Xây dựng hình ảnh “Hạt nhân lãnh đạo”, Tập Cận Bình sánh ngang cùng các “Lãnh đạo tiền nhiệm tối cao” (Kỳ 1)

Sau gần 1 thập niên nắm quyền trong bối cảnh địa chính trị thế giới có nhiều biến động, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặt hái được khá nhiều thành công trên các phương diện chính trị, ngoại giao; kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh. Đồng thời, đã tập trung quyền lực, tạo dựng được hình ảnh về “Lãnh tụ tối cao”, xây dựng Nghị quyết lịch sử lần thứ ba đưa “tư tưởng Tập Cận Bình” sánh ngang với những “Lãnh tụ tiền nhiệm” là Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Tuy nhiên, trên cả phương diện đối nội và đối ngoại, Trung Quốc đã, đang và sẽ còn gặp nhiều khó khăn và thách thức lớn.

Để góp phần tìm hiểu sâu hơn cả về thành công đạt được, cũng như những khó khăn mà Trung Quốc đã, đang và sẽ gặp trên con đường tạo dựng một nước Trung Hoa “giàu có và quyền lực”, Ban Biên tập chuyên mục Nghiên cứu quốc tế - Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị Công an nhân dân trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc chùm bài viết: Dư luận quốc tế về tình hình Trung Quốc trong thời đại Tập Cận Bình – một thập niên nhìn lại.

Kỳ 1: Xây dựng hình ảnh “Hạt nhân lãnh đạo”, Tập Cận Bình sánh ngang cùng các “Lãnh đạo tiền nhiệm tối cao”;

Kỳ 2: Thành tựu kinh tế, xã hội Trung Quốc sau một thập niên cầm quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình;

Kỳ 3: Tham vọng siêu cường - được, mất về ngoại giao Trung Quốc trong thời đại Tập Cận Bình;

Kỳ 4: Góc nhìn phương Tây về cải tổ quân đội Trung Quốc trong “thời đại Tập Cận Bình”;

Kỳ 5: Dư luận quốc tế về những sai lầm của Trung Quốc trong thời đại Tập Cận Bình;

Kỳ 6: Đối mặt với những khó khăn – Một số dự báo về tình hình Trung Quốc.

 


 

Xây dựng hình ảnh “Hạt nhân lãnh đạo”, Tập Cận Bình sánh ngang cùng các “Lãnh đạo tiền nhiệm tối cao” (Kỳ 1)

Xây dựng, củng cố quyền lực và xác lập hình ảnh của lãnh tụ tối cao luôn là mối quan tâm chung của người đứng đầu các thể chế chính trị trên thế giới. Từ khi lên nắm quyền (2012), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã xác lập cho mình được vị thế khá vững chắc không chỉ trong Đảng, trong nước mà còn mang tầm vóc lịch sử. Những thành công củng cố quyền lực và xác lập hình ảnh của lãnh tụ tối cao sau 1 thập niên nắm quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình được dư luận quốc tế đánh giá xoay quanh 3 vấn đề chính.

1. Xác định mâu thuẫn chủ yếu trong xã hội Trung Quốc nhằm xác lập hình ảnh lãnh tụ tối cao

Trong văn hóa chính trị, văn hóa cầm quyền Trung Quốc, chỉ có lãnh đạo tối cao mới có thể xác định được những mâu thuẫn chính trong xã hội hiện tại. Được đánh giá là nhà lãnh đạo am hiểu về cả lý luận lẫn thực tiễn, thông qua nhiều bài viết, Chủ tịch Mao Trạch Đông đã xây dựng chủ nghĩa Mác-xít phiên bản Trung Quốc; chia lịch sử Trung Quốc thời hiện đại thành các giai đoạn khác nhau như giai đoạn dân chủ kiểu cũ, giai đoạn dân chủ kiểu mới và giai đoạn chủ nghĩa xã hội; đồng thời phân tích các mâu thuẫn chủ yếu trong từng giai đoạn lịch sử. Tuy nhiên, mâu thuẫn chính, xuyên suốt được Chủ tịch Mao Trạch Đông xác định vẫn là “mâu thuẫn giữa ta và địch”, nên đấu tranh “địch-ta” trở thành tâm điểm của thời đại Mao Trạch Đông.

