Từ khi làm Tổng thống (31.12.1999) đến nay, công cuộc khôi phục lại vị thế nước Nga của V.Putin chưa từng ngơi nghỉ. Hơn 2 thập niên nắm quyền lãnh đạo cao nhất Putin không những “mở rộng biên giới lãnh thổ” mà dưới một góc nhìn khác còn nâng tầm ảnh hưởng của Nga trên trường quốc tế. Tuy nhiên, được, mất là cặp quan hệ song trùng nên cái giá phải trả cho những thắng lợi của ông cũng không hề rẻ. Ban biên tập Chuyên mục Nghiên cứu quốc tế cổng Thông tin điện tử Học viện Chính trị Công an nhân dân biên tập chùm bài viết về Nước Nga trong thời đại Putin.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Kỳ 1: Thập niên “lầm đường, lạc lối” của Nga sau khi Liên Xô tan rã (1991-2000);
Kỳ 2: Thăng trầm quan hệ Nga-Mỹ trong thời đại Putin
Kỳ 3: Quan hệ Nga-Trung và những nước cờ chiến lược
Kỳ 4: Mở rộng lãnh thổ và tầm ảnh hưởng sang phía Đông – Putin xác lập lằn ranh đỏ trong quan hệ với NATO
Kỳ 5: Thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Nga trong thời đại Putin
Kỳ 6: Được - mất một cách nhìn từ chính sách đối ngoại của Putin
Kỳ 7: Khó khăn, thách thức và dự báo tình hình nước Nga thời gian tới
Thập niên “lầm đường, lạc lối” của Nga sau khi Liên Xô tan rã (1991-2000) (Kỳ 1)
Với diện tích 17.075.400 km2, Nga là quốc gia lớn nhất thế giới trải rộng qua 11 múi giờ và chiếm tới 1/9 diện tích toàn cầu. Sau khi Liên Xô tan rã, Tổng thống đầu tiên của Nga Boris Yeltsin muốn dựa vào phương Tây để cải cách chính trị, phát triển kinh tế với mong muốn khôi phục vị thế hùng mạnh một thời của Liên Xô trước đây mà nước Nga được thừa hưởng. Tuy nhiên, đó là định hướng hết sức sai lầm khi dựa vào “kẻ thù” để cầu mong giúp đỡ phát triển. Nhìn lại lịch sử, các nhà bình luận cho rằng, đây chính là thập niên “lầm đường, lạc lối” của Nga sau khi Liên Xô tan rã.
1. Cải cách trong hoảng loạn - Nga ngả về phương Tây và mong chờ sự giúp đỡ của phương Tây
Nhận ra sự chậm trễ và lạc hậu của mình vào những năm cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, Liên Xô đề ra chính sách cải tổ và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu cũng thực hiện cải cách. Cải tổ và cải cách nhằm mục tiêu tăng tốc về kinh tế và thực hiện chế độ “dân chủ” rộng rãi hơn. Tuy nhiên, sai lầm khi sa vào chủ nghĩa đa nguyên, đa đảng đối lập đã dẫn đến buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, gây tâm lý hoang mang, dao động trong đông đảo quần chúng, dẫn đến hỗn loạn xã hội. Kết cục là, cuối năm 1991, lịch sử thế giới đương đại chứng kiến “cơn lốc” địa chính trị, Liên Xô - thành trì vững chắc của hệ thống xã hội chủ nghĩa ra đời và tồn tại hơn 70 năm đã hoàn toàn sụp đổ. Đánh giá về sự kiện trên, trong Thông điệp Liên bang năm 2005, Tổng thống Nga V.Putin cho rằng: “Liên Xô tan rã là tai họa chính trị nghiêm trọng nhất của thế kỷ XX. Đối với nhân dân Nga, đó là một bi kịch thực sự”.
Sau khi Liên Xô tan rã, Nga là nước kế thừa phần lớn di sản để lại, nhưng là sự kế thừa một Liên Xô đã bị mất đi 23,8% lãnh thổ, 48,5% dân số, 41% GDP, 39,4% tiềm lực công nghiệp, 44,6% năng lực quân sự. Đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, xã hội rối ren, an ninh, trật tự rối loạn. Đặc biệt là vị thế, uy tín của Nga sau khi Liên Xô tan rã đã suy giảm hết sức nghiêm trọng. Trong bối cảnh sau sụp đổ “đầy hoảng loạn”, Nga mà người đứng đầu là Tổng thống Boris Yeltsin đã tiến hành cải cách đất nước trên nhiều phương diện.
Về thể chế chính trị, Nga hoàn toàn từ bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa theo mô hình Liên Xô, thay đổi trở thành quốc gia theo chế độ liên bang dân chủ với hình thức quản lý của nước cộng hòa. Như vậy, một thể chế chính trị từng được ví như rường cột, khung sắt của chế độ xã hội chủ nghĩa trên toàn thế giới đã không còn sau 74 năm tồn tại.
