Bàn về một vài thuật ngữ về trật tự an toàn xã hội hiện nay

Hiện nay, trong nghiên cứu lý luận cũng như hoạt động thực tiễn bảo đảm trật tự, an toàn xã hội (TTATXH) ở nước ta, một số thuật ngữ đã và đang được sử dụng khá phổ biến như: “giết người do nguyên nhân xã hội” với hàm ý phân biệt với “giết người có mục đích chiếm đoạt tài sản”; “tội phạm mới” với hàm ý so sánh với các tội phạm quy định trong Bộ luật Hình sự, chỉ hành vi nguy hiểm cho xã hội mà Bộ luật Hình sự chưa quy định là tội phạm, phương thức, thủ đoạn mới của một loại tội phạm và “tội phạm có tổ chức” với hàm ý chỉ một loại tội phạm. Việc sử dụng các thuật ngữ này như trên đã góp phần hoạch định chính sách và xử lý hiệu quả một số vấn đề thực tiễn. Tuy nhiên, dưới góc độ khoa học pháp lý, tội phạm học, tâm lý học và từ thực tiễn, theo người viết các thuật ngữ này cần có nhận thức chính xác và thống nhất hơn. Do đó, bài viết này tập trung luận giải các vấn đề xung quanh ba thuật ngữ nêu trên.

1. Thuật ngữ “giết người do nguyên nhân xã hội

Trong Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 của nước ta, giết người là một tội danh được quy định tại Điều 123, Chương XIV Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người. Điều luật đã quy định đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm và hình phạt nhưng không mô tả, luận giải khái niệm giết người. Theo Từ điển tiếng Việt, giết là làm cho chết một cách đột ngột, bất thường. Trong Từ điển pháp luật, giết người là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật. Như vậy, có thể hiểu, giết người là hành vi tước bỏ trái pháp luật sinh mạng của người khác bằng những hành vi cụ thể. Vấn đề đặt ra có bao nhiêu trường hợp giết người và “giết người do nguyên nhân xã hội” thuộc những trường hợp nào? Có nhiều cách phân loại, người viết từ khái quát thực tiễn, cho rằng dường như có những trường hợp giết người phổ biến sau đây:

(1) Giết người do thù oán, tức giận

Đây là trường hợp chiếm số lượng lớn trong các vụ án giết người, do biến đổi tiêu cực của trạng thái cảm xúc, xung đột tâm lý đến mức độ không kiểm soát được dẫn đến hành vi giết người và coi đây là biện pháp giải tỏa tâm lý bản thân.

Có thể thấy, cảm xúc, trạng thái tâm lý tức giận xuất hiện trong một khoảng thời gian ngắn, bị đẩy lên đến đỉnh điểm dẫn đến hành vi giết người xảy ra. Và thông thường, các vụ giết người từ những vụ việc, va chạm, mâu thuẫn hết sức đơn giản trong sinh hoạt hằng ngày như va chạm giao thông, tranh cãi dẫn đến nóng giận và ra tay hạ sát người va chạm với mình, hay chỉ vì “mời nhau chén rượu” không thành, do sự kích động khi uống rượu cũng có thể giết người, hay ngay trong gia đình, giữa những người thân, sự tức giận từ các mâu thuẫn khác biệt. Đây chính là minh chứng của giết người do tức giận.

Giết người do thù oán, ở chừng mực nào đó, xét dưới khía cạnh tâm lý có sự khác biệt đôi chút so với giết người do tức giận. Nếu như giết người do tức giận thường diễn ra ngay khi sau khi xảy ra va chạm trong các quan hệ xã hội, thì thù oán có sự tích tụ cảm xúc tâm lý tiêu cực trong một khoảng thời gian nhất định như giọt nước nhỏ dần làm tràn đầy bát nước, rồi mới bộc phát thành hành vi giết người như thường xuyên bị nạn nhân chèn ép, ức hiếp hoặc do ghen tuông tình ái, mâu thuẫn trong làm ăn hoặc có thể là nhận thức sai lầm về hành vi của nạn nhân.

