Đề án 06 là "điểm sáng" và 5 bài học kinh nghiệm lớn
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương những cố gắng, thành tích, kết quả, đây là “điểm sáng” của Đề án 06, chuyển đổi số quốc gia trong 6 tháng đầu năm 2024. Nhấn mạnh những thành tích, kết quả trên các mặt công tác trong triển khai chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ, Thủ tướng nêu rõ, chuyển đổi số đã trở thành phong trào, xu thế, là yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược đối với phát triển kinh tế.
Qua theo dõi, Thủ tướng nhận thấy công tác chỉ đạo, điều hành đã có kinh nghiệm hơn, lớp lang, bài bản, bám sát thực tiễn hơn, hiệu quả hơn. Người dân, doanh nghiệp ủng hộ, đồng hành, tham gia tích cực hơn. Chuyển đổi số đã “đến từng ngõ, gõ từng nhà, vào từng người”. Niềm tin của các cấp, các ngành, các địa phương, người dân và doanh nghiệp được củng cố và nâng lên, góp phần truyền cảm hứng và tạo động lực phát triển mới.
Chỉ rõ tồn tại, hạn chế, Thủ tướng nêu bật những bài học kinh nghiệm để triển khai hiệu quả. Theo đó, thứ nhất, phải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, triển khai có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện”, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời; có sự hưởng ứng, tham gia tích cực của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp là yếu tố quyết định.
Thứ hai, phải có chương trình, kế hoạch cụ thể; phải tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, “làm việc nào dứt việc đó”; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các bộ, ngành, địa phương; bám sát tình hình thực tế, phản ứng linh hoạt, kịp thời, hiệu quả.
Thứ ba, phải đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, mạnh dạn thí điểm các mô hình mới để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và xu thế phát triển. Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, phát huy mạnh mẽ phương thức đối tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư tư, mọi nguồn lực trong xã hội, nhân dân, doanh nghiệp.
Thứ tư, phải luôn giữ vững kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực; tăng cường kiểm tra, giám sát; kiên quyết phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm; đẩy mạnh truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân.
Thứ năm, phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu; luôn cầu thị, lắng nghe phản ánh của người dân, doanh nghiệp. Phải nói thật, làm thật, để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thật những thành quả do chuyển đổi số mang lại theo tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Mạnh dạn thí điểm, có những sản phẩm "đầu ra" trong chuyển đổi số
Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, tiếp tục nâng cao nhận thức, tầm quan trọng về vai trò, vị trí của chuyển đổi số, đặc biệt là là cơ sở dữ liệu. Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể trong chuyển đổi số quốc gia. Tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu cho bộ, ngành, địa phương mình, chia sẻ cơ sở dữ liệu cho các bộ, ngành, địa phương khác; tập trung về cơ sở dữ liệu quốc gia.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo công việc này; cần quán triệt, tổ chức, thúc đẩy công việc này; coi đây là việc quan trọng, động lực tăng trưởng; giao Văn phòng Chính phủ phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an tổ chức họp với các Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về vấn đề này. Thủ tướng yêu cầu phải làm với tinh thần quyết liệt, "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm"; đã cam kết phải ra sản phẩm cụ thể, người dân phải được hưởng thụ thật.
Phấn đấu đến năm 2025, 100% Dịch vụ công trực tuyến được thực hiện toàn trình; 50% dân số trưởng thành sử dụng Dịch vụ công trực tuyến; 100% hồ sơ giải quyết TTHC được gắn định danh cá nhân; 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng trong giải quyết TTHC; 50% TTHC, giấy tờ của người dân liên quan đến dữ liệu dân cư được cắt giảm... Khẩn trương xử lý các nhiệm vụ quá hạn, tồn đọng trong giai đoạn 2023-2024; yêu cầu 12 bộ, ngành và 20 địa phương chưa ban hành Kế hoạch, khẩn trương ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2024 trước 20/7/2024. Yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức họp, thống nhất nội dung với các bộ, ngành liên quan, khẩn trương hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành “Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030” trong tháng 7/2024.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” trong tháng 7/2024. Yêu cầu Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố số liệu tỷ trọng kinh tế số trong GDP hàng năm theo đúng quy định. Trong trường hợp Bộ Thông tin và Truyền thông có ý kiến khác với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đề nghị 2 cơ quan làm việc để thống nhất.