Đặng Tiểu Bình được đánh giá là người giỏi về đổi mới thực tiễn hơn lý luận nên còn được gọi là “Nhà thiết kế trưởng”. Tuy nhiên, từ Hội nghị Trung ương 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XI năm 1981, trong Nghị quyết lịch sử lần thứ hai, Đặng Tiểu Bình đã có phát biểu đáng chú ý về những mâu thuẫn chính trong xã hội Trung Quốc: “Sau khi quá trình chuyển đổi sang chủ nghĩa xã hội cơ bản hoàn thành, mâu thuẫn chính cần được giải quyết trong xã hội của chúng ta là mâu thuẫn ngày càng tăng giữa nhu cầu vật chất, văn hóa của người dân với nền sản xuất lạc hậu”. Như vậy, trong bối cảnh mới, Đặng Tiểu Bình cho rằng triết lý đấu tranh “địch-ta” của Mao Trạch Đông không còn phù hợp. Chính từ thời điểm này, Trung Quốc bắt đầu chuyển trọng tâm từ các phong trào chính trị sang xây dựng và phát triển kinh tế. Kể từ đó, quan điểm chủ đạo về xây dựng và phát triển kinh tế được duy trì trong suốt 4 thập niên, kể cả dưới thời Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào.

Tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2017, Tập Cận Bình đã phát biểu: “Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc đã bước sang một thời đại mới; mâu thuẫn chính trong xã hội của chúng ta đã chuyển hóa thành mâu thuẫn giữa nhu cầu ngày càng cao của nhân dân về một cuộc sống tốt đẹp hơn và sự phát triển thiếu tương xứng, thiếu cân bằng”. Lần đầu tiên sau 40 năm, quan điểm cốt lõi của Đảng Cộng sản Trung Quốc về mâu thuẫn cơ bản đã được điều chỉnh. Sự điều chỉnh về xác định mâu thuẫn chủ yếu trong xã hội Trung Quốc cho thấy Tập Cận Bình đã xác lập được hình ảnh của lãnh tụ tối cao - sánh ngang với cố Chủ tịch Mao Trạch Đông và “nhà cải cách vĩ đại” Đặng Tiểu Bình.

2. Củng cố quyền lực thông qua tăng cường xây dựng nhà nước Trung ương tập quyền

Xây dựng nhà nước Trung ương tập quyền là một trong những đặc điểm chính trị quan trọng nhất trong văn hóa chính trị, văn hóa cầm quyền của Trung Quốc. Đây không phải là ngoại lệ trong thời đại Tập Cận Bình và cũng là cơ sở khiến Tập Cận Bình tin tưởng vào khả năng sánh ngang với Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình về tầm vóc lịch sử. Dưới thời đại của mình, Mao Trạch Đông đã nắm giữ quyền lực lớn chưa từng có; Đặng Tiểu Bình đã dựa vào sức mạnh quân đội để áp đảo các thế lực bảo thủ trong Đảng nhằm thúc đẩy cải cách, mở cửa. Quyền lực tối cao của Đặng Tiểu Bình được duy trì ngay cả khi ông không còn nắm quyền lực. Trong những năm cuối đời, chính Đặng Tiểu Bình là người cân nhắc và đề bạt Chu Dung Cơ làm Thủ tướng – người sau đó tiến hành một loạt cải cách tài khóa và hệ thống thuế, đã đảm bảo nguồn thu ngân sách cho chính quyền Trung ương. Vì vậy, nếu muốn sánh ngang với Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, Tập Cận Bình phải tập trung củng cố quyền lực của chính quyền Trung ương.