 Trong thực tế, sự phân định chính xác hai trường hợp này ở một số tình huống là tương đối phức tạp cần xem xét cụ thể nguyên nhân, hoàn cảnh phạm tội, diễn biến vụ án, đặc biệt là trạng thái tâm lý, độ tuổi của người phạm tội.

(2) Giết người vì mục đích chiếm đoạt tài sản

Đây là trường hợp cũng chiếm tỷ lệ khá cao trong các vụ án giết người. Khái quát thực tiễn có thể chia thành một số trường hợp cụ thể hơn, đó là:

Một là, người phạm tội đã có ý định và chuẩn bị tâm lý, công cụ, phương tiện phạm tội để sát hạn nạn nhân nhằm tạo thuận lợi cho việc chiếm đoạt tài sản. Việc sát hại đó nằm trong tính toán và dự liệu của người phạm tội trước khi bắt đầu thực hiện hành vi phạm tội. Nếu phân tích sâu hơn có thể thấy, ngoài việc để không bị ngăn cản khi chiếm đoạt tài sản, hành vi giết người còn nhằm che giấu tội phạm mà mình gây ra như “cướp tài sản”, hoặc mục đích ban đầu chỉ là trộm cắp nhưng do bị người quen nhận ra dẫn đến hành vi giết người.

Hai là, để ngăn cản sự chống trả của nạn nhân. Người phạm tội không có mục đích ban đầu là giết người mà chỉ nhằm chiếm đoạt tài sản nhưng do sự chống trả quyết liệt của nạn nhân trong quá trình đối tượng phạm tội dẫn đến hành vi giết người. Việc chống trả này có thể ngoài dự tính và hành vi giết người không nằm trong ý định ban đầu của người phạm tội.

(3) Giết người để che giấu một tội phạm khác

Đây là trường hợp trước khi phạm tội giết người, người phạm tội đã thực hiện tội phạm khác và nạn nhân là người biết các hành vi phạm tội trước đó. Sợ bị lộ, người phạm tội cho rằng chỉ cần giết nạn nhân là sẽ che đậy được các tội phạm do mình đã thực hiện. Trong trường hợp này, nạn nhân có thể là đồng phạm trong các vụ phạm tội trước kia hoặc là người đã phát hiện hành vi phạm tội đó như tình cờ nhìn thấy mặt đối tượng khi đang trộm cắp tài sản, cướp giật hoặc các tình huống tiêu cực khác.

(4) Giết người thuê và thuê giết người.

Giết người thuê là trường hợp người phạm tội được người khác trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác để thực hiện hành vi giết người. Thông thường, các đối tượng này coi việc giết người là cách thức, phương tiện để kiếm sống. Ở nước ta, chưa có thống kế theo chuyên đề này, nhưng thực tiễn đã xảy ra một số vụ án, có cơ sở dự báo xu hướng gia tăng thời gian tới.

Thuê giết người là trường hợp trả cho người khác tiền hoặc lợi ích vật chất khác để họ giết người là mình muốn tước đoạt tính mạng. Trường hợp này, người thuê giết không trực tiếp thực hiện hành vi giết người mà thông qua người được thuê. Việc thuê giết người có thể vì thù oán, có thể để che giấu tội phạm, có thể vì lợi ích kinh tế… Cũng như giết người thuê, ở nước ta xu hướng này có sự gia tăng, tuy nhiên chưa có thống kê chuyên đề riêng về nó.

(5) Giết người do tác động của các yếu tố chủ quan khác như sử dụng các chất kích thích như rươu, bia, ma túy…

Việc sử dụng các chất kích thích như như rươu, bia, ma túy… khiến thần kinh người sử dụng bị kích động tột độ, mất kiểm soát hành vi, có dấu hiện “cuồng sát” dẫn đến thực hiện hành vi giết người như lên cơn ngáo đá, tưởng tượng người khác là quái vật muốn giết mình nên ra tay trước… Hiện nay, sau khi Bộ luật hình sự hiện hành không quy định tội danh sử dụng trái phép chất ma túy thì dạng giết người này đã và đang diễn ra phức tạp, ngày càng gia tăng trong đời sống xã hội, gây ra tình trạng hoang mang, lo sợ trong quần chúng nhân dân.

