Với tầm nhìn chiến lược, xuyên suốt toàn khóa, trước kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có bài viết, “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạt động lập pháp góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Theo đó, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và các chủ thể khác tham gia vào quy trình xây dựng luật cần quán triệt đầy đủ và sâu sắc nội dung bài viết, góp phần thiết thực để Quốc hội thực thi tốt nhất, hiệu quả cao nhất nhiệm vụ và quyền hạn được giao. Trong phạm vi bài viết này, tác giả cô đúc 6 nhóm quan điểm tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật; 6 yêu cầu và 8 nội dung vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về hoạt động lập pháp trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
1. Sự xuất hiện của “Pháp quyền” ở nước ta từ rất sớm
Đúng như Chủ tịch Quốc hội đã phân tích, ngay từ năm 1919, trong bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi đến Hội nghị Hòa bình Véc-xây (Pháp) do Nguyễn Ái Quốc đứng tên nêu ra là những yêu sách khiêm tốn, có 8 điểm thì 2 điểm (2 và 7) đã lý giải rất sâu đậm về pháp luật:
“2.Cải cách nền pháp lý Đông Dương bằng cách cho người bản xứ được quyền hưởng những đảm bảo về pháp luật như người châu Âu; xóa bỏ hoàn toàn các tòa án đặc biệt đang làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam;...
7.Thay các chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật...”[1].
Khi chuyển bản Yêu sách từ văn xuôi sang văn vần cho dễ nhớ, với tựa đề Việt Nam yêu cầu ca, Nguyễn Ái Quốc viết:
“Hai xin phép luật sửa sang,
Người Tây, người Việt hai phương cùng đồng,
Những tòa đặc biệt bất công,
Giám xin bỏ dứt rộng dung dân lành...
Bảy xin hiến pháp ban hành
Trăm điều phải có thần linh pháp quyền...”[2].
Với sự kiện này, chúng ta hoàn toàn có thể nói, thuật ngữ pháp quyền xuất hiện ở đất nước Việt Nam từ rất sớm, đến nay đã hơn 100 năm.
Quá trình hoạt động cách mạng, trong tư duy của Bác đã hình thành một luận điểm cơ bản về việc tổ chức bộ máy nhà nước khi cách mạng thành công và tư duy đó đã trở thành đường lối cách mạng của Đảng ta. Đó là việc điều hành hoạt động của một quốc gia, một xã hội phải bằng Hiến pháp, pháp luật. “Thần linh pháp quyền” - ngôn ngữ những năm đầu thế kỷ XX nhưng rất đúng với tinh thần “Nhà nước pháp quyền” hiện đại. Vào những năm đầu thập niên 40 của thế kỷ trước, Đảng ta đã nắm chắc trình tự, thủ tục về việc thành lập một nhà nước. Trước tiên phải có cơ quan đại diện cho Nhân dân, đó là Quốc hội (Nghị viện), từ đó mới thành lập được Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan tư pháp. Trong điều kiện cách mạng chưa đến ngày thắng lợi, chưa có chính quyền thì cần phải có một cuộc Quốc dân Đại hội làm căn cứ cho việc xây dựng chính quyền sắp tới. Quốc dân Đại hội Tân Trào tháng 8-1945 ra đời trong bối cảnh đó. Nó có vai trò như là một tiền Quốc hội hay một Quốc hội lâm thời. Đại hội đã quyết định Chương trình 10 điểm cho hành động cách mạng. Chương trình này không khác nào một bản Hiến pháp tạm thời:
1- Giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập.
2- Võ trang nhân dân. Phát triển Quân giải phóng Việt Nam.
3- Tịch thu tài sản của giặc nước và của Việt gian, tùy từng trường hợp sung công làm của quốc gia hay chia cho dân nghèo.
4- Bỏ các thứ thuế do Pháp, Nhật đặt ra; đặt một thứ thuế công bằng và nhẹ.
5- Ban bố những quyền của dân, cho dân: nhân quyền; tài quyền (quyền sở hữu); dân quyền; quyền phổ thông đầu phiếu, quyền tự do dân chủ (tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng, ngôn luận, hội họp, đi lại), dân tộc bình quyền, nam nữ bình quyền.
