Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào thực tế là lý luận suông. Dù xem được hàng ngàn hàng vạn quyển lý luận, nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào một cái hòm đựng sách”.
Nhờ thực hiện nguyên tắc đó, Người đã truyền bá và vận dụng thành công lý luận Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo nhân dân ta giành được độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà và đang từng bước xây dựng Tổ quốc XHCN giàu đẹp, dân chủ, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Hiện nay, toàn cầu hóa và các thành tựu khoa học, công nghệ đang được ứng dụng nhanh chóng vào mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, điều đó đã làm cho thế giới phát triển với tốc độ ngày càng nhanh và đang là cơ hội phát triển cho tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ; nhưng đồng thời nó cũng đang tạo ra những thách thức rất lớn về mặt an ninh, an toàn cho con người, cho sự ổn định, tồn vong của tất cả các dân tộc, trong đó có nước ta.
Từ thực tiễn đó, Đảng ta đã đưa ra quan điểm chỉ đạo về Chiến lược phát triển tổng thể đất nước là “đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo đảm gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”.
Thực hiện chiến lược này, “tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng hệ thống chính trị và nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; xây dựng bộ máy, tổ chức hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực; tăng cường xây dựng đội ngũ đảng viên và cán bộ các cấp” là 1 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng đã đề ra.
CAND là một bộ phận đặc biệt của hệ thống chính trị, là một trong những lực lượng giữ vai trò nòng cốt trong bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN. Từ khi được thành lập cho đến nay, CAND luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, có được những thành quả to lớn đó là nhờ Đảng đã lấy lý luận khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của công tác Công an.
Để tiếp tục hoàn thành suất xắc nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình mới, lực lượng CAND cần củng cố và phát triển mạnh mẽ về chính trị, tư tưởng, đội ngũ, nghiệp vụ; từ yêu cầu đó, Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 12 “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”, để góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, đưa nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN vào giữa thế kỷ XXI.
Nghị quyết 12 (NQ12) của Bộ Chính trị đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp rất cụ thể. Trong đó phấn đấu đến năm 2025, lực lượng CAND nước ta cơ bản phải tinh, gọn, mạnh; các lực lượng tình báo, cơ yếu, an ninh, cảnh sát cơ động, kỹ thuật nghiệp vụ, an ninh mạng và đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ cao tiến thẳng lên hiện đại. Phấn đấu đến năm 2030, lực lượng CAND chính quy, tinh nhuệ, hiện đại", thể hiện quyết tâm, ý chí rất cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, và đặc biệt là lực lượng CAND phải ra sức thực hiện bằng được những mục tiêu cụ thể đã đề ra.
Để NQ12 của Bộ Chính trị nhanh chóng được triển khai và đạt kết quả cao trong toàn lực lượng, phải bắt đầu từ các học viện, trường CAND, trong đó gắn nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị với việc thực hiện những nội dung cơ bản của NQ là khâu quyết định. Bởi vì chỉ qua giáo dục lý luận chính trị mới xây dựng được đội ngũ cán bộ, chiến sỹ, “có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN, kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng; có phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, thật sự liêm chính, gương mẫu, gắn bó mật thiết với nhân dân, vì nhân dân phục vụ; có ý thức tổ chức kỷ luật cao, nghiêm minh, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Trên cơ sở nội dung NQ12 của Bộ Chính trị, chỉ thị của Đảng ủy Công an Trung ương và kế hoạch triển khai của đảng ủy, ban giám đốc, ban giám hiệu các học viện, trường, các giảng viên giảng dạy các môn lý luận chính trị trong các học viện, nhà trường Công an cần nhanh chóng bổ sung những nội dung NQ12 vào các bài giảng, qua đó vừa tăng cường, củng cố niềm tin chính trị cho cán bộ, chiến sỹ, vừa làm lan tỏa NQ ra toàn lực lượng và thực hiện thắng lợi những mục tiêu mà NQ đã đề ra.