Bên cạnh đó, ngoài các trường hợp nêu trên còn có trường hợp người thực hiện hành vi tước đoạt tính mạng người khác trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình. Tuy nhiên, đây là vấn đề sẽ được phân tích trong một bài viết khác.

Có thể thấy, các trường hợp gây án của tội phạm giết người đều diễn ra trong xã hội và đều có nguyên nhân từ xã hội, xâm hại tới quyền được sống một khách thể quan trọng nhất của con người dù ở môi trường gia đình hay bên ngoài cánh cửa gia đình. Nguyên nhân, điều kiện của tội phạm có sự khác nhau trong từng trường hợp, vụ án cu thể. Như vậy, việc sử dụng thuật ngữ “giết người do nguyên nhân xã hội” để phân biệt với “giết người vì mục đích chiếm đoạt tài sản” hoặc phân biệt với các trường hợp khác như phân tích ở trên có lẽ không phù hợp do phạm vi các trường hợp “giết người do nguyên nhân xã hội” đã bao hàm các trường hợp giết người trong thực tế. Từ đó, để chính xác hơn, khi phân tích và thống kê về tội phạm giết người cần chia theo các trường hợp như đã nhận diện và phân tích để chúng ta có một sự đánh giá tổng quan, chính xác về tình hình của loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm này. Bên cạnh đó, còn góp phần chỉ dẫn công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm giết người sát hợp với thực tế hơn.

2. Về thuật ngữ “tội phạm mới

Thời gian gần đây, thuật ngữ “tội phạm mới” được sử dụng phổ biến với tần xuất ngày càng cao trong nhiều công trình khoa học, trong báo cáo sơ kết, tổng kết và hoạt động thực tiễn. Điều có thể nhận thấy, việc sử dụng thuật ngữ này thường xuất hiện trong ba trường hợp. Một là, chủ thể muốn chỉ thủ đoạn, phương thức mới của tội phạm, mà tội danh của nó đã được quy định trong Bộ luật hình sự. Hai là, việc sử dụng thuật ngữ “tội phạm mới” nhiều khi cũng diễn đạt về việc có loại hành vi nguy hiểm cho xã hội mới xuất hiện, nhưng pháp luật hình sự chưa quy định rõ ràng nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Ba là, tội phạm mới chỉ những tội danh mà Bộ luật hình sự hiện hành mới quy định so với Bộ luật hình sự trước đó.

Và như vậy, nếu sử dụng thuật ngữ “tội phạm mới” mang hàm ý chỉ một loại tội phạm chưa được quy định trong Bộ luật Hình sự là chưa chính xác. Khi nhắc đến một loại tội phạm trong Bộ luật hình sự thì cần xác định đó là tội gì (tội danh). Tại Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, Điều 3 quy định: “Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự” và Điều 7 “Điều luật quy định một tội phạm mới, một hình phạt nặng hơn, một tình tiết tăng nặng mới hoặc hạn chế phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và quy định khác không có lợi cho người phạm tội, thì không được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành”.

Cũng cần thấy rằng, thủ đoạn, phương thức hoạt động của tội phạm trong một loại tội phạm trong những vụ án khác nhau, thời điểm khác nhau hoàn toàn có thể khác nhau. Theo đó, khi có sự thay đổi theo hướng thích nghi của phương thức, thủ đoạn hoạt động gây án, xuất hiện phương thức, thủ đoạn mới chúng ta cần xác định đó là “phương thức, thủ đoạn mới” thay cho “tội phạm mới”. Cùng với hành vi nguy hiểm mới cho xã hội (trước đây chưa xuất hiện) chúng ta cần xác định về mặt thuật ngữ đó là “hành vi mới nguy hiểm cho xã hội” thay cho xác định nó là “tội phạm mới”.

Việc nhận thức chính xác thuật ngữ “tội phạm mới” góp phần giúp chúng ta hoàn thiện lý luận về tội phạm, nhất là dưới góc độ của khoa học luật hình sự tổ chức điều tra hình sự và tội phạm học. Đồng thời, việc chỉ đúng bản chất vấn đề sẽ giúp các chủ thể xác lập phương pháp, cách thức xử lý phù hợp hơn trong cả phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm, định hướng đúng đắn trong hoàn thiện pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự.

