Thỏa thuận ngừng bắn sơ bộ theo sáng kiến của Mỹ và lập trường cứng rắn của Nga

Kéo dài gần 9 tiếng, phái đoàn Mỹ-Ukraine ngày 11.3.2025 đã tiến hành đàm phán ở Jeddah (Arab Saudi) và ra tuyên bố chung nêu rõ: Ukraine “sẵn sàng chấp nhận lệnh ngừng bắn sơ bộ” theo sáng kiến của Mỹ. Lệnh ngừng bắn dự kiến có thời hạn 30 ngày sẽ có hiệu lực ngay khi Nga đồng ý và có thể gia hạn lâu hơn. Tuy nhiên, khi nội dung thỏa thuận còn chưa được biết đến, thì lập trường từ phía Nga lại tỏ ra hết sức cứng rắn như một lời cảnh cáo đanh thép đối với cả Kiev, Washington và phương Tây, báo hiệu sự không dễ dàng để đạt được một thỏa thuận.

1. Kỳ vọng gì ở “thỏa thuận ngừng bắn sơ bộ” giữa Nga và Ukraine

Hiện các nội dung trong sáng kiến ngừng bắn mà Mỹ đưa ra chưa được công bố công khai. Tuy nhiên, trang tin Tsargrad ngày 12.3.2025 đăng tải nội dung được cho là tài liệu thảo luận bí mật giữa Nga và phương Tây về một thỏa thuận ngừng bắn tiềm năng ở Ukraine. Theo đó, tài liệu gồm 10 điểm được cho là đã đạt được sự nhất trí cao giữa các bên liên quan đến kế hoạch đóng băng xung đột Nga - Ukraine từ ngày 1.5.2025.

Theo dự thảo, Ukraine phải rút quân khỏi khu vực Kursk của Nga và vùng Donbass, miền Đông nước này. Đổi lại, Nga sẽ rời khỏi khu vực Kharkov và các vùng lãnh thổ khác, ngoại trừ Kherson và Zaporizhia sẽ vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Nga.

Kiev cam kết kiềm chế tấn công vào các khu vực Nga kiểm soát. Đổi lại, Mỹ và NATO sẽ hiện đại hóa quân đội Ukraine, song Kiev vẫn phải cam kết trung lập, tuy được gia nhập EU vào năm 2030, nhưng không được gia nhập NATO.

Đồng thời, tài liệu này cũng đề cập đến việc nới lỏng một phần lệnh trừng phạt đối với Nga, cụ thể là nới lỏng ngay lập tức một số hạn chế và bãi bỏ dần dần trong vòng 3 năm. Thuế đánh vào hàng hóa Nga cũng như một phần tài sản Nga bị phương Tây đóng băng sẽ được dùng để tái thiết Ukraine. Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp và Nga sẽ đóng vai trò là bên bảo lãnh cho an ninh của Ukraine. Ukraine phải cho phép các đảng thân Nga tham gia chính trị. Ở cấp độ khu vực, tài liệu nêu, Mỹ và NATO phải giảm sự hiện diện quân sự ở Đông Âu và vùng Baltic xuống mức trước tháng 2/2022, đồng thời nối lại các cuộc đàm phán START về cắt giảm vũ khí có tính đến thực tế mới.

Sau cuộc gặp giữa 2 phái đoàn Mỹ và Ukraine, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết, kế hoạch ngừng bắn sẽ được gửi tới Nga qua nhiều kênh. Đồng thời, Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là sẽ sớm liên lạc với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong khi Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz dự kiến gặp người đồng cấp Nga trong vài ngày tới. Trong thông báo có đoạn: Mỹ sẽ thông báo với Nga rằng hành động tương xứng có đi có lại của Nga là chìa khóa để đạt được hòa bình. Giới bình luận quốc tế nhận định, đây là sự gián tiếp bày tỏ rằng Ukraine chỉ sẵn sàng thực hiện bước đi này nếu Nga cũng tuân thủ nghiêm ngặt các điều khoản của lệnh ngừng bắn. Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết Washington sẽ chuyển lời đề nghị này tới Moscow. Chúng tôi hy vọng rằng Nga sẽ trả lời càng sớm càng tốt, để chúng ta có thể tiến tới giai đoạn thứ hai, đó là các cuộc đàm phán thực sự, ông Rubio nói.

