Tranh chấp lãnh thổ giữa VENEZUELA VÀ GUYANA – diễn biến và xu hướng

Phát hiện trữ lượng dầu mỏ lớn (11 tỷ thùng) năm 2015 tại Esequibo (còn được viết là Esequiba) một lần nữa lại thổi bùng ngọn lửa tranh chấp lãnh thổ giữa Venezuela và Guyana vốn đã kéo dài suốt 6 thế kỷ. Tranh chấp do lịch sử để lại cộng với nguồn lợi to lớn từ dầu mỏ cùng những động thái quân sự dồn dập đến từ cả trong và ngoài khu vực, thì trạng thái bình yên nơi đây sẽ chỉ là xu hướng tạm thời, còn nguy cơ xảy ra xung đột mới là chủ đạo.

1. Tranh chấp lãnh thổ giữa Venezuela với Guyana - “vấn đề lịch sử” để lại

Guyana được giới phân tích đánh giá là một quốc gia Nam Mỹ độc đáo nhưng ẩn chứa nhiều nghịch lý. Quốc gia nhỏ bé này là một phần của vùng Caribe, và duy trì mối liên hệ văn hóa, lịch sử và chính trị với các nước láng giềng. Đây là trụ sở của Cộng đồng Caribe (Caricom), vốn ủng hộ mạnh mẽ việc bảo vệ chủ quyền của Guyana. Tính đến nay, dân số của Guyana vào khoảng hơn 800.000 người, với diện tích 214.970 km2, đứng thứ 85 thế giới. Esequibo thuộc Guyana vốn là vùng đất yên bình nằm giáp lãnh thổ của Venezuela.

Bản đồ Guyana

Nhiều thập kỷ qua, Caracas đã tuyên bố chủ quyền ở Esequibo, vùng lãnh thổ rộng 160.000 km2, chiếm hơn 2/3 tổng diện tích Guyana và là nơi sinh sống của 125.000 người dân, tương đương gần 1/5 tổng dân số. Caracas cho rằng, sông Esequibo phải là ranh giới tự nhiên như năm 1777, dưới thời Đế quốc Tây Ban Nha. Trong khi đó Guyana, nơi có trữ lượng dầu bình quân đầu người lớn nhất thế giới cho rằng, biên giới có từ thời thuộc địa Anh và được công nhận từ năm 1899. Tình hình leo thang căng thẳng sau khi Guyana bắt đầu chuyển giao các khu vực lãnh thổ tranh chấp giàu khoáng sản để cho các công ty dầu mỏ phát triển.

Theo nhận định của báo Guardian, khu vực Caribe là bàn cờ quốc tế của những tranh chấp, sân khấu của các trò chơi địa chính trị - nơi những cường quốc thế giới lao vào một “cuộc đua giành lấy sự giàu có” cao độ trong suốt thế kỷ 15. Và hiện nay, cả Venezuela và Esequibo đang tái diễn cái gọi là “xung đột thuộc địa” giữa Anh và Tây Ban Nha 6 thế kỷ trước mà lý do cơ bản được cho là ở đây đã tìm thấy trữ lượng dầu mỏ lớn.

2. Dầu mỏ - nguồn cơn thịnh nộ thổi bùng lại ngọn lửa tranh chấp giữa Venezuela và Guyana

Năm 2017, 41% dân số Guyana sống dưới mức nghèo khổ, một dấu hiệu rõ ràng về những thách thức kinh tế xã hội. Bối cảnh kinh tế của Guyana đã trải qua một sự thay đổi rõ ràng khi các mỏ dầu thô được tìm thấy ở đây và hoạt động khoan thương mại bắt đầu vào năm 2019. Chỉ một năm sau, Guyana đạt mức tăng trưởng GDP 49% vào năm 2020, đưa quốc gia này trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Từ một trong những nước kém phát triển nhất Nam Mỹ, Guyana vươn lên vị trí thứ 3 vì phát hiện được nguồn tài nguyên dầu mỏ dồi dào với giá trị ước tính khoảng 350 tỷ USD. Tính đến năm 2021, GDP tính theo sức mua (PPP) của Guyana đạt 18,357 tỷ USD. Bình quân đầu người đạt 23.258 USD đứng thứ 91 thế giới và đứng thứ 3 khu vực Nam Mỹ. Nếu sản xuất dầu mỏ được duy trì, Guyana sẽ trở thành một trong những quốc gia sản xuất dầu hàng đầu thế giới từ nay đến năm 2030. Ngoài ra, phát hiện mỏ dầu trên đã tạo sự bổ sung đáng kể nhất cho trữ lượng dầu, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng toàn cầu kể từ những năm 1970.

