Thành tựu kinh tế, xã hội Trung Quốc sau một thập niên cầm quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình (Kỳ 2)

Tháng 11/2012, ông Tập Cận Bình đã được Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc bầu làm Tổng Bí thư, đại diện cho cho thế hệ lãnh đạo thứ 5 của Trung Quốc. Sau một thập kỷ lãnh đạo, hiện thực hóa “Giấc mộng Trung Hoa” - phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa, Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, đối ngoại… ngày càng có vị thế trên trường quốc tế. Bài viết này đề cập ở khía một số thành tựu kinh tế - xã hội Trung Quốc sau gần một thập niên cầm quyền chủ Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Từ Tư duy kinh tế đến Tư tưởng kinh tế mới

Sau một thời gian dày tăng trưởng cao và “nóng” liên tục, dưới sự tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, giai đoạn 2008 - 2012 kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu suy giảm. Nhu cầu tiêu dùng bên ngoài đối với hàng hóa Trung Quốc còn yếu, xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn; các dòng tiền “nóng” rút khỏi thị trường; kết cấu kinh tế mất cân đối về đầu tư - tiêu dùng chưa được giải quyết, thậm chí còn tăng thêm…Trước thực trạng trên, việc giữ ổn định tăng trưởng được đặt ra đối với Trung Quốc. Tăng trưởng không ổn định sẽ dẫn đến hàng loạt bất ổn khác về: thu nhập, lao động việc làm, trật tự xã hội và khả năng cạnh tranh quốc gia... Do đó, ngay sau khi lên nắm quyền, lãnh đạo Trung Quốc đã đặt nhiệm vụ “ổn định tăng trưởng” lên hàng đầu trong điều tiết vĩ mô, đưa ổn định tăng trưởng lên vị trí quan trọng hơn.

Để giải quyết những tồn tại đặt ra, các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc mà hạt nhật là Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình xác định sự cần thiết phải cải tổ nền kinh tế, chú trọng hơn nữa vào tăng nhu cầu và năng suất trong nước, đồng thời, quyết liệt triển khai những chủ trương, chính sách hợp lý, giúp cải tổ đất nước Trung Quốc. Và theo nhiều nhà nghiên cứu kinh tế, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình tư duy kinh tế mới được hình thành, được gọi là Tư duy kinh tế Tập Cận Bình. Theo đó, được thể hiện ở những chủ trương, luận thuyết về chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng và hiệu quả, tìm kiếm động lực mới cho tăng trưởng và phát triển kinh tế Trung Quốc, trong đó tuyến chính là cải cách cơ cấu trọng cung, hóa giải các rủi ro thách thức, đưa Trung Quốc trở thành cường quốc thế giới ở những điểm cơ bản sau: (1) đổi mới chính trị tạo động lực cho đổi mới kinh tế, những góc khuất của kinh tế không thể được che lấp bằng quyền lực. Điều này thể hiện qua sự liên kết giữa chiến dịch làm trong sạch bộ máy công quyền với chính sách tái cơ cấu nền kinh tế. Sự quyết liệt trong phòng chống tham nhũng và lạm quyền đã giúp cho những kế hoạch hành động của chính quyền không chỉ là tiền khả thi mà được thực thi quyết liệt, khi quyền lực được kiểm soát – minh bạch chính trị. (2) giải quyết hậu quả vấn đề phát triển “nóng” dựa trên tăng trưởng tín dụng – vay nợ để đầu tư phát triển; Đưa kinh tế Trung Quốc lớn về quy mô sang mạnh về tiềm lực với chính sách tái cơ cấu lại nền kinh tế. (3) đảm bảo được sự độc lập khi chủ trương, chính sách luôn song hành cùng biện pháp thực hiện và công cụ hỗ trợ. (4) mua bán và sáp nhập bởi các nhà đầu tư Trung Quốc để tạo ra một “nền kinh tế mình ong xác ve” lớn bên ngoài biên giới Trung Quốc; Thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và xây dựng hệ thống các công cụ tài chính đủ mạnh, giúp cho việc hiện thực hóa sáng kiến “Vành đai và con đường” trở nên khả thi hơn bằng nội lực.

Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 10/2017) đã xác lập Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới với mục tiêu đến năm 2035 cơ bản hoàn thành hiện đại hóa, trở thành cường quốc hiện đại hóa vào giữa thế kỷ XXI. Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới được đưa vào Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc, trở thành tư tưởng chỉ đạo đối với sự nghiệp cải cách, mở cửa, xây dựng hiện đại hóa ở Trung Quốc.