Tuyên bố chung từ Mỹ và Ukraine (11.3.2025) đề xuất phạm vi ngừng bắn trên diện rộng: "không chỉ liên quan đến tên lửa, máy bay không người lái và không chỉ ở biển Đen mà còn trên toàn bộ tiền tuyến", Tuyên bố có đoạn. Tuy nhiên, Tuyên bố không đề cập đến lãnh thổ, dù trước đó Ukraine kêu gọi Nga trả lại vùng đất bị chiếm đóng và Mỹ nói Kiev có thể nhượng lại lãnh thổ hoặc việc triển khai quân đội nước ngoài ở Ukraine để gìn giữ hòa bình. Bên cạnh đó, Tuyên bố đề cập đến nỗ lực viện trợ như một phần của tiến trình hòa bình, bao gồm "việc trao đổi tù nhân, thả những người dân thường bị giam giữ và trả lại những đứa trẻ Ukraine bị chuyển đi cưỡng bức". Đồng thời, Ukraine cũng tái khẳng định đối tác châu Âu sẽ tham gia vào tiến trình hòa bình và cả hai nước nhất trí thỏa thuận về khoáng sản cùng đất hiếm nên "hoàn tất sớm nhất có thể".

Trong tuyên bố chung, Mỹ đồng ý nối lại viện trợ quân sự và chia sẻ thông tin tình báo với Ukraine, vốn đã bị đình chỉ từ đầu tháng 3.2025. Hai nước cũng cam kết sớm hoàn tất “thỏa thuận toàn diện về phát triển nguồn tài nguyên khoáng sản quan trọng của Ukraine”.

2. Ukraine lên tiếng và lập trường cứng rắn dội lại từ phía Nga - lời cảnh báo cho cả Washington, Kiev và phương Tây

Tổng thống Zelensky cho biết Ukraine đồng ý với mọi điều khoản và nhấn mạnh: "Phía Mỹ hiểu lập luận của chúng tôi và chấp nhận đề xuất của chúng tôi". Sau đó, ông cho biết ông muốn cảm ơn Tổng thống Trump, vì tính xây dựng của cuộc thảo luận giữa các nhóm. Tổng thống Zelensky nói: "Ukraine đã sẵn sàng cho hòa bình. Nga phải cho thấy liệu họ sẵn sàng dừng xung đột hay muốn tiếp tục. Đã đến lúc sự thật được phơi bày hoàn toàn". Đồng thời Zelensky xác nhận trong bài đăng trên mạng xã hội rằng: "Yếu tố quan trọng của cuộc trò chuyện ngày hôm nay là sự sẵn sàng của Mỹ trong việc khôi phục hỗ trợ phòng thủ cho Ukraine, cũng như hỗ trợ tình báo". Nghị sĩ Ukraine Lesia Vasylenko cho biết thêm: "Chúng ta cần phải chờ xem điều gì sẽ xảy ra, nhưng rõ ràng đây là tin tốt. Nếu chúng ta có thể khiến người Nga đồng ý ngừng bắn trong 30 ngày, thì những người lính của chúng ta ở tiền tuyến sẽ được nghỉ ngơi".

Bình luận về kết quả đàm phán Mỹ-Ukraine ở Arab Saudi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova 12.3.2025 tuyên bố, “lập trường của Nga không hình thành ở nước ngoài do thỏa thuận hoặc nỗ lực của các nước khác. Lập trường của nước Nga được hình thành trong nước Nga và bởi nước Nga”, thông tấn RiaNovosti đưa tin. Đây là tín hiệu phát đi cho thấy Nga vẫn bảo lưu quan điểm riêng về điều kiện và cách thức chấm dứt xung đột ở Ukraine. Bà Zakharova cho biết thêm, Moscow “không loại trừ khả năng liên lạc với đại diện của Mỹ trong vài ngày tới”.

Trước đó, tháng 2.2025, trong cuộc phỏng vấn dịp 3 năm xung đột ở Ukraine nổ ra, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov khẳng định Moscow theo đuổi một thỏa thuận hòa bình có thể “giải quyết gốc rễ” xung đột chứ không đơn thuần tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn chóng vánh, đồng thời nhấn mạnh thêm: “Chúng tôi đã nhấn mạnh (với phía Mỹ) rằng, một lệnh ngừng bắn mà không đi kèm giải pháp lâu dài sẽ chỉ khiến xung đột nhanh chóng bùng phát trở lại với hậu quả thậm chí thảm khốc hơn, bao gồm cả hậu quả với quan hệ Nga-Mỹ. Chúng tôi không muốn như vậy”.

