Quan hệ Việt – Mỹ nửa thế kỷ nhìn lại

50 năm qua (1973-2023), quan hệ Việt-Mỹ được xem là một trong những mẫu điển hình của sự thăng trầm từ “đối đầu thù địch” đến bình thường hóa (1995), xác lập Quan hệ đối tác toàn diện (2013) và Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững (2023). Đó là “bước tiến vượt bậc mà ngay cả người trong cuộc cũng khó mà có thể hình dung được” như lời đánh giá của cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry về quan hệ Mỹ-Việt.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Văn phòng Trung ương Đảng chiều 10.9.2023

1. Thành tựu nổi bật của quan hệ Việt-Mỹ từ khi bình thường hóa và 10 năm Đối tác toàn diện-tiền đề quan trọng để Việt Nam và Mỹ xác lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện

Sau khi Mỹ rút quân khỏi Miền Nam Việt Nam (1973), năm 1975 Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ giải phóng, thống nhất Tổ quốc. Trong hơn 2 thập niên tiếp theo (1975-1995), quan hệ Việt-Mỹ bị đóng băng và trở nên cực kỳ căng thẳng. Chính quyền Mỹ qua nhiều thế hệ lãnh đạo đã sử dụng biện pháp bao vây, cấm vận về kinh tế, chính trị với mục tiêu làm cho Việt Nam kiệt quệ về kinh tế, suy kiệt về chính trị. Không những thế, các tổ chức phản động cả ở trong và ngoài nước với sự hỗ trợ từ nước ngoài tìm cách gây bạo loạn, lật đổ chính quyền cách mạng.

Tuy nhiên, với phương châm “khép lại quá khứ, hướng đến tương lai” cùng sự nỗ lực từ cả 2 phía, Mỹ đã nhận rõ vị trí quan trọng của Việt Nam và xác định cần có sự thay đổi chính sách đối với các nước trong khu vực nhằm tập hợp lực lượng tăng cường sự hiện diện ở khu vực. Đánh giá về vị trí quan trọng của Việt Nam, hầu hết các văn bản của Mỹ đều khẳng định, mà nổi bật nhất là phát biểu của cựu Tổng thống Mỹ D.Trump tháng 11/2017 tại Đà Nẵng, xác định: Việt Nam là trái tim của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, cởi mở. Mỹ cho rằng, để tạo được lợi thế trong cạnh tranh nước lớn, cần phải tập hợp lực lượng, chiếm lĩnh những khu vực quan trọng, mà ở đó, Việt Nam là nhân tố không thể thiếu.

Ngày 3/02/1994, Tổng thống Bill Clinton tuyên bố dỡ bỏ cấm vận thương mại với Việt Nam. Ảnh: AP

Dưới thời Tổng thống B.Obama, mặc dù Mỹ chưa thực hiện toàn diện chiến lược “tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương”, nhưng việc thúc đẩy đàm phán TPP, tăng cường xây dựng hệ thống đồng minh khu vực đã cho thấy rõ xu thế chuyển dịch chiến lược sang phía Đông. Tuy nhiên, Mỹ không đầu tư nhiều vào Đông Nam Á nên có sự thiếu nhất quán trong chính sách. Giới tinh hoa Mỹ cho rằng, uy tín và ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực này bị suy giảm. Vì vậy, cần gây dựng lại lòng tin ở Đông Nam Á, thực hiện toàn diện chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, mà ở đó quan hệ Việt-Mỹ sẽ là một trong những trụ cột, nhất là xây dựng khuôn khổ an ninh ở Đông Nam Á. Tại cuộc đối thoại Indo-Pacific Dialogue-Vietnam 2018 ở Thành phố Hồ Chí Minh đầu tháng 12/2018: Đại sứ Daniel Kritenbrink khẳng định, Việt Nam giữ vai trò trung tâm và quan trọng thiết yếu trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong cuộc họp báo, cựu Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Manisha Singh tuyên bố: “Chúng tôi coi Việt Nam là một trong những đối tác trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Tất cả các nước ASEAN đều là trọng tâm của chiến lược. Thời gian qua, chúng tôi đã có một lượng lớn giao dịch thương mại và đầu tư vào khu vực, bao gồm cả Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng Việt Nam sẽ là một đối tác trung tâm của sáng kiến này cùng với các thành viên ASEAN khác”. Đánh giá của quan chức Mỹ về vị trí Việt Nam trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở rộng cùng những động thái của các quan chức cấp cao trong chính quyền J.Biden trong thời gian qua chứng tỏ Mỹ đánh giá cao tầm quan trọng địa chiến lược của Việt Nam.

Quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư: Đi cùng sự phá băng trong quan hệ ngoại giao, các hoạt động về kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước cũng ngày càng nhộn nhịp. Ngày 13/7/2000, Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ được ký kết; năm 2006, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO sau 12 năm đàm phán. Đồng thời, những cột mốc về hợp tác kinh tế giữa hai bên liên tục bị phá bởi những nấc thang và kỷ lục mới.

Là nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ là thị trường tiêu dùng khổng lồ thu hút sự quan tâm của mọi quốc gia, nhất là về thương mại. Khai thác thị trường Mỹ, kim ngạch thương mại hai chiều Việt-Mỹ đã tăng vọt từ mức 450 triệu USD năm 1995 lên 75,7 tỷ USD vào cuối năm 2019. Đặc biệt, trong năm 2020, bất chấp ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, kim ngạch thương mại song phương hai nước đã đạt mốc kỷ lục 90,8 tỷ USD và cán mốc trên 111 tỷ USD năm 2021. Tính chung trong giai đoạn 5 năm (2017-2021), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng 230%, trong khi xuất khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam cũng tăng trưởng tới hơn 175%. Năm 2022 thương mại song phương giữa 2 nước đạt hơn 123,9 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021. Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Hoa Kỳ.

Thương mại Việt-Mỹ giai đoạn 2017-2022

Đơn vị tính: Tỉ USD

Năm

Việt Nam xuất sang Mỹ

Mỹ xuất sang Việt Nam

Tổng kim ngạch thương mại

Việt Nam xuất siêu

2017

41,549715

9,342939

50,892654

32,206776

2018

47,580106

12,755720

60,335826

34,824386

2019

61,403966

14,376811

75,780777

47,027155

2020

77,072439

13,763.931

90,836370

63,308508

2021

96,327,539

15,179121

111,506660

81,148418

2022

109,400000

14,500000

123,900000

94,900000

Lợi thế của Việt Nam trong quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư với Mỹ là số lượng người Việt sinh sống tại Mỹ cao (khoảng 3 triệu người) nên có nhu cầu lớn về hàng hóa, thực phẩm mang đậm nét văn hóa truyền thống. Cùng với đó, chất lượng hàng hóa của Việt Nam cũng ngày được nâng cao đáp ứng được các tiêu chuẩn của nhiều thị trường khó tính nên có sức hấp dẫn đối với người tiêu dùng của thị trường Mỹ. Đồng thời, Mỹ cũng đề xuất các nước trong khu vực mở rộng thị trường, tìm nhiều lối ra hơn cho hàng hóa của Mỹ nhằm khắc phục tình trạng “xuất khẩu an ninh, nhập siêu thương mại” ở châu Á như cách diễn đạt của giới truyền thông. Trợ lý Đại diện thương mại Mỹ phụ trách vấn đề châu Á của Chính quyền D.Trump, Jeffrey Gerrish, từng yêu cầu các nước ASEAN nới lỏng tiêu chuẩn tiếp cận thị trường. Bản thân cựu Tổng thống D.Trump cũng nhiều lần đề cập vấn đề nhập siêu của Mỹ. Trước thực trạng đó, Việt Nam đã có những bước đi đáng ghi nhận nhằm cải thiện cán cân xuất-nhập khẩu giữa hai nước thông qua những hợp đồng lớn mà hai bên đạt được[1]. Theo đó, Việt Nam đã trở thành thị trường châu Á mới nổi nhập khẩu nhiều hàng hóa Mỹ trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức.