Hội nghị Công tác kinh tế trung ương Trung Quốc tháng 12/2017 đã lần đầu tiên, giới nghiên cứu, lý luận Trung Quốc đưa ra khái niệm “Tư tưởng Tập Cận Bình về kinh tế xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc thời đại mới”. Đây được coi là sự “kết tinh lý luận” của 5 năm thực tiễn thúc đẩy phát triển kinh tế Trung Quốc và là thành quả mới nhất của kinh tế học chính trị Trung Quốc sau nhiệm kỳ đầu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình. Nội hàm cơ bản của tư tưởng kinh tế tập trung theo hướng chuyển đổi phương thức, phát triển và tăng trưởng; động lực phát triển và tái cơ cấu nền kinh tế theo phương châm “sáng tạo, hài hòa, màu xanh, mở cửa, cùng hưởng”, trong đó tinh thần xuyên suốt là “cải cách trọng cung”. Tư tưởng này có điểm nhấn chính là: (1) Kiên trì tăng cường sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với công tác kinh tế, đảm bảo nền kinh tế Trung Quốc phát triển theo đúng hướng. (2) Kiên trì tư tưởng phát triển lấy nhân dân làm trung tâm, quán triệt thúc đẩy bố cục tổng thể “5 trong 1” và bố cục chiến lược “4 toàn diện”. (3) Kiên trì thích ứng, nắm chắc và dẫn dắt trạng thái mới trong phát triển kinh tế, dựa trên đại cục, nắm vững quy luật. (4) Kiên trì thúc đẩy thị trường phát huy vai trò mang tính quyết định trong phân phối các nguồn lực, phát huy tốt hơn nữa vai trò của Chính phủ, kiên quyết loại bỏ những trở ngại về cơ chế, thể chế đối với phát triển kinh tế. (5) Kiên trì thích ứng với sự thay đổi của những mâu thuẫn chủ yếu trong phát triển kinh tế của Trung Quốc, hoàn thiện điều tiết vĩ mô, tùy cơ ứng biến, đưa ra biện pháp thích hợp, lấy cải cách cơ cấu nguồn cung làm tuyến chính trong công tác kinh tế. (6) Kiên trì chiến lược mới về phát triển kinh tế, nhằm thẳng vào những vấn đề cụ thể, tạo ra ảnh hưởng to lớn đối với phát triển kinh tế xã hội của Trung Quốc. (7) Kiên trì sách lược và phương pháp công tác đúng đắn, đạt được tiến triển trong khi vẫn giữ vững sự ổn định, duy trì trọng tâm chiến lược, kiên trì tư duy giới hạn đỏ, tiến bước một cách vững chắc.

Tư tưởng kinh tế nêu trên gắn với việc xây dựng hệ thống kinh tế hiện đại hóa. Điểm căn bản là Đi sâu cải cách kết cấu trọng cung; đẩy nhanh xây dựng nhà nước kiểu sáng tạo; thực thi chiến lược chấn hưng nông thôn; thực thi chiến lược phát triển hài hòa khu vực; đẩy nhanh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường XHCN; thúc đẩy cục diện mới mở cửa toàn diện. Hệ thống kinh tế hiện đại hóa là cốt lõi của kinh tế Trung Quốc trong mục tiêu cường quốc của mình.

Thành tựu kinh tế nổi bật

Sau gần hai nhiệm kỳ, Trung Quốc đã vượt Mỹ và trở thành quốc gia giàu có nhất thế giới, với tài sản ròng lên tới 120 nghìn tỷ USD vào năm 2020, so với 90 nghìn tỷ của Mỹ. Vượt lên là nền kinh tế có quy mô GDP lớn thứ 2 thế giới. Là một phần quan trọng của “Giấc mộng Trung Hoa”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề ra mục tiêu đưa Trung Quốc bước vào “xã hội khá giả” năm 2021 - nhân kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCS Trung Quốc và trở thành quốc gia hiện đại toàn diện vào năm 2049 - nhân kỷ niệm 100 năm thành lập nước CHND Trung Hoa. 

Kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCS Trung Quốc vừa qua, Trung Quốc tuyên bố thực hiện thành công xoá nghèo tuyệt đối và cơ bản bước vào “xã hội khá giả”. Theo đó, Trung Quốc cho rằng 10 năm qua, gần 100 triệu người đã thoát khỏi tình trạng đói nghèo, đồng thời ca ngợi đây là một “chiến thắng toàn diện” và sẽ “đi vào lịch sử”.

