Sáng 24/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự (BVANTT) ở cơ sở. Qua thảo luận, các đại biểu đều nhất trí cần thiết phải xây dựng dự án luật nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về ANTT tại địa bàn cơ sở; xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, có hiệu lực pháp lý cao quy định về nhiệm vụ, hoạt động, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động của các lực lượng tham gia BVANTT ở cơ sở.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, lực lượng này chính là tai mắt, nòng cốt, hỗ trợ CAND bảo vệ ANTT, PCCC, xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ, đặc biệt là bảo vệ ANTT ở địa bàn trọng điểm. “Từ trước đến nay, chưa có quy định cụ thể để đảm bảo hành lang pháp lý cho tổ chức hoạt động của lực lượng này nên việc xây dựng, ban hành luật là rất cần thiết, có ý nghĩa quan trọng, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, ghi nhận đóng góp của lực lượng này đối với công tác bảo vệ ANTT ở cơ sở do lực lượng Công an làm nòng cốt” – đại biểu nêu ý kiến.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho biết, nên bố trí lực lượng này phù hợp với quy mô dân số, phân bố theo địa giới hành chính, đồng thời cho biết, các nhiệm vụ đang được quy định trong dự thảo luật là những nhiệm vụ đang được quy định trong các văn bản pháp luật khác, cần kế thừa, thể hiện rõ tính chất hỗ trợ, bảo vệ an ninh nhân dân, không trùng lặp với nhiệm vụ BVANTT của Công an chính quy và nhiệm vụ quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở.
“Tôi thấy việc giao cho chính quyền địa phương bảo đảm nơi làm việc làm cho lực lượng này là hợp lý nhằm phù hợp với điều kiện từng địa phương, trong đó, có thể bố trí tại trụ sở UBND, Công an xã… căn cứ và điều kiện kinh tế, cơ sở vật chất” – đại biểu Huỳnh Thị Phúc nhấn mạnh.
Đại biểu Phạm Đình Thanh (đoàn Kon Tum) cũng cho rằng, việc xây dựng lực lượng tham gia BVANTT ở cơ sở trong tình hình hiện nay là rất cần thiết. Đây là lực lượng nòng cốt trong xây dựng ANTT ở cơ sở, tham gia hỗ trợ lực lượng Công an thực hiện nhiệm vụ. Lực lượng này góp phần quan trọng để giữ vững an ninh trật tự, đảm bảo an toàn xã hội ngay từ cơ sở. “Tôi thấy quá trình nghiên cứu, xây dựng dự thảo luật, cơ quan soạn thảo đã tiến hành bài bản, công phu, các vấn đề còn ý kiến khác nhau đã được Chính phủ giải trình rất rõ, đầy đủ” – đại biểu nêu ý kiến.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương) bày tỏ nhất trí cần thiết ban hành luật, vì trên thực tiễn đã khẳng định dân có an, dân mới giàu, nước mới mạnh. “Cơ sở là nơi gần dân, sát dân nhất, trực tiếp giải quyết các vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh, ANTT ở cơ sở ổn định là nền tảng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của mọi địa phương và đất nước” – đại biểu nhấn mạnh và cho biết, qua khảo sát lắng nghe ở cơ sở, thì người dân, chính quyền rất cần lực lượng này để tham gia bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân, hỗ trợ lực lượng Công an chính quy trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT, PCCC… nhất là trong tình hình hiện nay.
Đại biểu Đỗ Thị Lan (đoàn Quảng Ninh) bày tỏ đồng tình với việc cần thiết có sự tham gia của lực lượng an ninh cơ sở trước tình hình phức tạp của ANTT hiện nay. Nêu vụ tấn công 2 trụ sở UBND xã tại Đắk Lắk và một số vụ việc mất an ninh khác, đại biểu Đỗ Thị Lan cho rằng, các vụ việc có tính chất phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và tính mạng người dân cần có các biện pháp giải quyết kịp thời và phù hợp.
"Với các trường hợp phức tạp như vậy, cần huy động các lực lượng đủ mạnh, sự tham gia của quần chúng nhân dân và báo cáo kịp thời cấp trên. Đặc biệt, bổ sung vào trong luật quy định với các trường hợp cụ thể có tính chất phức tạp về an ninh trật tự, mối quan hệ trách nhiệm huy động và biện pháp giải quyết" - đại biểu Đỗ Thị Lan nói.
Nguồn Báo CAND