Chủ tịch nước Tô Lâm: Yêu cầu cao nhất khi sửa Luật Công chứng là phục vụ nhân dân

Chiều 17/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hưng Yên đánh giá, qua nghiên cứu dự thảo luật cho thấy, nếu gọi là luật về hành nghề công chứng thì phù hợp hơn, chứ gọi là Luật Công chứng thì chưa toàn diện lắm, vì mục đích ra đời luật này là phục vụ nhân dân, phục vụ nền quản lý hành chính và tư pháp.

Công chứng phải chuẩn xác, giúp cải cách hành chính

Chủ tịch nước cho rằng, trước đây mình không có công chứng, vì tất cả giao dịch đều rất đơn giản. Sau khi xã hội phát triển, nhu cầu quản lý hành chính Nhà nước và sự phát triển của tư pháp mới sinh ra công chứng, chỉ khoảng vài chục năm nay, từ đơn giản là sao y bản chính, chứng thực văn bản, thẩm quyền ban đầu của UBND. Sau đó, hình thành nên nghề công chứng, giao cho ngành tư pháp nhưng xã hội hoá lớn.

Chủ tịch nước Tô Lâm: Yêu cầu cao nhất khi sửa Luật Công chứng là phục vụ nhân dân -0
Chủ tịch nước Tô Lâm thảo luận tại tổ.

"Luật này, trước hết phải phục vụ cho người dân, nhưng để phục vụ người dân thì phải phục vụ cho nền hành chính quản lý, quản trị xã hội là chính và liên quan đến pháp lý, chứng cứ tư pháp, độ chuẩn xác rất lớn. Ban hành luật ra để hoạt động công chứng chuẩn, còn nếu tuỳ tiện thì rất khó khăn" - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch nước Tô Lâm, vừa qua, quản lý, quản trị hành chính Nhà nước cải tiến rất nhiều, cải cách thủ tục hành chính, tự nhiên, công chứng bớt hẳn đi. Ví dụ trước đây phải đi photo hộ khẩu, đến công chứng xác minh hộ khẩu, nhưng giờ không còn hộ khẩu giấy nữa. Trước đây đi làm hộ chiếu, đăng ký xe máy phải mang một tập giấy tờ, công chứng xác nhận... để xác nhận địa vị pháp lý. Giờ mình cải cách thủ tục hành chính, không cần công chứng nữa.

Căn cước công dân là giấy tờ duy nhất xác định địa vị pháp lý của người dân, chỉ cần một số định danh đó là giao dịch được trên môi trường điện tử. Có thể khám sức khoẻ, xác nhận thuế, bảo hiểm y tế... tích hợp các giấy tờ vào, có thể xác định pháp lý, đủ quyền giao dịch trong xã hội. Do đó, công chứng giảm đi rất nhiều, cũng chính là cải cách thủ tục hành chính.

Chủ tịch nước Tô Lâm: Yêu cầu cao nhất khi sửa Luật Công chứng là phục vụ nhân dân -0
Quang cảnh thảo luận tổ, chiều 17/6.

Chủ tịch nước Tô Lâm nhận định, luật cần quy định rõ trong những trường hợp nào phải công chứng, chứ không phải một cơ quan hay cán bộ nào đặt ra thủ tục buộc người dân phải công chứng. "Cải cách này dân rất đồng tình, đến mức họ không nghĩ tại sao bây giờ đơn giản thế. Trước đây, để làm các thủ tục phải xếp hàng, đến từ mấy giờ sáng, mang đầy đủ giấy tờ mới được giải quyết, còn bây giờ chỉ mang Căn cước công dân đến là được xem xét, giải quyết rồi, thậm chí cũng không cần phải đến nữa mà giao dịch điện tử. Cái đó mới là cái quan trọng, mới là cái cần phải cải tiến", Chủ tịch nước lưu ý.

Chủ tịch nước cũng yêu cầu, phải xem công chứng thế nào, phục vụ cái gì, làm gì trong hệ thống hành chính tư pháp, và "yêu cầu phải phục vụ nhân dân - đó là yêu cầu cao nhất". Cần rà soát lại tổng thể hơn để luật đi vào cuộc sống và nhận được sự hưởng ứng rộng rãi hơn. Các cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải vào cuộc, quy định cái nào là công chứng và công chứng là phải chuẩn, để cải cách hành chính...

Từ sai phạm vụ án Vạn Thịnh Phát, đề nghị bắt buộc công chứng hồ sơ doanh nghiệp

ĐBQH Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi) cho rằng, một trong những yêu cầu quan trọng đặt ra cho bảo đảm chất lượng, hiệu quả hoạt động công chứng là luật hóa quy định về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp công chứng, song lại chưa được đưa vào dự thảo luật sửa đổi lần này. Ông đề nghị, bổ sung một điều luật quy định về việc ban hành và thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp công chứng theo Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.