Từ 2012 đến nay kinh tế Trung Quốc đạt được nhiều thành tựu. Tốc độ phát triển cả giai đoạn đạt tăng trưởng cao giao động từ 6,5 - 9%. Theo đó GDP từ 8000 tỷ USD (2011) tăng lên 16.640 tỷ USD (2021). Nhất là giai đoạn 2013 - 2018, tốc độ tăng trưởng bình quân GDP của Trung Quốc trong giai đoạn là 7,1%, trong khi mức tăng trưởng trung bình của toàn cầu là 2,6% và của các nền kinh tế đang phát triển là 4%. Mức đóng góp trung bình của Trung Quốc vào tăng trưởng kinh tế thế giới khoảng 30%, lớn nhất trong tất cả các quốc gia và cao hơn cả mức đóng góp của Mỹ, EU và Nhật Bản(4). GDP của Trung Quốc năm 2016 đã đạt 10.730 tỷ USD, hoàn thành sớm hơn 4 năm mục tiêu GDP năm 2020, tăng gấp 4 lần năm 2000.

Thu nhập của người dân được nâng cao, với mức bình quân đầu người tăng từ 6.316USD/người năm 2012 lên 8.147 USD/người năm 2016 và 10.500 USD/người năm 2020, tỷ lệ tăng hằng năm là 7,4%. Số người nghèo ở nông giảm mạnh, còn ở mức trên 20 triệu người nghèo. Mạng lưới an sinh xã hội đã được hình thành rộng khắp. Bảo hiểm dưỡng lão xã hội đã bao phủ tới 900 triệu dân, bảo hiểm y tế cơ bản đã tới hơn 1,3 tỷ người dân.

Sáng tạo trở thành định hướng và giải pháp quan trọng trong chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế của Trung Quốc. Mức chi cho nghiên cứu và phát triển (R&D) đã tăng 52,2% kể từ năm 2012, đạt 1.570 tỷ NDT vào năm 2016. Tỷ lệ chi tiêu cho R&D trong GDP đã tăng từ 1,91% lên 2,11% (giai đoạn 2016 - 2020). Số lượng các đơn xin cấp bằng sáng chế mà Trung Quốc nhận 69% kể từ năm 2012 và luôn đứng đầu thế giới trong những năm gần đây.

Từ năm 2013, Trung Quốc đã trở thành quốc gia hàng đầu trên toàn cầu về doanh số bán rô-bốt công nghiệp. Cường quốc rô-bốt sẽ là một nhiệm vụ chiến lược để Trung Quốc thúc đẩy mạnh mẽ Chiến lược “Made in China 2025”. Năm 2016, Trung Quốc đầu tư cho R&D là 1.567,67 tỷ NDT và không ngừng tăng lên. Năm 2016, trong số 53 doanh nghiệp khoa học công nghệ tiến hành IPO trên thế giới (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu), Trung Quốc có 18 doanh nghiệp. Trung Quốc trở thành nước xuất khẩu các sản phẩm khoa học công nghệ cao đứng đầu châu Á. Các hạng mục khoa học lớn được hoàn thành, như máy tính Thiên Hà, tàu vũ trụ Thần Châu, trạm vũ trụ Thiên Cung, máy lặn Giao Long, máy bay vận tải cỡ lớn…

Về kinh tế đối ngoại, thống kê cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc năm 2020 đã lên mức cao nhất mọi thời đại, đạt 2,6 nghìn tỷ USD. Bất chấp hệ quả từ thương chiến Mỹ Trung, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đạt đỉnh 13,6 tỷ USD trong năm. Thị phần xuất khẩu của Trung Quốc trên toàn cầu tăng lên mức kỷ lục 14,3%. Chiến lược “Vành đai và Con đường” (BRI) cho tới nay đã có sự tham gia của 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, có vai trò đối trọng với các định chế đa phương hiện có do Mỹ cầm trịch. Dự án này thậm chí còn được đưa vào hiến pháp vào năm 2017. Song song với BRI, Trung Quốc không ngừng hợp thức hoá và thể chế hoá các chiến lược nâng tầm ảnh hưởng quốc tế thông qua các sáng kiến về “Con đường tơ lụa y tế”, “Con đường tơ lụa kỹ thuật số”… Những thành công của Trung Quốc về kinh tế, xã hội và vị thế kể trên, cộng với hiệu quả phòng chống dịch Covid-19 trong tương quan so sánh với các xã hội phát triển như Mỹ và châu Âu đã khiến người dân tin tưởng hơn vào Chính phủ.