Phát động chiến dịch chống tham nhũng trên quy mô lớn nhằm làm “trong sạch” nội bộ Đảng

Từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, Tập Cận Bình đã phát động chiến dịch chống tham nhũng trên quy mô lớn trong nội bộ Đảng. Những quan chức từng nắm giữ nhiều quyền lực như Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, Cốc Tuấn Sơn, Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng, Lệnh Kế Hoạch… đều “ngã ngựa”. Theo các nhà bình luận quốc tế, điều này đã cho phép Tập Cận Bình thiết lập quyền lực trong Đảng và nhân dân. Sau đó, việc giám sát dư luận trên mạng Internet được tăng cường, những người theo chủ nghĩa tự do bị thanh trừng, chủ nghĩa dân tộc được củng cố, đặc biệt là trong giai đoạn tranh chấp thương mại với Mỹ, tranh chấp biên giới với Ấn Độ và chiến đấu chống đại dịch COVID-19. Tập Cận Bình đã giành được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân thông qua việc “tự mình chỉ huy, tự mình bố trí”.

Sửa đổi Hiến pháp mở đường cho sự cầm quyền lâu dài của “Lãnh tụ tối cao”

Tháng 03.2018, Hiến pháp Trung Quốc được sửa đổi để loại bỏ các hạn chế về việc tái cử đối với vị trí Chủ tịch và Phó Chủ tịch nước.Theo đó, dư luận quốc tế cho rằng đây là dấu hiệu mở đường cho Tập Cận Bình có thể tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba, tạo cột mốc để Tập Cận Bình cần có để dẫn dắt Trung Quốc trong thời đại của mình -Thời đại phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa.

Trước sự kiện Trung Quốc xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước, xuất hiện nhiều ý kiến quốc tế cho rằng, Tập Cận Bình đang đánh cược tương lai của đất nước và các quỹ đạo quốc tế, vào một điều - chính bản thân ông. Thực hiện các bước đi nhằm củng cố quyền kiểm soát cá nhân đối với quyền lực có thể có tác dụng như một cơ chế tạo sự ổn định trong ngắn hạn, nhưng trong dài hạn, nó có thể làm trầm trọng thêm những căng thẳng, mà sau cùng có thể làm xói mòn quyền cai trị của chính mình. Tạo dòng nước lũ cuốn phăng mọi vật cản trên đường, nhưng chính dòng lũ cũng vô tình làm xói lở chân đê - bức tường tạo nên dòng lũ. Ông Tập Cận Bình có thể phải đối mặt với những thách thức, trở ngại lớn về quyền lực trong nội bộ.

Củng cố quyền lực của Chủ tịch Quân ủy Trung ương

Trong vấn đề nhân sự, các quan chức Thượng Hải, Chiết Giang và Phúc Kiến - những nơi Tập Cận Bình từng công tác - đã được tái bổ nhiệm. Trong quân đội, do ảnh hưởng từ các vụ án liên quan đến các cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương như Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng và nhiều nhân vật khác.Cải cách đã làm suy yếu đáng kể quyền lực của các tướng lĩnh và củng cố quyền lực của Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Đồng thời, lực lượng cảnh sát vũ trang cũng bị tách khỏi chính quyền địa phương; Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân và Quốc vụ viện phải báo cáo lên Ban Chấp Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc hàng năm.

Lập kế hoạch thu phục Đài Loan - vấn đề gai góc mà các nhà lãnh đạo tiền nhiệm chưa thể thực hiện được

Từ năm 1949, Đài Loan luôn là vấn đề nổi bật trên diễn đàn chính trị của Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo tiền nhiệm đều muốn giải quyết vấn đề Đài Loan nhằm thu phục và thống nhất Trung Quốc. Dưới thời Mao Trạch Đông, chính Thủ tướng Chu Ân Lai đã nói với Tổng thống Mỹ Nixon trong chuyến công du Trung Quốc năm 1972 là chưa thu phục được Đài Loan thì cách mạng Trung Quốc chưa thể coi là trọn vẹn. Tuy nhiên, với nhiều lý do, hơn 7 thập niên trôi qua sự nghiệp thu phục Đài Loan, thống nhất Trung Quốc chưa thể thực hiện.