6- Chia lại ruộng đất cho công bằng, giảm địa tô, giảm lợi tức, hoãn nợ, cứu tế nạn dân.
7- Ban bố Luật lao động: ngày làm 8 giờ, định lương tối thiểu, đặt xã hội bảo hiểm.
8- Xây dựng nền kinh tế quốc dân, phát triển nông nghiệp. Mở mang quốc gia ngân hàng.
9- Xây dựng nền quốc dân giáo dục, chống nạn mù chữ, phổ thông và cưỡng bách giáo dục đến bậc sơ cấp, kiến thiết nền văn hóa mới.
10- Thân thiện và giao hảo với các nước Đồng minh và các nước nhược tiểu dân tộc để giành lấy sự đồng tình và sức ủng hộ của họ[3].
Vào thời điểm lịch sử tháng 8 năm 1945, trừ một vài tiểu tiết nhằm đáp ứng yêu cầu tình hình trong thời gian ngắn trước và sau cách mạng, còn phần lớn các điểm, các nội dung có sự tương ứng với các Hiến pháp trong suốt 76 năm qua. So với Hiến pháp năm 2013 - Hiến pháp hiện đại nhất, ta vẫn thấy có sự tương thích, tương đồng:
- Điểm 1 tương ứng với Chương I- Chế độ chính trị (thể chế Nhà nước).
- Điểm 2 tương ứng với Chương IV- Bảo vệ Tổ quốc (trong đó có nhân tố quan trọng là các lực lượng vũ trang nhân dân).
- Điểm 5 tương ứng với Chương II - Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (cần nói thêm rằng, ngay từ năm 1945, vấn đề nhân quyền đã được Đảng ta đặt ra với tinh thần là một vấn đề cấp bách của thời cuộc, chứ không phải như những kẻ thù địch đến lúc này vẫn bịa đặt, rêu rao Việt Nam thiếu nhân quyền).
- Các điểm 4, 6, 7, 8, 9 tương ứng với Chương III - Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường (cũng ngay từ bấy giờ các vấn đề phổ cập giáo dục sơ cấp; bảo hiểm xã hội, đặt lương tối thiểu, cứu tế nạn dân, ban bố Luật lao động - những trụ cột chính của an sinh xã hội; nam nữ bình quyền đã được đặt thành nhiệm vụ của Cách mạng mà đến bây giờ chúng ta vẫn còn phải tiếp tục và còn tiếp tục thực hiện lâu dài).
- Điểm 10 tương ứng với Đường lối đối ngoại ở Điều 12 của Hiến pháp năm 2013.
Với “Hiến pháp tạm thời” này, Ủy ban Dân tộc giải phóng (Chính phủ lâm thời) trong và sau Cách mạng tháng Tám đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để hành động, điều hành công việc quốc gia.
2. Tư tưởng Nhà nước pháp quyền trong đường lối của Đảng
Gần đây nhất, văn kiện các Đại hội XII và XIII của Đảng đã xác định và ghi thành mục, thành điểm rất trang trọng. Văn kiện Đại hội XII chỉ rõ, “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị… Trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước, phải thực hiện dân chủ, tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền và phải tạo ra sự chuyển biến tích cực, đạt kết quả cao hơn. Xây dựng Nhà nước pháp quyền phải tiến hành đồng bộ cả lập pháp, hành pháp, tư pháp và được tiến hành đồng bộ với đổi mới hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; gắn với đổi mới kinh tế, văn hóa, xã hội. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp và pháp luật”[4].
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng một lần nữa khẳng định, “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước. Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững”[5].
Đường lối các Đại hội của Đảng về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đặt ra hai nhóm vấn đề vô cùng quan trọng: một là, những vấn đề có tính nguyên tắc chung: xây dựng, hoàn thiện và vận hành nhà nước phải do Đảng lãnh đạo; bảo đảm tính đồng bộ giữa ba nhánh của quyền lực nhà nước; đề cao năng lực và tính hiệu lực, hiệu quả của bộ máy; bảo đảm các nguyên tắc pháp quyền; phân công, phối hợp và kiểm soát chặt chẽ giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lực nhà nước...; hai là, hàng loạt yêu cầu bức thiết, cụ thể và khá nặng nề mà hoạt động lập pháp nhất thiết phải từng bước bảo đảm, đó là 8 tính chất của hệ thống pháp luật: đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định; đối tượng phục vụ chính là Nhân dân và doanh nghiệp.