Thủ tướng nhấn mạnh các bộ, ngành xử lý công việc phải có “đầu ra”; mạnh dạn làm thí điểm, không cầu toàn, không nóng vội; cái gì đã chín, đã rõ, được đa số đồng tình thì luật hóa để thực hiện.
Về đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương xây dựng, hoàn thiện trình Chính phủ ban hành các văn bản thi hành Luật Giao dịch điện tử, Luật Viễn thông (có hiệu lực từ 1/7/2024). Sớm nghiên cứu xây dựng, ban hành tiêu chuẩn về địa chỉ số quốc gia trong tháng 7/2024.
Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng kinh phí thường xuyên ngân sách Nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng; mua sắm tài sản, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị máy móc (hoàn thành trước 30/7/2024). Bộ Nội vụ khẩn trương xây dựng, hoàn thiện trình Chính phủ ban hành các văn bản thi hành Luật Lưu trữ (sửa đổi); báo cáo lộ trình trong tháng 7/2024.
Về phát triển kinh tế số, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương tổ chức các Phiên họp chuyên đề số hóa các ngành, lĩnh vực phụ trách (từ đầu năm 2024 đến nay, mới tổ chức một Hội nghị chuyển đổi số ngành Nông nghiệp). Đẩy mạnh số hóa, làm giàu cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương; xây dựng và đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu dùng chung về thương mại điện tử. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế và thực hiện đồng bộ các giải pháp về hóa đơn điện tử, nhất là hóa đơn điện tử trong bán lẻ trực tiếp. Rà soát, xử lý nghiêm các vi phạm của các cơ sở kinh doanh không xuất hóa đơn điện tử.
“Đẩy mạnh phát triển hạ tầng thanh toán điện tử, hạ tầng thông tin tín dụng đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán đa dạng, ngày càng tăng nhanh (ngân hàng trực tuyến, thanh toán qua Internet, điện thoại di động, thanh toán không tiếp xúc…”- Thủ tướng chỉ rõ.
Về dịch vụ công trực tuyến, Thủ tướng yêu cầu sớm hoàn thành triển khai 30 dịch vụ công thiết yếu còn lại (nhất là tích hợp, công bố nhóm TTHC đăng ký thành lập hộ kinh doanh và đăng ký thuế lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu về người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh).
Về phát triển hạ tầng số quốc gia, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an tham mưu xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 175/NQ-CP để đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia. Yêu cầu Bộ Y tế sớm hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển hạ tầng số và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số y tế đến năm 2030. Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng tài nguyên về đất đai…Các bộ, ngành và địa phương phải chủ động…
Về phát triển các nền tảng số, dịch vụ số, dữ liệu số, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng đẩy nhanh kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Hệ thống thông tin nhà ở và thị trường bất động sản với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hoàn thành trong tháng 7/2024. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để liên thông dữ liệu đăng ký tàu cá, nhật ký khai thác thủy sản; tích hợp tài khoản VNeID và thực hiện các thủ tục về đăng ký tàu cá, khai thác thủy sản, hoàn thành trong tháng 9/2024.
Bộ Tư pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các Cơ sở dữ liệu của ngành Tư pháp như Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, quốc tịch, lý lịch tư pháp hoàn thành trong tháng 7/2024. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan ban hành Kế hoạch triển khai thu mẫu ADN cho thân nhân, hài cốt liệt sĩ chưa xác định được danh tính để chính thức công bố triển khai vào 27/7/2024 – Ngày Thương binh, Liệt sĩ.