Về thể chế kinh tế, từ thể chế của nền kinh tế kế hoạch hóa của Liên Xô, Nga đã chuyển sang mô hình thể chế kiểu mới với sự kết hợp giữa chỉ đạo kế hoạch hóa của Chính phủ và cơ chế kinh tế thị trường. Đặc biệt, trong những năm đầu của thập niên 90, khi phe dân chủ với đại diện là Tổng thống Nga Boris Yeltsin nắm quyền đã tìm cách áp dụng mô hình của Mỹ và các nước phương Tây. Nga đã mời các chuyên gia về dân chủ và kinh tế thị trường của Mỹ và các nước châu Âu trực tiếp tham gia xây dựng phương án cải cách chính trị và kinh tế. Phương án cải cách chính trị và kinh tế chủ yếu của Nga ở thời điểm đó đều phải được sự ủng hộ ngầm của Mỹ. Boris Yeltsin thậm chí không hề giấu giếm khi đề xuất muốn trở thành thành viên, đứng vào hàng ngũ của phương Tây.
2. Sức ép từ phương Tây với mưu đồ làm cho Nga tiếp tục tan rã
Trong bối cảnh Nga bị thất thế và phụ thuộc phương Tây, khi đó, kẻ thắng trận là Mỹ, với tư cách “bề trên” đã đặt ra những đòi hỏi hà khắc với thái độ ngạo mạn, yêu cầu Nga phải cải cách theo sự chỉ đạo của Mỹ và phương Tây.
Về chính trị, Mỹ đòi Nga phải xây dựng thể chế “tam quyền phân lập” giống Mỹ. Tức là quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp phải tách rời nhau. Nói cách khác mô hình quyền lực thống nhất trên cơ sở phân định 3 quyền lập, hành, tư pháp trước đây bị phá bỏ.
Về kinh tế, phương Tây yêu cầu Nga thông qua các liệu pháp sốc thực hiện thị trường hóa toàn diện, đồng thời đưa ra “củ cà rốt” cam kết cung cấp viện trợ kinh tế to lớn, ép Nga thả nổi giá hàng hóa và thực hiện tư hữu hóa trong thời gian ngắn. Đồng thời, họ ép Nga phải trả giá đắt bằng sự hy sinh to lớn lợi ích quốc gia, dân tộc để được đứng vào hàng ngũ quốc gia dân chủ, có nền kinh tế thị trường...
Về quân sự, phương Tây yêu cầu Nga phải giảm bớt khả năng đe dọa các nước bằng cách giảm bớt lượng vũ khí chiến lược, nhất là tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân. Đồng thời, buộc Nga phải từ bỏ những căn cứ quân sự đang đặt ở nước ngoài, nhất là những căn cứ chiến lược có khả năng khống chế, đe dọa an ninh của Mỹ và phương Tây.
Mặc dù, Nga đã chấp nhận sự hy sinh và đánh đổi, nhưng Mỹ và các nước phương Tây khác vẫn không yên tâm với “bậc hậu sinh nhiệt tình” sùng bái chính trị và thể chế kinh tế phương Tây. Không những thế, Mỹ còn làm tất cả để hỗ trợ lực lượng chính trị và ly khai dân tộc ở Nga chống lại chính quyền Trung ương, ra sức chia rẽ nước Nga nhằm xóa bỏ hoàn toàn mối đe dọa của “tảng đá lớn” đối với vị trí siêu cường duy nhất của Mỹ và sự “an toàn” của đồng minh.
Kỳ vọng càng cao, thất vọng sẽ càng lớn, trải qua thất bại của chương trình “phương Tây hóa”, “dân chủ hóa” và “thị trường hóa” dưới sự chỉ đạo của Mỹ và EU trong gần một thập niên, nước Nga đã ý thức được rằng, đi theo Mỹ và phương Tây không phải là lựa chọn khôn ngoan, mà chính là sự “lầm đường, lạc lối”. Thực tế chứng minh, cho dù Nga có chịu khuất phục Mỹ và phương Tây về chính trị như thế nào, cũng đều khó thay đổi bản chất chiến lược của họ là kiềm chế, làm suy yếu và mong muốn nước Nga tiếp tục tan rã. Bởi phải mất gần hơn nửa thế kỷ cùng sự hao tổn lớn về cả vật chất và tinh thần, Mỹ và phương Tây mới xóa bỏ được trật tự thế giới 2 cực để thiết lập trật tự thế giới đơn cực với 1 siêu cường duy nhất – Mỹ. Và một lẽ đương nhiên, Mỹ không thể duy trì trật tự thế giới nhất siêu, đa cường nếu tồn tại một nước Nga rộng lớn, hùng mạnh nằm vắt qua cả 2 lục địa Á-Âu. Mục tiêu làm cho nước Nga tan rã vốn đã được Mỹ xác định từ rất sớm trong Chỉ lệnh của Hội đồng an ninh quốc gia No.Sc-20/11 ngày 18.8.1948. Chỉ lệnh nhấn mạnh: “Bất kể thể chế chính trị nào ở nước Nga, sẽ không thể để quốc gia này phát triển tiềm lực kinh tế đủ mạnh có thể trở thành nguy cơ đối với quyền bá chủ thế giới của Mỹ. Nước Nga tương lai chỉ có thể duy trì tiềm lực quân sự hạn chế và phải phụ thuộc vào Mỹ”.