Giới nghiên cứu quốc tế nhận định, có lẽ uy tín của Chủ tịch Tập Cận Bình chưa thể lên cao đến như vậy nếu không thể hiện một lập trường hết sức cứng rắn với Đài Loan trong thời gian vừa qua. Chưa bao giờ tình hình giữa 2 bờ của eo biển Đài Loan lại nóng đến vậy. Các nhà phân tích quốc tế còn cho rằng Đài Loan đã trở thành khu vực nguy hiểm nhất trên Trái đất. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của Mỹ và phương Tây, Đài Loan cũng đáp trả bằng thái độ cứng rắn không kém. Chính sự căng thẳng giữa 2 bờ eo biển Đài Loan cũng góp phần khắc họa chân dung hình ảnh Tập Cận Bình - nhà lãnh đạo đầy quyền lực của Trung Quốc trong thế giới đương đại.

3. Đưa tư tưởng vào trong Điều lệ Đảng và xây dựng Nghị quyết lịch sử gắn với tên tuổi để sánh ngang với những “lãnh tụ” tiền nhiệm

Được đưa vào Điều lệ Đảng không chỉ thể hiện tầm quan trọng về nội dung của những quan điểm, tư tưởng hay lý luận, mà còn cho thấy vị trí, vai trò, uy tín và tầm ảnh hưởng của cá nhân lãnh tụ. Tư tưởng Mao Trạch Đông được đưa vào Điều lệ Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1969, còn lý luận Đặng Tiểu Bình chỉ được đưa vào Điều lệ Đảng sau khi Đặng Tiểu Bình qua đời vào tháng 2/1997 (tháng 9/1997, Điều lệ Đảng sửa đổi lần thứ 5 của Đảng Cộng sản Trung Quốc quy định lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Mao Trạch Đông và lý luận Đặng Tiểu Bình làm kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng).

Ngày 24/10/2017, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi Điều lệ Đảng, chính thức đưa tư tưởng Tập Cận Bình vào Điều lệ Đảng. Kể từ đó, tư tưởng Tập Cận Bình đã trở thành tư tưởng chỉ đạo thứ ba của Đảng Cộng sản Trung Quốc được đặt theo tên nhà lãnh đạo, sau tư tưởng Mao Trạch Đông và lý luận Đặng Tiểu Bình.

Hội nghị Trung ương 6 khóa XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc (diễn ra từ ngày 08-11/11/2021) là Hội nghị Trung ương quan trọng cuối cùng trong nhiệm kỳ thứ hai của Tập Cận Bình. Theo một số nguồn tin, Tập Cận Bình sẽ giữ vị trí Tổng Bí thư nhiệm kỳ ba sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2022. Là người đầy tham vọng và là một trong những lãnh đạo thâu tóm nhiều quyền lực nhất trong lịch sử Trung Quốc hiện đại, trong hơn 09 năm qua, Tập Cận Bình và đội ngũ của ông đã nỗ lực hết sức để có thể sánh ngang với Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình về công lao chính trị thông qua công cuộc phục hưng dân tộc.

Tâm điểm của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIX là một nghị quyết lịch sử quan trọng, tổng kết 100 năm lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc (1921-2021). Trước kia, chỉ có Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình làm điều này.