Chủ tịch nước Tô Lâm: Yêu cầu cao nhất khi sửa Luật Công chứng là phục vụ nhân dân -0
Đại biểu Quốc hội Lương Văn Hùng.

Đại biểu đặc biệt nhấn mạnh, đề nghị quy định bắt buộc công chứng hồ sơ thành lập doanh nghiệp bởi các lý do: Doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế hợp đồng; điều lệ doanh nghiệp là một bản hợp đồng quan trọng, có giá trị lớn, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều người. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa quan tâm đến Điều lệ doanh nghiệp khi thành lập, từ đó dẫn đến nhiều tranh chấp; số lượng doanh nghiệp càng nhiều, tranh chấp càng có xu hướng tăng cao.

Thêm vào đó, thủ tục thành lập doanh nghiệp lớn, nhỏ hiện nay quá dễ dàng và chưa bảo đảm chặt chẽ, tạo ra kẽ hở để lợi dụng vào các mục đích phi pháp. Việc giả mạo chữ ký trong điều lệ doanh nghiệp, biên bản họp hội đồng quản trị, hội đồng thành viên và các văn bản nội bộ doanh nghiệp diễn ra nhiều, đã có nhiều vụ án liên quan, để lại hậu quả lớn. "Vụ án điển hình là vụ Vạn Thịnh Phát với hàng loạt hành vi làm giả hồ sơ doanh nghiệp, lập khống hồ sơ vay vốn, thuê người đứng tên cổ phần… Bị cáo Trương Mỹ Lan bị cáo buộc thao túng 95% cổ phần SCB và điều hành hơn 1.000 doanh nghiệp, gây thiệt hại hàng trăm ngàn tỷ đồng", đại biểu chỉ rõ.

Chủ tịch nước Tô Lâm: Yêu cầu cao nhất khi sửa Luật Công chứng là phục vụ nhân dân -0
Đại biểu Quốc hội Hoàng Minh Hiếu.

Hiện tượng nâng khống vốn điều lệ, thuê người đứng tên doanh nghiệp, giả mạo hồ sơ doanh nghiệp, thành lập doanh nghiệp bừa bãi để hợp thức hóa các hành vi vi phạm pháp luật như: trốn thuế, rửa tiền, thao túng giá cả thị trường, làm "quân xanh" trong hoạt động đấu giá, đấu thầu xuất hiện thường xuyên, gây mất trật tự an toàn xã hội. Do đó, cần có công cụ kiểm soát tính hợp pháp đối với hồ sơ thành lập doanh nghiệp và các giao dịch trong nội bộ doanh nghiệp, phòng ngừa rủi ro cho các chủ thể giao dịch với doanh nghiệp.

Lấy ví dụ một số quốc gia phát triển trên thế giới quy định bắt buộc công chứng hồ sơ thành lập doanh nghiệp và các văn bản trong nội bộ doanh nghiệp như Nhật Bản, Đức, Pháp..., ĐBQH Lương Văn Hùng đề nghị,  cần thiết phải bắt buộc công chứng điều lệ doanh nghiệp, hồ sơ thành lập doanh nghiệp và các biên bản họp của hội đồng quản trị, đại hội đồng cổ đông, hội đồng thành viên trong các doanh nghiệp để bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và an ninh kinh tế...

ĐBQH Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) dẫn báo cáo của Học viện Tư pháp phối hợp Đại học Quốc gia nghiên cứu cho thấy, một công chứng viên trong một ngày làm một cách nghiêm túc, khoa học thì chỉ công chứng được 8-10 hợp đồng giao dịch. Tuy nhiên, trên một số địa bàn như ở TP Hà Nội, có những Văn phòng công chứng, mỗi ngày công chứng viên công chứng trên 700 hợp đồng giao dịch. "Không hiểu người ta làm bằng cách nào?", ông băn khoăn.

Đại biểu đề cập tình trạng thực tế hiện nay có nhiều vi phạm trong hoạt động công chứng, chẳng hạn, công chứng khống rất nhiều, bán xe ô tô qua hợp đồng công chứng ký sẵn.. cho thấy chúng ta không kiểm soát được; hoặc hoạt động công chứng mà không cần công chứng viên có mặt, chỉ giao trợ lý công chứng viên ký... "Cần có thêm giải pháp bảo đảm chất lượng công chứng, như khống chế tối đa số hồ sơ mỗi ngày, bổ sung cách thức kiểm soát chất lượng công chứng", đại biểu góp ý.


Nguồn Báo CAND

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website