Phó chủ tịch Thượng viện Nga Konstantin Kosachev tuyên bố, quan điểm của Nga về ngừng bắn “khác biệt” quan điểm của Mỹ. “Nga đang duy trì đà tiến công. Mọi thỏa thuận sẽ được chúng tôi đưa ra chứ không phải Mỹ”, ông Kosachev nói. Mikhail Sheremet - thành viên ủy ban an ninh Hạ viện Nga cùng ngày phát biểu trên RiaNovosti rằng, “Nga và Mỹ tương đồng lập trường về việc đã đến lúc chấm dứt xung đột và cuộc chiến ở Ukraine nên được thay thế bằng một nền hòa bình lâu dài”. Tuy nhiên, Nga không tin vào ý định của Kiev, bởi họ không nói về hòa bình mà chỉ nói về lệnh ngừng bắn tạm thời… Ukraine có thể lợi dụng khoảng tạm dừng xung đột để tái tập hợp lực lượng và sau đó kích động rồi thổi bùng xung đột trở lại”, ông Sheremet tuyên bố.

 

Điện Kremlin ngày 12.3.2025 tuyên bố, Nga cần được Mỹ thông báo tóm tắt về kết quả cuộc đàm phán giữa Mỹ và Ukraine tại Arab Saudi trước khi bình luận về việc liệu Moscow có chấp nhận đề xuất ngừng bắn hay không. Các cuộc tiếp xúc với phía Mỹ đã được lên kế hoạch trong những ngày tới, "trong thời gian đó Nga hy vọng sẽ nhận được thông tin đầy đủ", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết.

Các nguồn thạo tin cho biết, Moscow sẽ đưa ra các điều kiện cho bất kỳ lệnh ngừng bắn nào và đề nghị một số đảm bảo. Điện Kremlin không coi kế hoạch ngừng bắn 30 ngày mà Ukraine và Mỹ thảo luận hôm 11.3.2025 là có thể chấp nhận được vì không đủ để đáp ứng các lợi ích của Nga. Giới bình luận quốc tế nhận định, Nga đang tìm cách đảm bảo kết quả thuận lợi nhất cho họ để củng cố vị thế của Điện Kremlin trước khi bắt đầu đàm phán. Moscow dường như sẽ nhấn mạnh vào các điều khoản dài hơn hoặc các đảm bảo bổ sung để tránh nguy cơ xung đột nhanh chóng tái diễn.

3. “Lệnh ngừng bắn sơ bộ” liệu có đạt được và khả năng “sống sót” của thỏa thuận này

Liên quan đến hòa bình ở Ukraine, đã từng có thỏa thuận Minsk với sự tham gia của 4 nước vùng Normandy (Đức, Pháp, Nga và Ukraine). Thỏa thuận Minsk I được ký ngày 5.9.2014Thỏa thuận Minsk II được ký vào ngày 12.02.2015. Thỏa thuận lần hai bao gồm cả ngừng bắn, trao đổi tù binh, rút vũ khí hạng nặng khỏi mặt trận, cải cách hiến pháp Ukraina để trao quyền tự trị cho một số khu vực ở Donbass. Tuy nhiên, dù chiến sự sau đó có giảm, nhưng với những cáo buộc lẫn nhau về việc vi phạm thỏa thuận và Nga khẳng định quyền lợi không được bảo đảm dẫn tới thỏa thuận không được thực thi trong thực tế. Nhiều chuyên gia nhận định, thỏa thuận Minsk đã “chết” ngay từ khi nó chưa được ký kết.

Trước kỳ vọng về thỏa thuận ngừng bắn lần này với sự trung gian của Mỹ có thể đạt được và hy vọng về tương lai của một nền hòa bình cho Ukraine, giới bình luận quốc tế hiện có nhiều nhận định khác nhau. Theo chuyên gia nghiên cứu Kateryna Stepanenko thuộc Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), rất khó đạt để Nga và Ukraine đạt được hòa bình trong năm 2025 nếu Điện Kremlin vẫn giữ nguyên quan điểm ban đầu là yêu cầu Ukraine giữ thế trung lập về chính trị và công nhận bốn vùng lãnh thổ Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye cũng như bán đảo Crimea thuộc về Nga. Đối với Moscow, đây là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào và ít có khả năng sẽ lùi bước trước những yêu cầu này.