Cuộc tranh chấp hàng thập kỷ về vùng đất Esequibo giữa Venezuela và Guyana được châm lửa trở lại từ khi tập đoàn Mỹ ExxonMobil phát hiện mỏ dầu trữ lượng 11 tỷ thùng tại đây năm 2015. Tranh chấp đã được đưa lên Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ). Kể từ tháng 9.2023, quân đội Venezuela bắt đầu đánh thuế các tàu thuyền đi qua sông biên giới Cayuni cung cấp hàng hóa cho dân làng Arau, khiến vật giá trong khu vực leo thang. Hiện một chai Coca-Cola ở đây có giá đến 10 USD. Giá nhiên liệu tăng cao cũng khiến nguồn điện từ máy phát giảm. Trong lúc căng thẳng với Venezuela gia tăng về vùng lãnh thổ tranh chấp Esequibo, Tổng thống Guyana Irfaan Ali hồi tháng 11.2023 đáp trực thăng lên đỉnh núi cao 2.300 m trong khu vực và treo quốc kỳ tại khu vực này. Như đổ thêm dầu vào lửa, ngày 07.12.2023, Đại sứ quán Mỹ tuyên bố rằng Mỹ sẽ tiến hành các cuộc tập trận quân sự thường kỳ ở Guyana trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Georgetown và Caracas tại khu vực tranh chấp Esequibo, một khu vực giàu dầu mỏ do Guyana kiểm soát nhưng Venezuela cũng tuyên bố chủ quyền.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro khẳng định, quyết không từ bỏ khu vực Esequibo. Ngày 04.12.2023, ông đã kêu gọi “một thỏa thuận ngoại giao công bằng, thỏa đáng cho các bên và thân thiện” đồng thời khẳng định Venezuela sẽ “lấy lại” Esequibo. Ngày 5.12.2023, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã cấp giấy phép cho Tập đoàn Dầu mỏ Nhà nước PDVSA để khai thác tài nguyên ở khu vực Esequibo giàu dầu mỏ, nơi đang vướng tranh chấp lãnh thổ với nước láng giềng Guyana. Đồng thời, trong cuộc họp Chính phủ, ông đã tuyên bố sẽ thành lập một bộ phận khu vực của PDVSA, đồng thời phải tiến hành cấp giấy phép khai thác dầu, khí đốt trong toàn khu vực Esequibo ngay lập tức.

3. Trưng cầu dân ý, tuyên bố thành lập tỉnh Guyana Esequibo, mâu thuẫn bị đẩy lên cao - nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang

Chính phủ của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đầu tháng 12.2023 đã tổ chức trưng cầu dân ý với hơn 10,4 triệu cử tri tham gia, trong đó 95% cử tri ủng hộ rằng vùng đất tranh chấp Esequibo đang do Guyana kiểm soát, thuộc về Venezuela. Kể từ đó, Venezuela bắt đầu thực hiện các thủ tục pháp lý để thành lập chính quyền ở Esequibo và yêu cầu công ty dầu mỏ quốc gia cấp giấy phép khai thác trong khu vực này. Nguyên thủ quốc gia Venezuela còn đề xuất soạn thảo một đạo luật đặc biệt “đối với tất cả các lĩnh vực” nhằm cấm ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp đang hoạt động trong khu vực dưới sự quản lý của Guyana. Venezuela cho các doanh nghiệp này thời hạn 3 tháng để rút khỏi khu vực cần được phân định này. Ngày 05.12.2023, Tổng thống Venezuela cũng tuyên bố rằng, dựa trên cuộc trưng cầu dân ý ngày 03.12.2023 vừa qua, giờ đây ông sẽ thực thi quyền lực trong khu vực và đảm bảo rằng luật sẽ được thông qua để thành lập tỉnh Guyana Esequiba.

