Cán bộ liêm chính
Trong bài viết "Đấu tranh phòng, chống tiêu cực: một việc làm cần thiết, tất yếu; một xu thế không thể đảo ngược!" đăng ở phần 1 cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần đề cập đến khái niệm “liêm chính” và nhấn mạnh nhu cầu xây dựng “văn hóa liêm chính”.
Hiểu đơn giản nhất, “liêm chính” có nghĩa là “trong sạch, chính trực, đàng hoàng”. Một cán bộ công quyền ngày nay sẽ được cho là “liêm chính” nếu họ luôn ý thức và hành động dựa trên lợi ích công, lợi ích của nhân dân, đồng thời “dám nghĩ, dám làm”, dám ngăn chặn những hành động tư lợi vị kỷ.
Cán bộ liêm chính sẽ luôn phân định rõ ràng ranh giới giữa “việc công và việc tư”; “lợi ích công và lợi ích riêng tư”, nhờ đó mà hành xử “chí công vô tư”.
Những người coi liêm chính như là một giá trị đạo đức công vụ nền tảng thì không chỉ tránh xa những hành động vụ lợi cho cá nhân hay nhóm thiển cận, mà thậm chí còn phải dám chấp nhận những thiệt thòi cho bản thân để ngăn chặn những ý đồ hành động có hại cho đơn vị, tổ chức, hoặc xâm phạm lợi ích chung.
Mỗi cán bộ liêm chính sẽ góp phần tạo nên hệ thống chính trị liêm chính, nhờ đó, hạn chế tối đa nguy cơ tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt, hệ thống công quyền liêm chính cần được bảo đảm vận hành trên cơ sở lợi ích công, bảo vệ lợi ích công, rộng ra là lợi ích của nhân dân. Mọi ý đồ thao túng công quyền nhằm trục lợi, phục vụ các lợi ích ích kỷ, thiển cận cần phải được ngăn chặn, giảm thiểu.
Tổng Bí thư khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng cộng sản Việt Nam: phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không có giới hạn, không có “vùng cấm”. Mọi cán bộ, đảng viên đều bình đẳng trước các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần sớm phát hiện các biểu hiện lệch chuẩn để “vi phạm nhỏ không trở thành to”. Khi xử lý các biểu hiện tiêu cực, tùy mức độ, cần phải nghiêm khắc, nghiêm minh, và nhân văn.
Tổng Bí thư cũng chỉ rõ, mục đích cao nhất của các nỗ lực phòng, chống tham nhũng tiêu cực hiện nay là làm “trong sạch Đảng và bộ máy Nhà nước, để phát triển đất nước”. Cũng có nghĩa, nếu không xây dựng được một hệ thống chính trị liêm chính, đặc biệt là hệ thống cơ quan công quyền liêm chính thì không chỉ các mục tiêu phát triển đất nước sẽ đối diện với nhiều thách thức, mà còn đặt chế độ trước những rủi ro tồn vong.
Hệ thống quy định
Từ năm 2012 đến nay, đã có khoảng 250 văn bản về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực được ban hành. Các quy định của Đảng không chỉ tập trung vào các biểu hiện hành vi, mà còn mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với nhận thức, thái độ, phát ngôn của cán bộ, đảng viên, và hoạt động của tổ chức Đảng.
Đáng chú ý nhất là quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 08-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương; Quy định số 41-QĐ/TW về miễn nhiệm, từ chức; Quy định số 214-QĐ/TW về tiêu chuẩn cán bộ cấp cao; Quy định số 22-QĐ/TW về kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; Quy định số 69-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm; Quy định số 80-QĐ/TW về phân cấp quản lý cán bộ.
Về bản chất, hệ thống quy định của Đảng phản ánh nhu cầu, nguyện vọng của các thành viên tổ chức, phản ánh ý chí tập thể của tổ chức Đảng. Nói cách khác, hệ thống quy định chính là những chuẩn mực điều chỉnh hành vi, nhận thức, thái độ mà mỗi cán bộ, đảng viên cần nhất quán tuân thủ.
Vì thế, chấp hành nghiêm túc các quy định của Đảng chính là biểu hiện rõ ràng nhất về sự chấp hành chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng. Mọi biểu hiện trái với các quy định của Đảng đều gây ra những hệ lụy, đặc biệt, ảnh hưởng đến lòng tin chính trị của cán bộ, đảng viên, và nhân dân với Đảng.
Trong bài phát biểu, Tổng Bí thư nhận định: hệ thống quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến nay đã tương đối đầy đủ. Thách thức với chúng ta hiện nay là tổ chức thực hiện trên thực tế, tuyệt đối tránh tình trạng các quy định chỉ hiệu lực trên giấy.
Cũng có nghĩa, hiệu lực của các quy định phải thể hiện thông qua những sự thay đổi tích cực trên nhiều phương diện: hành vi, nhận thức, thái độ của mỗi cán bộ, đảng viên, cũng như kết quả hoạt động của mỗi cơ quan, đơn vị.
Bảo vệ sự liêm chính
Nếu các biểu hiện tiêu cực đa dạng, nhiều mức độ, và không phụ thuộc vào quyền lực thì tham nhũng luôn gắn với người đảm nhiệm các vị trí quyền lực. Quyền lực càng cao, phạm vi càng rộng, nguy cơ tham nhũng càng lớn.
Như vậy, cán bộ liêm chính là những “khắc tinh” của các ý đồ, hành vi tham nhũng, tiêu cực. Vấn đề đặt ra, làm thế nào để bảo vệ sự liêm chính cho cả hệ thống công quyền và mỗi cán bộ liêm chính?
Với hệ thống công quyền, theo Tổng Bí thư, trước hết cần tiếp tục thúc đẩy sự công khai, minh bạch, và trách nhiệm giải trình. Bởi về bản chất, các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực đều “bất chính” cho nên người thực hiện sẽ luôn tìm cách giấu giếm. Cải thiện được sự công khai, minh bạch, và trách nhiệm giải trình sẽ góp phần đẩy lui các ý đồ bất chính.
Tiếp đó là hoạt động kiểm tra, giám sát của các cơ quan Đảng và Nhà nước cần được tiến hành thường xuyên để sớm phát hiện những biểu hiện tiêu cực, hoặc hành vi lạm dụng quyền lực nhằm mưu lợi ích riêng. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục nhằm vun đắp ý thức trách nhiệm, trọng danh dự, và văn hóa liêm chính đối với đội ngũ cán bộ trong cả hệ thống chính trị.
Trên phương diện cá nhân, Tổng Bí thư đề cao vai trò nêu gương của cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu đơn vị trong việc giữ gìn phẩm chất liêm chính. Với mỗi đảng viên bình thường, Tổng Bí thư nhấn mạnh bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm và dũng khí trước Đảng, trước nhân dân. Cũng có nghĩa, để trở thành “bức tường thành” ngăn chặn các ý đồ tham nhũng, tiêu cực, mỗi người cần luôn ý thức cao độ về sự liêm chính của bản thân.
Xét đến cùng, tuân thủ nghiêm túc các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước chính là một trong những cách thức hữu hiệu nhất để bảo vệ sự liêm chính. Tuy nhiên, mọi hệ thống quy định chính trị - pháp lý nói chung đều do con người ban hành và thực thi.
Bởi thế, thách thức bảo vệ sự liêm chính vẫn còn đó khi chúng ta phải bảo đảm được những người thực hiện các quy định “không cậy quyền, uốn thẳng thành cong”.
Nguồn Vietnamnet