Trước tình hình tấn công mạng trên thế giới và trong nước gia tăng mạnh thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông giao ban hàng tháng, có đánh giá, hướng dẫn, giám sát, bảo vệ hệ thống thông tin, Cơ sở dữ liệu quốc gia và các bộ, ngành, địa phương…
Duy trì, đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả Đề án 06
Điểm lại những chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như những chuyển động mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương trong triển khai hiệu quả Đề án 06, phát biểu tại phiên họp và hội nghị, Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, về phía Bộ Công an, Đảng ủy, lãnh đạo Bộ Công an đã tiếp tục chỉ đạo toàn lực lượng gương mẫu, đi đầu trong thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia nói chung và thực hiện Đề án 06 nói riêng.
Về những định hướng thời gian tới, Bộ trưởng Lương Tam Quang đề xuất, nhấn mạnh 5 nội dung. Cụ thể, với vai trò Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06, Bộ trưởng Lương Tam Quang khẳng định cùng Thứ trưởng Nguyễn Văn Long và các đồng chí thành viên Tổ công tác sẽ tiếp tục kế thừa những giá trị, nền tảng mà đồng chí Chủ tịch nước Tô Lâm và đồng chí Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc đã tạo dựng, để duy trì đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai bảo đảm đạt hiệu quả, đúng tiến độ theo lộ trình đã giao.
Trước mắt, Tổ Công tác sẽ tiếp tục đồng hành với TP Hà Nội trong quá trình triển khai Đề án 06 nói chung và triển khai 19 mô hình nói riêng; đôn đốc các địa phương triển khai nhân rộng mô hình trên toàn quốc như: sổ sức khỏe điện tử; cấp Phiếu lý lịch Tư pháp trên VNeID; triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền và thu thuế khoán hộ kinh doanh...
Bộ trưởng Lương Tam Quang cũng khẳng định, Chính phủ đã thống nhất năm 2024 là năm “Hoàn thiện thể chế, hạ tầng, số hóa dữ liệu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh triển khai Đề án 06 phục vụ hiệu quả người dân, doanh nghiệp”. Tuy nhiên, thời gian qua, việc triển khai số hóa của các bộ, ngành, địa phương còn chậm hoặc đã hoàn thành nhưng chưa tái sử dụng kết quả số hóa dẫn đến TTHC không được cắt giảm, người dân phải khai báo nhiều lần.
Bộ trưởng Lương Tam Quang đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao người đứng đầu các đơn vị cần quyết liệt chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện các cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho chuyển đổi số quốc gia rõ trách nhiệm và lộ trình hoàn thành để đẩy mạnh ứng dụng các cơ sở dữ liệu trong giải quyết TTHC; hoàn thành dữ liệu “gốc” để đưa vào hoạt động Trung tâm Dữ liệu quốc gia theo Nghị quyết 175/NQ-CP của Chính phủ.
“Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 175 phê duyệt Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia sẽ tạo thuận lợi căn bản trong xây dựng, tạo lập dữ liệu”- Bộ trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh. Tuy nhiên, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát các cơ sở dữ liệu, đề xuất phương án sử dụng hạ tầng của Trung tâm dữ liệu quốc gia để bảo đảm an ninh, an toàn trong kết nối, chia sẻ phục vụ chuyển đổi số, phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Bộ trưởng Lương Tam Quang đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an tham mưu xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 175/NQ-CP xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia, hoàn thành trong tháng 8/2024
Để triển khai thu thập thông tin ADN liệt sĩ chưa xác định danh tính và nhân thân, Bộ trưởng Lương Tam Quang đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẩn trương thống nhất với các bộ trong đó có Bộ Công an ban hành Kế hoạch triển khai thu mẫu ADN cho thân nhân, hài cốt liệt sĩ chưa xác định được danh tính để phục vụ công bố trên cả nước vào 27/7/2024.
UBND các tỉnh cần khẩn trương nghiên cứu kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo trong triển khai 19 nhiệm vụ của Đề án 06/CP trên địa bàn TP Hà Nội lựa chọn xây dựng kế hoạch chi tiết phù hợp với từng địa bàn, lộ trình từ 1/8/2024, phấn đấu hoàn thành trước 30/11/2024.
Nguồn Báo CAND