Trước đó, ngày 04.12.2023, Ngoại trưởng Guyana Hugh Todd nói với AFP rằng Guyana sẽ tiếp tục cảnh giác với Venezuela. “Chúng tôi phải luôn cảnh giác, mặc dù chúng tôi không tin ông Nicolas Maduro sẽ ra lệnh tiến hành xâm lược, nhưng chúng tôi phải xét đến tình hình ở Venezuela, thực tế là Tổng thống Maduro cũng rất khó đoán”, Hugh Todd nói. Ngày 05.12.2023, Bộ trưởng Tư pháp Guyana Anil Nandlall đã cảnh báo rằng Guyana sẽ đệ trình vấn đề này lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nếu tranh chấp Esequibo với Venezuela trở nên trầm trọng hơn. Ông Nandlall nói với AFP: “Bất kỳ hành động hoặc nỗ lực hành động nào trong cuộc trưng cầu dân ý đều sẽ được đệ trình tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với tư cách là bên bị hại”. Ngày 8.12.2023, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), cơ quan tư pháp tối cao của Liên Hợp Quốc, đã ra lệnh buộc Chính phủ Venezuela phải “dừng mọi hành động có thể thay đổi tình hình” ở Esequibo và buộc 2 bên phải “dừng mọi hành động có nguy cơ làm trầm trọng thêm hoặc kéo dài tranh chấp”.

4. Thỏa hiệp giữa Venezuela và Guyana về khu vực Esequibo - xung đột tạm thời lắng dịu, nhưng nguy cơ tái diễn vẫn là chủ đạo

Cuộc gặp giữa lãnh đạo 2 nước trên đảo St.Vincent ở Caribe. Ảnh: AFP

Tổng thống Venezuela - Nicolas Maduro và Tổng thống Guyana - Irfaan Ali, đã đồng ý không sử dụng vũ lực và giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở khu vực Esequibo một cách hòa bình, theo đúng điều khoản của Thỏa thuận Geneva năm 1966. Tuyên bố chung khẳng định: Hai nước cam kết không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại nhau trong mọi trường hợp, kể cả những tình huống phát sinh từ bất đồng giữa hai quốc gia. Hai bên cũng nhấn mạnh rằng, mọi tranh chấp phải được giải quyết theo luật pháp quốc tế và trên cơ sở Hiệp định Geneva. Đồng thời, 2 nhà lãnh đạo cũng đồng ý thành lập một ủy ban cấp Bộ trưởng Ngoại giao để trao đổi về vấn đề Esequibo và lên kế hoạch cho cuộc gặp tiếp theo trong vòng ba tháng tới. Theo giới phân tích nước ngoài, khi Guyana xem xét một số phương án tăng cường hợp tác quốc phòng với các đồng minh, đặc biệt là Mỹ, trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ với Venezuela diễn biến nguy hiểm, có lẽ diễn biến trên đã khiến Caracas phải “chùn chân”.

Ngày 07.12.2023, Đại sứ quán Mỹ tại Guyana cho biết, Bộ Tư lệnh phía Nam của Mỹ phối hợp với Lực lượng Phòng vệ Guyana tiến hành các hoạt động không quân ở Guyana. Cuộc tập trận này là một phần trong các cam kết và hoạt động thường lệ nhằm tăng cường quan hệ đối tác an ninh giữa Mỹ và Guyana, cũng như hợp tác khu vực, Đại sứ Mỹ nhấn mạnh. “Ngoài cuộc diễn tập này, Bộ Tư lệnh phía Nam sẽ tiếp tục hợp tác với Lực lượng Phòng vệ Guyana trong các lĩnh vực phòng chống thiên tai, an ninh hàng không và hàng hải, cũng như chống các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia”, và “Mỹ sẽ tiếp tục tham gia với tư cách là đối tác an ninh đáng tin cậy của Guyana trong các vấn đề an ninh và thúc đẩy hợp tác, cũng như khả năng tương tác trong khu vực” Đại sứ quán Mỹ nêu thêm. Trước diễn biến trên, Caracas cáo buộc Tổng thống Guyan Irfaan Ali đã “bật đèn xanh” một cách “vô trách nhiệm” cho việc lắp đặt các căn cứ quân sự của Mỹ ở Esequibo và khiến tình hình khu vực thêm căng thẳng. Cùng lúc đó, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro chủ trương thành lập khu quân sự đặc biệt gần biên giới giữa 2 nước. Tranh chấp do lịch sử để lại cộng với nguồn lợi to lớn từ dầu mỏ cùng những động thái quân sự dồn dập đến từ cả trong và ngoài khu vực, thì trạng thái bình yên nơi đây sẽ chỉ là xu hướng tạm thời, còn nguy cơ xảy ra xung đột mới là chủ đạo. Và như vậy, địa chính trị khu vực Caribe một lần nữa lại đứng trước những thử thách ngặt nghèo.

Đình Thiện –  Thành Nam lớp Cao học 3 – Học viện Chính trị CAND.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website