Ngày 15.11.2023, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ J.Biden đã gặp nhau tại tại San Francisco, Mỹ. Ngay từ trước chuyến thăm, giới truyền thông quốc tế đã đánh giá là sự kiện gây chấn động dư luận toàn thế giới. Để có được cuộc gặp đó, nỗ lực của cả 2 bên là đáng kể, nhưng kết quả vẫn còn phụ thuộc vào tương lai và hiện thực hóa những cam kết giữa 2 bên vẫn còn đang là ẩn số.
Tổng thống J.Biden đón Chủ tịch Tập Cận Bình ngày 15.11.2023 tại San Francisco, Hoa Kỳ. Ảnh: Reuter
1. Nỗ lực “phá băng” quan hệ Mỹ-Trung trước chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Lên nắm chính quyền, Tổng thống J.Biden đã có sự nỗ lực đáng kể nhằm cải thiện quan hệ với Trung Quốc vốn bị xấu đi từ mấy năm về trước. Một năm trước (14.11.2022), Tập Cận Bình và Biden đã gặp nhau trước thềm Hội nghị cấp cao G20 ở Bali, Indonesia với nhiều cam kết mang tính xây dựng. Phát biểu mở đầu tại cuộc gặp, Tổng thống J.Biden nhấn mạnh, “Tôi cam kết duy trì các kênh liên lạc giữa ngài và tôi nói riêng cũng như hai chính phủ chúng ta nói chung, bởi vì hai quốc gia có rất nhiều điều mà chúng ta có cơ hội để giải quyết”. Đáp lại, Chủ tịch Tập Cận Bình nói, “Hiện tại mối quan hệ Trung - Mỹ đang ở trong tình trạng mà tất cả chúng ta đều rất quan tâm vì đây không phải là lợi ích cơ bản của hai quốc gia và hai dân tộc chúng ta, và đây cũng không phải là điều mà cộng đồng quốc tế mong đợi ở chúng ta”. Tuy nhiên, không lâu sau (từ 31.01-04.02.2023), sự cố “khinh khí cầu” của Trung Quốc bay trên bầu trời nước Mỹ và bị cáo buộc là “gián điệp” đã phá hỏng bầu không khí tương đối tốt đẹp mà cả hai bên đã cố gắng xây dựng.
Đồ họa đường đi của kinh khí cầu Trung Quốc
Để giảm căng thẳng trong quan hệ giữa 2 bên, và để Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự APEC do Mỹ đăng cai tổ chức (11.2023), Tổng thống J.Biden đã thay đổi cái nhìn toàn cảnh, khiến mọi việc dần trở nên tốt đẹp hơn. Chỉ trong vòng 6 tháng qua, Tổng thống J.Biden đã lần lượt cử các quan chức cấp cao của Mỹ gồm Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, Đặc phái viên Khí hậu John Kerry (cựu Ngoại trưởng Mỹ dưới thời B.Obama) và Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo liên tiếp đến thăm Bắc Kinh. Việc tạo ra bầu không khí mới, môi trường thuận lợi và tích cực để cuối cùng Tập Cận Bình quyết định đến thăm Mỹ là điều đáng ghi nhận trong nỗ lực “phá băng” từ phía Hoa Kỳ.
2. Toan tính chiến lược của 2 bên và kỳ vọng về những vấn đề đạt được sau cuộc gặp
Điểm đồng có lẽ là duy nhất mà cả hai đều mong muốn là quan hệ giữa 2 nước không tiếp tục xấu đi, bởi với tư cách là 2 nước lớn, quan hệ Mỹ-Trung có ảnh hưởng mạnh mẽ không chỉ đến sự phát triển kinh tế của mỗi nước, mà còn đối với cả thế giới. Đồng thời, cả 2 bên cùng đều lo sợ sự đối đầu kéo dài có nguy cơ dẫn đến chiến tranh. Henry Kissinger (cựu Bộ trưởng Ngoại giao, cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ) nói với tờ Economist vào tháng 5/2022: “Chúng ta đang ở trong tình huống kinh điển trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, trong đó không bên nào nhượng bộ chính trị nhiều hơn bên còn lại và bất kỳ sự xáo trộn nào đối với trạng thái cân bằng đều có thể dẫn đến những hậu quả thảm khốc”. Bối cảnh này khiến cả Mỹ và Trung Quốc đều hiểu rằng, không nên và không thể gia tăng căng thẳng hơn.