Và một số điểm sáng về xã hội

Đảng Cộng sản Trung Quốc đề cao thành tựu xóa đói giảm nghèo đạt được thời gian qua. Đây là một công cuộc quan trọng, có tính biểu tượng và ý nghĩa quyết định trong việc hoàn thành xây dựng toàn diện xã hội khá giả - mục tiêu 100 năm lần thứ nhất mà ĐCS Trung Quốc đề ra và phải hoàn thành vào dịp sinh nhật lần thứ 100 của mình. Kể từ năm 2012, Trung Quốc đã đầu tư gần 1.600 tỷ nhân dân tệ để xóa đói giảm nghèo, trong đó đầu tư của trung ương là hơn 660 tỷ nhân dân tệ. 14 thành phố giàu có ở miền Đông phải nhận hỗ trợ 14 tỉnh, khu tự trị và thành phố nghèo ở miền Tây; 307 cơ quan trung ương được chỉ định hỗ trợ 592 huyện nghèo; bộ đội đóng quân tại địa bàn hỗ trợ 4.100 làng nghèo lân cận. Trong 8 năm, 20 triệu lượt người đã được cử đến các hộ gia đình ở các làng nghèo để thu thập dữ liệu và thông tin về người nghèo; hơn 250.000 tổ (đội) công tác với hơn 3 triệu cán bộ do các cơ quan từ cấp huyện trở lên cử đến làm việc thường trực tại các làng nghèo, để mỗi hộ gia đình đều có người chịu trách nhiệm, mỗi làng đều có tổ hỗ trợ.

Xóa bỏ chính sách 1 con là một trong những thay đổi quan trọng về chính sách dân số dưới thời Tập Cận Bình. Dân số hiện tại của Trung Quốc là 1.446.143.565 người, chiếm 18,28% dân số thế giới. Trung Quốc đang đứng thứ 1 trên thế giới trong bảng xếp hạng dân số các nước và vùng lãnh thổ. Mật độ dân số của Trung Quốc là 154 người/km2. 61,43% dân số sống ở thành thị. Độ tuổi trung bình ở Trung Quốc là 38,8 tuổi. Một trong những thay đổi chính sách đáng kể là việc Trung Quốc từ bỏ chính sách một con vốn đã áp dụng trong hàng chục năm qua. Việc buộc các cặp vợ chồng chỉ có một con cùng với truyền thống thích con trai đã tạo ra sự mất cân bằng giới tính lớn. Chính sách này cũng tạo ra nhiều gánh nặng xã hội khi chỉ có một người con để chăm sóc cho cha mẹ già. Tỷ lệ dân số trên 65 tuổi của Trung Quốc đã tăng từ 8,59% năm 2011 lên trên 10% hiện nay. Các nhà nhân khẩu học không dự đoán việc từ bỏ chính sách một con sẽ dẫn đến bùng nổ sinh sản. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc sẽ phải đối mặt với vấn đề của xã hội lão hóa: chi phí y tế và phúc lợi cao, lực lượng lao động sụt giảm.

Trong giai đoạn từ 2012 đến nay, tỷ lệ thật nghiệm được kiểm soát từ 4,13% năm 2011 xuống mức 3,95%. Dù tỷ lệ thất nghiệp vẫn là mối lo ngại lớn, tăng trưởng kinh tế nói chung. Chính quyền dường như cũng đang kiểm soát tốt hơn vấn đề bất bình đẳng thu nhập. Dù vẫn là một trong những quốc gia có khoảng cách giàu nghèo lớn, khoảng cách này đã thu hẹp một chút trong gần một thập kỷ cầm quyền của ông Tập.

Sự tăng trưởng nóng của nền kinh tế Trung Quốc trong hàng thập kỷ qua đã gây ra hệ lụy về mặt môi trường. Tình trạng ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh và nhiều tỉnh thành lân cận đã đến mức báo động, Chính vì vậy, môi trường đã trở thành vấn đề lớn đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc khi Bắc Kinh nhiều lần chìm trong ô nhiễm, buộc Chính phủ phải có những biện pháp quyết liệt để giảm bớt nỗi bức xúc của người dân. Năm 2010-2015, lượng phát thải khí CO2 bình quân đầu người từ các nhà máy sản xuất, nhà máy điện than và xe cộ ở Trung Quốc đã tăng từ 6,7 tấn lên 7,54 tấn. Trung Quốc vẫn là một trong những nước phát thải khí nhà kính nhiều nhất thế giới nên ngày càng quan tâm đến vấn đề môi trường hơn trong những năm gần đây. Điều này được thể hiện qua các khoản đầu tư lớn vào năng lượng tái tạo đưa Trung Quốc đã trở thành nước dẫn đầu thế giới về sử dụng năng lượng mặt trời.

Bên cạnh những thành tựu cơ bản về kinh tế, xã hội sau gần một thập kỷ cầm quyền dưới thời Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc cũng phải đối mặt với những thành thức về kinh tế trong nước và quốc tế không nhỏ. Chuyên mục Nghiên cứu Quốc tế - Cổng Thông tin điện tử Học viện Chính trị Công an nhân dân sẽ tiếp tục đề cập ở những bài tiếp theo./.

 

                      Lê Thế Cương - Nguyễn Thị Phương, Học viện Chính trị CAND

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website