Nhận thức rõ, Mỹ có tiềm lực kinh tế lớn, cùng những tập đoàn kinh tế khổng lồ, có năng lực về cả tài chính, khoa học công nghệ, Việt Nam đã thu hút được nhiều nhà đầu tư Mỹ với số vốn ngày một tăng cao. Những năm qua, Mỹ luôn là 1 trong những đối tác đầu tư lớn ở Việt Nam, với khoảng 1.150 dự án đang hoạt động, với hơn 10,3 tỷ USD đầu tư trên hơn 20 lĩnh vực kinh tế, Mỹ đứng thứ 11/141 nền kinh tế có đầu tư vào Việt Nam. Hầu hết các Tập đoàn lớn nhất của Hoa Kỳ đều đã có mặt tại Việt Nam như: Exxon Mobil, Murphy Oil, Chevron, Boeing, Coca-Cola, P&G, Ford, Intel, Wal-Mart, Nike… và các tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam cũng đã bắt đầu tìm kiếm cơ hội và đầu tư lớn sang thị trường Mỹ.

Quan hệ chính trị, ngoại giao, văn hóa: Về chính trị, ngoại giao, với những nỗ lực đấu tranh không mệt mỏi từ phía Việt Nam cùng việc nhận rõ vị thế địa chiến lược Việt Nam của chính quyền Mỹ đương nhiệm khi đó, ngày 03/02/1994, Tổng thống Mỹ B.Clinton đã ký sắc lệnh xóa bỏ bao vây, cấm vận về thương mại đối với Việt Nam. Trên cơ sở đó, ngày 11/7/1995, hai nước bình thường hóa quan hệ sau hơn 4 thập niên đối đầu tàn khốc. Các hoạt động ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội được thiết lập-khối băng ngăn cách cùng sự hoài nghi giữa hai nước tan đi khá nhanh, niềm tin lẫn nhau dần hình thành và từng bước được củng cố ngày một thêm vững chắc.

Quan hệ Việt-Mỹ mỗi ngày qua đi lại có thêm những tiến triển theo chiều hướng tích cực. Cùng nhau khép lại quá khứ, hướng đến tương lai để thiết lập những mốc son trong trang sử mới mà đỉnh cao là ngày 25/7/2013, Việt-Mỹ chính thức thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện. Định vị rõ vị trí địa chiến lược và vai trò hết sức quan trọng của Việt Nam, các Tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ cầm quyền gần đây đều đến thăm và để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 2016-2020, cựu Tổng thống D.Trump đã hai lần sang thăm chính thức và lựa chọn Việt Nam là nơi tổ chức sự kiện quốc tế mang tầm chiến lược. Nhằm khai thác và phát huy địa chiến lược Việt Nam trong chính sách của Mỹ, các nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam cũng nhiều lần viếng thăm Mỹ với tình cảm chân thành, cởi mở.

Hai nước có tiếng nói chung về chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”: Nhiều năm qua, ở khu vực đã xuất hiện hàng loạt sáng kiến và chiến lược hợp tác lâu dài trên phạm vi khu vực và thế giới, bao gồm Hiệp định quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực giữa ASEAN và 6 nước đối tác, chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ, sáng kiến BRI của Trung Quốc, chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở” của Mỹ, Hiệp định quan hệ đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)... Thế giới đang chứng kiến sự hình thành không gian an ninh và phát triển mới-không gian Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Sự kết nối ngày càng chặt chẽ giữa khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương về mặt kinh tế, chính trị, văn hóa sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mới, khiến thế kỷ của châu Á trở thành thế kỷ Ấn Độ Dương-châu Á-Thái Bình Dương.

Theo giới nghiên cứu quốc tế, ở phạm vi châu Á-Thái Bình Dương, Trung Quốc được coi là đóng vai trò trung tâm. Nhưng với việc mở rộng phạm vi thành khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, sự ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ giảm bớt, với sự tồn tại của các trung tâm quyền lực Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia. Việc xác định lại phạm vi chiến lược này, giúp Mỹ không chỉ mở rộng lợi ích chiến lược cơ bản ở khu vực mà còn tạo ra một sân chơi mới giúp Mỹ dễ dàng tập hợp được lực lượng, liên kết đồng minh và đối tác phục vụ cho các mục tiêu chiến lược của mình.