Hành trang Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mang đến Mỹ
Theo trang mạng Asia Times, ngày 11/11/2023, sở dĩ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể tự tin đến thăm Mỹ và gặp Tổng thống J.Biden, là bởi Trung Quốc đã có sự chuẩn bị hết sức chu đáo trên nhiều khía cạnh. Giới nghiên cứu quốc tế cho rằng, ông đã mang “4 quân bài chiến lược” đến San Francisco, gồm: (1) Sự thất bại của Ukraine trong cuộc phản công chống lại lực lượng Nga và chỉ huy nước này thừa nhận rằng cuộc chiến đã rơi vào bế tắc đã ảnh hưởng lớn đối với vị thế chiến lược của Mỹ, đồng thời đem lại lợi ích cho Trung Quốc, hiện quốc gia đã tăng gấp đôi xuất khẩu sang Nga kể từ khi chiến tranh nổ ra ở Ukraine vào tháng 2/2022. (2) “Chiến tranh công nghệ” của Mỹ với Trung Quốc đã thất bại, khi các công ty AI Trung Quốc mua bộ xử lý nhanh của Huawei thay cho chip của Nvidia và các nhà sản xuất khác của Mỹ. (3) Cuộc chiến do Hamas kích động ở Gaza vào ngày 7.10.2023 đã “biếu không” cho Trung Quốc một cơ hội để đóng vai trò lãnh đạo trên thực tế của Nam bán cầu – khu vực đối lập với Israel (một đồng minh thân cận của Mỹ). Trung Quốc hiện xuất khẩu sang thế giới Hồi giáo nhiều hơn sang Mỹ. (4) Quân đội Trung Quốc hiện đang rất mạnh sau cải tổ và đầu tư lớn cho lực lượng này dưới thời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Mỹ dường như muốn né tránh đối đầu với Trung Quốc ở Tây Bắc Thái Bình Dương cũng như ở Biển Đông, nơi được cho là đang có hàng nghìn tên lửa đất đối hạm và gần 1.000 máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 và thứ 5 của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ mang lại cho Trung Quốc lợi thế áp đảo về hỏa lực tại sân nhà.
Tuy nhiên, theo giới bình luận quốc tế, hiện Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế nghiêm trọng kể từ khi cải cách (1978). Và đây chắc chắn là lý do lớn nhất khiến Bắc Kinh không muốn chứng kiến quan hệ Trung-Mỹ nói riêng và với phương Tây nói chung tiếp tục xấu đi. Do đó, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong (người được ví như “Sa hoàng kinh tế mới của Trung Quốc” sau Lưu Hạc) và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen đã tiến hành đối thoại kinh tế và thương mại Trung-Mỹ kéo dài từ ngày 9-10/11/2023 với thời gian hội đàm kéo dài tới 10 giờ, ngay trước cuộc gặp giữa J.Biden và Tập Cận Bình. Theo Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Liêu Mân, trong hội đàm, Trung Quốc đã thẳng thắn bày tỏ mối quan ngại từ phía Mỹ về các vấn đề như: Hạn chế đầu tư giữa 2 nước; các biện pháp trừng phạt nhằm ngăn chặn doanh nghiệp Trung Quốc; kiểm soát xuất khẩu sang Trung Quốc và các mức thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc... Đồng thời, Trung Quốc yêu cầu Mỹ phải chấm dứt tình trạng trên bằng những hành động cụ thể. Trước đó (8.11.2023), tài khoản WeChat “Yuyuan Tantian” thuộc sở hữu của kênh truyền thông nhà nước CCTV Trung Quốc đã đưa ra các yêu cầu cụ thể hơn đối với quan hệ kinh tế, thương mại Trung-Mỹ, bao gồm: (1) Phải coi quan hệ về kinh tế là trên hết. Hiện Trung Quốc cho rằng, chính sách kinh tế và thương mại của Biden đối với Trung Quốc là “an ninh là trên hết, kinh tế chỉ là thứ hai”. (2) Về chuỗi cung ứng, Trung Quốc chỉ trích Mỹ tìm nguồn cung ứng từ các quốc gia là đồng minh địa chính trị, thực chất là “tách rời và phá vỡ chuỗi cung ứng” với Trung Quốc. (3) Về chất bán dẫn, Trung Quốc cho rằng, Mỹ kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn của Trung Quốc (từ tháng 10.2023), đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của Trung Quốc, nhất là với chip liên quan đến trí tuệ nhân tạo. (4) Trung Quốc yêu cầu các công ty có vốn đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ được đối xử công bằng hơn (hiện Mỹ đã đưa hơn 1.300 công ty Trung Quốc vào diện danh sách trừng phạt). (5) Trung Quốc chỉ trích và yêu cầu Mỹ ngừng bôi nhọ hoạt động kinh doanh của Trung Quốc. (6) Trung Quốc kêu gọi Mỹ ngừng tuyên truyền những luận điệu về chính sách “Ngoại giao bẫy nợ” của Trung Quốc đối với các nước đang phát triển.