Trong quá khứ, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thông qua hai nghị quyết lịch sử - Nghị quyết về một số vấn đề lịch sử quan trọng tại Hội nghị Trung ương 7 khóa VI năm 1945 và Nghị quyết về một số vấn đề lịch sử quan trọng của Đảng kể từ khi thành lập Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XI năm 1981. Hai văn kiện này là bản tóm tắt kinh nghiệm lịch sử và các bài học được đúc rút tại những thời điểm lịch sử then chốt mang tính bước ngoặt của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nghị quyết thứ nhất do Mao Trạch Đông soạn thảo, còn nghị quyết thứ hai đã củng cố vai trò lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình trong Đảng.

Theo các nhà sử học, hai nghị quyết lịch sử đầu tiên gắn liền với những bối cảnh lịch sử cụ thể. Nghị quyết thứ nhất được soạn thảo khi Trung Quốc vừa giành chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống phát xít Nhật và Đảng Cộng sản Trung Quốc đang tranh giành quyền lực với Quốc dân Đảng. Trong nghị quyết này, Mao Trạch Đông đã chỉ rõ những tranh chấp trong nội bộ Đảng, nhờ đó đã củng cố được sự đoàn kết trong Đảng, giành chiến thắng trong cuộc nội chiến với Quốc dân Đảng, mở đầu cho thời kỳ cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Nghị quyết lịch sử thứ hai được đưa ra sau khi Trung Quốc trải qua các biến động chính trị. Khi đó, Đặng Tiểu Bình vừa giành lại quyền lực trong Đảng và vì vậy cần tiến hành các biện pháp nhằm củng cố sự thống nhất trong Đảng, trọng tâm là đáp ứng yêu cầu về cách thức đánh giá thời đại Mao Trạch Đông và hóa giải mâu thuẫn giữa chủ nghĩa xã hội cánh tả và cánh hữu. Nghị quyết lịch sử thứ hai đã giải quyết những vấn đề trên, đồng thời đề ra biện pháp để giải quyết một loạt vấn đề khác như cách thức cải cách và mở cửa nền kinh tế hay cuộc tranh luận về ý thức hệ, từ đó mở ra thời đại Đặng Tiểu Bình.

Tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục nhấn mạnh toàn Đảng phải tuân theo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình, thuyết “Ba Đại diện”, quan điểm khoa học về phát triển, thực hiện đầy đủ tư tưởng Tập Cận Bình về CNXH đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới và bám sát lập trường, quan điểm, phương pháp của chủ nghĩa Mác đối với sự phát triển của xã hội loài người.

Như vậy, với việc xác định mâu thuẫn chủ yếu trong xã hội Trung Quốc đương đại; tăng cường củng cố quyền lực thông qua xây dựng Nhà nước Trung ương tập quyền nhằm xác lập quyền lực và hình ảnh lãnh tụ tối cao, cùng với đưa tư tưởng vào trong Điều lệ Đảng và xây dựng Nghị quyết lịch sử gắn với tên tuổi của mình, các nhà bình luận quốc tế cho rằng, Tập Cận Bình đã thành công trong việc đưa mình sánh ngang với những “lãnh tụ” tiền nhiệm. Giới phân tích quốc tế cho rằng, Tập Cận Bình mong muốn trở thành nhân vật số hai sau Mao Trạch Đông hơn là sau Đặng Tiểu Bình. Trong các bài nghiên cứu, Tập Cận Bình cũng thích dùng lời của Mao Trạch Đông hơn. Thậm chí, ngày 25/6/2021, trước lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình đã hủy bỏ một hội nghị và đến thăm Nhà Đỏ tại Đại học Bắc Kinh và Phong Trạch Viên ở Trung Nam Hải, nơi Mao Trạch Đông đã sinh sống và làm việc trong 17 năm, để tỏ lòng trung thành và kính cẩn với cố Chủ tịch.

 

Tổng hợp và biên tập: TS Nguyễn Đình Thiện, Học viện Chính trị CAND

CN Vũ Mã Sơn, Công an huyện Hải Hà-Quảng Ninh

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website