Về lĩnh vực quốc phòng, an ninh: Là một trong những lĩnh vực được cho là khá “nhạy cảm” trong quan hệ giữa hai nước, nhưng các quan chức quân sự, quốc phòng và an ninh cao cấp của Mỹ như: Bộ trưởng Quốc phòng, Cố vấn an ninh quốc gia, Tư lệnh Hải quân, Không quân, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương cùng nhiều tướng lĩnh, chiến hạm của quân đội Hoa Kỳ cập cảng, ghé thăm Việt Nam. Và đương nhiên, xen kẽ là các cuộc thăm viếng của tướng lĩnh Bộ Quốc phòng, Bộ Công an của Việt Nam đến Mỹ. Thăm viếng lẫn nhau đã tạo không gian mở cũng như lòng tin từ cả 2 chiều Mỹ, Việt. Đặc biệt, sau chuyến thăm Mỹ lần đầu tiên của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2015, là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống đương nhiệm B.Obama năm 2016 cùng Sắc lệnh xóa bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam. Mặc dù có ý kiến phản đối hoặc nêu lý do trì hoãn việc ra quyết định, tuy nhiên, việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam vẫn được đưa ra đã cho thấy điều này mang lại nhiều lợi ích chiến lược an ninh, kinh tế hơn. Đây cũng được xem là bước đi cuối cùng của quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, khẳng định sự tin cậy lẫn nhau về quân sự giữa hai nước đang không ngừng tăng lên, hợp tác an ninh quốc phòng giữa hai nước đã phát triển lên tầng cao mới, mang lại một chương mới trong quan hệ ở châu Á-Thái Bình Dương. Các nhà bình luận đánh giá: Dù đây có thể chưa phải là dấu chấm hết cho quá khứ thù địch thì cũng là “dấu phẩy tương lai” mở ra một chương tươi sáng trong quan hệ giữa hai nước.

Bên cạnh đó, các hoạt động nhân đạo khắc phục hậu quả sau chiến tranh như: Tìm kiếm hài cốt, người Mỹ mất tích trong chiến tranh; xử lý chất độc dioxin… được cả hai bên nỗ lực thực hiện có hiệu quả cao. Cùng với đó là việc Hoa Kỳ hỗ trợ tàu tuần tra cho các hoạt động bảo đảm an ninh quốc gia, nhất là năng lực của các lực lượng chức năng thực thi pháp luật trên biển Việt Nam được phía Mỹ hết sức coi trọng.

Tiếp nối chính sách và những thành quả của các Chính phủ trước đây trong cải thiện quan hệ với Việt Nam, sau khi nhậm chức, chính quyền của Tổng thống đắc cử J.Biden đã phái Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin thăm Việt Nam (từ 28-29/7/2021). Trong buổi yết kiến với Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và hội đàm cùng Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, L.Austin đều thể hiện lập trường: “Mỹ cam kết ủng hộ một Việt Nam hùng cường, phồn vinh và độc lập”. Tuyên bố này không mới nhưng đáng chú ý, vì nó đi đôi với những hành động cụ thể. Kết thúc 2 ngày thăm Hà Nội, trên Twitter, Bộ trưởng L.Austin đã nhấn mạnh mối quan hệ đối tác mà ông cho là bắt nguồn từ quan hệ bền chặt giữa nhân dân hai nước và cam kết của hai bên về việc tiếp tục giải quyết các hậu quả chiến tranh một cách có trách nhiệm. Cũng trong chuyến thăm này, L.Austin đặc biệt nhấn mạnh tới tính cấp thiết về chiến lược của quan hệ đối tác giữa hai nước.

2. Xác lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Mỹ và triển vọng hợp tác “không giới hạn” giữa 2 nước

Theo giới nghiên cứu, thuật ngữ “đối tác chiến lược” lần đầu được sử dụng vào khoảng những năm đầu của thập niên 90 thế kỷ XX, để chỉ quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Từ đó, thuật ngữ này ngày càng được sử dụng rộng rãi trong đời sống chính trị, ngoại giao quốc tế. Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện là một cấp độ của quan hệ ngoại giao, còn gọi là đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Cấp quan hệ này đại diện cho một mối quan hệ đặc biệt trong quan hệ quốc tế, trong đó hai hoặc nhiều bên hình thành một liên kết với mục tiêu gắn bó lợi ích lâu dài, thúc đẩy hợp tác sâu rộng và toàn diện trên nhiều lĩnh vực có lợi cho cả các bên. Đồng thời, quan hệ này phải được xây dựng dựa trên “lòng tin chiến lược”, đánh dấu bước tiến quan trọng trong quan hệ quốc tế.