Sau khi Liên Xô tan rã, năm 1995, Tổng thống Mỹ đương nhiệm lúc đó là B.Clinton đã phê chuẩn Chiến lược ứng xử với Nga. Chiến lược xác định: “Trong thập kỷ tới, chúng ta sẽ tiếp tục làm tan rã nước Nga thành các quốc gia nhỏ bằng cách kích động các cuộc chiến tranh và xung đột sắc tộc, tương tự như quá trình làm tan rã Liên bang Nam Tư, và sẽ thiết lập các thể chế chính trị theo sự sắp đặt của Mỹ tại những quốc gia mới hình thành từ sự tan rã nước Nga”.
Năm 1997, phát biểu tại Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, cựu Cố vấn an ninh quốc gia Zbignev Brezinski nhấn mạnh: “Cần tiếp tục làm tan rã nước Nga thành các quốc gia nhỏ hơn với dân số và tiềm lực không đáng kể. Chỉ bằng cách đó, phương Tây mới dễ bề sai khiến họ”.
Sau cú sốc “gây choáng”, Nga dần nhận ra âm mưu, thủ đoạn ẩn đằng sau những tuyên bố “mỹ miều” và “chiếc bánh vẽ không lồ” mà các nước phương Tây đứng đầu là Mỹ “dành tặng” cho nước Nga vĩ đại. Mỹ và phương Tây tiếp tục xiết chặt vòng vây, cô lập nước Nga, tìm thời cơ “hạ nốc ao đối thủ”. Nước Nga trong thời đại Yeltsin (1991-1999) phải gồng mình chịu đựng, cố gắng cải thiện quan hệ, tìm cách thoát ra khỏi vòng vây. Thế nhưng, càng cố gắng vùng vẫy bao nhiêu, thì dường như chiếc thòng lọng quấn quanh cổ nước Nga của Mỹ và phương Tây ngày càng xiết chặt hơn bấy nhiêu.
3. Putin trở thành Tổng thống Liên bang Nga - sự lựa chọn sáng suốt mang tính lịch sử
Trong bối cảnh đó, chính Tổng thống Boris Yeltsin đã nhận ra rằng sự định hướng sai lầm cùng những biện pháp nóng vội của mình là nguyên nhân khiến Nga lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện. Uy tín của Tổng thống Yeltsin suy giảm trầm trọng. Với 248/450 phiếu thuận, ngày 21.8.1998 Hạ viện Nga đã chính thức đề nghị B.Yeltsin từ chức. Tiếp đó, ngày 15.5.1999, Duma quốc gia Nga đã tiến hành luận tội Tổng thống với những cáo buộc về nguyên nhân dẫn đến sự tan rã Liên Xô; làm tan rã quân đội Nga; gây ra cuộc chiến tranh ở Cheshnya và thảm họa dân số Nga…
Như vậy, B.Yeltsin được xem như mắc hàng loạt sai lầm cực kỳ nghiêm trọng. Dường như Tổng thống Nga đã nhận ra rằng chiến lược dựa vào phương Tây của ông đã hoàn toàn thất bại. Nước Nga cần một người đứng đầu thông minh, đủ bản lĩnh để đối phó với Mỹ và phương Tây; nước Nga cần một người dày dạn chính trường để ổn định lại và từng bước khôi phục vị thế nước Nga trên trường quốc tế. Trong lúc tận cùng của sự cùng quẫn ấy, B.Yeltsin lại có sự lựa chọn hết sức sáng suốt là ký quyết định bổ nhiệm V.Putin làm Thủ tướng Nga ngày 08.8.1999. Để rồi sau 4 tháng 23 ngày kể từ ngày làm Thủ tướng, V.Putin chính thức bước lên vũ đài chính trị với quyền lực cao nhất - Tổng thống Liên bang Nga (31.12.1999). Và từ đây, vận mệnh lịch sử của dân tộc Nga được trao vào tay Tổng thống V.I Putin.
TS Nguyễn Đình Thiện - Học viện Chính trị CAND