện lộ trình cải cách tiền lương phù hợp với tình hình phát triển của xã hội và tình hình tăng giá, tránh tình trạng việc rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng trong thời gian vừa qua.
Tiếp tục khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để thực hiện cải cách tiền lương
Tại Phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành nội dung các báo cáo; đánh giá cao Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chuẩn bị báo cáo đầy đủ, chi tiết, ngoài nội dung đánh giá chung đã đề cập đến các nhóm nội dung cử tri quan tâm như: phát triển kinh tế-xã hội, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; phòng, chống dịch bệnh...
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới đề nghị đánh giá rõ hơn nguyên nhân của tình trạng thiếu biên chế giáo viên, nhân lực y tế ở các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới, số liệu của Bộ Nội vụ cho thấy, thời gian qua, có hơn 39.000 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, chuyển việc ra khu vực tư. Đây là vấn đề được cử tri quan tâm, song do nhiều nguyên nhân chứ không chỉ do áp lực công việc, tiền lương và thu nhập chưa đảm bảo. Do vậy, cần có đánh giá khái quát và sát hơn.
Liên quan đến các nội dung về tăng lương cơ sở, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cập nhật kết luận của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII nhằm đảm bảo đồng bộ, thống nhất khi thực hiện.
Đồng thuận với quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị việc thực hiện chính sách tiền lương phải trên cơ sở kết luận của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, nhu cầu tăng lương là rất chính đáng nhưng có thể đề cập dưới góc độ là sớm điều chỉnh lương cơ bản để tháo gỡ khó khăn cho cán bộ, công chức, viên chức và người làm công ăn lương trong bộ máy Nhà nước. Bên cạnh đó tiếp tục khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27. Cách tiếp cận như vậy thì sẽ phù hợp hơn, vừa đề cập được ý mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội muốn nói nhưng cũng đáp ứng là kỳ họp thứ 4 sắp tới sẽ xem xét điều chỉnh tiền lương cơ bản.
Kết luận về nội dung trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4 của Quốc hội; cho ý kiến về các báo cáo: Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3 của Quốc hội; Kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2022; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 09/2022.
Đối với việc thực hiện chính sách tiền lương, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội rà soát các kiến nghị về điều chỉnh chính sách tiền lương theo tinh thần Kết luận của Hội nghị Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, trong đó có đề xuất tăng lương cơ sở. Đặc biệt là nghiên cứu cải cách chế độ tiền lương theo Nghị quyết số 27 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII năm 2018./.
Nguồn Quốc hội