Nghị quyết 12 của Bộ Chính trị vừa là đường lối chính trị, vừa là nhiệm vụ chính trị của toàn thể cán bộ, chiến sỹ trong toàn lực lượng nói chung và của cán bộ, giảng viên giảng dạy lý luận chính trị nói riêng.
Chính vì vậy, cùng với việc tổ chức quán triệt nghiêm túc nội dung của Nghị quyết đến toàn thể cán bộ, giảng viên, đảng ủy, các đảng bộ ban hành kế hoạch triển khai đến từng chi bộ là việc các chi bộ phải cụ thể hóa kế hoạch đó gắn với từng nhiệm vụ chính trị được giao. Các học viện, nhà trường quyết tâm xây dựng một đội ngũ cán bộ, giảng viên chuẩn mực về tư tưởng, chính trị, đạo đức, tác phong; mẫu mực về tự học, tự nghiên cứu; sâu về chuyên môn, sáng tạo trong nghệ thuật sư phạm chính trị.
Đặc biệt đối với đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị, ngoài việc tự rèn luyện về phẩm chất chính trị, đạo đức, phong cách của một nhà giáo, tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn, còn phải tự mình phấn đấu trở thành những hình mẫu, những tấm gương trong sáng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư cho người học; gắn các bài giảng lý luận chính trị với việc hình thành bản lĩnh chính trị, nhân cách, tác phong, đạo đức của cán bộ, chiến sỹ theo mục tiêu, yêu cầu của NQ12 đáp ứng thực tiễn công tác chiến đấu của lực lượng CAND trong bối cảnh mới.
Chúng ta đang sống trong một thời đại số hóa, thông tin rất đa dạng, đa chiều, lan tỏa nhanh, ảnh hưởng rộng cùng với những tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường, công tác của lực lượng CAND thường xuyên phải tiếp xúc với mọi tầng lớp của xã hội, có cả những cám dỗ về vật chất; sự móc nối, lôi kéo mua chuộc của tội phạm và các phần tử xấu…
Tình hình đó đặt ra cho công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, chiến sỹ hết sức nặng nề, khó khăn; việc thực hiện những mục tiêu, yêu cầu NQ12 của Bộ Chính trị càng khó khăn hơn. Bởi vì đây là một đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt, cũng là một cuộc đấu tranh tư tưởng rất quyết liệt, cuộc đấu tranh ấy trước hết được diễn ra trong từng cá nhân, sau đó là trong các tập thể và lớn hơn là trong toàn lực lượng và trong toàn xã hội.
Vì vậy, để thực hiện thắng lợi NQ12 của Bộ Chính trị, yêu cầu đặt ra là tất cả cán bộ nghiên cứu và giảng dạy lý luận chính trị không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ phổ biến NQ và giáo dục cán bộ, chiến sỹ trên giảng đường mà còn phải biết tranh thủ làm lan tỏa những nhân tố tích cực trên mọi mặt trận, nhất là phải tận dụng không gian mạng để giới thiệu nội dung, biện pháp mà NQ 12 đã đề ra; đồng thời qua không gian mạng làm cho cái đẹp, cái cao cả lấn át cái xấu, cái thấp hèn; trau dồi lý tưởng, đạo đức cách mạng cho cán bộ, chiến sỹ và cho toàn xã hội.
Việc giảng dạy lý luận chính trị gắn với quán triệt và triển khai NQ12 của Bộ Chính trị khóa XIII sẽ còn nhiều khó khăn, thử thách, nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ; sự tạo điều kiện và phối hợp của các Cục và trực tiếp là sự chỉ đạo sát sao của đảng ủy, ban giám đốc đội ngũ giảng viên lý luận chính trị trong các học viện, trường CAND sẽ kết nối, đoàn kết, thống nhất cùng hành động để triển khai NQ12 của Bộ Chính trị đạt kết quả cao nhất, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2022-2023 và các năm tiếp theo.
Đại tá, PGS,TS. Vi Thái Lang
Nguồn Báo CAND