Bà Anne-Marie Slaughter - cựu Giám đốc hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ lại cho rằng, dù hi vọng vào một nền hòa bình lâu dài là khá xa vời nhưng hai bên tham chiến sẽ "đạt được lệnh ngừng bắn có thể kéo dài thành hòa bình lạnh", tương tự trường hợp của Triều Tiên và Hàn Quốc. "Lệnh ngừng bắn sẽ mang lại cho Nga và Ukraine thời gian nghỉ cần thiết sau một thời gian dài giao tranh, trong khi ông Trump có thể hiện thực hóa tuyên bố về việc chấm dứt xung đột của mình. Điều này không giống với việc thiết lập hòa bình, bởi xung đột có thể trở lại bất kỳ lúc nào", bà Slaughter nói.

Nhóm cố vấn của ông Trump được cho là có ý định sẽ sử dụng sức mạnh quân sự của Mỹ như một động lực nhằm thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn, đe dọa cắt đứt nguồn viện trợ dành cho Ukraine nếu Tổng thống Zelensky từ chối đàm phán và ngược lại sẽ tăng đáng kể các nguồn lực này trong trường hợp không nhận được cái gật đầu của nhà lãnh đạo Nga Putin. Bằng cách này, chính quyền tiếp theo của Mỹ hi vọng cuộc chiến ở Ukraine sớm chấm dứt.

Nhìn vào thực tế trên chiến trường, Tiến sĩ Jamie Shea thuộc Chương trình An ninh Quốc tế, Chatham House cho rằng một thỏa thuận ngừng bắn là giải pháp tốt nhất dành cho Nga và Ukraine, dù là trong ngắn hạn. Tình trạng thiếu hụt vũ khí, nhân lực nghiêm trọng của hai bên tham chiến cùng với áp lực đẩy nhanh tiến trình từ Tổng thống D.Trump và phương Tây có thể sớm buộc hai bên tham chiến cùng ngồi vào bàn đàm phán.

Tuy nhiên, một câu hỏi lớn khác đối với Mỹ, NATO và EU là làm thế nào để ngăn chặn xung đột quay trở lại, cũng như bình thường hóa quan hệ với Moscow và tránh biến châu Âu thành một phe tham chiến trực tiếp vẫn là vấn đề không dễ có câu trả lời xác đáng. Một nhà phân tích chính trị thế giới cảnh báo: Trước khi đặt bút ký vào một lệnh ngừng bắn, các bên cần chuẩn bị tinh thần cho khả năng xung đột sẽ quay trở lại sau trạng thái đóng băng. Bởi điều này khiến số phận của một nền hòa bình ở Ukraine sau đó càng trở nên bấp bênh. Và nếu để điều này xảy ra, sự sống của thỏa thuận sẽ trở nên ngắn ngủi như lời cảnh báo của cựu Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga - ông Vladimir Milov: Bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào xuất hiện vội vàng ở thời điểm này cũng dễ đổ vỡ, tương tự như các thỏa thuận Minsk trước đây.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ukraine nhất trí đề xuất ngừng bắn 30 ngày của Mỹ, chờ “tín hiệu” từ Nga, https://cand.com.vn/the-gioi-24h/ukraine-nhat-tri-de-xuat-ngung-ban-30-ngay-cua-my-cho-tin-hieu-tu-nga-i761595/

2. Nga phát “tín hiệu” cứng rắn về đàm phán Mỹ-Ukraine ở Arab Saudi, https://cand.com.vn/the-gioi-24h/nga-phat-tin-hieu-cung-ran-ve-dam-phan-my-ukraine-o-arab-saudi-i761641/

3. Nga và Ukraine có thể đạt thỏa thuận ngừng bắn sau vài ngày nữa, https://dantri.com.vn/the-gioi/nga-va-ukraine-co-the-dat-thoa-thuan-ngung-ban-sau-vai-ngay-nua-20250313060243873.htm

4. Thỏa thuận ngừng bắn Nga - Ukraine do Mỹ đề xuất có gì? https://vtcnews.vn/thoa-thuan-ngung-ban-giua-nga-va-ukraine-do-my-de-xuat-co-gi-ar931116.html

5. Nga và Ukraine có thể chấm dứt xung đột vào năm 2025? https://vov.vn/the-gioi/nga-va-ukraine-co-the-cham-dut-xung-dot-vao-nam-2025-post1145542.vov

 

Nguyễn Đình Thiện - Trần Kim Hoàng

 

 

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website