TAND Tối cao vừa có công văn về việc tổ chức nghiên cứu, lấy ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND.
Trong đó, TAND Tối cao đề xuất phương án bỏ quy định tòa án có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa và bỏ thẩm quyền thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ án hình sự.
Ngoài ra, quy định thẩm quyền thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ án hành chính, vụ việc dân sự theo hướng tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ; nghĩa vụ thu thập, cung cấp chứng cứ thuộc về đương sự, tòa án có thẩm quyền hỗ trợ khi xét thấy cần thiết.
|
Hiện nay, có những nhiệm vụ, thẩm quyền của toà án không thuộc chức năng xét xử, ảnh hưởng đến nguyên tắc độc lập xét xử nên cần sửa đổi. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG
|
Tòa án chỉ thực hiện chức năng xét xử
Trong quá trình hoàn thiện thể chế và pháp điển hóa hoạt động xét xử, Hiến pháp 2013 đã khẳng định TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (VN) thực hiện quyền tư pháp. Các nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự (TTHS), tố tụng dân sự, tố tụng hành chính cũng đã ghi nhận nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo.
Hiến pháp 2013 và các bộ luật, luật khi ghi nhận nguyên tắc tranh tụng đã đề cao trọng tâm của cải cách tư pháp là cải cách hệ thống tòa án, đề cao quá trình dân chủ hóa hoạt động tố tụng và sự bình đẳng trong quá trình giải quyết vụ án của các chủ thể thực hiện chức năng cơ bản của TTHS. Đó cũng là cơ sở nâng cao năng lực, trình độ, trách nhiệm, bản lĩnh nghề nghiệp của từng chủ thể, đáp ứng những đòi hỏi mới của quá trình cải cách tư pháp.
Hiện nay có những nhiệm vụ, thẩm quyền của tòa án không thuộc chức năng xét xử, ảnh hưởng đến nguyên tắc độc lập xét xử, ảnh hưởng đến tính khách quan của hoạt động xét xử như: Trách nhiệm chứng minh tội phạm; thẩm quyền khởi tố vụ án; thẩm quyền tiếp tục xét xử vụ án khi VKS đã rút quyết định truy tố; thẩm quyền xét xử vượt quá giới hạn truy tố của VKS, giới hạn xét xử...
Về mặt nhận thức, căn cứ vào chức năng cơ bản của TTHS VN, cần thực hiện theo nguyên tắc buộc tội đến đâu thì xét xử đến đó, tòa án xét xử bị cáo trong giới hạn tối đa mà VKS truy tố. Thẩm phán và hội thẩm nhân dân cần đóng vai trò là “phán quan”, bên nào thực hiện việc buộc tội bên đó phải có trách nhiệm chứng minh, lập luận cho các cơ sở, lý lẽ của việc buộc tội, tạo cơ sở để phát huy tính chủ động, tích cực và trách nhiệm của kiểm sát viên và luật sư trong thực hiện chức năng tố tụng của mình.
Điều này có nghĩa tòa án chỉ thực hiện chức năng xét xử, không thực hiện những thẩm quyền thuộc chức năng buộc tội. Khi xét xử, tòa án nhận diện và đánh giá bản chất sự thật vụ án chủ yếu thông qua việc nghe các bên hỏi, tranh luận, đối đáp; dựa vào kết quả tranh tụng và căn cứ vào quy định của pháp luật để ra phán quyết. Nếu nhận thấy đủ chứng cứ xác định có tội phạm và người phạm tội thì áp dụng trách nhiệm hình sự đối với họ, nếu không đủ và không thể làm sáng tỏ chứng cứ buộc tội thì phải tuyên bị cáo vô tội.
Tòa án chỉ thực hiện chức năng xét xử, không nên thực hiện những thẩm quyền thuộc chức năng buộc tội.