Trong 8 tính chất của hệ thống pháp luật thì chỉ có tính chất công khai là hoạt động lập pháp với chừng mức có thể yên tâm, còn các tính chất khác là những “đoạn trường” phấn đấu vô cùng gian nan và phức tạp, nhưng không thể không thực hiện với nỗ lực hết mình mà hàm ý của Chủ tịch Quốc hội đã yêu cầu, đã chỉ đạo.
3. Yêu cầu và nhiệm vụ
Việc nghiên cứu quán triệt 6 yêu cầu và 8 nhiệm vụ (lĩnh vực) chính là việc trọng tâm chỉ đạo thực thi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trên phương diện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Như đã đề cập ở trên, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ, “Xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước... trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền...”.Vậy các nguyên tắc pháp quyền là gì, vai trò của nó ra sao, cần được hiểu thống nhất để thực thi cho đúng. Trên diễn đàn khoa học pháp lý của nước ta hiện nay, mặc dù có cách diễn đạt, cách phân chia khác nhau về nguyên tắc pháp quyền, nhưng nội dung cốt lõi của nguyên tắc này có sự thống nhất[6], đó là:
Thứ nhất, pháp luật phải đúng đắn, rõ ràng, công khai, ổn định và được áp dụng chung cho toàn xã hội, thể hiện các giá trị xã hội có, xã hội cần và xã hội ủng hộ dưới sự lãnh đạo nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đây là yếu tố cấu thành nguyên tắc pháp quyền từ phương diện hình thức của pháp luật và là yếu tố đầu tiên cấu thành pháp quyền trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nước ta.
Thứ hai, quyền lực chính trị của Đảng và quyền lực của Nhà nước được tổ chức và thực hiện trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật và bị kiểm soát, bị ràng buộc bởi Hiến pháp và pháp luật.
Đây là yếu tố cấu thành nguyên tắc pháp quyền về nội dung trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bởi vì, đây là yếu tố thể hiện chủ quyền tối cao thuộc về Nhân dân. Quyền lực chính trị của Đảng (với vai trò lãnh đạo) và quyền lực của Nhà nước (với vai trò quản lý) đều có nguồn gốc, ra đời, tồn tại và phát triển từ quyền lực của nhân dân (với vai trò làm chủ), do đó hai quyền lực trên bị giới hạn bởi quyền lực của Nhân dân.
Thứ ba, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.
Đây là một trong những nội dung cơ bản của nguyên tắc pháp quyền không chỉ ở nước ta mà còn được hầu hết các nước dân chủ và pháp quyền trên thế giới thừa nhận. Trong Nhà nước pháp quyền không cho phép bất kỳ ai, cơ quan, tổ chức, đơn vị nào đứng trên pháp luật, ngoài vòng pháp luật.
Thứ tư, pháp luật phải được mọi người tôn trọng, bảo vệ và thực hiện trong mọi hoạt động của Nhà nước cũng như của toàn xã hội bằng công tác tổ chức thi hành pháp luật.
Chúng ta đều biết, xây dựng được một hệ thống pháp luật đúng đắn, có chất lượng, khả thi cao đã khó, song đưa pháp luật vào cuộc sống và duy trì được hiệu lực hiệu quả của pháp luật còn khó hơn nhiều.
Thứ năm, khi thực hiện quyền tư pháp, phải bảo đảm Tòa án xét xử độc lập, bảo vệ công lý, công bằng, bảo vệ nhân phẩm, quyền con người, quyền công dân...
Bảo đảm quyền tư pháp xét xử độc lập là một yếu tố cấu thành nguyên tắc pháp quyền trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta, trước hết và chủ yếu là Thẩm phán, Hội thẩm khi xét xử phải độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Có độc lập thì người xét xử mới đưa ra được những phán quyết vô tư vì công lý, công bằng, vì quyền con người, quyền công dân.