3. Thuật ngữ “tội phạm có tổ chức

 “Phạm tội có tổ chức” đã và đang trở thành một thuật ngữ được sử dụng khá nhiều cả trong nghiên cứu lẫn hoạt động thực tiễn. Qua cách diễn đạt, nội hàm của thuật ngữ này dễ làm cho chúng ta hiểu rằng người dùng muốn chỉ đây là một “loại” tội phạm nhưng điều đó là không chính xác. Trong Bộ luật hình sự hiện hành có một thuật ngữ gần với thuật ngữ “tội phạm có tổ chức” đó là “phạm tội có tổ chức” tại Điều 17 quy định “ Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm” với hàm ý chỉ việc phạm tội không mang tính đơn lẻ mà có sự cấu kết chặt chẽ của những người phạm tội (từ hai người trở lên) cùng chế định đồng phạm và ở nhiều điều luật khác.

Có thể thấy cả hai thuật ngữ đều chỉ việc kết hợp, tổ chức hoạt động phạm tội do một số cá nhân (từ hai người trở lên) nhưng sự khác biệt ở đây là tiếp cận dưới góc độ tội phạm học, “tội phạm có tổ chức” chỉ một hình thức phạm tội nguy hiểm hiện nay, do các tổ chức tội phạm tiến hành. Nó là một loại đồng phạm đặc biệt nhưng đồng phạm không hẳn đã là tội phạm có tổ chức. Theo Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia năm 2000, nhóm tội phạm có tổ chức là nhóm có cơ cấu gồm từ ba người trở lên, tồn tại trong một thời gian và hoạt động phối hợp để thực hiện một hay nhiều tội phạm nghiêm trọng hoặc các hành vi pham tội nhằm giành được trực tiếp hoặc gián tiếp lợi ích về tài chính hay vật chất khác. Mục tiêu cuối cùng của các tổ chức tội phạm là thu lợi bất chính về vật chất. Các hoạt động buôn lậu, buôn bán ma túy, buôn người… có mục tiêu rõ ràng là tiền hoặc lợi nhuận trực tiếp. Tuy nhiên, vẫn xảy ra những vụ bắn giết nhau giữa các băng nhóm tội phạm, giết người làm chứng, chống người thi hành công vụ, hối lộ những người có quyền lực… Những hành vi phạm tội này tuy không có mục tiêu trực tiếp là tiền nhưng gián tiếp đảm bảo sự bền vững cho việc thu lợi bất chính thông qua củng cố quyền lực, triệt hạ các đối thủ cạnh tranh. Với phương thức, thủ đoạn hoạt động và che giấu tội phạm tinh vi, kế hoạch chu đáo nên việc phát hiện và xử lý các tổ chức tội phạm gặp nhiều khó khăn. Ví dụ như vụ án Nam Cam (Trương Văn Cam) đã tổ chức giết hại Dung Hà (Vũ Hoàng Dung) năm 2000, xuất phát điểm là vì mục đích kinh tế.

Từ những phân tích nêu trên cho thấy “tội phạm có tổ chức” không phải là một loại tội phạm mà cần được hiểu là chỉ hình thức phạm tội do nhiều người kết hợp với nhau chặt chẽ, hình thành tổ chức để phạm tội với tính nguy hiểm cao hơn so với phạm tội đơn lẻ.

Với mong muốn góp phần làm sáng tỏ ba thuật ngữ “giết người do nguyên nhân xã hội”, “tội phạm mới” “tội phạm có tổ chức” nhằm thống nhất nhận thức và định hướng các hoạt động thức tiễn có liên quan. Chúng tôi xin có ý kiến trao đổi cùng bạn đọc. Tuy nhiên, còn có rất nhiều thuật ngữ về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội khác đã và đang được sử dụng phổ biến nhưng chưa có sự luận giải thống nhất dẫn đến nhiều cách hiểu, cách sử dụng trong các nghiên cứu lý luận và hoạt động thực tiễn. Chúng tôi cho rằng đây cũng là vấn đề đặt ra cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong Công an nhân dân hiện nay.

 

Trung tướng, PGS.TS Trần Vi Dân

       Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân

 

 

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website