Cần xem xét thay đổi trình tự xét hỏi
Cùng với việc bỏ quy định về thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự, cũng cần xem xét bỏ quy định về quyền hạn trả hồ sơ điều tra bổ sung cho VKS của thẩm phán chủ tọa phiên tòa theo khoản 1 Điều 280 BLTTHS 2015, vì trái với nguyên tắc suy đoán vô tội được quy định tại Điều 13 BLTTHS 2015.
Đồng thời cần nghiên cứu, sửa đổi một số quy định về thủ tục tranh tụng tại phiên tòa. Trong đó, thay đổi trình tự xét hỏi tại Điều 307 BLTTHS 2015 theo hướng trách nhiệm xét hỏi chính thuộc về kiểm sát viên và luật sư. Kiểm sát viên hỏi về các tình tiết chứng minh việc buộc tội, luật sư hỏi về các tình tiết gỡ tội. HĐXX chỉ hỏi khi cần thiết để kiểm tra chứng cứ buộc tội, gỡ tội nhằm nhận thức đúng sự thật, hỏi về những vấn đề chưa rõ hoặc có mâu thuẫn.
Cụ thể, nên quy định trình tự xét hỏi được thực hiện theo thứ tự: Kiểm sát viên hỏi trước, sau đó đến luật sư, cuối cùng mới đến HĐXX hỏi nếu thấy còn những vấn đề cần làm rõ thêm. HĐXX điều hành phần xét hỏi, hướng dẫn các bên thực hiện việc xét hỏi hoặc trình tự, căn cứ pháp luật tố tụng cần áp dụng và chỉ thực hiện việc thẩm vấn bổ sung, xem xét vật chứng sau khi bên buộc tội và bên gỡ tội đã thực hiện chức năng buộc tội và gỡ tội. Nếu đã tiến hành việc thẩm vấn, kiểm tra chéo nhân chứng, xem xét vật chứng mà thấy vấn đề còn chưa rõ thì yêu cầu kiểm sát viên, luật sư thẩm vấn thêm hoặc trực tiếp thẩm vấn, xem xét vật chứng, trên cơ sở kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ, kết quả tranh tụng tại phiên tòa để ban hành phán quyết.
Ngoài ra, nên cụ thể hóa về quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa. Bên cạnh việc mở rộng phạm vi và thời điểm thu thập chứng cứ, một vấn đề quan trọng là quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa không phụ thuộc vào sự đồng ý của nhân chứng, của tổ chức, cá nhân nắm giữ thông tin có giá trị là chứng cứ, cũng như phải được sự hỗ trợ của cơ quan điều tra, VKS và tòa án nếu gặp sự cản trở.
Với những sửa đổi theo các đề xuất nêu trên, tòa án với tư cách là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, nhân danh Nhà nước tuyên bản án có tội hay không có tội đối với bị cáo, sẽ trở thành “trọng tài” khách quan, phân định đúng sai, thực sự là hiện thân của công lý, khách quan và công bằng, có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người.
***
(*) LS-TS Phan Trung Hoài hiện là ủy viên Đảng Đoàn, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam; thành viên Hội đồng tư vấn án lệ TAND Tối cao.
Đề xuất mang tính đột phá
Ngay từ trong quá trình tham gia cùng ban soạn thảo, tổ biên tập sửa đổi, bổ sung BLTTHS 2003; cũng như góp ý, xây dựng đề án “Cải cách tư pháp tại TAND đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN VN” của Ban cán sự đảng TAND Tối cao tổ chức hội thảo vào năm 2021, những nội dung nói trên đã được Liên đoàn Luật sư VN kiến nghị và đề xuất.
Có thể khẳng định nội dung đề xuất nêu trên xuất phát từ việc xác định tăng cường tranh tụng trong hoạt động xét xử của tòa án là tư tưởng mang tính đột phá, xuyên suốt nội dung đổi mới và hoàn thiện mô hình tố tụng hình sự VN, được xác định là một trong những vấn đề quan trọng nhất của cải cách tư pháp. Do đó, đề xuất nêu trên nếu được thông qua sẽ là bước tiến lớn về cải cách tư pháp trong việc đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống tòa án.
Nguồn phapluat.vn