Tất cả các nguyên tắc pháp quyền nêu trên có quan hệ mật thiết với nhau, không tách rời nhau, tạo thành một tổng thể thống nhất cấu thành “pháp quyền” ở nước ta.
Trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta, nguyên tắc pháp quyền có vai trò đặc biệt quan trọng: Đó là tư tưởng chủ đạo, xuyên suốt trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; là tư tưởng chủ đạo trong quản trị quốc gia; là tiêu chí để đánh giá trình độ pháp quyền trong việc quản lý nhà nước của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; và là tư tưởng chủ đạo trong quan hệ quốc tế trong điều kiện ngày càng hội nhập sâu rộng.
Theo tác giả, 6 yêu cầu và 8 định hướng (lĩnh vực) mà Chủ tịch Quốc hội đề cập đều thể hiện khá rõ ràng trong các nguyên tắc pháp quyền nêu trên.
Có thể dẫn ra, yêu cầu Thứ sáu, “hoạt động lập pháp phải bảo đảm Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng”. Yêu cầu này phù hợp với nội dung thứ nhất (pháp luật phải đúng đắn, rõ ràng... dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam). Điều cần nói thêm là, Đảng Cộng sản Việt Nam là chủ thể đầu tiên và quan trọng nhất trong việc thực hiện nguyên tắc pháp quyền. Theo “nguyên tắc nêu gương” của Đảng thì các tổ chức đảng và đảng viên của Đảng hơn ai hết phải thượng tôn pháp luật trong việc tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền.
Hay là, yêu cầu Thứ hai, “hoạt động pháp luật phải bảo đảm việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, các quyền tự do của công dân...”và Thứ ba, “xây dựng và hoàn thiện pháp luật về quyền con người, quyền công dân”. Hai vấn đề này tương đồng với nội dung thứ ba, các quyền con người, quyền công dân... được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm...”. Chúng ta đều biết, các vấn đề xã hội, Đảng và Nhà nước ta đã nêu lên, hình thành quan điểm và xử lý trong thực tế từ Đại hội VII của Đảng (1991) đến nay vừa tròn 30 năm mới “tương đối yên lòng” cả về quan điểm, lý luận và cả về các phương pháp, phương án xử lý trong thực tế mà vừa rồi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tổng kết: “Một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở Việt Nam là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển. Điều đó có nghĩa là: không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Trái lại, mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc những người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn. Đây là một yêu cầu có tính nguyên tắc để bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[7]. Vấn đề môi trường sống (gồm cả môi trường đất, môi trường nước và môi trường khí) ở nước ta hiện nay vẫn đang là vấn đề cực kỳ bức xúc, cấp bách. Chúng ta cũng kiên quyết, không bao giờ đánh đổi môi trường sống lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Chắc chắn hoạt động lập pháp phải “xắn tay áo” để góp phẩn giải quyết với thời gian ngắn hơn thời hạn giải quyết cơ bản các vấn đề xã hội. Trong đó, một loạt các luật như Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, Luật Khai thác khoáng sản... phải sớm được hoàn thiện với chất lượng, tính khả thi cao nhất. Có thể nói, đó là “mệnh lệnh của cuộc sống”. Bởi vậy, định hướng chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội là đúng đắn, kịp thời như là một tất yếu trước cuộc sống hôm nay...
Chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng một sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong hoạt động lập pháp khi các định hướng của Chủ tịch Quốc hội được cụ thể hóa trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm của Quốc hội trong những năm tới./.
[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập I (1919-1924), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1995, tr. 435-439.
[2] Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập I (1919-1924), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1995, tr. 435-439.
[3] Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập I (1919-1924), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1995, tr. 435-439.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội 2016, tr. 175.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội 2021, tr.174-175.
[6] Xem: GS.TS. Trần Ngọc Đường, Các nguyên tắc pháp quyền và việc tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta, Tạp chí Cộng sản số 953 (11-2020).
[7] Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nguyễn Phú Trọng, Tạp chí Cộng sản số 966 (5-2021).
TS. BÙI NGỌC THANH
Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Nguồn Báo Nghiên cứu lập pháp
(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 16 (440), tháng 8/2021.)