Ngày 9/11/2023, Tân Hoa xã đăng bài xã luận có tựa đề “Trở về Bali, đường tới San Francisco”, kêu gọi Mỹ thực hiện lời hứa “sáu không, năm không có ý định” mà Tổng thống J.Biden đưa ra với Trung Quốc tại Bali - Indonesia năm 2022.
Theo đó, “Sáu không” gồm: Mỹ sẽ không tìm cách thay đổi thể chế chính trị của Trung Quốc; không phát động “chiến tranh lạnh mới” với Trung Quốc; không đối đầu với Trung Quốc bằng cách tăng cường quan hệ liên minh; không ủng hộ Đài Loan độc lập; không ủng hộ việc chia cắt Trung Quốc và Đài Loan, và không tìm cách “dùng Đài Loan để kiềm chế Trung Quốc”.
“Năm không có ý định”, gồm: Mỹ không có ý định gây xung đột với Trung Quốc; không có ý định cản trở sự phát triển kinh tế của Trung Quốc; không có ý định “phân tách” khỏi Trung Quốc; không có ý định cản trở tiến bộ công nghệ của Trung Quốc, và không có ý định kiềm chế Trung Quốc trên trường quốc tế.
Thông điệp ban đầu về quan hệ Mỹ-Trung được phát đi từ San Francisco
Tại San Francisco, Tổng thống Biden mở đầu: “Ngài Chủ tịch, chúng ta đã biết nhau từ lâu. Chúng ta không phải lúc nào cũng đồng ý với nhau, nhưng các cuộc gặp của chúng ta luôn thẳng thắn và hiệu quả”. Đồng thời, ông nhấn mạnh: “Tôi đánh giá cao cuộc trao đổi giữa hai chúng ta vì tôi nghĩ rằng điều quan trọng đó là hai bên hiểu nhau một cách rõ ràng để tránh hiểu lầm và thông tin sai lệch. Chúng ta cần đảm bảo cạnh tranh không biến thành xung đột và cần được quản lý một cách có trách nhiệm. Đó là điều Mỹ muốn và dự định thực hiện. Tôi cũng tin rằng đó cũng là điều mà thế giới muốn từ cả hai nước. Chúng ta cần cùng nỗ lực ứng phó với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, chống ma túy và trí thông minh nhân tạo”.
Phái đoàn Mỹ và Trung Quốc gặp nhau tại San Francisco, California, Hoa Kỳ ngày 15/11/2023. Ảnh: Reuters
Về phần mình, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Mối quan hệ Trung-Mỹ, vốn là mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới, cần được nhìn nhận trong bối cảnh rộng lớn về những thay đổi toàn cầu đang ngày càng gia tăng”. Đánh giá về diễn biến quan hệ giữa 2 nước, ông nói, “Mối quan hệ Trung-Mỹ chưa bao giờ thuận buồm xuôi gió trong hơn 50 năm qua và nó luôn phải đối mặt với những vấn đề này hay vấn đề khác. Tuy nhiên, nó vẫn tiếp tục tiến về phía trước bất chấp những vấn đề”. Và rằng, “Đối với hai nước lớn như Trung Quốc và Mỹ, việc quay lưng lại với nhau không phải là một lựa chọn. Trái đất đủ lớn để hai nước cùng thành công và thành công của nước này là cơ hội cho nước kia”, ông Tập nói thêm.
3. Khó khăn chồng chất, quan hệ Mỹ-Trung liệu có sang trang
Tuy thông điệp ban đầu được phát đi từ cuộc gặp giữa 2 bên là “luôn thẳng thắn và hiệu quả” như lời của Tổng thống Mỹ J.Biden, nhưng trở ngại và những “lằn ranh” mà mỗi bên vạch ra là không dễ thỏa hiệp và có thể vượt qua.