Để thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, các bên phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết, gồm: (1) Phải đối xử với nhau một cách bình đẳng và tôn trọng thể chế chính trị, hệ tư tưởng và giá trị xã hội của nhau; (2) Có một quyết tâm chính trị cao đủ để xây dựng quan hệ đối tác chiến lược; (3) Các bên cần có tương đồng về mục đích và mục tiêu, có thể chia sẻ lợi ích sống còn trong việc duy trì an ninh và thịnh vượng; (4) Các bên phải có sự thống nhất nhận thức về cách tiếp cận và nguyên tắc xây dựng quan hệ đối tác chiến lược; (5) Sự hiểu biết và thống nhất về cơ sở pháp lý cũng cần thiết để triển khai hiệu quả quan hệ đối tác chiến lược; (6) Các bên cùng nhau chia sẻ tầm nhìn về các lĩnh vực hợp tác, đặc biệt là trong các lĩnh vực có ý nghĩa chiến lược và trong việc giải quyết các thách thức khu vực và toàn cầu.

Chuẩn bị đầy đủ những điều kiện nêu trên, cùng với tư duy “Chỉ có bầu trời mới có giới hạn và vì thế quan hệ Việt-Mỹ không có lý do để giới hạn tồn tại”, khiến quan hệ Việt-Mỹ nhanh chóng phát triển, vượt qua giới hạn của cả không gian và thời gian để trở thành quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện (10.9.2023). Phát biểu tại sự kiện 2 bên nâng cấp quan hệ, Tổng thống Mỹ J.Biden khẳng định: “Việt Nam là một đối tác chủ chốt tại vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương", và chuyến công du lần này của Ông rất quan trọng và là khoảnh khắc lịch sử trong 50 năm quan hệ Việt-Mỹ, từ chiến tranh tới bình thường hóa rồi đến nâng cấp quan hệ. Theo Tổng thống J.Biden, việc Việt Nam và Mỹ xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện sẽ là động lực cho thịnh vượng và an ninh nói riêng, đồng thời đóng góp vào nỗ lực của Mỹ nhằm tương tác với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ J.Biden tuyên bố nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ thành Đối tác chiến lược toàn diện ngày 10.9.2023 (Ảnh: Dân trí)

Đáp lại nhận định, đánh giá của Tổng thống Mỹ trong hội đàm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Vì lợi ích của nhân dân hai nước và mong muốn tăng cường hợp tác nhằm mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững trong bối cảnh mới, Việt Nam hoan nghênh việc hai nước xác lập quan hệ ở tầm cao mới là Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững". Tổng Bí thư nhấn mạnh phương châm 16 chữ vàng, “Gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai” nhằm định hướng đi cho quan hệ 2 nước. Theo đó, nội hàm của mối quan hệ đối tác mới có sự kế thừa những nội dung hợp tác hiện có giữa hai nước và đưa lên tầm cao mới thông qua việc thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư theo hướng đổi mới sáng tạo là nền tảng, trọng tâm và động lực của quan hệ hai nước; tăng cường hợp tác khoa học-công nghệ là đột phá mới của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững.

Như vậy, với lòng mong mỏi của nhân dân 2 nước, cùng với những cam kết mạnh mẽ, đầy nhiệt huyết của 2 nhà lãnh đạo cao nhất của cả 2 bên, quan hệ Việt-Mỹ đã bước sang một trang mới tràn đầy động lực và sẽ phát triển xứng tầm với mức quan hệ đã xác lập. Không những vậy, cùng với thời gian và quyết tâm chính trị của cả 2 bên, quan hệ đó chắc chắn sẽ vượt ra xa hơn và đạt được những kết quả rực rỡ hơn những gì mà cả hai đang mong đợi.

Lời cảm ơn: Bài viết kế thừa kết quả nghiên cứu từ đề tại cấp bộ: Địa chiến lược Việt Nam trong chính sách của các nước lớn và những vấn đề đặt ra đối với lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam. Mã số: BNV.2021.T03.017.

 

Đình Thiện - Hồng Minh



[1]. Tháng 5/2017, sau khi tiếp Thủ tướng Việt Nam ở Nhà Trắng, Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố hai nước đã ký 13 hợp đồng mới trị giá 8 tỷ USD, có thể tăng thêm 230.000 việc làm tại Mỹ. Những thỏa thuận này bao gồm thiết bị điện của Tập đoàn General Motors, động cơ và dịch vụ máy bay trị giá 5,5 tỉ USD.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất

Liên kết website