Một là, “vấn đề Đài Loan” vẫn là một trong những rào cản lớn quan hệ Trung-Mỹ, bởi lập trường 2 mặt của Mỹ về vấn đề này. Mặc dù, Tổng thống J. Biden đã bày tỏ “sáu không và năm không có ý định”, song Chính phủ Mỹ từ lâu đã định vị Trung Quốc là “đối thủ địa chính trị duy nhất có ý định và khả năng thay đổi trật tự quốc tế”. Gần đây nhất, Mỹ đã công khai và xác định rõ điều này trong “Chiến lược an ninh quốc gia” đầu tiên do Chính quyền J.Biden ban hành vào tháng 10/2022. Điểm mấu chốt là hình ảnh và vị thế của Trung Quốc theo cánh nhìn của Mỹ, sẽ không thay đổi dưới bất kỳ hình thức nào sau cuộc gặp giữa J.Biden và Tập Cận Bình. Đặc biệt, dù cam kết “sáu không và năm không có ý định”, nhưng chính quyền của Tổng thống J.Biden cũng đang thể hiện lập trường nước đôi khi tuyên bố: Mỹ “không khuyến khích Đài Loan giành độc lập” nhưng việc giành độc lập là “quyết định của họ”. J.Biden cũng tuyên bố rằng, Mỹ có “cam kết” bảo vệ Đài Loan và điều này khiến Bộ Ngoại giao Trung Quốc kịch liệt phản đối.
Hai là, trở ngại về kinh tế: Trước đó, trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen cũng đưa ra các yêu cầu kinh tế đối với Trung Quốc, bày tỏ việc Mỹ hy vọng thiết lập quan hệ kinh tế lành mạnh với Trung Quốc, với điều kiện Trung Quốc phải cải thiện môi trường kinh doanh cho các công ty Mỹ ở Trung Quốc để người lao động và các công ty Mỹ có thể được đối xử công bằng ở nước này. Đồng thời, với những cáo buộc Trung Quốc bất minh bạch trong quan hệ thương mại; sử dụng tình báo đánh cắp công nghệ của Mỹ; chính sách thao túng tiền tệ… cũng như tham vọng trở thành quốc gia thiết lập lại trật tự thế giới vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của giới tinh hoa và cả với người dân Mỹ, thì việc thay đổi tư duy, hàn gắn quan hệ sẽ chẳng dễ dàng.
Ba là, đối với các điểm nóng về quân sự trên thế giới: Dù đã tìm cách cải thiện quan hệ và hoan nghênh chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhưng theo giới phân tích quốc tế, điều mà Biden mong muốn bày tỏ nhất với Tập Cận Bình lần này lại dựa trên hai nỗi lo lớn của Mỹ với tư cách là “sen đầm thế giới” – cuộc chiến Nga-Ukraine và xung đột Israel-Hamas. Hai thông điệp lớn mà Nhà Trắng muốn truyền tải đến người đứng đầu Trung Quốc là: (1) Trung Quốc không được hỗ trợ Nga về mặt quân sự, đồng thời yêu cầu Trung Quốc trấn áp một số công ty và ngân hàng Trung Quốc bí mật vận chuyển thiết bị sang Nga phục vụ cuộc “Chiến dịch quân sự đặc biệt đối với Ukraine” bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Đây được xem là yêu cầu khó có thể vượt qua, bởi quan hệ Nga-Trung vốn được lãnh đạo cao nhất 2 nước xác định là “không có giới hạn”; (2) Hy vọng Trung Quốc sẽ không can thiệp vào xung đột Israel-Hamas, hạn chế xuất khẩu vũ khí sang Trung Đông và tránh kích động leo thang xung đột trong khu vực.
Lời kết
Để thực hiện những cam kết và sự kỳ vọng của cả 2 bên là điều không dễ dàng. Trước cuộc gặp, ngày 8/11/2023, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân cho biết, việc đến San Francisco của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ không “thuận buồm xuôi gió”, nhưng cũng không thể không kiểm soát, hoặc buông trôi, phó mặc cho mọi thứ diễn ra theo tự nhiên. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc hiểu rõ những trở ngại có thể gặp phải trên con đường tới San Francisco. Nhưng cả Trung Quốc và Mỹ đều hiểu rằng hai bên không thể để quan hệ trôi tự do, và cần “hai bên cùng vượt qua sự gián đoạn” như lời của Uông Văn Bân. Và như vậy, nỗ lực của cả 2 bên là đáng kể, nhưng kết quả vẫn còn phụ thuộc vào tương lai và hiện thực hóa những cam kết giữa 2 bên vẫn tiếp tục được coi là ẩn số.
Đình Thiện- Thanh Minh
Tài liệu tham khảo
1. BỐN “CON BÀI” CỦA TẬP CẬN BÌNH TRƯỚC CUỘC GẶP
VỚI BIDEN. Nguồn: TTXVN (Trang mạng Asia Times, ngày 11/11/2023).
2. KHI MỌI ÁNH MẮT ĐỔ DỒN VÀO CUỘC GẶP TẬP-BIDEN. Nguồn: TTXVN (Hong Kong 13/11/2023).